Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Tỏi, gia vị quý ở mọi châu lục

Thuốc hay mọi thời


Một trong những cây trồng được con người thuần hóa ghi lại sớm nhất là cây tỏi. Tỏi được dùng để tăng sức đề kháng và chữa nhiều loại bệnh.
Tỏi được tìm thấy trong các kim tự tháp của Ai Cập và đền thờ Hy Lạp. Những đoạn văn bản cổ về y học của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc và Ấn Độ đều mô tả tác dụng chữa bệnh của tỏi.
Bán tỏi và gia vị ở một sạp chợ tại Ấn Độ. Ảnh: AFP
Rất khó tìm ra cây tỏi xuất phát từ quốc gia nào. De Candolle trong cuốn Nguồn gốc cây trồng đã cho rằng, cây tỏi xuất phát từ phía tây nam của Siberia, sau đó lan sang nam Âu và được trồng ở các nước Latinh giáp với Địa Trung Hải.
Theo tác giả cuốn Trở về Eden, tỏi từ xa xưa của loài người đã được dùng làm thức ăn. Có lẽ nó bắt nguồn từ châu Á nhưng giờ đây được trồng ở nhiều nước, mọc hoang ở Ý và Nam Âu.
Từ thời của các Pharaon, khi Hy Lạp đang ở đỉnh cao của quyền lực, tỏi được đưa vào khẩu phần ăn hàng ngày của các nô lệ và người lao động tham gia vào xây dựng kim tự tháp để phòng bệnh và tăng sức chịu đựng của họ.
Trong thế kỷ thứ năm, nhà sử học Hy Lạp Herodotus viết rằng ở kim tự tháp Ai Cập có những chữ khắc mô tả số lượng tỏi, hành tây và củ cải được tiêu thụ bởi các công nhân và những người nô lệ xây dựng các kim tự tháp vĩ đại của vua Khufu (Cheop).
Văn bản y tế chính thống Codex Ebers của Ai Cập cổ đại mô tả tỏi dành cho chữa trị tăng trưởng bất thường, bệnh tuần hoàn, bất ổn, nhiễm ký sinh trùng. Tép tỏi được bảo quản tốt tìm thấy trong mộ của vua Tutankhamen trị vì từ năm 1.334 đến 1.325 trước công nguyên.
Theo Kinh thánh, các nô lệ Do Thái khi đưa qua Ai Cập được cho ăn tỏi để duy trì và tăng cường sức mạnh và năng suất.
Thời Hy Lạp cổ đại, binh lính được cho ăn tỏi để tăng lòng dũng cảm và tỏi là một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày của quân đội. Trong Thế vận hội Olympic đầu tiên, tỏi được các vận động viên sử dụng trước khi tham gia để nâng cao hiệu suất.
Hippocrates, cha đẻ của ngành y đã dùng tỏi trong việc chữa bệnh của mình.
Thời La Mã cổ đại, các bác sĩ trưởng của đội quân của Nero khuyên dùng tỏi để "làm sạch động mạch", tức là sử dụng tỏi để cải thiện tình trạng tim.
Trong một cuốn sách tham khảo về y học, Historica Naturalis, 23 công dụng của tỏi đã được liệt kê, trong đó có nêu công dụng chống lại chất độc và nhiễm trùng, đường hô hấp và nhiễm ký sinh trùng.
Tỏi là gia vị nhưng cũng vừa là thuốc. Ảnh: Gettyimages
Tại Trung Quốc và Nhật Bản xa xưa, tỏi đã được dùng như một chất bảo quản thực phẩm. Tỏi hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa, tiêu chảy và nhiễm giun, chống trầm cảm và tăng cường khả năng tình dục của nam giới.
Tại Ấn Độ, tỏi gắn liền với quá trình chữa bệnh từ khi người ta bắt đầu có tài liệu ghi chép.
Trong văn bản y tế có tên Charaka-Samhita, tỏi được sử dụng để điều trị bệnh tim và viêm khớp. Trong một văn bản y tế cổ, tỏi dùng chữa mệt mỏi, ký sinh trùng, bệnh tiêu hóa và bệnh phong.
Thời Trung cổ, bản thảo Hortulus, một văn bản tham khảo y tế hàng đầu thời đó đã nêu tỏi làm giảm bớt táo bón khi được tiêu thụ với các đồ uống.
Người lao động ở ngoài trời được khuyên nên uống tỏi để ngăn ngừa đột quỵ do lao động nặng. Tỏi được sử dụng khi có đại dịch lớn.
Thời Phục hưng, bác sĩ hàng đầu của thế kỷ 16, tiến sĩ Pietro Mattioli của Siena sử dụng tỏi cho các bệnh rối loạn tiêu hóa, sỏi thận và xuất huyết sau khi sanh. Người Anh chứa tỏi trong tủ thuốc của họ, và nó được sử dụng cho đau răng, táo bón, cổ chướng và bệnh dịch hạch.
Người Mỹ bản địa sử dụng tỏi với trà để điều trị các bệnh cúm. Ngoài ra tỏi còn được dùng để làm lợi tiểu, long đờm, tẩy giun và chữa các bệnh về phổi.

Các loại tỏi trên thế giới


Các nhà khoa học ước tính có khoảng 10 giống tỏi trên thế giới, còn nếu tính ra chi li thì có tới 600 loại tỏi trên khắp các châu lục.
Tỏi cổ cứng và mềm
Tỏi được chia ra làm hai loại: cổ cứng và cổ mềm. Tỏi cổ cứng dễ bóc vỏ hơn loại cổ mềm, tuy nhiên dự trữ thời hạn ngắn hơn (3 - 4 tháng). Tỏi cổ mềm được trồng phổ biến hơn do lưu trữ được khoảng 8 tháng. Theo báo Theguardian, có một số loại tỏi đáng chú ý dưới đây:
Tỏi sứ: Vì trông trắng và muốt như sứ nên tỏi được đặt tên này. Đây là loại cổ cứng, mỗi củ chỉ chứa 4-5 tép tỏi. Tỏi sứ trông rất đẹp, giản dị nhưng mùi rất mạnh.
Tỏi sọc tím. Ảnh: TL
Tỏi sọc tím (rocambole garlic): Tỏi có mùi hương rất mạnh và là gia vị ưa thích của các đầu bếp. Tuy nhiên, khi nấu với lửa lớn thì sẽ mất hương nên cần nấu ở nhiệt độ thấp.
Tỏi đỏ
Tỏi Tây Ban Nha (còn gọi tỏi đỏ): Tỏi có màu tím sẫm tuyệt đẹp, một số loại có hương nhẹ, một số loại có hàm lượng đường cao. Tây Ban Nha xuất khẩu một lượng tỏi rất lớn hàng năm sang các nước châu Âu.
Tỏi Ý: Có nhiều tép ở mỗi củ tỏi và hương vị hoang dã, rất nhanh bị mọc mầm.
Tỏi đen hoặc hun khói: Cả hai đều là công nghệ gần đây. Tỏi đen được lên men ở nhiệt độ cao để có vị ngọt và làm tăng hương vị mạnh mẽ cho món ăn. Tỏi hun khói được làm giống như cá hun khói, thích hợp với ăn kèm bánh mì.
Tỏi hoang dã: Mọc trong các khu rừng ẩm ướt của nước Anh. Nó có vị dễ thương mỗi khi mùa đến, thích hợp với làm món salad hoặc nhồi vào con gà.
Tỏi ở Việt Nam
Các vùng trồng tỏi nổi tiếng ở nước ta gồm có tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang, tỏi Bắc Giang, tỏi Kinh Môn (Hải Dương), tỏi Mai Châu, tỏi tía Phù Yên (Sơn La)…
Tỏi tía. Ảnh: TL
Với diện tích khoảng 300ha, Lý Sơn hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi. Tuy củ hơi nhỏ nhưng người tiêu dùng rất ưa chuộng tỏi Lý Sơn, bởi chất lượng củ tỏi được tạo nên từ thổ nhưỡng của vùng đất bazan do hoạt động của hỏa diệm sơn phun trào mấy triệu năm về trước và sự vỡ vụn của san hô thành những hạt cát trắng mịn, cộng với môi trường khắc nghiệt đầy vị biển.
Tỏi Phan Rang. Ảnh: TL
Tỏi tía bản địa được trồng ở hai xã vùng cao Pù Bin, Noong Luông Mai Châu. Nhiều người đã lặn lội lên tận vùng miền núi này để mua được tỏi gác bếp của đồng bào dân tộc. Tỏi tía có tên khoa học Allium sativum, là loại tỏi củ nhỏ, tép có màu vàng, rất nhiều dầu, vị cay và thơm. Tỏi tía là một đặc sản của Việt Nam mà không một giống tỏi nào trên thế giới có thể so sánh về chất lượng. Tỏi tía có tác dụng hiệu quả trong bệnh mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, cúm và ho dai dẳng, giảm béo bụng.
Tỏi cô đơn đặc sản ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: vuongquoctoi.com
Tỏi một nhánh Phù Yên bảo quản được lâu, vị thơm hơn hẳn tỏi những vùng khác, lượng tinh dầu trong tỏi cao hơn tỏi bình thường. Tỏi cô đơn của Phù Yên hay Lý Sơn đều có giá bán cao gấp nhiều lần tỏi bình thường vì giá trị làm thuốc mà nó mang lại.
Theo đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi có độc, đi vào hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ… Những người có chứng âm hư, nội nhiệt, thai sản, đau mắt, mũi, răng, cổ, lưỡi chớ dùng.
Hương Tâm (theo allicinfacts.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét