Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Đê trấn nước, giữ làng

Sông và đê, đất và nước tồn tại bên nhau mang vẻ đẹp hữu tình, bền gan trấn nước, giữ làng của người nông dân Việt.
Dấu xưa...
Truyền thuyết Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ, chia 50 người con trai lên rừng, 50 người con trai xuống bể, gợi mở ít ra hơn 2.000 năm nay, địa bàn sinh tồn chủ yếu của người Việt đã dịch dần từ miền núi, trung du xuống Đông, Đông Nam theo hướng chính của dòng chảy sông Hồng... tạo nên như một nguyên nhân chính hình thành quốc gia – dân tộc bởi người Việt, phải liên kết lại với nhau trong hai việc lớn: Chống giặc ngoại xâm và đắp đê trị thủy, nên đê là trấn nước, giữ làng.

  Hội đền Sa Lãng, Đan Phượng, Hà Nội. VŨ Thành Công
Trấn nước, giữ làng - tâm thức, công việc đầu tiên của người Việt, yếu tố “nội”, cái bên trong có bởi tổ tiên lập nên từ khi mở cõi, lập điền theo các dòng sông chảy. Những dòng chảy khổng lồ lấy thế năng từ vùng đất cao nguyên rộng lớn, đưa phù sa về vùng hạ lưu, giao thoa với những dòng chảy lớn khác tạo nên một mạng lưới sông hồ, hình thành nên những gò, những ụ, những bãi, những đầm. Giữa vô số sự lắng đọng, trầm tích ngẫu nhiên “Sông kia biến đổi nên đồng”. Vùng đất nào được bồi cao sớm, đất đai phì nhiêu, cây cối tốt tươi kéo người dân đánh cá “từ biển lên bờ”. Và thế, nước chảy đến đâu, đất ngoi ra đến đó. Những lớp di dân mới cùng cư dân gần nơi ấy lại nống thêm, khoanh lại, bao lấy, đắp cao từ thập niên thế kỷ này, đến thập niên thế kỷ khác làm nên những ngôi làng, những con đê dài, rộng và cao hơn để trấn nước, giữ làng. Con đê kết nối các cộng đồng chòm xóm với làng, làng với làng, hình thành nên những mối quan hệ nội tại với những lệ, những tục, những quy, những định ước cam kết...
Trấn con nước – giữ lấy làng cũng có nghĩa là “cố hương”, giống như lẽ cơm ăn áo mặc hàng ngày mà cha ông ta ngàn đời nay luôn đắp xây cho làng thêm giàu, thêm mới; có đủ ăn, đủ mặc, đủ tiêu... nên việc sản xuất trồng lúa, đánh cá từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, người Việt vẫn còn cách tính theo con nước thủy triều mà “lấy nước về đồng”, mà đắp con đê chính lui sâu trong đất liền, có khi còn đắp thêm những con đê phụ, gọi là đê quai hoặc con trạch để phòng khi đê chính bị vỡ sẽ cứu được phần ruộng đất, hoa màu... nơi xa sông khỏi bị ngập lụt.
Vết thời gian
Vào thời nhà Lý, tháng 3 năm Mậu Tý (1108), con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá với mục đích bảo vệ thành Thăng Long khỏi bị nước sông Hồng tràn ngập. Đến đời nhà Trần, đê được đắp ở nhiều nơi, cất giữ không cho nước sông tràn vào để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong, lại cho nước tự do tràn vào đồng ruộng. Đời Lê, những con đê lớn hơn được đắp mới và tôn tạo dọc hai bờ sông Nhị Hà, việc đắp đê ở thời kỳ này cho là quá giới hạn làm cho sông Hồng trở lên hung dữ, nên đến đời nhà Nguyễn, có lúc đã đặt ra vấn đề là phải bỏ đê. Trước năm 1938 Nguyễn Công Trứ đề xuất giải pháp nắn chỉnh, khơi đào đoạn khởi đầu sông Đuống, chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng về phía thượng lưu.Với tổng chiều dài 1.314km, hệ thống đê sông Hồng được xây dựng thuộc loại lớn nhất, dài nhất thế giới, với mục đích để chứa nước và tưới tiêu cho vùng châu thổ giàu lúa gạo, đồng thời cũng để tháo nước khi bị lụt. Hệ thống đê này, sau nhiều thế hệ đã góp phần duy trì mật độ dân số cao ở đồng bằng và làm tăng gấp đôi diện tích có thể canh tác lúa nước ở đây. Qua nhiều thế kỷ, việc phòng lụt qua hệ thống đê đã trở thành một công việc gắn liền với văn hóa, kinh tế nước nhà.
Đê vùng châu thổ Bắc Bộ - nhìn nhận trực diện và toàn diện những công quả và hệ lụy mà nó đưa lại - đáng được coi là sản phẩm của một lối ứng xử mang tính đối phó tiêu cực trước các điều kiện tự nhiên. Vậy mà giới tự nhiên, cụ thể trong trường hợp này là con sông Hồng, cứ tiếp tục “vô tư” thực thi tiếp những “thiên chức, thiên năng” của mình. Nước lớn vẫn cứ theo mùa, theo năm tháng về sau mà lớn. Phù sa vẫn trôi xuôi, hàng thiên niên kỷ nay vẫn cứ đậm đặc, màu mỡ thế. Nhưng đê đã nhô cao, chặn mất lối “xuống đồng”. Sông sẽ “làm gì”? Câu trả lời là chỉ có “giữ lại ngay giữa lòng mình những nỗi niềm phù sa” ấy. Hoặc, nếu có thể, đưa nhau về xa hơn tới tận “chân trời góc biển”. Lòng sông bị tôn cao, đê vì thế cũng phải tôn cao tương ứng. Xen vào nhịp điệu vận hành thường biến, xuất hiện hiện tượng đổi dòng, bên lở bên bồi hay khi lở khi bồi...
Lời ngỏ
Nếu như những con đê gồ ghề, cao thoai thoải, vươn về phía thượng nguồn như vóc dáng người cha, thì những dòng sông dịu dàng chảy về hạ nguồn dạt dào như tấm lòng người mẹ. Sông và đê, đất và nước tồn tại bên nhau mang vẻ đẹp hữu tình, bền gan trấn nước, giữ làng của người nông dân Việt. Nhưng nghịch lý lâu dài, cơ hồ vĩnh hằng trong tâm thức Việt, ấy là vừa vô cùng cần nước vừa hãi sợ nước. Mấy nghìn năm tồn tại cạnh một con sông lớn dữ dằn, chút lơ đãng có thể phải trả bằng sinh mạng, sao chẳng phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng? Nhưng đấy cũng lại là con sông mang về nguồn sống, sục sôi và rạo rực nhựa sống, làm sao có thể quay lưng với nó! Từ người Việt trung du đến người Việt sông Hồng đã diễn ra một quá trình vừa kế thừa vừa biến thiên những đặc điểm lớn trong “tính cách Việt”, “tâm hồn Việt”.
Trấn nước - giữ làng, nghĩa đa trị của hình tượng, chính sự ra đời và lớn dần của những con đê, của hệ thống đê điều phản ánh một cách tập trung cái quá trình lưỡng diện ấy. Và mặt trái của những con đê, mặt trái của hệ thống đê điều cũng phản ánh luôn những hạn chế, những bất cập, những cố tật nữa của những chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và phép ứng xử với nông dân còn đằng đẵng dài trong tâm thức Việt
Hoàng Trọng Thủy (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét