Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Những nét... đục tài hoa

Chỉ với bộ dùi-đục, đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo mà người dân xã Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã tạo ra một dòng đồ gỗ nổi tiếng. Sản phẩm từ làng quê này xuất khẩu đến hơn 40 nước, với doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Gây dựng thương hiệu
Là người có ngót 50 năm cầm cưa, đục, nghệ nhân Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Công ty Đồ gỗ Hải Hà bộc bạch về nghề đồ gỗ của làng mình: “Năm 19 tuổi tôi đã cùng 30 người thợ trong làng thành lập phường thợ mộc. Tự tay tôi dựng được hơn 400 ngôi nhà cho thiên hạ. Nhưng nói thực, thời điểm đó ngày công của chúng tôi rất thấp, cộng với lúc đó đang chiến tranh đánh phá miền Bắc, đồ gỗ cổ của người Hà Nội đưa đi sơ tán bị hỏng hóc nhiều, nhu cầu sửa chữa lớn nên năm 1978 tôi quyết định chuyển hướng sang chuyên đồ gỗ mỹ nghệ, đồ giả cổ”.
Một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại Đồng Kỵ. (Đàm Duy)        
Là người có bàn tay vàng nên ông Hải không gặp nhiều bỡ ngỡ khi thiết kế những họa tiết hoa văn trên gỗ như rồng, phượng, chim, hoa. Từ đó những tủ chùa, sập gụ, tủ chè, xa ô, cháp tải... liên tục được nghệ nhân này cho ra đời, với những đường nét tinh xảo hiếm có, làm cho dân chơi đồ cổ kỹ tính cũng phải mê mẩn.
Không chỉ gây dựng thương hiệu đồ gỗ Hải Hà, nghệ nhân Nguyễn Văn Hải còn mở nhiều khóa dạy nghề mộc cho các cháu trong làng. Ông Hải không thể nhớ hết được nhưng cũng có khoảng hơn 400 người đã được ông truyền nghề từ cầm cày sang cầm đục từ lớp học của ông.
Còn cựu binh - nghệ nhân Vũ Văn Quý- Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Hưng Long chia sẻ: “Sau giải phóng miền Nam, thị trường đồ gỗ ở TP.HCM vô cùng màu mỡ. Chúng tôi vào đó làm ăn và quyết định chọn cách làm là phục chế lại những mẫu đồ cổ. Cứ làm mải miết, rồi thương hiệu đồ gỗ Đồng Kỵ ngày càng có uy tín, không chỉ bán ở TP.HCM mà thị trường Lào và Campuchia cũng đón nhận rất tích cực”.
Tour tham quan làng gỗ
Quan điểm

Nghệ nhân Vũ Văn Quý
  Mỗi sản phẩm gỗ là một tác phẩm nghệ thuật  được người thợ Đồng Kỵ làm ra với tiêu chí “tốt gỗ tốt cả nước sơn” nên đồ gỗ Đồng Kỵ có sức sống và khẳng định được vị trí trong lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế”.
 
Hiện tại, Đồng Kỵ đã trở thành điểm đến thăm quan mua sắm đồ gỗ của nhiều du khách nước ngoài. Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ Đồng Kỵ cho biết: “Hàng năm, làng Đồng Kỵ đón hàng nghìn đoàn khách nước ngoài đến tham quan du lịch, ký kết mua bán sản phầm đồ gỗ. Có rất nhiều công ty du lịch đã ký kết hợp tác với làng nghề và coi Đồng Kỵ như là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc và Bắc Mỹ”.
Hướng dẫn viên Hoàng Anh Dũng- Công ty Du lịch Lạc Việt (Hà Nội) đang hướng dẫn đoàn khách đến từ châu Âu thăm quan Đồng Kỵ, cho biết: “Khi đưa du khách về đây, tôi thấy họ rất ngạc nhiên về sự khéo léo tỉ mỉ của người thợ Đồng Kỵ và có nhiều doanh nhân đã quyết định nhập khẩu đồ gỗ Đồng Kỵ để bán tại châu Âu”.
Cũng theo anh Dũng, mô hình du lịch làng nghề hiện nay khá phát triển nên “trong tương lai, công ty sẽ xây dựng hẳn một tour thăm quan làng nghề ở Bắc Ninh từ gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ và đồ gỗ Đồng Kỵ”- anh Dũng nói.
Theo ông Dương Văn Canh - Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, hiện nay toàn phường có tới 95% dân số (hơn 15.000 người) tham gia sản xuất đồ gỗ, có trên 500 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ, doanh nghiệp. Mỗi năm doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ khoảng 3.000 tỷ. Trong tương lai, quy mô của làng nghề sẽ được mở rộng và chuyên nghiệp hơn nữa bởi hiện nay đang có những dự án thành lập những cụm tiểu thủ công nghiệp cho làng nghề Đồng Kỵ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét