Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

'Lộc trời' tiêu rừng ở vùng Măng Bút

Tiêu rừng được xem là thứ lộc trời mà thiên nhiên ban tặng cho Măng Bút, là gia vị không thể thiếu trong món ăn.
Từ lâu núi rừng Măng Bút (huyện Kon Plong, Kon Tum) được thiên nhiên ban tặng cho loại cây có hương vị không thể lẫn vào bất kỳ mùi vị nào khác, đó là cây tiêu rừng.
Những hạt tiêu ấy là đặc sản của núi rừng Măng Bút, là gia vị không thể thiếu trong các món ăn và còn được bà con chế biến thành muối tiêu.
Đi lấy tiêu rừng không chỉ kiếm thêm thu nhập cho bà con mà còn là tập quán lâu đời từ xưa của người Xơ Đăng nơi núi rừng Măng Bút.
Tiêu rừng được bà con xem là thứ lộc trời mà thiên nhiên ban tặng. Cứ vào buổi sáng, sau khi đã thu hoạch bắp gọn rồi, bà con trong thôn tranh thủ rủ nhau đi hái tiêu rừng.
Bà con phải dậy từ 5h để chuẩn bị cơm nắm, vật dụng cần thiết cho cuộc hành trình lên rừng lấy tiêu.
Đặc sản tiêu rừng ở vùng Măng Bút
Những hạt tiêu mới được người dân kiếm hái từ rừng về
Chị Y Hoa, thôn Kon Chieng, xã Măng Bút bộc bạch: 'Gia đình tôi hơn chục năm nay rồi, đến mùa này là đi hái tiêu thôi.
Trong thôn vui như có hội vậy, mỗi buổi sáng chừng 5h bà con lại rủ nhau từng nhóm 3 gia đình đi, khi tới chỗ có tiêu cũng đã 7h, rồi từng gia đình chia ra cho dễ kiếm tiêu mà hái, tới chiều tối lại về cùng nhau.
Tiêu rừng là loại cây cao to, cành cây dai nên chồng tôi trèo lên từng cành để lấy tiêu còn tôi đứng dưới lượm những hạt tiêu rơi.
Mỗi ngày vợ chồng tôi cũng hái được 7kg, bữa nào may mắn được 10kg. Cả ngày vất vả đi lấy tiêu thu được 40.000 đồng, có khi đồng bào chúng tôi đem phơi khô rồi trữ trong ống tre khô để treo trên gác bếp'.
Anh A Theo ở thôn Kon Chất, xã Măng Bút tâm sự: 'Cây tiêu rừng nó khác với loài tiêu thường là không phải thân dây leo mà cây thân gỗ, có chiều cao khoảng 7 - 12m và đường kính lớn nhất khoảng 12 - 14cm, lá tiêu nhỏ, thân cây xanh trơn.
Sau từ 2 - 3 năm cây cho quả vào khoảng tháng 7 và tháng 8, quả tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh, trông nhưcà phê.
Mỗi cành có nhiều quả lắm, hàng năm cây tiêu rừng cho 4 - 7kg hạt'.
Đặc sản tiêu rừng ở vùng Măng Bút
A Theo bên gùi tiêu rừng mới hái về
Với đồng bào Xơ Đăng ở Măng Bút, tiêu rừng là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn.
Khi thưởng thức món cá bắt được ở suối về chiên vàng hoặc miếng thịt heo rừng hay ăn thịt gà, thịt chim nướng… đều cần đến tiêu rừng.
Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào món ăn nào thì món ăn đó có mùi riêng ngay và khử đi những mùi tanh của nó.
Ngày nay ở khu du lịch Măng Đen, tiêu rừng có mặt hầu hết ở các nhà hàng, quán ăn. Các chủ nhà hàng đến tận nhà dân, tìm mua bằng được loại gia vị này để dành chế biến món ăn, làm muối tiêu.
Tiêu rừng trở thành đặc sản quý nhất của đồng bào, khi mà có khách quý đến nhà chơi thì được thưởng thức các món ăn chế biến từ hương vị này rồi còn làm quà biếu cho những người bạn thân thiết ở xa.
Theo Tuấn Anh/Danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét