Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

“VUA THÁI” Ở CHIỀNG MAI

TT - ​Ở bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện nay nhiều người dân vẫn kể về câu chuyện của gia đình ông Cầm Oai.
                        
“Vua Thái” Cầm Oai - Ảnh tư liệu
Mọi người vẫn quen gọi ông là “vua Thái” với nhiều truyền thuyết gắn với ông.
“Vua Thái” nguyên là quan đạo binh, nhận chức từ người cha là Cầm Văn Thanh. Ông Cầm Văn Thanh chính là người đã được ông Tôn Thất Thuyết (thay mặt vua Hàm Nghi) trao cho thanh kiếm gọi là kiếm lệnh để cai quản quân đội của 12 châu người Thái xứ Tây Bắc.
“Vua Thái” Cầm Oai có một người con trai là Cầm Văn Dung (Cầm Dung) bị kết án khổ sai vì tội đầu độc công sứ Sơn La Saint Poulot (thường gọi là Xanh Pu Lốp).
Ông Cầm Dung bị giam ở nhà tù Hỏa Lò và là người tham gia tổ chức, thực hiện cuộc vượt ngục “thăng thiên độn thổ” ngày 11-3-1945.
Thanh kiếm do vua Hàm Nghi ban tặng cho dòng họ Cầm, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La - Ảnh: Hoàng Điệp
Thanh kiếm vua ban
Đặc biệt, ngoài những bộ triều phục do vua Nguyễn ban kèm những thanh kiếm cổ được gia đình cất giữ như báu vật, dòng họ này còn có một cây kiếm khác được quan đại thần Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi ban cho ông Cầm Văn Thanh, cha ruột ông Cầm Oai, để cai quản 13 châu Thái vùng Tây Bắc.
Chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh Sơn La để đề nghị xem thanh kiếm báu mà gia đình anh Kẻo gọi là “kiếm gia truyền, kiếm của quan đạo binh” ấy.
Tuy nhiên, khu vực trưng bày tại bảo tàng đang diễn ra một trưng bày chuyên đề khác nên thanh kiếm đã được cất giữ trong kho.
Anh Phạm Duy Khương, phó giám đốc Bảo tàng Sơn La, đã tra tìm mã số thanh kiếm trong số hiện vật đang được bảo tàng này lưu giữ. Theo đó, toàn bộ thông tin liên quan đến thanh kiếm có mã số 129 được ghi chú là kiếm của Tôn Thất Thuyết.
Ông Khương cũng cho biết thanh kiếm này được bảo tàng sưu tầm về đã lâu và được gìn giữ cẩn thận. Hồ sơ tại bảo tàng về thanh kiếm này thể hiện: đây là thanh kiếm của ông Tôn Thất Thuyết giao cho Cầm Văn Thanh trong giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương.
Lúc bấy giờ thực dân Pháp đàn áp rất nặng nề các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nên phong trào Cần Vương cũng tạm lắng xuống trên cả nước. Tuy nhiên ở vùng Tây Bắc các phong trào chống Pháp và yêu nước vẫn còn được duy trì nhờ vào những vị quan yêu nước.
Ðể duy trì và khích lệ phong trào Cần Vương trong giai đoạn đó, ông Tôn Thất Thuyết phụng chỉ vua Hàm Nghi lên vùng Tây Bắc (Nghĩa Lộ, Yên Bái) để chiêu mộ binh sĩ và củng cố lực lượng tại miền núi.
Dọc đường đi ông chiêu mộ được rất nhiều binh sĩ tham gia nghĩa quân phong trào Cần Vương và ông cũng nhận được sự đóng góp và ủng hộ tích cực của các tri châu và vị quan trong khu vực này.
Trong số rất nhiều vị quan trong khu vực này ủng hộ phong trào Cần Vương thì Cầm Văn Thanh tri châu Mai Sơn là người nhận được sự tín nhiệm nhất của ông Tôn Thất Thuyết.
Bởi vậy, ông Tôn Thất Thuyết đã trao thanh kiếm này cho Cầm Văn Thanh, phong cho tước quan đạo binh vào năm 1888 và giao cho chức quan cai quản về binh lính 12 châu mường của người Thái khu vực Tây Bắc.
Sau khi ông Cầm Văn Thanh chết thì trao lại kiếm cho con là Cầm Văn Oai, kế tục chức tri châu Mai Sơn của cha. Sau khi Cầm Văn Oai chết thì trao kiếm lại cho Cầm Văn Dung. Trong thời gian Cầm Văn Dung bị Tây bắt thì Cầm Văn Vinh (một người anh em cùng cha khác mẹ với Cầm Văn Dung) giữ được thanh kiếm và gia đình gọi đây là thanh kiếm gia truyền.
Thanh kiếm được đưa về bảo tàng năm 1962 do gia đình hiến tặng.
Theo lời kể của anh Cầm Kẻo, con trai ông Cầm Văn Dung, chắt của ông Cầm Văn Thanh, thì khi có kiếm lệnh trong tay ông Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Oai đã dùng nó để chiêu mộ binh sĩ và nhiều lần đánh đuổi giặc giã quấy nhiễu biên cương.
“Cha tôi nói khi đó nhìn thấy kiếm trong tay thì như nhìn thấy lệnh vua. Mà người dân không ai thích người Pháp hiện diện trên đất đai của họ, vậy nên họ âm thầm chống lại Pháp”.
Anh Kẻo cũng nói có thể nhờ có thanh kiếm đó, hoặc bằng uy tín được để lại từ đời cha đời ông nên khi ông Cầm Văn Dung ra tù và theo lời dặn của các chiến sĩ cách mạng ông đã đi vận động các châu, mường người Thái từ Phù Yên đến Mai Sơn và nhiều địa phương khác cướp chính quyền, đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập.
Ông Cầm Oai (bìa phải) và cha là ông Cầm Văn Thanh - Ảnh tư liệu gia đình
Chuyến thăm của công chúa nước Xiêm (Thái Lan)
Tuy không được tiếp xúc, được nhìn lại thanh kiếm báu khi xưa của dòng họ, của cha ông nhưng anh Cầm Văn Sơ (con trai trưởng của ông Cầm Văn Dung) vẫn giữ được hai thanh kiếm gia truyền khác được lưu giữ từ rất lâu đời.
Ông Cầm Văn Sơ là người đang được dòng họ giao cho việc nắm giữ toàn bộ những tư liệu còn sót lại của gia đình từ hình ảnh đến hiện vật.
Nhưng khi chúng tôi đến, phải chờ đến trưa ông Sơ mới đi làm về và cẩn thận mở chiếc tủ gỗ trân trọng lấy ra từng món đồ mà cha và ông nội ông đã để lại. Ðưa lên một thanh đoản kiếm có chuôi bằng sừng màu hổ phách, ông Cầm Văn Sơ giới thiệu: đây là chiếc chuôi được làm bằng sừng tê giác do công chúa của nước Xiêm tặng.
Thanh kiếm được làm bằng thép tốt và vẫn sáng bóng trên phần chuôi có khắc chữ Hán cổ được ghi chữ “quan đạo chế”.
Theo lời kể của ông Cầm Kẻo, vào khoảng năm1908, khi ông Cầm Oai đang làm tri châu Mường La, tuy chỉ là tri châu (một chức quan do nhà Nguyễn phong) cai quản một vùng nhưng ảnh hưởng của ông Cầm Oai đối với những quốc gia lân bang lại rất quan trọng: “Cha tôi kể rằng năm đó công chúa nước Xiêm sang thăm cha tôi ở Mường La và kết giao tình hữu hảo. Khi đến Chiềng Mai, bà công chúa này đã tặng cha tôi ba tượng Phật bằng đồng và một chiếc sừng tê giác”.
Ông Cầm Kẻo cũng cho biết ba tượng Phật bằng đồng này được nhiều người cho rằng làm bằng đồng đen. Tuy nhiên sau này trộm đã đột nhập nhà ông Cầm Văn Sơ lấy mất bộ tượng Phật.
Sau khi nhận tặng phẩm của bà công chúa Thái Lan là chiếc sừng tê giác, để lưu giữ kỷ niệm này ông Cầm Oai đã cho rèn một thanh kiếm ngắn bằng thép tốt và gắn chiếc sừng tê giác đó vào để làm chuôi kiếm: “Ông nội tôi đã tự tay chế tác chuôi kiếm từ chiếc sừng tê giác được tặng, những hoa văn bằng bạc được bọc trên chuôi kiếm cũng là do ông nội tôi vẽ và hướng dẫn thợ bạc, thợ rèn khảm vào. Ðối với gia đình tôi, thanh kiếm này không chỉ là kỷ niệm mà còn là câu chuyện bang giao giữa dòng họ Cầm ở Sơn La với đất nước Xiêm La”.
Ngoài kiếm lệnh vua Hàm Nghi ban cho dòng họ Cầm, Bảo tàng Sơn La hiện còn giữ nhiều sách bằng tiếng Thái do ông Cầm Oai tự viết: Quan xỏm côn (Lời người răn người), Cầm Bun Oan đi đánh giặc Chiềng Vai, công văn của chủ chi châu Cầm Văn Oai, công văn ban chức cho ông Kà Văn Sang lên chức trưởng lộc quyền quan bản Ban và nhắc nhở trách nhiệm ranh giới cai quản đất đai và bảo vệ bản mường được yên lành.
(Khải Ðịnh năm thứ 3 tháng 1 ngày 12 năm 1919. Hiện vật còn nguyên, viết bằng chữ Thái cổ có đóng dấu đỏ), công văn của tri châu Cầm Văn Oai cho Cà Văn Chăn cùng những người trong đội đi do thám tin tức tình hình ăn ở của dân tộc Mèo trong toàn tỉnh Sơn La (Khải Ðịnh năm thứ 4, ngày 6-9-1920).

Chân dung “vua Thái”


TT - Ông Vì Văn Vần, đã 92 tuổi, là người nhiều tuổi nhất bản Ban hiện nay và cũng là người rành rẽ nhất về cuộc sống gia đình vua Thái cuối cùng. Bởi cha ông Vần là người làm việc trong gia đình “vua Thái”,ông Vần được lớn lên cùng với các con vua Thái là Cầm Văn Dung và Cầm Văn Vinh.
Sách bằng tiếng Thái do ông Cầm Oai viết mà gia đình giữ lại được - Ảnh: H.Điệp
Ông Vần không chỉ giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung mà ông còn được học chữ Thái cổ, thông qua những cuốn sách mà ông Cầm Oai viết hoặc do những người trong dòng họ này viết và đã truyền qua nhiều đời.
 
 
Bản đẹp như tranh vẽ
Cho đến giờ thì bản Ban vẫn đẹp. Bởi con đường bám vào chân núi nhìn ra phía trước là cánh đồng xanh mướt có suối nước trong xanh vắt qua cánh đồng đầy tôm cá. Nhà ông Vần nằm sâu trong thung lũng của bản Ban. 92 tuổi đời, ông đã chứng kiến nhiều sự kiện, con người của bản Ban.
Theo ông Vần, sở dĩ bản Ban đẹp bởi nó vốn là nơi sinh sống nhiều đời của dòng họ Cầm, dòng họ thuộc tầng lớp quý tộc của người Thái ở Mai Sơn mà ông Vần và nhiều người dân ở đây từng gọi là “vua Thái”.
Theo lời kể của ông Vì Văn Vần thì “vua Thái” Cầm Oai là người đặc biệt, ông có khả năng thu hút được thú rừng, ông có hẳn một vườn nuôi hàng trăm loại thú rừng ở xung quanh nhà. “Tôi còn nhớ ông Cầm Oai có ôtô nhưng không bao giờ đi mà ông thường đi xe nai. Xe nai là một chiếc xe bằng gỗ có hai bánh bằng cao su nhưng nhỏ hơn xe ngựa. Một cỗ xe nai gồm bốn con nai nhỏ kéo, mỗi khi cần phải đi đâu ra khỏi bản mà không phải đi xa thì ông đều đi bằng xe nai”.
Nhưng ông Vần cũng kể ông Oai không chỉ giỏi thu hút được bầy thú rừng về sống quanh nhà mình mà còn cắt cử người chăn nuôi, chăm sóc chúng. Cứ mỗi người được giao nuôi và chăm sóc một loài vật, và vườn thú của ông Oai có đến vài chục người làm công việc chăm sóc. Bởi vậy, bầy thú cứ đến bữa ăn thì về rồi lại vào rừng, và cả bầy thú quen với nếp sống như thế.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, một người dân lớn lên ở bản Ban, kể ngày còn nhỏ ông vẫn cùng những đứa trẻ trong bản đi tắm ở con suối trước bản Ban, và đã có lần những đứa trẻ chăn trâu thuở ấy tìm thấy bạc nén dưới lòng suối. Người dân bảo đó là bạc của nhà ông “vua Thái”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc này tại bản Ban, những người dân đều nói: “Vua Thái” Cầm Oai rất giàu có, tài sản của ông không chỉ tính bằng bạc mà còn bằng những đàn thú hàng trăm hàng ngàn con mỗi loại.
Đám tang ông Cầm Oai được một nhà khảo cổ Pháp ghi hình -  Ảnh tư liệu gia đình
Viết sách răn người
Một trong những cuốn sách do ông Cầm Oai soạn thể thơ bằng tiếng Thái được rất nhiều người Thái học thuộc và dạy con cháu. “Ðó là Quan xỏm côn (lời răn người) mà ai cũng đọc để dạy cho con cháu mình học. Họ đọc và lưu truyền như thế và giờ nhiều người không còn biết đó chính là những lời viết của ông Cầm Oai” - ông Vì Văn Vần nói.
Còn bà Cầm Thị Chiêu, 76 tuổi, nguyên là cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, đang cố nhớ lại lời bài hát ca ngợi vườn thú của ông Oai bằng tiếng Thái.
“Lâu quá tôi cũng quên mất nhiều lời trong bài hát ấy rồi, nhưng đại ý bài hát kể về vườn thú có hàng trăm loài từ con kiến trên cành cây đến con hươu con nai kiếm ăn bên suối. Chúng chung sống với người và quen với tiếng sáo của ông Oai, mỗi buổi chiều sau ngày làm việc vất vả, ông Oai ngồi xe nai ra một thung lũng và thổi sáo thì hàng trăm con thú từ đâu cùng về vây quanh ông”.
Sau này vườn thú không còn, người ta cũng không còn hát bài hát về vườn thú nữa nên cũng nhiều người quên, bà Chiêu cũng quên nhiều.
Bà Cầm Thị Chiêu kể chuyện này và nói người dân khi ấy cho rằng đến con thú còn được ông Oai thuần phục và hổ báo cũng trở nên thân thiện với người thì cớ gì ông Oai lại hung dữ độc ác với những người đồng loại. Cứ như thế, tiếng tăm của “vua Thái” Cầm Oai giống như một vị “thánh” trong cộng đồng người Thái. Và khi ông Oai mất, danh tiếng của ông để lại cho người con trai là Cầm Văn Dung.
Một trong những cuốn sách ông Oai viết (ông viết liên tục trong những chuyến đi kinh lý, đi đánh giặc hay coi sóc Châu Mường đều được ông ghi chép lại) thì cuốn Quan Xỏm côn vẫn được cộng đồng người Thái sử dụng, trong đó có những câu như sau: “Nha khửn hươn pì noong lặc sáo tê kìn - Nha pìn hìn pìn phà bón hiển - Nha xiểng tan quam lài” (được ông Cầm Văn Sơ, cháu nội ông Cầm Oai, dịch nghĩa như sau: Ðừng lên nhà bạn bè (anh em) tìm tòi (trộm cắp) kiếm ăn - Ðừng leo trèo núi cao hiểm trở - Ðừng nói xấu (xúc xiểm) nhiều lời về người khác).
Đám tang ông Cầm Oai
Sau hơn 40 năm kế tập chức vụ được chuyển từ cha và bản thân ông có nhiều đóng góp cho sự yên bình và thịnh trị của khu vực Mường Mụa (Mai Sơn, Sơn La), năm 1933 ông Cầm Oai qua đời. Ðây là sự kiện được người Pháp đặc biệt quan tâm và trong ký ức của người dân như ông Vì Văn Vần thì đó là một đám tang đặc biệt chưa từng thấy.
“Ðám tang kéo dài hơn một tháng.Các Châu người Thái ở Tây Bắc đều về dự đám tang. Hằng ngày đều mổ trâu bò để cúng, còn lợn và gà vịt thì giết không biết bao nhiêu mà kể. Các Châu Mường đến viếng đám tang đều mang theo lễ vật là trâu, bò và rượu, thuốc phiện và thực phẩm. Họ dự đám tang với gia chủ và ăn uống linh đình” - ông Vần nhớ lại.
Và đám tang của ông Cầm Oai được cho là do bà Madeleine Colani, một nhà khảo cổ học có nhiều đóng góp trong vấn đề khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chụp hình và lưu giữ lại. Hiện những tấm hình này vẫn đang được lưu tại một bảo tàng bên Pháp và gia đình con cháu ông Cầm Oai có sao lại được bộ hình này.
Và để giữ thi hài trong nhà cả tháng tang ma, theo ông Vì Văn Vần, người ta đã chọn một cây gỗ lớn, khoét thân bên trong thành một chiếc quan tài rồi rải phụ liệu ướp xác bên trong, đặt “nhà vua” vào. “Không có hiện tượng xác phân hủy gì cả” - ông Vần nói.
Sau đúng một tháng để trong nhà cho con cháu tỏ hết chữ hiếu, cho những người ở xa kịp về dự lễ tang thì người ta đưa ông Cầm Oai đi hỏa thiêu. Việc hỏa thiêu được thực hiện ngoài trời, đốt bằng củi trong rất nhiều giờ sau đó. Tro cốt của ông Oai được mang sang bên kia cánh đồng và chôn bên một dòng suối. Cạnh đó có một tảng đá lớn khắc ghi tên và công trạng của ông đối với người Thái tại Mai Sơn.
Ông Oai mất, người dân Thái ở Mai Sơn, Sơn La cho biết họ luôn coi ông là vị vua cuối cùng của người Thái.

​Đầu độc công sứ Pháp

TT - Nếu “vua Thái” Cầm Oai là người mang nặng tư tưởng phong kiến thì Cầm Văn Dung (Cầm Dung), con trai ông, lại là người được đào tạo bài bản theo chương trình giáo dục của Pháp

                        
Ông Cầm Dung và vợ - Ảnh tư liệu gia đình
Ông Cầm Dung và vợ - Ảnh tư liệu gia đình
Ông đã từng được xuống Hà Nội học nên rất thông thạo tiếng Pháp và đặc biệt có uy tín với cộng đồng dân cư người Thái ở Mai Sơn.
Vụ đầu độc chấn động
Dù học Pháp và kế tập chức vụ bố chánh do người Pháp phong nhưng ông lại mang tư tưởng chống Pháp. Ông cũng không ưa công sứ Sơn La Saint - Poulot. Bởi vậy, Cầm Dung được cho là đã đầu độc người công sứ này và bị bắt.
Sự kiện này được ông Vì Văn Vần (92 tuổi, bản Ban, xã Chiềng Mai) kể rằng: “Ông Cầm Dung vốn là một người văn võ toàn tài. Ông không chỉ giỏi tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Thái mà còn giỏi võ và rất đẹp trai, thường xuyên làm thơ nên rất nhiều người ngưỡng mộ như thần tượng. Chuyện ông với bà vợ viên công sứ có tình ý gì với nhau hay không thì tôi không biết, nhưng khi xảy ra vụ đầu độc thì người Pháp cho bắt ông Cầm Dung và nói rằng do ông ấy muốn sống với vợ ông công sứ”.
Nhưng theo ông Vần, điều này là vô lý bởi vợ ông công sứ rất xấu, da đen và thấp, bà ấy lại không phải người dân tộc Thái nên rất khó có chuyện ông Dung mê bà ấy mà xui bà ấy đầu độc chồng. “Có thể đó là cái cớ người Pháp bám vào để lý giải cho việc ông Dung đầu độc Saint - Poulot” - ông Vần nói.
Còn theo tờ Hà Thành Ngọ Báo số ra ngày 23 và 25-6-1935, ngày mở phiên tòa đại hình xét xử ba bị cáo về tội đầu độc thì có bà vợ của viên công sứ.
Theo đó, cáo trạng cáo buộc Cầm Văn Dung có tình ý với vợ công sứ. Người vợ này bỏ thuốc độc hạ thủ chồng thông qua một thầy phù thủy để được chung sống với Cầm Văn Dung. Bài báo mô tả ngoài ông Dung và bà vợ viên công sứ tên Lù Thị Cam, còn một người nữa là thầy cúng đã thông đồng với nhau giết người.
Tuy nhiên, tại tòa thì bà Lù Thị Cam, Cầm Văn Dung và người thầy pháp tên Liêu Thế Hữu cho rằng người thầy pháp này chỉ giúp bà Cam làm bùa yêu vì chồng bà ít yêu bà. Thậm chí nồi xúp do Lù Thị Cam nấu cho chồng ăn có người khác ăn cùng nhưng không ai chết. Bởi vậy cả bà Cam, Cầm Văn Dung và Liêu Thế Hữu đều kêu oan.
Tại tòa, luật sư biện hộ cho ông Dung cho rằng ông Dung không giết người vì tình, và cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ ông Dung và bà Lù Thị Cam có quan hệ ái tình.
Luật sư cũng cho rằng không đủ cơ sở để buộc tội ông Dung bởi quá trình điều tra không tìm thấy chứng cứ nào chứng tỏ ông Dung có quan hệ với người phụ nữ kia.
Hà Thành Ngọ Báo mô tả rằng khi ra hầu tòa ông Dung vẫn đi giày Tây và tóc chải mượt. Trong số những người đến dự tòa có nhiều người là bạn bè mà ông đã học cùng, cũng có nhiều người đã và đang giữ những chức quan tại nhiều địa phương khác nhau.
Cuối cùng, sau hai ngày xét xử, Tòa đại hình của Pháp tại Hà Nội đã tuyên Cầm Văn Dung mức án tử hình và liên đới bồi thường cho con gái viên công sứ. Ông Dung không chấp nhận mức án này và kháng án, cuối cùng Tòa Đông Dương xử ông mức án chung thân và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội).
Đây lại là bước ngoặt mới trong sự nghiệp chính trị của ông Dung. Chính nhà tù này đã đẩy ông Dung sang phía những người tù chính trị, và ông được giác ngộ cách mạng trong nhà giam.
Ông Vì Văn Vần, người kể chuyện dòng họ Cầm ở Mai Sơn - Ảnh: Hoàng Điệp
Ông Vì Văn Vần, người kể chuyện dòng họ Cầm ở Mai Sơn - Ảnh: Hoàng Điệp
Trở thành người của cách mạng
Về việc Cầm Văn Dung trở thành người của cách mạng, một tài liệu có trong Viện Viễn Đông Bác cổ ghi rằng: “Các sử gia VN đánh giá rằng chính bằng việc bắt giữ Cầm Văn Dung mà người Pháp đã tặng cho đối thủ cộng sản của họ một đồng minh đáng giá. Khi bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, nhà quý tộc người Thái đã có quan hệ thân hữu với những nhà cách mạng VN. Danh tiếng của ông tại địa phương là một thế mạnh không thể phủ nhận đảm bảo cho sự xâm nhập của những quan điểm mới vào một miền quê vốn rất bảo thủ”.
Còn theo ông Cầm Trọng - một nhà nghiên cứu về người Thái ở Tây Bắc, trong những năm 1950 đã lan truyền câu ngạn ngữ nói rằng “giữa người Việt và người Pháp, ai có được Cầm Văn Dung thì tất sẽ có một thắng lợi được bảo đảm”.
Nhận định trên không sai và trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, ông Cầm Văn Dung đã được giác ngộ cách mạng bởi chính những người tù chính trị. Và ông chính là người tù thường phạm tạo ra cuộc vượt ngục “thăng thiên độn thổ” ở Hỏa Lò năm 1945.
Là một người có uy tín trong cộng đồng người Thái, ông Dung trở về Sơn La khi Nhật đã đảo chính Pháp ở Hà Nội và ông đã gây dựng cơ sở cách mạng tại đây, rất được nhân dân ủng hộ.
Điều này được PGS.TS Hoàng Lương (người Thái, nguyên giảng viên Trường đại học KHXH&NV Hà Nội) xác nhận: “Người Thái ở Tây Bắc VN có rất nhiều dòng họ quý tộc, là những dòng họ được vua chúa sắc phong các chức quan cai quản một vùng Thái, được người dân trong vùng kính nể, được thế tập từ đời này sang đời khác. Dòng họ Cầm ở Mường Mụa là một dòng họ quý tộc. Ông Cầm Dung là một người rất có uy tín trong cộng đồng người Thái lúc bấy giờ”.
Do có uy tín và sức ảnh hưởng lớn như vậy, ông Cầm Dung đã được cách mạng cảm hóa, trở thành một quý tộc cách mạng, có nhiều đóng góp trong việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La.
Sau khi phá ngục cùng với những người tù chính trị, ông Dung trở về nhà ở bản Ban. Tuy nhiên, khi ông bị bắt vì tội đầu độc viên công sứ Sơn La thì người nhà ông cũng bị liên lụy rất nhiều. Dù giàu có tiền bạc đầy nhà nhưng hơn 10 năm ông Dung ở tù năm nào vợ ông và các chị em gái cũng xuống thăm, và lần thăm nào cũng phải đút lót tiền cho những viên cai ngục.
Chính bởi vậy số bạc trong nhà cạn kiệt. Từ vườn thú hàng trăm loài được nuôi, từ nguồn lợi thu được từ ruộng đất mênh mông cũng như của cải tích cóp bao đời bởi vậy mà bị giảm sút. Tuy nhiên, đối với cộng đồng người Thái ở Mai Sơn thì ông Dung lại càng tăng thêm uy tín vì họ vốn không thích người Pháp hiện diện trên mảnh đất của họ.
Ông Vì Văn Vần kể rằng khi ông Dung được trở về, rất nhiều người dân đã vui mừng khôn xiết. Thậm chí có nhiều người nghe tin ông Dung vượt ngục đã đi đón ông từ rất xa.
“Bố tôi là người đã khuyên người dân ở đây đi theo và giúp đỡ cách mạng, và gần như 100% người dân đều đã đi theo ông. Sau này, trong những chuyến tản cư đi các vùng, họ cũng nghe lời ông mà bỏ ruộng vườn ở nhà để lui xuống nơi khác tránh hòn tên mũi đạn trong cuộc kháng chiến chống Pháp” - ông Cầm Văn Sơ, con trai ông Dung, kể tiếp.
Và chức vụ đầu tiên mà cách mạng giao cho ông Dung là chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La.

Người tù thường phạm



TT - Ngoài sự chuẩn bị chu đáo của những tù nhân chính trị, cuộc vượt ngục còn có sự giúp đỡ rất tích cực của một người tù thường phạm: ông Cầm Văn Dung.

                        
Ông Cầm Văn Dung (phải) tham gia thành lập chính quyền cách mạng ở Sơn La - Ảnh tư liệu

Nhớ về cuộc vượt ngục tại nhà tù Hỏa Lò cách đây 69 năm, ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên cục trưởng Cục Quân báo, người tham gia cuộc vượt ngục, cho biết ngoài sự chuẩn bị chu đáo của những tù nhân chính trị thì sự thành công của cuộc vượt ngục này còn có sự giúp đỡ rất tích cực của một người tù thường phạm, người này bị Tòa án Ðông Dương kết án khổ sai: ông Cầm Văn Dung.
Cuộc vượt ngục
Kể về cha mình, con út ông Cầm Văn Dung tên là Cầm Văn Kẻo, hiện đang sinh sống ở TP Sơn La, cho biết khi còn sống ông Cầm Văn Dung đã kể rất nhiều lần về cuộc vượt ngục này cũng như mối liên hệ giữa ông Cầm Văn Dung với một số nhà cách mạng trước đó.
“Bố tôi bị bắt vì bị cho là đã đầu độc công sứ Sơn La và bị kết án khổ sai. Bởi gia đình có tiền, và những người anh chị em trong gia đình bố tôi vẫn xuống Hỏa Lò thăm ông nên cuộc sống của ông trong tù khá thoải mái. Ông không bị cùm chân trong phòng giam mà được giao việc trông nom coi sóc các tù nhân khác. Thậm chí bố kể rằng khi ngủ ông còn có cả màn và không phải nằm trong buồng giam” - ông Cầm Kẻo kể.
Bởi nhận được sự tin tưởng của cai ngục nên ông Cầm Văn Dung được tự do đi lại trong nhà giam. Có lẽ vì điều này mà việc tiếp xúc giữa ông Dung và các tù chính trị đều rất dễ dàng.
... Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, lính Nhật tiếp quản nhà tù Hỏa Lò. Lợi dụng việc những người tiếp quản mới chưa nắm rõ được toàn bộ nhà tù nên những người tù chính trị đã gặp gỡ và bàn nhau kế hoạch vượt ngục.
Một số người đã vào nhà kho lấy chăn màn, quần áo và một số vật dụng cần thiết cho cuộc đào tẩu. Nhưng một tuyến khác đã tính đến việc vượt tường rào nhà tù để thoát ra ngoài.
Việc ông Cầm Văn Dung cùng những người tù vượt ngục ngày 11-3-1945 được ông Lê Trọng Nghĩa kể lại như sau: “Tại trại giam ở nhà tù Hỏa Lò, các tù thường phạm thường được tự do hơn các tù chính trị. Ông Cầm Văn Dung có mối quan hệ từ trước đó với ông Trần Ðăng Ninh và rất có cảm tình với các tù chính trị bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, nên ngay sau khi tôi đi gặp Cầm Văn Dung thì được ông Dung đồng ý kế hoạch vượt ngục và hỗ trợ tích cực cho kế hoạch vượt ngục này”.
Là người được giao đi gặp Cầm Văn Dung, một người có học, giỏi tiếng Hoa, tiếng Pháp và ghét Pháp, trong nhiều năm là thủ lĩnh của cánh thường phạm nhưng rất trọng anh em tù chính trị, nên ông Lê Trọng Nghĩa vẫn nhớ hình ảnh ông Dung lúc đó là một người rất có uy tín không chỉ với các tù thường phạm mà còn với cả những lính gác lính canh trong trại giam.
Sau khi gặp gỡ và bàn kế hoạch vượt ngục cùng các tù thường phạm với Cầm Văn Dung thì ông Dung đồng ý ngay. “Khi ấy cùng thống nhất xé chăn, quần áo rồi bện thành dây thừng để có thể vượt qua tường có hàng rào thép và mảnh thủy tinh cắm đầy trên tường. Chúng tôi đã bàn rất kỹ về việc lấy chăn trùm vào dây điện để không bị điện giật, trùm cả chăn lên bờ tường có cắm mảnh chai để không bị sứt chân”.
Sau khi thống nhất được chủ trương và cách làm, Cầm Văn Dung đã bàn thêm với một số tù thường phạm và danh sách những người vượt ngục được đưa ra. “Việc thực hiện đúng như kế hoạch, cứ một người tù chính trị thì một người tù thường phạm được ra. Tuy nhiên, bởi những tù thường phạm không có kỷ luật tranh nhau ra rất lộn xộn, do đó số người thoát ra ngoài không được nhiều” - ông Nghĩa kể.
Trong đêm 11-3, các ông Trần Ðăng Ninh, Vũ Kỳ, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Tuân, Lê Tất Ðắc, Nguyễn Văn Kha, Châu Ký, Nguyễn Chương, Hoàng Minh Chính... đã thoát ra ngoài từ trại thường phạm để trèo tường ra ngoài mà sau này nhiều người gọi là “thăng thiên”.
Ngay sau khi trở về Sơn La, ông Cầm Văn Dung đã tham gia cướp chính quyền và trở thành chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La.
Ông Cầm Văn Sơ (đứng) và Cầm Văn Kẻo - hai cháu nội của “vua Thái” Cầm Văn Oai - Ảnh: H.Điệp
Gặp ông Văn Tiến Dũng
Không chỉ thống nhất về chủ trương cùng các tù chính trị có cuộc vượt ngục thành công mà khi còn ở trong tù, Cầm Văn Dung đã giúp đỡ được rất nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có đại tướng Văn Tiến Dũng.
Kể về sự hi sinh và giúp đỡ của ông Cầm Văn Dung đối với mình, đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết Cầm Văn Dung được tự do đi lại trong nhà giam và được ngủ ngoài hành lang chứ không phải ngủ trong ngục. Chính vì vậy ông Dung đã có điều kiện đi lại, giao tiếp và đưa thư giúp những người tù chính trị có thể liên lạc được với nhau.
Ðại tướng Văn Tiến Dũng đã thuật việc này như sau:
“... Ông Cầm Văn Dung bị thực dân Pháp kết án tù khổ sai vì tội đầu độc tên công sứ Sơn La, ông Dung bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Tháng 8-1944, sau khi tôi bị bắt trên đê sông Ðuống (Gia Lâm) thì bọn mật thám Pháp đưa về Sở Mật thám Hà Nội.
Ông Dung lúc đó được ở ngay đầu hành lang dọc xà lim giam giữ và bọn mật thám đến lấy cung những người bị bắt.
Ông Dung đã giúp đỡ các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Ðăng Ninh trong thời gian bị tra tấn rất tàn khốc trước khi bị kết án. Ông đã tranh thủ được các tên gác của sở mật thám bằng cách đãi ăn uống, tiền và đánh bài vào buổi tối khi bọn Pháp hết giờ về nhà.
Tôi bị giam giữ và bị địch tra tấn rất ác liệt hơn hai tháng, ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Tôi không bao giờ quên sau những trận đòn gần như hết cỡ và phải bò về xà lim. Tối đến bọn Pháp về hết, người gác mở cửa thì ông Dung đưa nước, đưa quà vào cho tôi.
Và chính ông Dung cũng nói: “Sau này thắng lợi lại lên thăm Sơn La ăn cơm nếp”. Ðiều quan trọng là ông còn kiếm giấy, bút chì, chuyển hộ thư cho các đồng chí ở buồng giam khác để nhắn ra ngoài.
Sau đảo chính Nhật Pháp, tôi được Ðảng phân công thành lập chiến khu Hòa Ninh Thanh (Quang Trung), tôi được liên lạc của tổ chức Việt Minh Sơn La về báo cáo và xin ý kiến ở Nho Quan, Ninh Bình.
Tôi hỏi thăm ông Dung và viết thư cho ông tham gia gấp để chuẩn bị giành chính quyền ở tỉnh Sơn La...”.
HOÀNG ÐIỆP
______
_________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét