Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Người H’Mông cướp vợ lấy may ngày đầu năm


Những đôi trai gái người H’Mông ở Sa Pa (Lào Cai) khi đã “ưng cái bụng” nhau sẽ tổ chức cướp vợ vào ngày đầu năm để lấy may.
Cướp được vợ là “may mắn”
Những ngày cuối năm, người H’Mông ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai tấp nập đi chợ mua sắm tết. Họ không chỉ mua đồ ăn, thức uống tổ chức đêm giao thừa mà nhiều ông bố, bà mẹ sẽ chuẩn bị đồ đạc, lễ vật cho con trai cướp vợ.
Ông Châu A Dế, Trưởng bản Sâu Chua xã Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai) dù sắp bước sang độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng năm nay vẫn phải chuẩn bị lễ vật hỏi vợ cho cháu trai Châu A Sử. Ông cho biết, ngày nay tục kéo vợ chỉ còn là hình thức “lấy lý” nhưng vẫn phải đầy đủ các nghi thức cổ truyền.
Trong ngôi nhà sàn trên lưng núi mây phủ kín quanh năm, ông trưởng bản Sâu Chua cho hay, để lấy được vợ, trai bản H’Mông bắt buộc phải đi cướp. Muốn cướp được, gia đình phải có đầy đủ bạc, lễ vật. Quy ra tiền, một đám cưới ít nhất sẽ tốn 20-30 triệu đồng, tương đương một con trâu lớn. 
Thông thường, những chàng trai sẽ tự tìm hiểu người con gái mình thích trong vùng. Ban đầu chưa biết nhau, những đôi trai gái sử dụng kèn lá để trò truyện, giãi bày tâm sự. Qua tiếng kèn, người con trai chủ động hỏi thông tin về địa chỉ, tên tuổi của cô gái. Khi cả hai bên ưng cái bụng, chàng trai sẽ về thông báo cho bố mẹ mang lễ vật sang nhà gái thưa chuyện cưới hỏi và tổ chức kéo vợ.
Ngày cướp vợ thường được chọn vào chợ phiên ngày cuối tuần hoặc đầu năm. Theo quan niệm của người H’Mông, đây là những ngày chợ phiên lớn, có đông người, kéo vợ sẽ được người dân các bản đều biết. Đặc biệt, vào mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày đầu xuân mở đầu cho năm mới, mở đầu cho sự sinh sôi nảy nở, nếu ai cướp được vợ về thì gia đình sẽ gặp may mắn cả năm. 
Việc tổ chức kéo vợ vừa là thông báo của chàng trai về người vợ sắp cưới với trai bản khác, vừa là tiêu chí đánh giá người con gái được cướp đắt giá hay không.
Người H’Mông cướp vợ lấy may ngày đầu năm
Ông Châu A Dế (66 tuổi) kể lại tục cướp vợ lấy may ngày đầu năm ở bản Sâu Chua, xã Sa Pả. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
Ông Dế cũng cho biết, trước khi đi kéo vợ nhà trai phải chuẩn bị rất nhiều tiền cũng như nhờ anh em, bạn bè trai tráng giúp. Ngày đầu năm nhà trai sẽ ra chợ phiên hoặc chợ Sa Pa chờ người con gái đã được để ý từ trước. Khi thấy người này xuất hiện, nhóm trai bản bạn của chú rể sẽ tới kéo về nhà. 
Người thân của các cô gái sẽ phản ứng giằng co, đánh lại. Khi đó người nhà trai phải lấy tiền lẻ đưa cho những người bạn của cô gái gọi là tiền lót đường. Cô gái sẽ được khiêng một mạch về nhà mà không để chân chạm đất.
Kéo về, nhà trai sẽ bố trí cho cô gái ở cùng với chị hoặc em gái của chú rể trong 3 ngày, tuyệt đối không cho chàng trai ở cùng, đồng thời cử người sang thông báo cho bố mẹ người này biết con gái họ đã bị cướp, gia đình không phải đi tìm. Trong ba ngày thử thách, cô gái sẽ cảm nhận về nơi ở mới có phù hợp không và tự đưa ra quyết định có lấy chàng trai này làm chồng hay không. 
Nếu đồng ý, nhà trai sẽ tiến hành mang lễ vật sang để tổ chức đám cưới. Nếu không chấp thuận, cô gái sẽ bỏ về nhà.
Đám cưới sẽ được tổ chức rất đơn giản, ngắn gọn. Lễ vật ngày cưới của nhà trai bắt buộc phải có thịt lợn 100 kg, rượu ngon 20 lít kèm theo thuốc lá, chè. Họ hàng nhà trai khi tham dự lễ cưới mỗi người mang lễ vật là tiền, bạc, đôi gà trống mái, quần áo cho chú rể hoặc váy cho cô dâu để làm quà. Sau khi ăn thịt, uống rượu no say, chú rể sẽ dắt cô dâu về nhà.
Nghèo sẽ không kéo được vợ
Theo quan niệm của người H’Mông việc kéo vợ sớm cho con trai trong gia đình không chỉ có ý nghĩa duy trì nòi giống mà còn tăng thêm thành viên trong gia đình phục vụ việc lên nương, làm rẫy. Độ tuổi lấy vợ cho con trai thường từ 11 đến 15, con gái luôn hơn chồng 2-3 tuổi. Hầu hết, khi người chồng mới kéo vợ còn chưa thông thạo việc lên nương, phát rẫy mà chỉ đi chăn trâu. 
Khi ấy, người vợ là lao động chính cùng bố mẹ chồng tăng gia sản xuất. Vài năm sau khi lấy nhau, người chồng trưởng thành có sức khỏe sẽ đảm nhiệm những việc nặng nhọc trong gia đình từ phát rẫy, đốn củi, dựng nhà, thu hoạch nông sản… thì người vợ sẽ sinh con, dệt vải, trồng hoa màu.
Những cô gái người H’Mông được kéo càng nhiều lần chứng tỏ người này xinh đẹp, khéo léo thêu khăn dệt vải, chăm chỉ làm ăn được nhiều trai bản yêu mến. Ngược lại, những chàng trai phải đi kéo vợ nhiều lần là gia đình không có điều kiện, kém duyên không lấy được vợ. 
Người H’Mông cướp vợ lấy may ngày đầu năm
Đêm chợ tình ngày cuối tuần ở thị trấn Sa Pa, các chàng trai mang khèn ra thổi để tìm bạn gái. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
Ông Dế cũng cho biết cùng thời với ông có nhiều người phải đi cướp 4-5 lần mới lấy được vợ. Hy hữu trong bản có trường hợp của ông Giàng A Tỏa (60 tuổi) trước đây do nhà nghèo không đủ tiền lót đường, làm cỗ cưới thiết đãi dân làng nên không lấy được vợ. 
Nhiều năm sau khi ông Tỏa đã ngoài 30 tuổi, ông mới lấy được bà Mã Thị La (hơn ông 15 tuổi) về làm vợ. "Đám cưới của ông Tỏa không có cỗ thiết đãi bà con dân bản mà hai người ưng cái bụng tự về ở với nhau không tổ chức cướp vợ".
Có nhiều trường hợp các chàng trai tổ chức cướp vợ nhưng người con gái nhất quyết không đồng ý dẫn đến xô xát, mâu thuẫn. Khi đó, gia đình hai bên phải thỏa thuận với nhau.
Ông Lăng Đức Ngọc, Trạm trưởng trạm y tế xã Sa Pả cho hay, tục cướp vợ người H’Mông đã tồn tại nhiều đời nay do đó tỷ lệ tảo hôn cao. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đại đa số các cặp vợ chồng đều lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn. 
Việc kết hôn sớm khiến người phụ nữ mang thai khi cơ thể chưa phát triển hết dẫn đến sức khỏe của thai nhi và sản phụ không được tốt nhất. Những năm gần đây, tỷ lệ này giảm nhiều, người dân đã biết đến trạm y tế khám thai, sinh đẻ.
Hoàn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét