Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Bí mật đình cổ dưới đáy giếng ở Hà Nội

(Kiến Thức) - Đã từ lâu, người dân làng Mễ Trì (HN) kể về ngôi đình cổ nằm dưới đáy giếng sâu, nhưng không ai dám khai quật lên vì sợ thủy thần trừng phạt...

Đền thờ Đức Thánh Đầm nằm trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia bấy lâu nay được nhiều người nhắc đến với nhiều câu chuyện lạ lùng về ngôi đình cổ nằm dưới đáy giếng, một bệ thờ lạ mà nhiều người không biết nên gọi đó là mộ hay gò...

Đình “biến mất” sau đêm mưa bão?
Đến nay, người dân làng Mễ Trì từ già đến trẻ không ai nhớ rõ giếng làng có từ thời gian nào, chính sử cũng không ghi chép gì về giếng kỳ lạ có ngôi đình nằm dưới đáy. Vậy nhưng, không phải vì thế mà giếng cổ bớt phần nổi tiếng mà ngược lại, ngày càng có nhiều người đến đây tham quan, cầu khấn.
Ông Đỗ Quang Lợi, thành viên Ban Quản lý đền thờ Đức Thánh Đầm kể lại: "Trước kia, ngôi đình tọa lạc ngay tại vị trí giếng ngày nay. Vào một đêm trời mưa to gió lớn chưa từng thấy khiến cả khu đầm ngập chìm trong nước. Sáng hôm sau khi người dân thức dậy không còn thấy bóng dáng ngôi đình đâu nữa, đến một viên ngói cũng không còn vương trên mặt đất. Một thời gian ngắn sau, dân làng vét giếng cạnh đình cũ thì phát hiện ra chiếc chiêng cổ có bán kính khoảng 20cm, một chiếc chuông đình cao 70cm, bán kính 30cm, xung quanh giếng người ta thấy những khúc gỗ lim của ngôi đình vừa biến mất trong đêm mưa bão".

Ngôi đình dưới đáy giếng cổ nằm trong hệ thống di tích đền Đức Thánh Đầm. 
Đến khoảng năm 1994, người dân làng Mễ Trì không còn dùng nước ở giếng này nữa mà chuyển sang dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên, giếng cổ thì vẫn được xây cất, bảo vệ cẩn thận và xuân thu nhị kỳ làm lễ cúng tế thủy thần.
Theo chân ông Lợi, chúng tôi đến giếng làng Mễ Trì, nơi có ngôi đình cổ nằm dưới đáy. Giếng có bán kính khoảng 20m được người dân xây dựng rất khang trang. Ông Lợi cho biết: Giếng sâu tới 30m được chia thành 3 nấc, mỗi nấc 10m. Ngôi đình cổ nằm từ đầu nấc thứ 3 trở xuống với những cột lim to một người ôm không xuể. Ngoài ra, trong giếng còn có chiêng, chuông cổ và một phiến gỗ có khắc chữ Nho, nhưng tiếc là ông không rõ nội dung của dòng chữ đó nói gì, cũng không có tư liệu nào nghiên cứu về đình cổ và những dòng chữ bí ẩn đó. 
Dưới đáy giếng cổ có dấu tích ngôi đình với hệ thống cột trụ, chiêng, chuông cổ. 
Không dám khai quật 
Trước đây, ông Ngô Quang Lợi từng là cán bộ của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1992, đích thân ông cùng với một đoàn cán bộ Viện Hán Nôm tổ chức thám sát đáy giếng. Đoàn thám sát đã phát hiện tất cả những hiện vật như dân gian đồn thổi, thế nhưng lúc đó không ai trong đoàn dám di dời hoặc khai quật ngôi đình.
Theo ông Lợi, khi người dân vét giếng và phát hiện đình cổ, có một thanh niên họ Ngô đã nghịch ngợm lấy chiếc chiêng lên đánh 3 tiếng, sau đó người này lăn ra giãy giụa như chó dại, miệng sùi máu tươi rồi chết tại chỗ. Thấy thế, dân làng cho rằng, ngôi đền dưới lòng đất chính là nơi ở của con vua Thủy Tề tức là Đức Thánh Đầm liền hốt hoảng đem chiêng đặt lại vị trí cũ. Vì chuyện này nên đoàn thám sát Viện Hán Nôm đã không di dời chiêng cổ. Mặt khác, thời điểm đó kinh phí còn thiếu thốn nên không đủ tiền khai quật, đó là lý do ngôi đình làng vẫn nằm dưới lòng đất từ đó đến nay.
Giếng được người dân xây cất khang trang, sạch đẹp. 
4 máy hút nước 1 tuần mới xong
Theo lời của nhiều người cao tuổi làng Mễ Trì thì giếng có khối lượng nước rất lớn, đủ cung cấp cho hàng ngàn người dân sử dụng quanh năm không hết. Sở dĩ nguồn nước giếng dồi dào như vậy là bởi dưới đáy giếng có một mạch nước rất to, dân gian đồn thổi đây là thủy cung của Đức Thánh Đầm nên mới nhiều nước đến như vậy. 
Thần phả làng Mễ Trì cũng ghi lại rằng: Từ thuở xa xưa, đất nước ta gặp phải một trận hạn hán khủng khiếp, người dân không có nước để cấy cày. Lúc này, nhà vua đã sai quần thần đến đền dâng lễ cúng, cầu mong thủy thần ban mưa. Không ngờ, khi lễ cúng vừa xong, trên trời bỗng xuất hiện những đám mây lớn và lập tức đổ mưa. Từ đó, nhà vuxa đã ban lệnh xuân thu nhị kỳ, triều đình phải đến đây tổ chức lễ cúng cấp Quốc gia cầu mong mưa thuận gió hòa để người dân yên bề làm ăn. Vì câu chuyện này nên ngày nay, hễ năm nào hạn hán người dân trong làng lại tổ chức nạo vét giếng. Điều lạ lùng là sau mỗi lần vét giếng thì trời đều đổ mưa để dân làng có nước cày cấy, sinh hoạt...
Ông Lợi kể lại: "Vì quan niệm giếng làng Mễ Trì có mạch nước lớn của thủy thần nên mỗi khi vét giếng, dân làng phải mất đến nhiều tuần lễ mới làm xong. Như đầu năm 2013, làng Mễ Trì thuê một công ty môi trường đem 4 máy bơm nước cỡ lớn đến vét giếng cổ. 4 máy hút nước này phải hoạt động liên tục trong một tuần mới xong, bởi máy bơm nước đến đâu mạch dưới đáy giếng lại đùn lên đến đó. Sau mỗi lần vét giếng, nước lại đùn lên đầy ắp đến tận mặt đường và rút dần trong một tuần. Trong lễ vét giếng, người dân sẽ múc hết bùn đất đi nơi khác, lau chùi 4 cột đình, chiêng và chuông cổ rồi để lại vị trí cũ. Vì sự linh thiêng của giếng cổ, nên trong lễ hội tổ chức vào mùa xuân mỗi năm, người dân phải đem lễ vật đến giếng dâng Đức Thánh Đầm trước, sau đó mới đến những nơi khác".

"Hiện một chiếc chuông và chiêng cổ vẫn còn ở đáy giếng, hai hiện vật này vẫn còn giữ được vẻ nguyên vẹn, chưa bị nứt vỡ mặc dù đã ngâm dưới nước rất nhiều năm. Người dân trong làng nói đó là đồ vật của Đức Thánh Đầm - con vua Thủy Tề nên không ai được phép di chuyển các hiện vật ra khỏi chỗ cũ".
Ông Đỗ Quang Lợi (Ban Quản lý Đền thờ Đức Thánh Đầm)
Quách Dương

Lý giải về đình cổ dưới đáy giếng ở Hà Nội

 GS Trình Năng Chung cho rằng, ngôi đình dưới giếng có thể được người dân chôn giấu từ những năm kháng chiến. 


Để giải mã những bí mật về một ngôi đình nằm dưới đáy giếng làng Mễ Trì và tục thờ thần rắn, hay Đức Thánh Đầm, chúng tôi đã tìm đến các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học để tìm lời giải thích.
Văn hóa sông nước
Nói về tín ngưỡng thờ Đức Thánh Đầm, vị thánh được cho là con trai vua Thủy Tề, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng: “Đây chính là tín ngưỡng có từ rất xa xưa, mang tính sơ khai của người Việt. Ở mức cao hơn thì đó là văn hóa sông nước của người Việt Nam. Nét văn hóa này đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành bản chất cốt lõi của con người Việt và tồn tại cho đến ngày nay. Biểu hiện trực quan, sinh động nhất đó chính là các tín ngưỡng thờ cúng thủy thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm, cá... 
Trước đây, GS Ngô Đức Thịnh và cố GS Trần Quốc Vượng đã có nhiều nghiên cứu về tục thờ rắn của người Việt rồi kết luận, đó chính là tín ngưỡng nguyên thủy với hai nghĩa chính là nói về cái ác và tục thờ thủy thần. Tục thờ thủy thần lại được gắn với cuộc sống miền sông nước của cư dân nông nghiệp. Vì lẽ này nên người ta thường thấy các đền thờ rắn xuất hiện ở nhiều miền sông nước như sông Đuống, sông Hồng, sông Cầu. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới người ta cũng thấy xuất hiện tục thờ rắn ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập...”.


GS Trình Năng Chung cho rằng, ngôi đình dưới giếng có thể được người dân chôn giấu từ những năm kháng chiến. 
Theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng thì tục thờ Đức Thánh Đầm ở làng Mễ Trì chính là hình ảnh thu nhỏ của luật tục, giá trị và chuẩn mực của người Việt được lưu truyền từ đời này qua đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Bằng chứng của việc này đó là chuyện chọn hướng phong – thủy (gió – nước). Nhìn xa hơn về quá khứ, ngay từ khi Nhà nước Văn Lang đóng đô ở Việt Trì chúng ta đã thấy có sự hiện diện của nước, đó là ao Việt. Khi dời đô về Thăng Long chúng ta thấy có đất Thanh Trì (ao trong), Mễ Trì (ao gạo)... cho nên việc giữ gìn được truyền thống văn hóa cổ xưa này là rất quý giá. 
Về thông tin có một ngôi đình nằm dưới đáy giếng, trong khu di tích đền thờ Đức Thánh Đầm là điều thú vị. Nhưng nếu nhìn vào những chuyện dân gian để lại về việc đáy giếng là nơi ở con trai vua Thủy Tề thì thấy rõ ràng đây là tín ngưỡng gắn liền với tục thờ thủy thần có từ xa xưa.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Dưới giếng làng Mễ Trì có hẳn một ngôi đình cổ là thông tin thú vị, cần phải được các nhà khảo cổ vào cuộc kiểm tra, khai quật. Tuy nhiên, về tục thờ rắn thần, thủy thần thì không chỉ có ở làng Mễ Trì mà ở đền thờ Linh Lang và nhiều nơi khác cũng có. Từ xưa tới nay, hình ảnh rắn vẫn thường xuất hiện ở nhiều vị trí như xà, mái đình...”.
Tục thờ Đức Thánh Đầm là tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. 
Trường hợp lạ
Khi chúng tôi đem câu chuyện về một ngôi đình nằm dưới đáy giếng làng Mễ Trì và tục thờ thủy thần đến những chuyên gia văn hóa, khảo cổ nhờ giải thích đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt.
GS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy có trường hợp lạ lùng như vậy. Mặc dù trước đây người dân ở nhiều nơi đã phát hiện được dưới giếng có những phiến gỗ lạ, sau đó chúng tôi xác định đó là một phần của ngôi đình được người dân tháo gỡ đem giấu xuống giếng từ những năm tiêu thổ kháng chiến chứ không phải là một ngôi đình nguyên vẹn”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, tục thờ rắn thần xuất hiện ở nhiều nơi chứ không riêng làng Mễ Trì. 
Khi xem xét những thông tin mà tòa soạn đăng tải, GS Trình Năng Chung chỉ ra những điểm cần phải làm rõ. Thứ nhất là phải xem lại dưới đáy giếng có khung gỗ hình vuông hay không, to nhỏ thế nào, bởi có thể đó là giếng cổ mang truyền thống văn hóa Chăm Pa hoặc thời Trần. Thứ hai là phải làm rõ chất liệu gỗ dưới giếng là gì, có bao nhiêu cột, quy mô lớn hay bé, biết đâu không phải đình mà là cái miếu? Điểm thứ ba là xác minh lời kể của người dân. Bởi nếu chuyện đình bị sụt sau một đêm mưa bão giống như hiện tượng hố tử thần thì rõ ràng kết cấu của ngôi đình có sự sai lệch, gãy nát. Không thể có chuyện đình bị sụt nhưng vẫn còn nguyên vẹn được. 
Mặc dù năm 1992, Viện Hán Nôm đã đến kiểm tra, nhưng họ chỉ tiếp cận ở khía cạnh văn bản học, tức là khảo sát dưới giếng xem có thanh gỗ nào khắc chữ cổ không, nếu có thì họ dịch và đưa ra kết luận hoặc giả thiết về niên đại dựa trên nội dung khảo cứu. Còn những câu hỏi được đặt ra ở trên phải đích thân các nhà khảo cổ học nhìn tận mắt, sờ tận tay thì mới khẳng định được đó là đình hay miếu, tồn tại cách đây bao nhiêu thế kỷ...
GS Trình Năng Chung đưa ra giả thiết rằng: “Có thể có một ngôi đình nằm dưới giếng làng Mễ Trì, nhưng nó chỉ nằm dưới giếng từ những năm tiêu thổ kháng chiến chứ không có chuyện đình bỗng dưng bị sụt sau một đêm mưa bão, sau đó người ta lại đào một cái giếng lên trên đó rồi mới phát hiện ra. Bởi thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, người dân từ khắp nơi tháo dỡ nhà cửa, đình chùa đem chôn giấu để chống lại giặc Pháp. Có thể trong thời gian này, người dân làng Mễ Trì đã tháo đình chôn xuống giếng để sau này có điều kiện thì đem lên dựng lại, nhưng vì lý do nào đó ngôi đình đã không được vớt lên và vẫn nằm dưới giếng cho đến ngày nay”.
Quách Dương

Bí ẩn gò rắn tại đình cổ dưới đáy giếng ở Hà Nội

(Kiến Thức) - Trong khuôn viên đền Đức Thánh Đầm, ngoài ngôi đình nằm dưới giếng cổ còn có một gò đất giống như mộ, thờ rắn thần.

Bởi theo người dân làng Mễ Trì thì thần rắn chính là con trai vua Thủy Tề, là Đức Thánh Đầm đã có công làm cho mưa nắng thuận hòa, dân làng đánh bắt được nhiều tôm, cá...
Gò “lạ”
Khi đến đền thờ Đức Thánh Đầm, nhiều người sẽ nhìn thấy dưới gốc si già có một bệ thờ giống như ngôi mộ. Nói là gò lạ bởi nhiều người không biết nên gọi đây là gò hay mộ, nhưng theo ông Đỗ Đức Lợi, Ban quản lý đền thì không được gọi đó là mộ, vì nó chỉ là mô đất xưa kia được dân chài đắp lên thành gò rồi lập ban thờ cúng tế thủy thần. Tuy nhiên, khách thập phương khi đến đây dâng hương thấy bệ thờ giống như ngôi mộ nên tiện mồm gọi mộ, có người gọi là gò... thành thử tên gọi chưa thống nhất.
Theo quan sát của chúng tôi, bệ thờ này có chiều dài khoảng 5m, chiều ngang khoảng 2,5m, xung quanh được ốp đá xanh khang trang, sạch đẹp. Cạnh bệ thờ là gốc si cổ thụ cùng 5 cây gạo vươn tán bao phủ khắp khu đền. 
 Bệ thờ được người dân đắp lên để thờ thần rắn, con vua Thủy Tề. 
Ông Trần Văn Xuyến, Phó ban Quản lý Di tích đền Đức Thánh Đầm cho biết: “Lịch sử làng Mễ Trì ghi lại, bệ thờ này được đắp từ cách đây khoảng 1.000 năm, khi đó làng Mễ Trì có tên là An Sơn. Đây là vùng đất rộng lớn chuyên trồng các loại lúa thơm tiến vua. Một hôm vua Lê Đại Hành đến thăm làng Mễ Trì liền đổi tên Anh Sơn thành Mễ Trì với nghĩa là ao gạo, nhằm tôn vinh vùng đất trù phú này. Lúc này, bệ thờ cũng được đắp lên để thờ cúng thủy thần, cầu mong mưa thuận gió hòa cho người dân trồng lúa tiến vua, đánh bắt được nhiều tôm, cá...”.
Nói về nguồn gốc của bệ thờ kỳ lạ tọa lạc trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Ngô Duy Tỵ, Thủ từ đền Đức Thánh Đầm cũng cho rằng, bệ thờ đã được đắp từ rất lâu rồi. Căn cứ của nhận định này dựa trên câu chuyện truyền miệng của làng Mễ Trì về chàng trai họ Ngô đến chiếc giếng cổ gần bệ thờ ven làng thau giếng. Khi nhặt được chiếc chiêng cổ chàng trai họ Ngô đã đánh liền ba tiếng rồi lăn ra chết. Từ đó cho thấy bệ thờ và giếng cổ có thể xuất hiện cùng một thời điểm...
Theo ông Tỵ thì trước đây, người dân địa phương xây dựng trên mô đất này một khung tường bằng gạch, hình chữ nhật giống như ngôi mộ, bên trên đặt một ban thờ... vì hình dáng như vậy nên có người gọi đó là mộ. Thế nhưng, kích thước của bệ thờ này lại lớn hơn nhiều so với ngôi mộ bình thường, nhưng không phải là lăng mộ. Cách đây vài năm, người dân địa phương đã mua đá lát xây ốp kín bên ngoài cùng những khu vực xung quanh để đền được khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Đỗ Quang Lợi bên bệ thờ độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ.
Theo người dân địa phương, vào những ngày lễ, Tết hằng tháng, hằng năm, quan lại từ triều đình và khắp nơi phải đến đền thờ Đức Thánh Đầm để dâng hương, cầu mong đất nước an bình, mưa thuận gió hòa, dân chúng cày cấy được mùa, ăn nên làm ra. Thần phả làng Mễ Trì còn ghi rằng: “Những người tình duyên trắc trở, hiếm muộn con cái khi đến đây dâng hương cầu khẩn đều được linh ứng”. Vì vậy mà người đến đền không chỉ có quan lại cao cấp mà còn cả những người bần cùng, nghèo khó...
Khi Trung tâm Hội nghị Quốc gia được quy hoạch xây dựng, toàn bộ đền thờ Đức Thánh Đầm nằm trong diện phải giải tỏa. Nhưng khi dự án này được triển khai xây dựng năm 2004, trong khi rất nhiều nhà phải di dời đi nơi khác, trả đất cho dự án thì đền thờ lại được giữ lại, thậm chí, một số hạng mục như cổng chính, sân vườn còn được trùng tu khang trang hơn.
Các đạo sắc phong đã được dịch ra tại đền thờ Đức Thánh Đầm. 
Mộ rắn – con vua Thủy Tề?
Sở dĩ có người gọi gò đất nằm ngay trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia là gò rắn, bởi truyền thuyết của làng Mễ Trì kể lại rằng: Xưa kia, con trai vua Thủy Tề đi lạc đến đây, vua Thủy Tề đã hóa thân thành một tráng sĩ đi tìm con nhưng không thấy. Cùng lúc đó, người dân lại thấy một thanh niên thường xuyên ẩn hiện chốn đầm lầy heo hút liền cử người theo dõi thì thấy chàng trai rẽ nước rồi biến mất vào một buổi chiều tà.
Từ chỗ con vua Thủy Tề biến mất, có một ông lão nghèo khổ đến đánh cá rồi vớt được quả trứng kỳ dị liền đem về nuôi. Thật lạ lùng là quả trứng đã nở ra một con rắn, nhưng lão nông không vứt đi mà đem rắn nuôi trong một cái chum, tự tay cho ăn từng bữa. Chẳng bao lâu sau, rắn lớn chật chum, rồi vào một đêm mưa gió, rắn đã phá chum bơi ra đầm đầm. Vì mong nhớ rắn nên lão nông ngày đêm rong thuyền ra gọi nhưng không thấy. Một trong những lần tìm rắn, ông buông lời cầu khẩn rắn phù hộ cho mình đánh được nhiều cá, kiếm miếng ăn qua ngày. Không ngờ lời ước của ông lão trở thành hiện thực.
Thấy sự việc kỳ lạ, người dân trong làng Mễ Trì đến hỏi và được lão nông kể lại câu chuyện lạ lùng vừa xảy ra. Khi nghe ông lão kể xong, mọi người ai nấy đều cầu khẩn như lời ông lão mách và được linh ứng. Thấy sự linh  kỳ, người dân cho rằng rắn chính là hóa thân của con trai vua Thủy Tề, nên mỗi khi rong thuyền quăng chài thả lưới liền gom đất đắp thành gò ở giữa đầm. Xung quanh gò lại trồng thêm cây si, cây gạo và dựng một ngôi mộ giả để thờ phụng rắn thiêng, mong bắt được nhiều cá, tôm. Từ đó về sau, người dân làng Mễ Trì truy tôn rắn thần – con vua Thủy Tề là Đức Thánh Đầm, mỗi khi có nguyện vọng gì đó thì đến đây cầu xin và đều được linh ứng.
Theo ông Đỗ Đức Lợi, Ban Quản lý đền thờ Đức Thánh Đầm thì trên gò người dân đắp một mô đất nhô cao giống như ngôi mộ, nhưng không nên gọi đó là mộ bởi nó chả chôn ai cả mà chỉ nên gọi bệ thờ là chính xác nhất. Vì sự linh ứng của đền thờ Đức Thánh Đầm nên từ năm 1730 - 1922, các đời vua đều có sắc phong cho đền và xuân thu nhị kỳ triều đình đều phải tổ chức lễ cúng cấp      Quốc gia tại đây.
“Bệ thờ Đức Thánh Đầm đã trở thành nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người dân làng Mễ Trì từ nhiều đời nay, được Nhà nước công nhận. Trước đây, mỗi năm người dân làng Mễ Trì tổ chức lễ hội ở đền thờ Đức Thánh Đầm hai lần vào mùa xuân và mùa thu (18/2 và 7/9). Nhưng cách đây vài năm, lễ hội được cắt giảm bớt theo cách gọn, nhẹ, tiết kiệm cho dân nên mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào ngày 18/2”.
Ông Đỗ Đức Lợi
Quách Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét