Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Lễ cầu an của người Khmer ở miền Tây Nam bộ

Sau khi gặt hái xong, khoảng một đến hai tháng trong mùa hạn, trước tết Chuôl Chnam Thmay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức đám làm phước, dân gian còn gọi là lễ cầu an.
Có nhà nào khá giả trong phum đứng ra đại diện để quyên góp tiền gạo của bà con trong vùng. Sau đó, người ta chọn một khoảng ruộng lúa của ai đó để dựng lều chuẩn bị làm. Lều dựng khá rộng, ở gian chính là bàn thờ Phật được đặt một cách trang trọng. Phía trước đặt nhiều vật cúng làm từ những trái dừa xung quanh cắm nhiều bông hoa, hái từ vườn nhà. Những thúng đựng gạo, nếp, dừa khô, cũng được chuẩn bị làm lễ cúng. Ngoài xa, có dựng sân khấu tạm để đoàn Dù kê hát giúp vui.

Lễ cầu an của người Khmer (ảnh tác giả)
Từ chiều vị Achar cùng những bậc cao niên ra mé ruộng mang theo hộp đựng vật cúng cầu lễ Neak Tà. Đêm làm phước cả trai, gái, trẻ già đều tham gia. Mỗi nhà thường có một hai người vào bàn thờ Phật cùng các sư sãi tụng kinh cầu mong cho xóm làng được bình yên. Sau hồi kinh mọi người lạy Phật rồi quay sang trò chuyện, vui chơi. Sau đó, lại quay lại tiếp tục đọc kinh cầu phước.

Lễ vật trong đám làm phước (ảnh tác giả)
Bên ngoài thanh niên, trẻ con tham gia các trò chơi dân gian, vui như hội. Hết canh một, đoàn Dù kê bắt đầu hát những vở tuồng trích từ các giai thoại về Đức Phật Thích Ca hoặc những câu chuyện dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, …

Tùy theo khả năng mà bà con đóng góp, ít tiền thì làm ít đêm, nhiều tiền thì làm nhiều đêm. Cho đến buổi sáng ngày cuối thì dâng cơm cho sư sãi, mọi người cùng ăn cơm chung vui và buổi lễ chấm dứt. 

Nghi lễ câu an thường diễn ra từ phum này đến sóc khác, với mục đích cầu mong cho mọi gia đình bình an, vụ mùa tới sẽ bội thu. Đây cũng là lúc mọi người tham gia vui chơi sau những ngày vất vả trên đồng ruộng.
Hai Miệt Vườn (Dân Việt) 

Hai nghi lễ thú vị của người Khmer!

Hiện nay, dân tộc Khmer có trên một triệu ba trăm ngàn người. Bà con Khmer phần lớn theo Phật giáo tiểu thừa, họ có những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo thể hiện qua phong tục tập quán, lễ hội, ca múa,… Từ tư liệu điền dã, chúng tôi xin ghi lại hai nghi lễ mà trước đây bà con Khmer thường xuyên tiến hành trong sinh hoạt nhưng ngày nay đã dần vắng bóng.
1. Pithi chênh chât prôlưng – Lễ xúc hồn
Ngày trước, hễ trong nhà có người bệnh, người Khmer thường tổ chức cúng vái, lên đồng để chữa bệnh cho người thân. Người Khmer quan niệm rằng bệnh nhân mê man là do hồn không còn ở xác. Nó đã đi nơi khác hay bị ma quỷ bắt đem đi nhốt ở sông, rạch, đồng ruộng, … Vì vậy, muốn cho người bệnh mau khỏi phải tiến hành lễ Pithi chênh chât prôlưng.
Chủ nhà mời một vài bà già đến giúp, người cầm cây mía đưa lên đưa xuống để kêu gọi hồn. Mía tượng trưng cho gậy để hồn nương mà về. Người khác cầm cái xà nel (vật dụng đươn bằng tre dùng để xúc tép) để xúc hồn, người cầm thúng theo sau để đựng hồn khi xúc được. Họ kêu gọi hồn vía đủ ba lần thì người xúc bẻ một nhánh hay một lá cây bỏ vào thúng. Xong xuôi, họ mới trở về nhà, bắt chủ nhà phải chuộc hồn mới xúc được.
Mọi người kéo đến nhìn xem nhánh hay lá cây ấy có phải là hồn của người bệnh không và xin chuộc lại. Thứ dùng để chuộc hồn là rượu gọi là tưk rôlôk kev. Bên xúc hồn uống rượu, còn bên chủ nhà thì nhận nhánh cây hoặc lá cây đặt lên đầu người bệnh, kêu hồn về nhập vô xác, hãy giữ cho xác được khỏe mạnh và không đi đâu nữa.
Cuối cùng họ bưng hai mâm cơm ra cúng tổ tiên và cột tay người bệnh, chúc người bệnh mau khỏi bệnh, khỏe mạnh. Nghi lễ chấm dứt ở đó. Ngày nay, nghi lễ này không còn phổ biến, khoa học đã phát triển, người Khmer thường đến bệnh viện để điều trị. Lễ xúc hồn chỉ còn diễn ra mang tính “cầu may” khi người bệnh đã vô phương cứu chữa. Biết đâu may thầy, phước chủ người bệnh chưa tới số khỏi bệnh một cách kì lạ. Vì vậy, nghi lễ này vẫn còn in đậm trong tiềm thức dân gian.
2. Beân Phnom Ponn - Lễ ngàn núi
Đây là nghi lễ làm phước với mục đích xin lỗi thú vật tha thứ cho con người. Theo quan niệm trong dân gian, người Khmer cho rằng đối với mọi sinh vật họ đều có lỗi vì đã đuổi giết chúng để ăn thịt, bảo vệ mùa màng, bảo vệ sức khỏe, … Họ lo sợ khi con người qua đời sẽ bị các loài thú kéo nhau trả thù và linh hồn người chết phải xuống địa ngục. Do đó, đồng bào trong phum sóc hàng năm hùn tiền bạc lại để tổ chức Beân Phnom Ponn
Lễ có thể tổ chức tại phum, sóc, hay ở chùa. Thời gian không cố định, nhưng thường diễn ra trong những ngày khô ráo trước khi vào năm mới (Tết Chôl Chnam Thmây) một hai tháng. Lễ Beân Phnom Ponn kéo dài hai, ba ngày dưới sự hướng dẫn của Achar và các vị sư sãi.
Trước hết, mọi người chọn khoảng đất trống cất tạm nhà hội để làm lễ. Trước nhà hội là một khoảng sân lớn. Nơi đó, họ dựng bàn thờ, trong có tượng Phật, chung quanh đắp các ngọn núi cát hình vuông, núi cách núi cỡ thước tây, trên núi có cắm cây hoặc tre làm hàng rào. Người ta tin rằng mỗi hạt cát đắp núi sẽ giúp giải thoát được một kẻ có tội ở trần thế. Vì thế, họ hăng say đắp núi, mong đức Phật ban phước lành cho mọi người.
Buổi lễ bắt đầu, mọi người tập trung trong nhà hội để đọc kinh dưới sự hướng dẫn của Achar. Rồi mỗi người cầm một nắm nhang đang cháy đi chung quanh “ngàn núi” và cắm lên các núi đó. Xong, họ tiếp tục vào bàn thờ Phật. Họ đốt nhang, đèn cầy làm lễ cúng tam bảo, cầu mong tam bảo tha thứ cho họ, đừng để các thú vật bị giết bắt tội họ trong kiếp sau. Họ nguyện dâng hết những điều thiện họ làm hiện nay cho tất cả những thú vật đã bị con người sát hại. Lễ xong, họ trở ra theo đường cũ. Những người khác dự lễ cứ tuần tự làm như thế.
Những ngày lễ, bà con dâng cơm cho sư sãi vào sáng và trưa, tối dâng trà, đường, sữa. Ngày cuối, khi các nhà sư thọ trai, mọi người dự lễ ăn chung mâm cơm thì lễ cũng chấm dứt.
Chuẩn bị lễ vật 

Làm mâm cúng
 
Xà nel – vật để làm lễ xúc hồn

Nghi lễ ngàn núi 
Út Tẻo (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét