Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Những kiêng cữ đón tết độc đáo của người Tày

Đa số người Tày ăn tết sớm, khi đã luộc bánh, thịt lợn, giã giò xong xuôi vào 28 tháng Chạp là bắt đầu ăn tết. Đến 30 tết, mọi đồ đạc dao, quốc, thuổng, cày bừa… được xếp gọn vào một nơi, gia chủ sẽ làm lễ cúng cho các vật dụng này để cho chúng nghỉ ngơi.
Người Tày quan niệm đây là những dụng cụ đã gắn bó với con người suốt một năm qua, giờ người nghỉ đón tết thì chúng cũng được nghỉ ngơi, để cho năm sau những đồ vật sẽ cùng con người làm việc năng suất hơn, cho nhiều lúa gạo, hoa màu hơn.

Bánh khảo Cao Bằng - Đồ ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Tày ở đây. (Nguồn : Internet)
Người Tày tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng trung du phía Bắc, cùng chung sống và có nhiều nét văn hóa tương đồng với các với các dân tộc anh em Kinh, Dao, Nùng, Sán Chỉ…trên địa bàn cư trú. Song người Tày vẫn giữ một số phong tục tập quán, văn hóa truyền thống riêng, đặc biệt trong dịp lễ tết.
Đón tết, người Tày không gói bánh trưng vuông mà chỉ gói bánh tròn và bánh dài (Bánh gù). Bánh thường có nhân đỗ xanh, lá cơm lông để tạo màu đỏ và thịt ba chỉ, cùng với hạt tiêu và hành. Ngoài ra, bánh gio cũng là bánh đặc trưng cho lễ tết, được được làm từ lá và hoa của một loại cây mọc trên rừng có mùi thơm ngậy tựa như lá cây vừng (gọi là cây vừng nhà).  
Tuy nhiên, người Tày cư trú ở những địa bàn khác nhau cũng sẽ có những phong tục khác biệt nhất định.

Với người Tày ở Lào Cai Trong ba ngày tết họ kiêng ăn thịt chó, thịt vịt; không nhặt rau, không quét nhà. Họ quan niệm làm như vậy để tránh sát sinh trong ba ngày tết, tránh được vận hạn cho gia đình trong năm mới và để cho của cải, vật chất làm ra không bị phân tán, thất lạc. 

Người Tày ở Văn Lãng ( Lạng Sơn) trong ngày tết nhất thiết phải có lợn quay lá mắc mật và thịt khau nhục. Trước tết các gia đình sẽ cùng chung nhau đụng lợn khoảng 20 – 30kg, Lợn được mổ moi, lấy hết nội tạng bên trong rồi được ướp ngấm gia vị bằng muối, tiêu... và lá, quả mắc mật. Sau khi cho tất cả các loại gia vị ở trên vào bụng lợn, người ta khâu kín lại và bắc lên bếp quay. Sau đó sẽ chuẩn bị món khau nhục, đây là món ăn làm từ thịt lợn ba chỉ tẩm ướp với 13 loại gia vị và cho hấp cách thủy. Tết nếu thiếu đi hai món này thì coi như không còn không khí tết. 

Người Tày ở Cao Bằng tết không thể thiếu bánh khảo truyền thống như một thứ lương khô ngọt ngào của người dân ở đây. Họ làm bánh khảo để thay bánh, kẹo ngày tết. Công đoạn làm cũng cầu kỳ và tỉ mỉ nên bánh khảo ở đây rất thơm ngon và đặc trưng hương vị miền núi. Từ việc chọn gạo, rang gạo rồi xay nhỏ bằng cối đá, đổ bột và sau đó nhất thiết phải hạ thổ. Công đoạn ủ hay còn gọi là hạ thổ là một trong những khâu quan trọng nhất và khác biệt so với người dưới xuôi làm bánh khảo.
Người Tày thường chọn một góc khuất trong nhà, quét sạch và vảy một chút nước cho có độ ẩm, lót vài lớp giấy to bản hoặc giấy báo rồi trải đều bột. Lấy giấy phủ lên trên bột, cứ thế hạ thổ khoảng bốn, năm ngày cho bột hút đủ ẩm, ỉu ra là có thể đem đóng khuôn bánh. Đường dùng làm bánh là đường kính hoặc đường phèn. Bột và đường trộn lẫn với nhau, sau đó dùng khúc gỗ tròn chà đi chà lại cho bột ngấm đường, tơi xốp. Muốn thử xem bột và đường đã đủ độ kết dính chưa, người ta thường nắm  một nắm bột nhỏ thả xuống mâm xem nắm bột có bị vỡ không. Nắm bột rơi xuống vẫn còn nguyên là đã đạt yêu cầu. Sau đó rắc thêm nhân lạc, vừng để bánh có vị bùi.
Bánh sau khi đóng khuôn xong cắt thành từng phong nhỏ, gói lại thật khéo bằng một lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng tượng trưng cho ngũ hành trong thiên hạ. Người Tày không dùng bao bì cầu kỳ để gói bánh mà chỉ dùng giấy ngũ sắc, bởi họ quan niệm đó năm màu tượng trưng là ngũ hành của trời đất. Ngày tết bày đĩa bánh lên ban thờ mời ông bà tiên tổ và đĩa bánh khảo tiếp khách ngày tết cũng bày đủ năm màu để biểu trưng cho may mắn, một năm an lành với mọi người.
Với người Tày Quảng Ninh, Tết của họ quan trọng nhất là sắp xếp bàn thờ cúng tổ tiên và cúng theo từng mâm nhỏ. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở góc tường thẳng cửa chính, còn 3 mâm thờ nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công. Đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày Tết. Người Tày quan niệm mong muốn các vị thần sẽ phù hộ cho gia chủ trong năm tới. Nếu gia đình nào có cha mẹ mới mất thì phải làm thêm một mâm thứ 4. Toàn bộ đồ mâm cúng sẽ được lót bằng lá chuối đựng trong mẹt hoặc nia to.
Họ cũng gói bánh trưng dài và đồ xôi ba màu cùng với bánh đúc. Họ quan niệm bánh đúc mềm và mịn, ăn bánh đúc ngày tết để cả năm công việc trôi chảy, xuôi chèo mát mái. Trước kia Mùng 1 tết, họ kiêng kỵ không đi chúc tết, không đến nhà ai, cả gia đình chỉ cùng nhau ra suối múc nước và tìm nhặt 12 viên đá nhỏ đẹp nhất mang về nhà. Họ quan niệm gánh nước như gánh lộc về nhà và 12 viên đá tượng trưng cho 12 trong năm sẽ thu được nhiều lộc tài. Giờ đây hầu như tục gánh nước, nhặt đá và kiêng ngày mùng 1 đã không còn. Sáng mùng 1 tết họ đã đi chúc tết và vui vẻ đến thăm anh em, họ hàng, làng xóm.
Mỗi tục lệ, tập quán thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc anh em góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trong nước Việt Nam đoàn kết.
Tiến Đạt (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét