Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Hồn Tết trên vùng đất đầu nguồn Nam Bộ

Ngày trước, bà con nông dân vùng đất đầu nguồn Nam Bộ đón Tết từ cả ba bốn tháng trước. Nhà nhà đều chăm sóc vật nuôi rất chu đáo, liệu lượng sao cho đến Tết heo đúng tạ, gà vừa ký.
Việc đồng thì ngoài những giống gieo sạ thông thường, bà con trồng thêm vài liếp rau cải, cấy thêm vài công lúa nếp loại giống sớm để kịp thu hoạch đúng Tết. Với đặc sản này, họ dùng đặt rượu đế, quết cốm dẹp, hoặc xay bằng cối đất, hay giã bằng chày trên cối gỗ để nấu mâm cơm cúng ông bà, chế biến thức ăn, làm bánh…
Bánh chưng An Giang.
Điều đặc biệt là bà con không chịu mang đến nhà máy xay lúa (khi đã có nhà máy), cũng không chịu trao đổi với các ghe “lúa đổi gạo” rao mời hàng ngày khắp các kinh rạch. Theo họ, xay, đổi để ăn thì được, nhưng để cúng kiếng thì không. Bà con cho rằng, tự tay mình làm ra hạt gạo đem dâng cúng Tổ tiên mới nói lên được đầy đủ lòng thành hiếu thảo, và cũng nhằm tránh hàng xóm dị nghị, chê cười.
Bánh phồng Phú Mỹ, sản phẩm làm bằng gạo nếp nổi tiếng  của An Giang.
Bánh tét nhưn (nhân) mỡ, đặc sản của xã Tân Trung, An Giang.
Chúng ta đều biết Tết là ngày hội lớn của toàn dân tộc, nên “chương trình Tết” đâu đâu cũng hướng về nguồn cội. Vui Tết nhưng không quên công ơn trời biển của tổ tiên, của các anh hùng dân tộc. Trong tinh thần đó bà con không thể không trang hoàng bàn thờ Ông bà (gọi là bàn thờ Cửu huyền thất tổ) những loại bông hoa truyền thống như bông trang, bông điệp…, đắc dụng nhất là bông vạn thọ (gọi tắt là bông thọ) vì tròn đẹp rực rỡ, đỏ hoặc vàng, và nhất là do tên gọi trúng ngay một trong ba ước muốn lớn của con người: Phước, Lộc, Thọ, lại trổ đúng vào dịp Tết, nên hầu như nhà nào cũng có trồng, chí ít cũng 5, 10 cây/chậu trước sân. Dần về sau mới thấy có tăng cường thêm bông sen, bông trang, bông điệp, bông huệ…, nhưng xưa nay trọng chuộng nhất vẫn là bông mai.
Hái lộc.
Còn quả thì… “minh thiên”, nhưng trong việc chưng cúng ông bà không phải không có “luật”, chẳng hạn như không bao giờ chưng cúng các loại trái tuy ngon nhưng có cái tên rất “dễ ghét” như: sầu riêng (nỗi buồn riêng), cam (cam chịu!), táo (âm là cức – đồng âm với một thứ bỏ đi của con người và động vật), ổi (tên nhân vật người Tàu trong truyền thuyết về Táo quân của họ), chuối (chúi nhủi)…, mà phải chọn những loại trái truyền thống như: dưa hấu (nhất định phải có một cặp to, chưng riêng trên bàn thờ; nhà nghèo, bàn thờ nhỏ, chỉ mua một trái thì chưng trong mâm ngũ quả – về ngũ quả, tuy là 5 loại trái theo câu nói "cầu sung vừa đủ xài", hoặc "cầu vừa đủ xài sung", nhưng không bao giờ chưng cúng trái dừa, vì dừa là loại trái chỉ dùng cúng cầu đảo khi nhà có người bệnh đang hấp hối, mà được thay bằng trái dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để nhằm nhắc nhớ sự tích quả dưa đỏ của An Tiêm thời vua Hùng); quýt (tượng trưng giàu sang – nhà có ngàn cây quýt là bá hộ); và đặc biệt hơn hết là trái xoài (ngon ngọt, kiểu dáng con cong giống hình Tổ quốc, được chọn “treo” hai bên lư trầm trên bàn thờ tổ tiên)…
Tét bánh tét.
Nấu mâm cơm cúng trong mấy ngày Tết, tuy đơn mọn, nhưng là cả một triết lý rất tinh tế để nhằm báo cáo lên ông bà thành quả lao động của gia đình, toàn những loại rau trái tươi ngon đầu mùa, gạo thơm, nếp sớm… để nói lên tấm lòng hiếu thảo. Chính vì vậy, cho dù nghèo rớt mồng tơi cũng không ai nỡ cúng những món kho khô, kho quẹt, hoặc mắm kho (ông bà hẳn sẽ rất buồn khi phải chứng kiến con cháu mình vẫn còn cơ cực, nghèo khổ – có câu: “Mần cho lắm cũng mắm kho cà, mần thấy bà cũng cà kho mắm”). Cũng không thấy ai cúng món bí, nhất là bí đao (đã bí lại đau), khổ qua (rước lấy cái khổ cho mình – tuy nhiên cũng có người hiểu khác: chuyện khổ đã qua), hạt tiêu (tiêu luôn) v.v… 

Còn bánh thì hầu hết đều được làm từ gạo, nếp (nguyên hột hoặc xay thành bột), đặc biệt nhất và thiêng nhất là bánh phồng và bánh tét. Bánh phồng phải nướng lửa rơm mới thơm và “chuồi”, đã lớn lại dày, “đâm lút kim”, nhà nghèo chỉ cúng vài cái bánh phồng thôi cũng đã chật bàn thờ. 

Bánh tét thì chẳng những các bà các chị gói khéo mà còn ngon, cho dù nhưn chuối, nhưn ngọt, nhưn mỡ hay nhưn thập cẩm, ăn đều khoái khẩu. Người “ít nói” đến mấy cũng không thể không khen. 
Chùm xoài “treo” hai bên lư trầm trên bàn thờ tổ tiên.
Nhà nào cũng vậy, cho dù giàu “nứt đố đổ vách”, trong mấy ngày Tết, gì thì gì, họ không thể không làm những thức món truyền thống ấy để cúng, kỳ dư các loại bánh hộp, trà Tàu, rượu Tây tuy cũng khá ngon và đắt tiền, nhưng đều không được chanh ranh, cùng lắm cũng chỉ được xem là món để đãi khách chứ không ai dâng cúng bao giờ. Đơn giản vì ông bà ta trước kia vốn là nạn nhân vô cùng khổ nhục của những bọn xâm lược ấy, nên rất ghét bọn chúng. 

Nay do trải một thời gian khá dài, nhân dân ta đã vùng lên rửa xong nỗi nhục mất nước, nên thực đơn ngày Tết tất nhiên được “mở rộng”. Tuy nhiên, các bạn trẻ kể cả các nhà doanh nghiệp, cho dù tin hay không tin, đồng ý hay không đồng ý, cũng nên lưu ý tâm lý của bà con, đặc biệt là ở vùng nông thôn Nam Bộ, tránh dùng những loại ấy làm quà tặng hoặc đãi đằng đầu năm, vì người nhận sẽ không vui và cũng không loại trừ cách nghĩ oan rằng, ta đã cố tình đem điều xui xẻo đến với họ.
Nguyễn Hữu Hiệp (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét