Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Ụ tàu Ba Son - một di tích quí hiếm của Sài Gòn

Rất nhiều người Sài Gòn, dù đã sống lâu năm hay mới vừa nhập cư mươi năm trở lại đây, chưa biết ở bên trong Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) có một di tích đặc biệt quí của đô thị trên 300 năm hình thành này.
Ụ tàu khi ngập nước
Đó là ụ tàu lớn nằm cách Xưởng cơ khí 40m (Xưởng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích, quyết định 103/QĐ/BT ngày 12.8.1993). Ụ tàu này có niên hạng 1884-1888. Cũng không khó hiểu vì sao lại có tình trạng đáng tiếc ấy. Bởi, ngay cả di tích đã xếp hạng quốc gia là Xưởng cơ khí nơi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã từng làm việc và vận động thành lập Công hội Đỏ đầu tiên của Việt Nam cũng bị hạn chế tham quan (15.000 lượt người/năm). Nguyên nhân chính: đây là khu vực đất quốc phòng, cần sự bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngược dòng lịch sử, ngày 28.4.1863, Chính phủ Pháp quyết định thành lập Thủy xưởng (arsénal) Ba Son (ngày nay là Xí nghiệp Liên hợp Ba Son) để phục vụ nhu cầu sửa chữa tàu quân sự và dân sự ngày càng lớn của Pháp tại vùng Biển Đông. Trước đó, vào năm 1861, do khảo sát địa chất không đảm bảo để xây ụ tàu chìm lớn cố định ở vị trí đường Tôn Đức Thắng và Thảo Cầm Viên ngày nay, người Pháp phải làm tạm một ụ tàu nhỏ bằng ụ đất lắp ván gỗ dài 65m chỉ để sửa chữa loại tàu nhỏ.
Đến tháng 10.1863, người Pháp đem về lắp ráp tại Thủy xưởng Ba Son (mới thành lập trước đó sáu tháng) chiếc đốc nổi (dock flotant) mua của Anh giá 2,2 triệu franc. 21 năm sau đó, do chiếc đốc nổi ở vị trí ụ tàu nhỏ đưa vào hoạt động từ năm 1863 hết hạn sử dụng và cũng do nhu cầu phát triển ngày càng lớn của Thủy xưởng Ba Son, hai kỹ sư Devernière và Phauvein đã được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng ụ tàu chìm lớn để làm cơ sở sửa chữa tàu cho các hạm đội Pháp ở Viễn Đông.
Ụ tàu này được khởi công từ giữa năm 1884 và đưa vào sử dụng tháng 12.1888. Đây chính là ụ tàu duy nhất của Ba Son còn lại đến nay, gần như nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng. Ụ tàu móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, ximăng, sắt thép mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng ụ tàu này (dài 156m, rộng 21m, sâu 10m) lên tới hơn 7,8 triệu franc. Ngày nay, đến quan sát ụ tàu này, khách tham quan dễ dàng hình dung được phương thức vận hành tàu vào ra trước và sau khi sửa chữa. Đó là nhờ sự tồn tại nguyên vẹn hệ thống bốn bồn cát lớn, hệ thống điện, trạm điện, đường điện; đặc biệt là hệ thống trục bít gồm 34 cái đúc bằng thép cứng (dạng khối tròn, dạng khối rỗng và dạng thuôn tròn) dùng để vận hành cửa ụ, neo tàu và hỗ trợ tàu vào ra.
Ụ tàu là cơ xưởng đầu tiên và lớn nhất của Thủy xưởng Ba Son ra đời từ 152 năm trước, là địa điểm lịch sử lâu đời bậc nhất của Ba Son chỉ cách 40m với Xưởng cơ khí (di tích quốc gia đã được xếp hạng), có vị trí nam giáp sông Sài Gòn, đông giáp Xưởng cơ khí, tây giáp Trạm xưởng Ụ đốc (cũng là một bộ phận của Ba Son có trên 100 năm).
...Và khi cạn nước
Chưa hết, cách Ba Son chỉ hơn 1km chính là vùng đất xưa kia tồn tại Thành Gia Định, bị triệt hạ năm 1835 dưới thời Minh Mạng, với bốn mặt ứng với các con đường ngày nay: đông là Đinh Tiên Hoàng, tây là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nam là Lê Thánh Tôn, bắc là Nguyễn Đình Chiểu. Với từng ấy đặc điểm quí về niên hạng, chất liệu, kiểu dáng và lịch sử, Ụ tàu xứng đáng được bảo tồn nguyên vẹn theo qui định của Luật Di sản Văn hóa bổ sung năm 2009.
Thử hình dung, khách du lịch trong và ngoài nước đến Sài Gòn sẽ có ấn tượng đặc biệt thế nào khi được giới thiệu về truyền thống thạo nghề sông nước của người Việt vùng Nam bộ, về nét độc đáo của hàng giang và hàng hải ở vị trí sông Sài Gòn ngày nay, về minh chứng của nền công nghiệp hàng hải Việt Nam xuất hiện những năm đầu hình thành và phát triển Sài Gòn - Gia Định. Ấn tượng ấy sẽ không trở nên đặc biệt và thiếu sức thuyết phục nếu không còn Ụ tàu bên cạnh Xưởng cơ khí của Ba Son.
Bảo tồn hợp lý, đúng nguyên tắc Ụ tàu trong tổng thể di tích Ba Son và kết nối nó với sự phát triển tương lai của khu đô thị trung tâm Ba Son - Sài Gòn rộng tới 26ha và đường bao sông 2.000m (không còn là đất quốc phòng nữa), thử hỏi còn gì hợp lý hơn về mô hình bảo tồn hài hòa với phát triển, về mơ ước di sản cần/phải sống được cùng/trong sự phát triển đương đại...
Một số hình ảnh tư liệu về Ba Son:
Một con tàu được sửa chữa trong ụ nổi năm 1931. Ảnh: TL
Buổi ra mắt của thuyền Albert Sarraut ở Sài Gòn. Ành: TL
Các ụ nổi được xây dựng vào năm 1886. Ảnh: TL
Thanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét