Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Mùng bảy hạ nêu, phong tục tết xưa ở miền Tây Nam bộ

Ngày xưa, theo tập tục, cứ đến ngày mồng bảy tháng Giêng, "ngày của con Người", người ta tiến hành làm lễ cúng Trời, Đất để ghi nhớ.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh cho rằng nguồn gốc lễ khai hạ như sau: Lễ khai hạ, người Trung Hoa gọi là lễ Nhân nhật, nghĩa là "ngày của người". 

Sách Phương sóc chiêm thú còn cho biết thêm những ngày đầu năm, mỗi ngày thuộc riêng về một loài phụ trách: mồng một thuộc giống Gà; mồng hai thuộc Chó; mồng 3 thuộc Heo; mồng bốn thuộc Dê; mồng 5 thuộc Trâu; mồng 6 thuộc về Ngựa; mồng 7 thuộc về Người nên được gọi là Nhân.
Cây nêu ngày tết ở miền Tây Nam bộ (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Từ đó, ngày xưa cứ đến ngày mồng bảy tháng Giêng, ngày của con Người, người ta tiến hành làm lễ cúng Trời, Đất để ghi nhớ. 

Cư dân miền Tây Nam bộ xưa cũng mang phong tục ấy. Sáng mùng bảy, hương chức tụ tập ở đình sau khi cúng Trời, Phật mâm trái cây bánh mứt nhang đèn, ông chánh bái (hay bồi bái) đánh ba hồi mõ, gọi là “khai mõ” và ba hồi trống, gọi là “khai trống” để báo hiệu dân làng biết đình làm lễ khai hạ rồi hạ nêu xuống.
Đoạn ông chánh bái ra sân đào một cục đất và chặt một nhánh cây tượng trưng. Từ giờ phút ấy dân làng mới được phép móc đất bẻ cây làm lụng đồng áng rẫy vườn, ai bất tuân lỡ cuốc đất chặt cành trước khi ông chánh bái làm lễ khai hạ sẽ bị làng phạt vạ, đóng trăn (hình phạt trói chặt vào cọc).
Tranh dân gian về cây nêu trong Tết xưa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Gặp những năm, công việc ruộng rẫy quá thúc bách không thể chờ đến mùng bảy thì mùng ba theo lời yêu cầu của dân làng, ban Hội tề nhóm tại đình làng ký tên thỏa thuận cho ông chánh bái làm lễ khai hạ sớm hơn thường lệ, bấy giờ dân làng mới dám làm lụng, ruộng vườn.
Còn tại tư gia, chủ nhà làm gà vịt cơm canh cúng các bàn thờ rồi cũng hạ nêu. Ở thôn quê miền Nam, trong nửa thế kỷ XX, còn duy trì tục trồng nêu vào đêm 30 Tết. Nên ngày khai hạ còn duy trì. Nhưng sau đó, nhiều nhà không dựng nêu, nên lễ khai hạ bị lãng quên dần, họa may dựng nêu và khai hạ chỉ còn có ở chùa, đình mà thôi.
Những năm gần đây, người ta chỉ chú trọng ngày xuất hành, và do điều kiện kinh tế thị trường tác động, đời sống người bình dân đã dần thay đổi, nhiều nhà, nhiều người chọn ngày mùng hai, hay mùng ba, mùng bốn, … để bắt tay vào công việc của một năm mới, ít khi họ chờ tới mùng bảy. Cũng từ đây, phong tục này cũng dần lui vào quá khứ. Có chăng nó chỉ còn lại trong ký ức của những bậc cao niên, và được họ truyền miệng lại cho thế hệ sau như kể chuyện xưa tích cũ mà thôi!
Minh Khuyên (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét