Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Nhớ “Khâu xìa plềnh” nơi núi rừng Tây Bắc

Nếu bạn may mắn hơn được vui trong lễ hội “Gầu tào”, được uống rượu ngô, được ngắm các thiếu nữ Mông má đỏ hây hây, và đặc biệt được trực tiếp nghe trai gái hát tình ca “Khâu xìa plềnh” thì mới thấy các bài tình ca đều thể hiện tình yêu trong lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa… và cả sự lắng đọng tinh hoa của đất trời Tây Bắc, làm cho mọi người gần gũi chan hoà với nhau hơn, thêm yêu người, yêu đời.
Nho “Khau xia plenh” noi nui rung Tay BacLễ hội Gầu Tào - một lễ hội đặc trưng nhất của đồng bào Mông. (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Tình ca Mông có đến hàng trăm bài, với nhiều giai điệu, nhịp điệu và nội dung khác nhau (do dân tộc Mông có nhiều nhánh), nhưng đã là tình ca thì tính chất xuyên suốt vẫn là trữ tình. Tính trữ tình không chỉ ở tình yêu trai gái mà còn đối với đất nước quê hương, đối với cha mẹ già…, nhưng tình yêu lứa đôi vẫn là chuyện muôn đời không thể kể hết. Trai gái Mông yêu đương trao đổi với nhau bằng tiếng hát tự tình, bằng khèn lá, tiếng đàn môi hay tiếng sáo…
Chàng trai Sùng A Của, đang học ở Trường Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phiên dịch sang tiếng Kinh cho chúng tôi hiểu về ý của những bài tình ca này như: “Cúa dúa pang cầu” (Yêu anh mất rồi). “Cú pư pang nhả cầu” (Trong giấc mơ) hay trong bài “Cú nhả cầu thể” (Nhớ anh) với những lời thề thủy chung được thổ lộ bên con suối trong xanh nằm giữa cánh rừng hay những ngày xuân tràn đầy ánh nắng, chim ca. Trong bài “Yêu anh mất rồi” có câu hát có thể tạm dịch: “... Làm sao nói, làm sao anh về gặp em/Chiếm cả lòng em, làm xao động lòng em/Càng gần anh không muốn rời...”.
Có lẽ, trên thế gian này ở đâu cũng có những câu chuyện về tình yêu, yêu nhưng không hẳn được yêu, cũng không hẳn sẽ nên vợ nên chồng với những mối tình sót xa, tiếc nuối. Người Mông cũng có bài hát “Chi pâu xi dùa” tức là “Không lấy được nhau” hay bài “Cú nhi nhỉa mùa ca thia” tức là “Tôi không yêu cô nữa” lại có giai điệu thầm kín, tiếc thương hoặc chân thật đến nghiệt ngã, nghe rồi bâng khuâng: “Vì anh đi xa, em phải lấy chồng/Người chồng em không còn nữa/Đời em cực khổ vô cùng/Còn đâu ngày xưa...”.
Ngày nay, đời sống đồng bào Mông không ngừng đổi mới. Đồng bào cũng không ngừng sáng tạo những ca khúc mới, phản ánh sinh hoạt và ngợi ca chế độ ta tốt đẹp. Như lời bài hát “Chính phủ về” trong đó có câu: “... Rừng ban ta nở hoa. Bao ngày chờ trông Chính phủ về. Lời ca hoa nở thắm lòng ta mong đợi. Ơi bạn ơi...”.
Nguyễn Nhật Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét