Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Bí ẩn những di tích cổ bên Di sản Thành Nhà Hồ

Xung quanh những bức tường thành kỳ vĩ ở Di sản Thành Nhà Hồ (tọa lạc ở hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, còn có những di tích cổ mang nhiều bí ẩn mà ít người biết đến.

Giếng cổ hàng trăm năm tuổi 

Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc) là ngôi làng cổ gắn liền với sự hình thành, hưng vong của kinh thành Tây Đô (tên gọi khác của Thành Nhà Hồ) với hơn sáu trăm năm lịch sử vẫn lưu giữ trong mình những yếu tố cấu thành nét văn hóa đặc trưng của các làng quê Việt, nhưng cũng chứa đựng những nét riêng của một vùng đất từng là kinh đô của đất nước.
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 1
Toàn cảnh hình ảnh ngôi nhà cổ
Giếng cổ làng Xuân Giai tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng, ở phía Đông của đình, cách Thành Nhà Hồ 300m về phía Đông Nam. Giếng có hình tròn, kích thước miệng giếng là 2,4m, thành cao 1,1m, lòng giếng sâu 5 - 6m. Giếng được xếp theo hình chữ công, so le nhau. Mạch được vít bằng chất kết dính. Thành giếng được xây bằng gạch bìa giống như loại gạch được phát hiện qua khai quật tại Thành Nhà Hồ, di tích đàn tế Nam Giao. Đây là loại gạch có kích thước lớn, trung bình 50cm x 25cm x 9cm, trọng lượng trung bình 15 - 20 kg.

Do được làm từ đất sét luyện kỹ, đem nung ở nhiệt độ cao nên trãi qua hàng trăm gạch vẫn giữ được màu sắc hồng tươi, không bị thôi bột, biến dạng. Điều đặc biệt, trên cạnh của nhiều viên gạch có in/khắc nhiều chữ Hán - Nôm ghi tên địa danh đã sản xuất gạch. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện và nghiên cứu được 5 dấu in/khắc tên địa danh hành chính như: Đại An Quý (xã), Nhuế Hỏa, An (Yên) Lâm xã, Cổ Đới xã, Cổ Lôi huyện Trần xá xã (thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay)

Gạch bìa in dấu các địa danh hành chính ở cạnh ngang hoặc cạnh dọc; dấu được in chìm vào gạch với chữ nổi hoặc chìm theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Chất liệu đất sét mịn lẫn rất nhiều hạt laterite to nhỏ khác nhau, đất được làm khá mịn, không để lại dấu vết của kéo cắt đất; độ nung cao, rất cứng, chắc và nặng, màu đỏ gạch hoặc xám nhạt. 
Các cụ cao niên trong làng cho biết giếng có từ rất lâu đời và từ đời nào cũng không ai biết rõ. Nhưng chắc chắn giếng đã có hàng trăm năm tuổi, bởi vì các cụ già hiện nay trên tuổi 90 vẫn kể rằng, giếng có từ trước đời cha, ông của các cụ. Tới những năm 1945 - 1946, đội du kích làng Xuân Giai, khi đó vừa mới được thành lập, đã cùng dân làng cải tạo lại giếng trên cơ sở giếng cũ, khi đào xuống đáy, mạch nước phun lên cuồn cuộn, phải huy động cả làng múc nước, nhưng cũng không cạn hết nước giếng.

Giếng làng Xuân Giai có tiếng mát trong và ngọt, đặc biệt dùng để pha trà, ủ chè và nấu rượu rất thơm ngon, được nhân dân cả vùng ưa thích. Các cụ già trong làng vẫn gọi, nước giếng làng là nước “đãi ngoại”, có nghĩa là đối với khách vãng lai hoặc những người từ những nơi khác đến định cư, dâu, rể của làng khi dùng nước giếng thì luôn mạnh khỏe, da dẻ trở nên hồng hào, đẹp đẽ.

Trong những năm gần đây, có tục lúc giao thừa đến thắp một tuần nhang cắm lên thành giếng, xin gánh một gánh, hay xô nước mang về nhà lấy lộc đầu năm, với mong muốn cầu mong cho gia đình bình an, khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Hiện nay, giếng không còn được dân làng sử dụng nữa, các hạng mục của giếng đều bị hư hại, xuống cấp, có nhiều vết nứt lớn trên thành giếng. Sân lát gạch bị bong tróc và sụt lún. Trong lòng giếng cây dại mọc tốt, cắm sâu rễ vào các kẽ gạch, rêu mốc phủ kín bề mặt. 

Theo tiến sĩ Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ làng Xuân Giai cần có quá trình nghiên cứu, điều tra tư liệu. Nhưng có thể khẳng định, việc nghiên cứu, bảo tồn giếng cổ hàng trăm năm tuổi tại Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ là tư liệu khẳng định và góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn các làng cổ tại Di sản theo khuyến nghị của UNESCO (đối với làng Xuân Giai, Tây Giai xã Vĩnh Tiến và Đông Môn xã Vĩnh Long), góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Ngôi nhà cổ và cây thị 

Ngôi nhà cổ tọa lạc trên một khu đất thoáng rộng, ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, cách Thành Nhà Hồ khoảng 400m về phía Nam.

Ngôi nhà được ông Đề, một chức quan ở huyện dưới triều Nguyễn cho xây dựng dựng năm thứ 7 đời vua Thành Thái (1895). Hiện nay chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Tuấn Đạt, đời thứ 4 đang sinh sống. Ngôi nhà được đánh giá là một trong những công trình mang nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa.

Về kiến trúc, đây là ngôi nhà được thiết kế kiểu chữ nhất (-) gồm 5 gian, tường hồi bít đốc (3 gian ngoài và 2 gian buồng ở hai bên), diện tích 100 m2. Bộ khung nhà (bộ vì) được làm bằng gỗ, liên kết theo kiểu chồng rường kẻ chuyền. Hoành tải, rui bằng luồng. Các kẻ hiên được chạm trổ tinh xảo. Cửa gỗ hình cánh bướm, sàn nhà lát bằng gạch bát, bậc tam cấp làm bằng chất liệu đá xanh, trên mái lót ngói liệt trên lợp ngói vẩy. Hệ thống cột cái và cột quân được đặt trên chân tảng bằng đá thấp.

Họa tiết trang trí trong ngôi nhà được trình bày hết sức tinh tế và hàm chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện sự khéo léo, tài tình của những nghệ nhân thời Nguyễn. Đề tài trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên, với bộ tứ quý tùng trúc cúc mai làm chủ đạo. Kẻ bảy chạm khắc hoa cúc có hướng hóa rồng trong thế chầu vào trong nhà. Về vật liệu dựng ngôi nhà này, ông Đạt cho biết, nhà được kết cấu từ nhiều loại gỗ khác nhau và có sẵn tại địa phương như lim, mít, xoan…

Trước đây, trong nhà có nhiều hoành phi, câu đối, sắc phong... Trải qua thời gian và thăng trầm biến cố của lịch sử, nay chỉ còn lại một số Hán tự ghi trên xiên hoa. Điều đặc biệt, toàn bộ phần tường của ngôi nhà được xây bằng gạch bìa, kích thước 47 x 24 x 9 cm, giống gạch được khai quật tại Thành Nhà Hồ, trong đó có rất nhiều viên có dấu in/khắc chữ Hán tên các địa danh và một số tên chưa được xác định. 

Khác với quan niệm truyền thống, khi xây dựng nhà cửa, thường chuộng hướng Nam trong “tứ chính” Đông - Tây - Nam - Bắc. Nhưng đối với ngôi nhà này, khi dựng lại chọn hướng Đông. Lý giải điều này, ông Đạt cho biết “khi dựng nhà cửa ông bà trước đây xem xét rất kỹ, hướng Đông là hướng mặt trời mọc, có ánh nắng sẽ xua tan sự tối tăm, vạn vật mới được sinh trưởng, phát triển, cho nên nó tượng trưng cho sự sinh tồn, niềm hy vọng, tiềm lực, sự hưng vượng, tiến triển và lý tưởng”. Trước nhà có sân rộng rãi, không gian thoáng đãng, trước đây phía trước có nhiều đầm hồ là nơi tụ khí rất tốt cho ngôi nhà.

Ngôi nhà là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện, không những có ý nghĩa đối với làng, mà còn đối với quê hương, dân tộc. Trước năm 1945, vào những dịp quan trọng, như trong nhà có người thi đỗ, đến tuổi khao lão hoặc mừng chức lý trưởng, gia đình mở lễ khao vọng, mời các chức sắc và dân làng đến tham dự. Trong lễ khao vọng, gia chủ cho mời các gánh hát chèo, hát bội đến hát xướng góp vui, lại tổ chức những trò chơi tổ tôm, bài điếm..., ăn uống có khi đến hai, ba ngày liền. Sau năm 1954, ngôi nhà trở thành nơi sinh sống, chở che cho bao lớp cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà vừa là nơi ở của bộ đội, vừa trở thành kho đạn dược, vũ khí và che dấu xe vận tải vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hiện nay, tại làng Xuân Giai, ngoài ngôi nhà của gia đình ông Đạt, còn có một số ngôi nhà khác, có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị kiến trúc cao, nhưng do không đảm bảo tính họa tiết nên chưa được Nhà nước công nhận. 

Cũng như bao kiến trúc nhà cổ khác trong làng, hiện nay, nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Đạt đã và đang bị xuống cấp, nhiều hạng mục như tường, hệ thống cột gỗ, vì kèo bị hư hỏng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc bảo tồn nguyên trạng ngôi nhà là vấn đề cần kíp. Để thực hiện được điều này, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản của ông cha để lại.

Một tin vui mới đối với di sản Thành Nhà Hồ là vừa qua, ngày 12/2/2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có văn bản chính thức thông báo hai cây thị cổ làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là hai cây thị đã trên 600 năm tuổi (tương truyền có từ thời Trần - Hồ) được trồng trong khuôn viên ngôi chùa cổ trước đây, nằm cách Hào thành phía Nam của Thành Nhà Hồ 30m. Cây có chu vi trên 10m, chiều cao trên 20m. 

Hai cây Di sản nằm ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến - một làng cổ gắn liền với quá trình hình thành, hưng vong của vương triều Hồ và Thành Nhà Hồ trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dấu tích còn sót lại của một công trình tôn giáo có vai trò quan trọng phục vụ đời sống tâm linh của người dân Tây Đô suốt nhiều thế kỷ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đây từng là nơi nghỉ ngơi, ẩn trú của xe cộ, binh pháo của bộ đội trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Là nơi che chở cho dân làng trước bao trận bom đạn của giặc Mỹ cày xéo trên mảnh đất quê hương. Có thể nói, những cây cổ thụ tại làng Xuân Giai được công nhận là cây di sản của Việt Nam sẽ làm tôn thêm giá trị lịch sử vốn có của nó, từ đó khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, để người dân có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên và môi trường quê hương, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 2
Chi tiết nhà cổ
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 3
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 4
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 5
Cây thị
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 6
 bi an nhung di tich co ben di san thanh nha ho hinh anh 7
Giếng cổ
Theo (Theo Tiền Phong)
Bí ẩn Di sản Thành đá nhà Hồ
Với tuổi thơ tôi, ngôi cổ thành nằm giữa trập trùng đá núi huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã kỳ bí từ trong chuyện kể của bà để lại. Cho đến bây giờ, khi ngôi thành đá đồ sộ này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và được CNN đánh giá là "một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới" vẫn ẩn chứa nhiều sự bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Quê bà nội ở làng Tây Giai, thuộc xã Vĩnh Tiến nằm ngay sát Thành nhà Hồ nên mỗi khi theo bà về quê, tôi lại được lũ trẻ làng này rủ chơi đánh trận giả trên những hào thành. Thời đó, lũ trẻ chúng tôi chia làm hai phe, lấy trâu làm ngựa, lấy lau làm cờ, lấy cổng thành phía Tây làm gianh giới chiến trận. Phe ở ngoài công thành bằng dây thừng, phe trong thành bảo vệ bằng cách ném bùn, dội nước.

Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Thành được Hồ Quý Ly cho xây vào mùa xuân năm 1397, còn gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm, từ 1400 đến 1407.
Nhiều lần, tôi bị bong gân, trày xước chảy máu bởi trò chơi trận giả mà mãi đến sau này, khi lớn lên, học những trang sử thì mới biết, xung quanh hào thành này, hơn 600 năm về trước cũng đã xảy ra nhiều trận đánh vệ quốc đẫm máu oai hùng của cha ông.

Thời đó, cái thú nhất của lũ trẻ chúng tôi là đi đào dế quanh tường thành. Nhưng kỳ lạ thay, có hôm mãi đào mãi, dế đâu chẳng thấy, chỉ đào được viên bi đá to bằng quả bưởi, tròn xoe. Mang viên bi về khoe, bà bảo, đấy là đạn đá của ông Trừng đấy! Trong ý nghĩ not nớt thời ấy, tôi nghĩ đến trò súng chun và mường tượng ông Trừng phải là một vị thần cao siêu mới có thể sử dụng viên đạn đá to như thế!



Bốn cổng Thành nhà Hồ  theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông, gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu.
Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp hình múi bưởi, c
ác phiến đá xây dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn.
Trong ảnh là Cổng Tiền, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, 
cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Ảnh: Thông Thiện


Toàn bộ mặt ngoài tường Thành nhà Hồ được ghép bằng những phiến đá xanh, xếp chồng khít lên nhau,
có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng hơn 20 tấn. Theo các nhà khoa học ước tính,
tổng khối lượng đá được sử dụng ghép, xây Thành nhà Hồ khoảng 20.000 m3. Ảnh: Công Đạt



Chuyên mục Du lịch của trang web Đài truyền hình CNN (Mỹ) đánh giá, việc UNESCO lựa chọn ngôi cổ thành này
để trao “danh hiệu danh giá”  bởi 2 lý do: một là nhà Hồ chỉ tồn tại trong 7 năm (1400 - 1407) trong một giai đoạn
nhiều biến động của lịch sử Việt Nam, hai là Thành nhà Hồ là “mẫu mực nổi bật cho phong cách mới của kinh thành
Đông Nam Á”. Năm 2015, CNN đã xếp Thành nhà Hồ  là "một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới". Ảnh: Thông Thiện



Lớp ngoài tường thành xây dựng bằng những khối đá xanh, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình, khối đá lớn nhất
nặng tới khoảng 26 tấn. Các khối đá có kích thước to lớn được thấy ở các bức tường phía Tây,
phía Nam và phía Đông. Ảnh: Công Đạt



Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, kiến trúc của bốn cổng chính Thành nhà Hồ rất khoa học, với các phiến đá
được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như động đất.
Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm
qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Ảnh: Công Đạt



Lớp trong của tường thành là lũy đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp, có độ dốc thoải
dần vào phía trong thành, dày khoảng 60cm - 70cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi. Ảnh: Thông Thiện



Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m,
chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá
dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402. Ảnh: Công Đạt



 Phóng viên CNN mô tả khi tác nghiệp tại Thành nhà Hồ rằng: "... phần của tường thành bị lún xuống hoặc bị cỏ cây
trùm lấn - điều không thể tránh khỏi, nhưng như thế lại “tạo cho di tích vẻ huyền bí”. Xung quanh thành là
những cánh đồng ngô, lúa và con đường đất trải dài như không hề chịu ảnh hưởng của thời gian...". Ảnh: Công Đạt 



Trục đường chính, phần ở khu vực Cửa Nam của thành, được thư tịch cổ gọi là đường Cái Hoa, Hoa Nhai hay Hòe Nhai.
Cuộc khai quật khảo cổ ở khu vực này đã phát hiện dấu tích của con đường cổ chạy từ trong thành,
qua Cửa Nam về núi Đốn Sơn. Ảnh: Công Đạt



UBND tỉnh Thanh Hóa xác định, hoạt động du lịch chính là con đường đưa khách tham quan đến với Di sản Thế giới
Thành nhà Hồ, để làm cho Di sản có giá trị đúng với chính nó, làm cho di tích sống lại với thời gian. Ảnh: Công Đạt

Cũng mãi sau này khi đọc sách, tôi mới biết ông Trừng chính là nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), chính là kiến trúc sư của tòa thành kỳ vĩ này và những viên đạn đá đó để dùng bắn súng thần cơ sang pháo – Một loại vũ khí đã nhiều phen làm quân xâm lược khiếp sợ.

Điều bí ấn mãi mãi đối với tôi chính là đôi rồng đá bị mất đầu đã được người đi làm đồng trong hào thành đào phát hiện và dựng ở đường cái nối Cổng Tiền sang Cổng Hậu. Mang thắc mắc hỏi thì bà bảo, đôi rồng của ông Hồ Quý Ly, đấy là rồng thiêng, cháu không được vẽ bậy, hoặc cưỡi lên đôi rồng ấy!

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), Thành nhà Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Theo sử sách ghi lại trong Hoàng thành có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại với rất nhiều tác động của thiên nhiên và con người, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy.


Rồi bà kể tiếp rằng, dân làng Tây Giai vẫn lưu truyền nhau câu chuyện, làng hay bị hỏa hoạn nên có thầy thầy phong thủy đi qua bảo rằng, đôi rồng đá ấy hướng về làng thường phun lửa nên làng hay bị cháy. Từ đó, đầu đôi rồng không còn. Trong ý nghĩ non nớt của đứa trẻ lên năm, tôi nghĩ Hồ Quý Ly phải là vị thần oai hùng lắm mới cá thể cưỡi rồng đá phun lửa đến cháy nhà.

Sau này đọc lịch sử, tôi mới biết, Hồ Quý Ly (1336 – 1407) chính là vị vua sáng lập nên nhà nước phong kiến Đại Ngu, là người ra lệnh xây dựng tòa thành và có nhiều cải cách tiến bộ mà đến bây giờ đã được thế giới công nhận. Và trong dã sử, có nhiều thuyết nhắc đến đôi rồng đá bị cụt đầu ấy. Có thuyết nói rằng, sau khi giặc Minh xâm lược nước ta, đã chặt đầu rồng, lại có sách nói, đôi mắt rồng là hai viên ngọc quý nên bị người ta chặt đầu lấy ngọc.



Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Hội sử học Thanh Hoá) đánh giá đôi rồng đá ở Thành nhà Hồ
thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất hiện còn lại ở Việt Nam. Đôi rồng thể hiện nghệ thuật chạm khắc thời Trần
lúc hưng thịnh với đặc điểm khỏe khoắn, đầy đặn. “Sử cũ không ghi chép, cũng không ai biết đôi rồng đá bị mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho chặt đầu rồng mang về báo công
được nhiều người chấp nhận”, tiến sĩ Đấu cho biết. Ảnh: Thông Thiện


 Cặp rồng đá được chạm khắc rất tỉ mỉ. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy.
Rồng có bốn chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất
nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn chín nếp.. Ảnh: Công Đạt



Tại cổng thành phía Tây còn dấu tích bài thơ chữ Hán khắc trên đá theo thể thất ngôn bát cú
của Tri huyện Nguyễn Dao làm vào mùa Xuân năm Quí Dậu niên hiệu Bảo Đại (1923)
có nội dung ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên quanh vùng Thành nhà Hồ. Ảnh: Công Đạt



Trong những lần khảo cổ xung quanh khu vực Thành nhà Hồ, các nhà khoa học tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn
(bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây). Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết người thợ
khi xưa đã dùng chúng như con lăn để tời đá từ vùng khai thác  đến nơi xây dựng. Kết hợp với tời và đắp đất,
người ta đã đưa những phiến đá lên cao để xây thành. Ảnh: Công Đạt



Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam
khai quật khu vực Hào thành. Sau hơn 2 tháng khai quật trên diện tích 2.040 m2, các nhà khoa học
phát hiện nhiều  hiện vật bằng đất nung như ngói mũi sen, gạch bìa, trong đó nhiều viên có in,
khắc tên địa danh sản xuất, niên đại thời Trần - Hồ. Ảnh: Công Đạt



Trong những cuộc khai quật khảo cổ gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều công trình,
hiện vật đặc biệt tại Di sản Thành nhà Hồ như tìm thấy con đường đá cổ đẹp nhất Việt Nam với hơn 600 năm tuổi;
nền gạch Gò Ngục cách Hoàng thành về phía Tây - Nam 150 m. Ảnh: Công Đạt

Ngày đó, tôi với thằng Ngọc, người làng Tây Giai có một cuộc tranh cãi quyết liệt với chủ đề làm cách nào để xây tòa thành đá này. Tôi thì đưa ra chủ kiến, cái ông Hồ Quý Ly, cưỡi rồng đá phun lửa cháy làng ấy là người đẽo gọt những tấm đá to đùng rồi xếp lại với nhau thành tòa thành. Thằng Ngọc thì bảo, nó thấy người ta đẽo đá rồi, phải có rất nhiều người, đục đẽo đá núi Vàng (một ngọn núi ở huyện Vĩnh Lộc) thành những khối đá vuông, nhưng làm thế nào để xếp thành tòa thành thì nó không lý giải được. Nó bảo, lớn lên nó sẽ trả lời cho mà nghe.

Lũ con nít làng Tây Giai chúng tôi lớn lên, mỗi đứa mỗi ngã, đã quá nửa đời người nhưng không đứa nào theo đuổi nghành lịch sử để giải mã những bí ẩn của tuổi thơ./.

_____________________________________________________________

Từ  năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đầu tư hơn 90 tỷ đồng thực hiện dự án Khai quật tổng thể
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Đây là cuộc khai quật quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại di tích lịch sử đặc biệt này. Quá trình nghiên cứu, khai quật, khảo cổ sẽ được thực hiện trên tổng diện tích 56.000 m2, trong đó khu vực Nội thành 25.000 m2; Hào thành 12.000 m2; 4 Cổng thành 5.000 m2; đường Hoàng gia 14.000 m2.


Bài: Thông Thiện - Ảnh: Công Đạt, Thông Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét