Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Cây nêu Tết xưa và nay của người Việt

"Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè". Ngày xưa, việc dựng nêu trong mấy ngày Tết vô cùng quan trọng và trở thành nét đẹp truyền thống trong các làng quê Việt mừng đón hội Xuân.
Về cây nêu Tết xưa
Ngày xưa, gần như đã thành tục lệ, cứ đến gần ngày 30 tháng Chạp hàng năm, quan làng đều truyền đạt giờ dựng nêu (cũng gọi lên nêu) cụ thể (do Khâm thiên giám chọn giờ lành) để dân chúng khắp nơi theo đó mà trồng trước nhà một cây nêu.
Dựng nêu (tranh dân gian, nguồn: st)
Do “giờ lành” mỗi năm đều khác nhau nên việc chấp hành nghiêm túc không thể không gặp những việc trở ngại nhất định, vì vậy triều đình đành làm ngơ, coi như nội nhật ngày 30 Tết, tất cả các nha môn, dinh thự, đền chùa và nhà dân… lên nêu vào giờ nào cũng được. Cho đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) vua chuẩn định lệ giờ dựng nêu thống nhất với giờ hạ nêu ngày mùng 7 Tết, là vào giờ Thìn, tức khoảng từ 7 giờ sáng theo đồng hồ ngày nay.

Nêu được làm bằng cây tre cao, còn tươi, trảy bỏ hết các nhánh, chỉ chừa lại phần đọt (có lá), trên ấy treo một số vật tượng trưng, gọi là “bùa nêu” để trừ tà quỷ.

Nhiều giả thuyết xưa cho rằng, nêu là biến tướng từ tục treo bùa đào của Trung Hoa. Bùa đào là một miếng ván nhỏ bằng gỗ của một loại đào đặc biệt ở núi Độ Sóc Sơn (một hòn đảo giữa biển Đông – loại “bàn đào” của bà Tây Vương Mẫu). Vì thời thượng cổ, nơi đây là chốn thường trú của hai con quỷ chúa tên là Thần Đô và Uất Lũy, hễ có quỷ nhỏ (tiểu yêu) nào làm hại nhân gian thì hai con quỷ chúa ấy bắt ăn thịt ngay. Vì vậy quỷ xấu thấy ở đâu có loại cây, gỗ ấy thì không dám bén mảng đến. Sau, người ta lại treo thêm một tấm ván gỗ đào nữa, trên ấy, một tấm viết tên Thần Đồ (trệch thành Đồ Dữ, Thần Trà, Thần Thơ, Thần Thư, Thần Dư…); một tấm viết tên Uất Lũy (trệch thành Uất Luật).
Người ta còn cẩn thận vẽ lên mỗi tấm ván một chữ bùa (một nét ngang và một nét sổ xuống như chữ thập – tương truyền do Khương Thái Công tức Khương Tử Nha chế vẽ) và ghi rõ phía dưới đó hàng chữ “Khương Thái Công tại thử” để quỷ thêm kinh sợ. Vì Khương Thái Công vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần phong Thần cho tất cả các vị linh Thần như Sơn Thần, Thổ Thần, Thủy Thần… Ông được ban cho một ngọn roi để nếu cần, trừng phạt các vị linh Thần ấy, gọi “đả thần”, nên Thần nào cũng khiếp, huống chi quỷ! (bởi quỷ vốn gặp “thần loại thường” cũng đã sợ). Và, sách Chu lễ cũng ghi “răng voi làm thành hình chữ thập, xâm vào gỗ sơ du, ném xuống sông thì thủy thần (nơi ấy) phải chết, vực sẽ biến thành gò”.
Đó là chuyện của người Trung Quốc. Ở Việt Nam, ta phóng tác làm nêu, nhưng “đồ trang trí” thì khác và phong phú hơn nhiều. Chữ bùa không đơn điệu như của Khương Thái Công, mà được cải biên thành vài chục chữ như vậy, kết dính vào nhau để nói lên tính trấn áp cương quyết, mạnh mẽ và cũng không thể không có ý “hơn hẳn” – một cách “chơi gác” – gọi là bùa “tứ tung ngũ hoành” (4 nét đứng và 5 nét ngang đè lên, song song và đều nhau) thể hiện như tấm lưới trời trừ kẻ gian (xâm lăng) khó lọt.
Chữ bùa ấy cũng không vẽ trên gỗ đào mang thần tích vu vơ, mà được Việt hóa “rất văn hóa” bằng cách thể hiện trên một tấm giấy hồng đơn (màu đỏ – cũng “đào” vậy). Lại cẩn thận treo thêm một cái khánh bằng đất nung, gió đưa, khua vào nhau kêu leng keng, vừa như thách đố, vừa như tín hiệu vui mừng kỷ niệm một thành quả lao động đạt được đầu tiên – sản phẩm đất nung, dấu ấn do chính bàn tay con người làm ra.
Cây nêu Tết xưa (tranh dân gian, nguồn: st)
Nhà nhà trồng nêu, nên các pháp sư phải cặm cụi ngồi vẽ bùa đào từng tấm một, lâu quá, không thể thỏa mãn kịp yêu cầu cùng lúc của hàng trăm, hàng ngàn khách hàng đang đều “gấp Tết”, thành ra không ít người phải ra về tay không. Ngặt nỗi không có lá bùa nêu thì coi như lương tâm mình không thật yên ổn, do đó một số người phải tự vẽ lấy. Đồ nhà làm kỹ, không thua các pháp sư chút nào. Số khác phải nhờ đến các ông thầy đồ viết liễn bán Tết vẽ giúp. Mấy thầy thuận tay “quẹt” luôn. Đường bút bay bướm gần dính liền nhau như chỉ một nét, thấy vậy những người nghèo, hoặc không mua được, cứ vào mẫu vẽ ấy mà về nhà lấy nan tre tàu (suông và giao lóng) đan theo, giống hệt!

Vẫn có kẻ thắc mắc rằng, thay thế như vậy cũng khéo và đẹp, nhưng còn chuyện “gỗ đào”? Họ giải thích: cây tre, người Trung quốc gọi là “đào chi” (cành đào) hay “đào chi trúc” hoặc “đào trúc”, loại này người ta có thể vót nan nhỏ rức, gọi “trúc tịch” hay “miệt tịch” (để đan/ dệt chiếu tre). Nếu đan theo kiểu đan đệm thì gọi “đào sanh” (đời nhà Tống, Ngụy, gọi “điệm”). Thành ra, bản thân của chữ bùa đan bằng tre đã hàm chứa cả ý của “đào”!

Cây nêu chính là khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc

"Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè".

Cây nêu từ xưa vẫn được xem là tín hiệu của một mùa xuân mới. Vế sau của câu đối xưa: “Đào phù vạn hộ cánh tân xuân” (nghĩa: Bùa đào – nêu – muôn nhà thêm xuân mới) đã xác định rõ điều đó.
Làm cây nêu đón Xuân Ất Mùi (2015) tại làng Quang Lãm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: Huyền Phương)
Sau, nhằm mục đích truyền nhau tín hiệu tâm tư sâu kín về ý nghĩa thiêng liêng của cây nêu, người ta đã khéo cách điệu, chuyển tự dạng của “tứ tung ngũ hoành” sang một hình thức khác (dứt bỏ hẳn cách hiểu mê tín dị đoan rằng, nêu không phải để trừ tà quỷ theo nghĩa đen, mà để nhắc nhau hãy quyết tâm tẩy trừ bọn phá rối – thù trong giặc ngoài, như đã có nói ở trên), bằng cách lấy cái rế (vật đươn bằng tre hoặc trúc dùng để lót nồi trách cho khỏi dính lọ – gần giống loại bùa “tứ tung ngũ hoành”) treo lên cùng với mấy miếng trầu cau têm sẵn và xâu vỏ ốc sơn vôi trắng (thay những khánh đất nung) tượng trưng xâu chuỗi bồ đề (có lẽ vào thời Phật giáo hưng thịnh). Khánh đất hoặc “xâu chuỗi bồ đề” buộc trên ngọn cây nêu, gió thổi, chúng khua nhau, chẳng những tạo nên âm thanh vui tai mà còn là tiếng động nhắc nhở bọn “tà quỷ” phải kinh sợ uy quyền của Thần Phật, tức biểu trưng cho sức quật khởi mãnh liệt sâu kín của dân tộc ta.

Về phương diện tôn giáo, chuỗi bồ đề nhắc tích (truyền) rằng, xưa, do lũ quỷ thường quấy nhiễu nên dân ta kêu cầu và được đức Phật giáng lâm, bắt lũ quỷ ấy. Chúng van lạy xin tha và hứa không dám quấy nhiễu trên phần đất của Phật. Do quá kinh sợ nên quỷ hỏi rõ dấu hiệu nơi Phật ở để tránh. Phật bảo, nơi nào có bóng cây thì không được bén mảng (bóng cây đổ đến đâu, quỷ phải nhớ mà lùi xa chỗ ấy). Từ sự tích này, chúng ta nhớ câu đối Tết của một nhà sư:

Lá phướn phất ngang trời, bốn bề đều trông nêu Phật;
Tiếng chuông kêu dậy đất, mười phương cùng tưởng pháo sư.

Đức Phật còn cho quỷ biết, nơi nào có rắc vôi trắng cũng là đất Phật. Do đó ở nông thôn, người ta thường bắt chước các sư ở chùa, rắc vôi bột quanh nhà thành hình “tứ tung ngũ hoành” hoặc chữ thập (Nho) trên những gốc cây to, lu nước, chuồng súc vật… hoặc hình cung tên bắn ra tứ phía. Họ cũng sơn vôi trên xâu vỏ ốc, cái rế, cái giỏ (đựng trầu cau và bùa nêu), treo cao khỏi đọt cây, để quỷ không đến quấy nhiễu được bằng “đường hàng không” hoặc xô té người leo cây.

Ít nghe chuyện té cây, nhưng đã có người đi dưới đất bị vấp cây nêu

Tối ba mươi nghe pháo giao thừa: Ờ Tết!
Rạng mùng một vấp nêu Nguyên đán: À Xuân!

                                                           (Câu đối của Nguyễn Công Trứ)

Dần dần đất chật người đông, nhà cửa sát khít, nền đất đã tráng xi măng hoặc lót gạch, Tết đến muốn dựng nêu thật gian khó, không khéo nêu ngã, chẳng những gây tai nạn nguy hiểm mà còn xem như điềm xui, rất hệ trọng trong năm mới nên, thay vì dựng và treo đủ các loại ấy trên cây nêu, người ta treo ngay cửa nhà, cho tiện.
Dựng cây nêu mừng Xuân là nét văn hoá truyền thống của người Việt (Ảnh Huyền Phương)
Cây nêu, một biểu tượng cực kỳ độc đáo của tiền nhân trong chí hướng quyết tâm giữ đất, trừ gian. Cũng là một cách nêu cao tinh thần quật khởi, giành giữ lấy chủ quyền và nền độc lập dân tộc. Nhìn cây nêu, chúng ta không thể không bàng hoàng trầm tư suy nghiệm sức sống mãnh liệt của cha ông ngày trước phải đương đầu với biết bao loài quỷ dữ (bọn  giặc xâm lược); và cả đến điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên để tự tồn.

Nếu ngày xưa cây nêu cao ngất biểu hiện tinh thần bất khuất, ngạo nghễ của tiền nhân thì lá cờ độc lập tung bay trước gió xuân ngày nay, chính là một cách thay thế và kế tục ý chí kiên cường ấy.
Cây nêu trước cổng làng Quang Lãm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: HUyền Phương)
Ngày nay, du xuân trên khoảng đường làng chưa đầy cây số, ta cũng luôn gặp cây nêu reo mừng trước gió. Đó chính là hình tượng sống thực, sinh động nhất, hạnh phúc nhất do chính nhân dân dựng lại để, vừa tô điểm trời xuân, vừa nhắc nhở những trang sử vàng son một thời của cha ông ta ngày trước.
Nguyễn Hữu Hiệp (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét