Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Trở lại Đồng chó ngáp

Một thời đồng hoang cỏ cháy

TT - “Đồng chó ngáp” là cụm từ rất phổ biến để nói đến những cánh đồng hoang rộng lớn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xưa kia. 
                        
 
Nghe đọc bài: Một thời đồng hoang cỏ cháy
Mùa len trâu - Ảnh: B.N.
Mùa len trâu - Ảnh: B.N.
Có điều đa số người dân ở xứ này chỉ nhớ mỗi đồng chó ngáp ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Vượt chặng đường hàng trăm cây số và thêm mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên vỏ lãi chúng tôi mới tới được đồng chó ngáp ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đó là nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn vắng bóng người và những khu dân cư sầm uất ven kênh đào.
Ông Trần Thanh Phong (67 tuổi, ở xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) kể về một thời chăn trâu mướn ở đồng chó ngáp. Giờ đây ông là một tỉ phú nhờ lúa - tôm và trang trại cá sấu - Ảnh: V.TR.
Ông Trần Thanh Phong (67 tuổi, ở xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) kể về một thời chăn trâu mướn ở đồng chó ngáp. Giờ đây ông là một tỉ phú nhờ lúa - tôm và trang trại cá sấu - Ảnh: V.TR.
Đồng xa chó ngáp
Vừa chào hỏi xong, ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân - nói với tôi: “Trung tâm của đồng chó ngáp là xã Ninh Thạnh Lợi A và Ninh Thạnh Lợi. Chỉ có hai cách để vào đây, một là ngồi vỏ lãi (xuồng nhỏ chạy bằng máy) hoặc đi xe gắn máy len lỏi qua những con đường nhỏ ven kênh.
Còn nếu muốn trải nghiệm để hiểu cuộc sống của người dân ở đây mấy chục năm trước thì có thể... cuốc bộ, mất chừng một ngày là tới. Chú em chọn cách nào?”.
Nhìn ra con kênh lớn cạnh huyện ủy thấy vỏ lãi xuôi ngược nườm nượp như ôtô trên đường phố Sài Gòn, chúng tôi bảo sẽ vào đó bằng vỏ lãi. Ông Út cười khà khà: “Chú chọn đúng rồi đó. Chỉ có ngồi trên vỏ lãi mới đi được nhiều, mới nhìn thấy hết có cái gì trong đồng chó ngáp”.
Chiếc vỏ lãi nổ máy phóng đi. Đột nhiên trời đổ mưa. Gió ngược với hướng chiếc vỏ lãi khiến chúng tôi lạnh run, hai hàm răng đánh bò cạp nghe cành cạch. Đi chừng một tiếng đồng hồ thì cánh đồng lúa bạt ngàn cũng hiện ra trước mắt.
Khi vỏ lãi lướt trên con kênh rộng hơn 10m thẳng tắp, ông Võ Văn Út kể: “Đây là con kênh do chính quyền Ngô Đình Diệm bắt dân ở đây đào để phục vụ cho kế hoạch dồn dân, lập khu trù mật ở quận Phước Long ngày trước.
Con kênh rất dài và rộng dẫn từ Phước Long qua Hồng Dân... có tên là kênh Cộng Hòa. Khi đào kênh có người làm quá sức bị đứt ruột mà chết nên người dân ở đây gọi kênh là kênh đứt ruột”.
Trong những ngày khám phá đồng chó ngáp, chúng tôi đã gặp nhiều lão nông được sinh ra và lớn lên từ cánh đồng chó ngáp này.
Theo ông Trần Thanh Phong (67 tuổi, ngụ ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi), vào thời triều Nguyễn nơi này là rừng tràm. Trong thời Pháp thuộc thì tràm bị khai thác hết và trở thành cánh đồng hoang bạt ngàn chỉ toàn cỏ năn và lác.
Cánh đồng lớn đến mức người ta không thể nào đi một lèo qua nổi mà phải mang theo nước uống và tìm chỗ nghỉ cho bớt mệt mới đi tiếp.
“Tôi nghe cha kể lại hồi đó chó cũng không đi nổi qua cánh đồng này dù chó nổi tiếng là rất giỏi nhịn khát và đi xa. Con nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải lè lưỡi thở dốc rồi ngáp dài ngao ngán nên gọi là đồng chó ngáp.
Hồi tôi còn nhỏ cũng rất nhiều lần băng qua cánh đồng này. Vào mùa khô đồng khô cỏ cháy, nếu băng qua đồng này mà quên mang theo nước uống thì có thể chết khát thiệt đó” - ông Phong kể.
Còn tuổi thơ của ông Trần Văn Quang (70 tuổi, ngụ xã Ninh Thạnh Lợi A) đã gắn chặt bên cánh đồng hoang này.
Mùa nước nổi ngập lênh láng, rắn bò vào nhà ngủ chung với người. Mùa khô thì nắng cháy da, chỉ cần một ngọn lửa bất cẩn thì đồng hoang sẽ trở thành biển lửa khủng khiếp. Ngày ấy ở đây không có ruộng lúa như bây giờ vì gieo mạ xuống thì lúa chết khô.
Đồng chó ngáp Hồng Dân là một nơi “cầm trâu” nổi tiếng, nghĩa là người ta đưa những bầy trâu hàng trăm con ở khắp nơi về đây ăn cỏ suốt nhiều tháng mùa nước nổi.
Trâu được thả lan mặc tình đi kiếm ăn chứ không cần nhốt hay cột lại. Những gò đất nhỏ trên đồng là nơi người chăn trâu lùa trâu đến ngủ sau một ngày đi kiếm ăn.
Nét hoang sơ vẫn còn ở đồng chó ngáp. Thế nhưng mảnh đất này đang giúp nhiều nông dân trở nên giàu có hơn - Ảnh: V.Tr.
Nét hoang sơ vẫn còn ở đồng chó ngáp. Thế nhưng mảnh đất này đang giúp nhiều nông dân trở nên giàu có hơn - Ảnh: V.Tr.
Xứ sở của những người chăn trâu
Hầu hết những người đàn ông lớn tuổi chúng tôi gặp ở đồng chó ngáp này thừa nhận họ từng sống bằng nghề... chăn trâu mướn.
Rất nhiều người ở xứ khác đến đây chăn trâu rồi ở lại lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cháu. Có lẽ vì vậy mà nhiều lão nông bảo rằng đồng chó ngáp chính là xứ sở của những người chăn trâu.
Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe nhiều người dân ở xã Ninh Thạnh Lợi A gọi ông Năm Bảo (Phạm Văn Bảo) là “vua chăn trâu” vì hồi còn trẻ có lúc ông chăn tới 400 con trâu trên cánh đồng này.
Ông Bảo kể trong chiến tranh vùng đồng chó ngáp cũng chẳng yên ngày nào. Bởi vậy ít người làm nghề chăn trâu mướn vì không chỉ đối mặt với hiểm họa của rừng thiêng nước độc mà còn lo tránh bom đạn nữa.
Có lẽ vì vậy mà người ta trả công cho người giữ trâu mướn khá cao, khoảng 3-5 giạ lúa/cặp trâu/vụ. Ông Bảo nhận giữ 300 - 400 con cùng lúc nên cứ ba tháng là ông chở về cả chục tấn lúa.
“Nói vậy chứ đâu có dễ ăn. Nếu trâu của người ta bị thất lạc hoặc ốm nhom thì phải đền, rồi năm sau họ không gửi mình nữa. Chăn trâu cũng phải có nghệ thuật chứ không phải dễ”- ông Năm Bảo nói.
Nghệ thuật của ông chính là “luyện” cho trâu nghe và làm theo hiệu lệnh tiếng tù và của ông. Vì vậy mà đàn trâu của ông chăn không bị đi lạc.
Nhiều người giàu có ở đây có vẻ né tránh quá khứ chăn trâu của mình. Thế nhưng một số người như ông Ba Ngân (Nguyễn Văn Ngân) dù là “đại gia” nhưng lại vui vẻ kể hết những ngày tháng gian khổ khi tham gia đội quân chăn trâu mướn ở đồng chó ngáp này.
Ông kể từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm đồng chó ngáp Hồng Dân cỏ mọc xanh mướt, trâu đến đây cứ ở một chỗ ăn no rồi ngủ, không cần phải lùa đi xa. Đó cũng là thời điểm công việc cày, bừa của trâu ở Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... kết thúc.
Mãi đến sau năm 1990 vùng này mới được khai hoang, cải tạo đất. Khi đó nghề chăn trâu mướn cũng không còn nữa. Đội quân chăn trâu mướn phải chuyển sang nghề khác kiếm sống. Phổ biến là nghề đan rổ, thúng, mành dùng để quây lại thành bồ chứa lúa...
Xứ này không có tre, trúc nên họ phải đi xứ khác mua đem về chẻ nhỏ ra để đan, rồi đem bán ở chợ. Những người đan được nhiều phải chất lên ghe chở đi bán ở khắp nơi. Nhưng rồi đồ dùng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều. Nghề đan tre dần dần cũng “chết”.
Vì sao gọi là độn trâu, len trâu?
Ông Trần Thanh Phong là một trong những người giữ trâu mướn từ những năm 1960 khi lính Mỹ chưa càn quét đồng chó ngáp. Ông bảo ngoài cái tên đồng chó ngáp thì nơi này còn được gọi là “xứ độn trâu”.
Ông giải thích: “Các vùng xung quanh người làm lúa được hết nên không có chỗ thả trâu ăn suốt mấy tháng vụ mùa. Riêng vùng này không làm lúa được, chỉ toàn cỏ năn, lác.
Trâu thích ăn cỏ này nên vào mùa vụ dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... lùa trâu tới đây thả cho ăn cỏ, vỗ béo chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
Vì thế mà vùng này được gọi là xứ độn trâu. Do cánh đồng này rộng lớn nên người ta thả trâu đi ăn tự do, hình thức đó gọi là len trâu”.

 Những cuộc thảm sát đẫm máu

TT - Những hình ảnh người dân vô tội ngã xuống sau những tiếng súng, máu của họ nhuộm vào đất... vẫn còn in sâu trong tâm trí của nhiều người lớn tuổi.
                        
 
Nghe đọc bài: Trở lại Đồng chó ngáp - Kỳ 2: Những cuộc thảm sát đẫm máu
                        
 
Nghe đọc bài: Trở lại Đồng chó ngáp - Kỳ 2: Những cuộc thảm sát đẫm máu
Chiếc xuồng lườn từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sử dụng đi lại trong thời gian công tác ở đồng chó ngáp Bạc Liêu - Ảnh: V.TR.
Chiếc xuồng lườn từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sử dụng đi lại trong thời gian công tác ở đồng chó ngáp Bạc Liêu - Ảnh: V.TR.
Không ai thống kê được có bao nhiêu đạn pháo của Pháp và Mỹ đã giội xuống đồng chó ngáp Bạc Liêu. 
Theo tài liệu của Huyện ủy Hồng Dân, Bạc Liêu là tỉnh thứ 20 của Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc. Khi đặt bộ máy cai trị ở đồng chó ngáp, thực dân Pháp đinh ninh rằng sẽ trấn áp được những người nông dân nghèo khó ở làng Ninh Thạnh Lợi.
Nhưng vào tháng 5-1927, những người nông dân này đã dạy cho họ một bài học.
Nông dân nổi dậy đòi đất
Trong báo cáo của thống đốc Nam kỳ gửi toàn quyền Đông Dương ngày 28-5-1927 thì làng Ninh Thạnh Lợi có 900 người đăng ký. Họ là những người nông dân ở nơi khác đến khai hoang vùng đất này từ rất nhiều năm trước.
Thế nhưng chẳng có ai đăng ký sở hữu đất đai mà mình khai hoang vì không hiểu luật lệ. Đó cũng là sơ hở để tên địa chủ người Pháp Beauville-Eynaud lợi dụng giở trò chiếm đất của dân từ năm 1922.
Hắn cho thuộc hạ làm đơn gửi chính quyền thực dân xin khẩn đất tại làng Ninh Thạnh Lợi. Hắn đăng ký “khai hoang” ngay trên những thửa đất đang được nông dân sản xuất.
Nông dân vô cớ bị mất đất, trở thành tá điền cho hắn. Bức xúc vì bị cướp đất, một phú nông tên Trần Kim Túc (Chủ Chọt) đã đứng ra vận động nông dân đứng lên đấu tranh đòi đất bằng cách gửi đơn kiện đến thống đốc Nam Kỳ. Kết quả là Pháp buộc tên địa chủ này phải trả lại đất cho nông dân.
Tuy nhiên Beauville-Eynaud không dễ chịu thua. Hắn câu kết với các tên ngụy tề làng để dần chiếm đất của dân theo kiểu tằm ăn lá dâu. Tức nước thì vỡ bờ, năm 1927 ông Trần Kim Túc đã vận động nông dân nổi dậy.
Vũ khí chỉ là khoảng 200 cây phảng (dụng cụ phát hoang cỏ của nông dân), nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để nông dân Ninh Thạnh Lợi giành thắng lợi đầu tiên, khiến tên chánh tổng Thanh Yên dẫn đám tàn quân bỏ của chạy lấy người.
Sau đó Pháp tăng viện binh với đầy đủ súng ống, đạn dược rồi đưa quân ở các vùng lân cận đến đàn áp.
Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi cuối cùng cũng thất bại sau khi có 17 người chết, 88 người bị bắt gồm cả đàn bà và trẻ em.
Tuy nhiên chính quyền Pháp không dám xử tử hình ai và phải điều chỉnh chính sách ruộng đất ở Đông Dương, trả lại đất cho nhiều người, trong đó có gia đình ông Trần Kim Túc và nông dân làng Ninh Thạnh Lợi.
Vào năm 1947, chính quyền cách mạng đã đổi tên ấp Nam Lợi 1 thành ấp Chủ Chọt thuộc xã Ninh Thạnh Lợi như là một sự ghi nhận công lao của ông Trần Kim Túc.
Đem cả máy bay bắn trâu
Ông Lâm Văn Húa (60 tuổi, xã Ninh Thạnh Lợi A) kể trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chó ngáp được xem là một chiến trường rất ác liệt. Ban ngày địch cho máy bay quần thảo, ban đêm thì bắn pháo sáng, không giờ nào được yên.
Gia đình ông Húa có hơn 20 con trâu. Ông còn nhỏ nên chỉ được phân công giữ bốn con. Khoảng năm 1967, đàn trâu của gia đình ông và hàng trăm con khác đang ăn cỏ trên đồng chó ngáp thì máy bay địch ùn ùn kéo tới.
Bọn lính ngồi trên máy bay chĩa súng xuống xả đạn như vãi trấu. Hàng trăm con trâu ngã lăn ra chết. Trâu chết quá nhiều, dân ở đây lại ít nên không thể nào xẻ thịt ăn hết, vì vậy chỉ mấy ngày sau cả cánh đồng bốc mùi thối không ai dám lại gần.
Nhiều lão nông ở đây nói họ không nhớ nổi có bao nhiêu lần máy bay địch thảm sát trâu, nhưng chuyện trâu bị bắn chết thối đồng thì lúc nào cũng có.
Cho đến bây giờ, hình ảnh người và trâu ở ấp Phước Trường, xã Phước Long bị máy bay địch thảm sát kinh hoàng vào năm 1967 vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Lê Phương Vũ (69 tuổi, ấp Thống Nhất, xã Ninh Thạnh Lợi A).
Ông bùi ngùi: “Do địch càn quét trong rừng quá khốc liệt nên bộ đội, người dân và những đàn trâu phải di chuyển ra các cánh đồng cỏ năn để tránh. Hôm đó trực thăng của Mỹ phát hiện và xả súng kinh hoàng. Hàng chục người chết, còn trâu chết la liệt thúi cả một vùng...”.
Những ai từng xem bộ phim Cánh đồng hoang đều có thể hình dung được đồng chó ngáp Bạc Liêu trong thời kháng chiến chống Mỹ cũng ác liệt như thế. Ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân, nói trước năm 1975 đồng chó ngáp có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả hai bên.
Lý do đây là một vùng đệm thiên nhiên giữa vùng địch tạm chiếm là các khu dân cư sống dọc theo tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp với khu căn cứ cách mạng Cái Chanh.
Nếu địch đổ quân càn vào khu căn cứ Cái Chanh sẽ bị “trắng lưng” trên cánh đồng chó ngáp. Ngược lại, địch phát hiện người hay trâu trên đồng thì vãi đạn giết hết.
Để tránh những làn đạn vô tình lẫn chủ ý của địch, nông dân ở đồng chó ngáp đã có sáng kiến rất độc đáo là đào rất nhiều hầm ngay trên đồng, cạnh những ao nước để khi gặp máy bay địch thì có chỗ nấp.
Lão nông Trần Thanh Phong ở xã Ninh Thạnh Lợi A đã phải đào hàng chục cái hầm như thế khi chăn trâu và khai hoang vùng này.
Ông kể: “Trên đồng hoang này toàn cỏ. Máy bay địch bay trên đầu thì chúng nhìn thấy hết bên dưới có gì. Bọn lính thấy trâu thì bắn trâu, thấy người là bắn người. Thấy có chòi lá thì vừa bắn, vừa đốt.
Ngay cả khi chúng phát hiện một đám cỏ năn, lác bị cắt đi thì cho rằng xung quanh có người nên cứ xả súng bắn xối xả. Tui nghĩ ra cách đào những cái ao (còn gọi là đìa) trên đồng vừa để giữ nước cho mùa khô, vừa đánh dấu là có hầm bí mật ở đó.
Đào ao xong thì tui đào hầm ngay bên cạnh, sâu chừng 2m vừa cho 1-2 người chui vào đó tránh đạn từ máy bay. Nắp hầm là một mô đất, trên đó có cỏ ngụy trang”.
Đào hầm xong, ông nói cho những người khác biết cách nhận ra hầm bí mật để tránh khi gặp máy bay địch.
Nhiều người cũng đào thêm hầm như ông nên trên đồng chó ngáp có hàng trăm hầm bí mật cạnh ao nước. Nhờ vậy mà ông Phong và rất nhiều người dân khác đã tránh được vô số trận càn của địch. 
Nơi làm việc của ông Lê Duẩn trong thời gian công tác ở đồng chó ngáp Bạc Liêu - Ảnh: V.TR.
Nơi làm việc của ông Lê Duẩn trong thời gian công tác ở đồng chó ngáp Bạc Liêu - Ảnh: V.TR.
Căn cứ cách mạng giữa đồng chó ngáp
Chúng tôi ngồi vỏ lãi đi xuyên qua những cánh đồng và những con kênh lớn trồng dừa nước dày đặc hai bên bờ để đến khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi.
Đây là nơi các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt... từng sinh sống và hoạt động cách mạng.
Vào sâu bên trong là những căn nhà lợp lá dừa nước đơn sơ từng là nơi làm việc của ông Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt và bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Trong nhà đều có những chiếc lu đặt sâu dưới đất làm hầm bí mật. Bên cạnh những ngôi nhà còn có hầm tránh pháo.
Tại căn cứ này vẫn còn lưu giữ chiếc xuồng nhỏ mà ông Võ Văn Kiệt thường sử dụng để đi lại trong đồng chó ngáp. Đặc biệt là chiếc lu ximăng của cai tổng Trí ở Phước Long được bảo vệ của ông Lê Duẩn lấy đem về làm hầm bí mật cho ông tại căn cứ này giai đoạn 1949-1952.

Trời cho “một bụi đỏ”

TT - Đất đai ở cánh đồng chó ngáp bạt ngàn như thế nhưng trước kia chỉ có cỏ năn, lác mới sống nổi vì bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. 
                        
 
Nghe đọc bái: Trở lại Đồng chó ngáp - Kỳ 3: Trời cho “một bụi đỏ”
Ông Lê Phương Vũ (trái) khoe với Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út giống cá bống tượng gia đình ông thả nuôi thử nghiệm - Ảnh: V.TR.
Ông Lê Phương Vũ (trái) khoe với Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út giống cá bống tượng gia đình ông thả nuôi thử nghiệm - Ảnh: V.TR.

Bao nhiêu giống lúa ở nơi khác được cư dân khai hoang đem về gieo xuống đất đều chết sạch. Nhưng sự kiên nhẫn của người dân cuối cùng cũng được đền đáp: một giống lúa nhú lên khỏi mặt đất, xanh um rồi trổ bông.
Người dân mừng quá gọi đó là giống lúa trời cho. Giống lúa này sau đó được đặt tên là một bụi đỏ Hồng Dân.
Chuyện về 4kg lúa đặc biệt
Trong lúc chiếc vỏ lãi phóng vun vút qua những cánh đồng bạt ngàn xanh mướt, anh Nguyễn Trung Hiếu (phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân) quay sang nói với tôi: “Trên ruộng toàn là lúa một bụi đỏ. Đất ở đây chỉ có giống này mới sống nổi. Các giống lúa cao sản khác gieo xuống đều chết sạch.
Bây giờ giống lúa một bụi đỏ còn được người dân ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long đem về trồng, nhưng chất lượng gạo không thể ngon bằng trồng ở đồng chó ngáp này”.
Anh Hiếu kể giống lúa một bụi đỏ do người dân phát hiện rồi tự nhân giống bằng cách sau khi thu hoạch thì chừa một ít để gieo sạ cho vụ sau. Cách nhân giống này khiến giống bị thoái hóa dần. Năng suất không còn cao, sâu bệnh nhiều và chất lượng gạo không ngon như trước.
Do chưa có giống lúa nào trụ nổi trên cánh đồng chó ngáp nên vào năm 2009, ông Võ Văn Út (chủ tịch và sau này là bí thư Huyện ủy Hồng Dân) quyết định ký hợp đồng với Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu phục tráng giống lúa này.
Ông Út giải thích: “Đồng chó ngáp bây giờ rất đông dân, nếu không trồng được lúa hoặc năng suất lúa thấp thì chắc chắn thiếu gạo. Trong khi chưa có giống lúa nào thay thế thì phải chọn lọc tìm ra giống lúa một bụi đỏ Hồng Dân tốt nhất cho dân trồng”.
Tiến sĩ Võ Công Thành là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, phục tráng giống lúa đặc biệt của đồng chó ngáp theo đơn đặt hàng của ông Út. Năm 2010 ông Thành đã phục tráng được 4kg lúa, trong đó có 2kg lúa Hồng Dân 5 và 2kg giống Hồng Dân 6.
Ông Võ Văn Út nói lãnh đạo huyện xem 4kg lúa này quý hơn vàng vì chất lượng gạo rất tuyệt vời: thơm, dẻo, tỉ lệ xay xát đạt cao hơn nhiều so với giống lúa đang được người dân canh tác. Số lúa này được bảo quản nghiêm ngặt như giữ phóng xạ.
Để tránh rủi ro khi gieo sạ, các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ và huyện Hồng Dân đã khảo sát rất kỹ thổ nhưỡng và cuối cùng chọn thửa đất 100m2 ở ấp Vàm, xã Ninh Quới.
Ngày 26-3-2010, TS Võ Công Thành đem 4kg lúa giống này gieo trong nhà lưới để tránh sâu hại và có lực lượng chức năng bảo vệ 24/24 giờ.
30 ngày sau, các nhà khoa học nhổ toàn bộ mạ rồi đem cấy trên thửa ruộng 5.000m2. Trước khi cấy, đất được xử lý rất kỹ để diệt toàn bộ cỏ dại và ốc bươu vàng.
Để đánh giá sức chịu đựng của lúa ở những môi trường khác nhau, TS Võ Công Thành quyết định cấy mạ này ở ba xã: Ninh Quới, Ninh Hòa và Ninh Quới A. Rồi 45 ngày sau lại nhổ lúa lên chuyển sang cấy lần ba ở vùng đất nhiễm mặn.
Tiếp tục nghiên cứu thêm một năm, các nhà khoa học xác định giống lúa Hồng Dân 6 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất cao, chiều cao cây thấp, ít bị đổ ngã và đặc biệt chịu mặn tốt hơn giống Hồng Dân 5.
Từ quyết định táo bạo của lãnh đạo huyện Hồng Dân và chỉ với 2kg lúa giống một bụi đỏ Hồng Dân 6 ban đầu, đến nay các nhà khoa học đã nhân đủ giống cấp nguyên chủng cho toàn bộ 15.000ha ở đồng chó ngáp sản xuất và hỗ trợ giống cho nông dân các tỉnh lân cận sản xuất thêm 20.000ha nữa.
Ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết giống lúa Hồng Dân 6 đang sản xuất dù chịu mặn giỏi, năng suất và chất lượng đều rất tuyệt vời, nhưng chừng 10 năm nữa sẽ không phù hợp do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Năm 2013 huyện đã ký hợp đồng với Trường ĐH Cần Thơ hợp tác nghiên cứu giống lúa chịu được độ mặn cao hơn hiện tại. Huyện đặt tên cho giống lúa mới này là "lúa sỏi" và đang trong quá trình nhân giống để triển khai sản xuất đại trà trong vài năm tới.
Một thửa ruộng trồng lúa một bụi đỏ và nuôi tôm sú ở xã Ninh Thạnh Lợi A - Ảnh: V.TR.
Một thửa ruộng trồng lúa một bụi đỏ và nuôi tôm sú ở xã Ninh Thạnh Lợi A - Ảnh: V.TR.
Trên lúa, dưới tôm
Không chấp nhận an phận với nghề trồng lúa như nông dân các tỉnh khác tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân ở đồng chó ngáp đã thử nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên ruộng.
Ông Trần Thanh Phong ở xã Ninh Thạnh Lợi kể: “Đặc thù của vùng này là nước nhiễm mặn bảy tháng, năm tháng còn lại thì nước lợ.
Trước đây mùa mưa thì làm lúa, mùa khô nhiễm mặn thì nuôi tôm. Nhưng làm như vậy không có lời nhiều nên chúng tôi thử thả nuôi tôm sú trên ruộng ngay trong mùa nước lợ.
Thật bất ngờ là tôm vẫn sống. Khi thu hoạch lúa cũng có tôm để bán. Bây giờ nông dân ở đây ai cũng theo mô hình lúa - tôm”.
Ông Phong có 10ha đất gieo sạ giống lúa Hồng Dân 6. Mấy năm trước ông Phong cho đào một số ao ở giữa ruộng để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng quanh năm. Mùa nước lợ ông vừa trồng lúa vừa thả tôm.
Điều đặc biệt là nông dân ở đồng chó ngáp nuôi tôm nhưng không cho ăn thức ăn. Tôm sống một cách tự nhiên nên nguồn nước không bị ô nhiễm, thịt tôm rất ngon.
Ông Phong giải thích: “Khi thu hoạch lúa thì rải vôi trên ruộng để gốc rạ bị phân hủy làm thức ăn cho tôm. Vì không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp nên tôm chậm lớn, song điều đó không quan trọng vì nguồn thu chính trong mùa nước lợ là lúa, tôm thả nuôi ké, thu được bao nhiêu cũng tốt.
Trung bình tôi thu hoạch được 120kg tôm/ha. Giá tôm trung bình 200.000 đồng/kg. Mỗi vụ tôi kiếm thêm được hơn 200 triệu đồng từ tôm. Vậy là quá sướng rồi còn gì!”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, sau khi thu hoạch lúa thì nông dân đồng chó ngáp thả nuôi tôm chính vụ kéo dài khoảng sáu tháng.
Vụ tôm này nông dân cũng bỏ tôm tự sống, tự lớn chứ không cho ăn. Để tăng thu nhập họ còn thả nuôi cua biển. Điều này giải thích tại sao suốt mấy ngày khám phá đồng chó ngáp chúng tôi bị ép ăn toàn tôm với cua chứ chẳng có thịt thà gì.
Tới nhà nào cũng thấy một rổ tôm cỡ ngón tay cái và cả chục con cua hấp, rang muối để đầy trên bàn. Ông Phong cười: “Ở đây lại hiếm thịt heo. Muốn ăn phải đi chợ mất nửa ngày ngồi vỏ lãi. Còn tôm, cua thì sẵn ngoài ruộng cứ bắt lên ăn chứ có phải mua đâu mà sợ tốn tiền”.
Nhưng bây giờ một số nông dân ở đồng chó ngáp Hồng Dân không còn mặn mà với nghề nuôi tôm, phần vì họ bắt đầu sợ bệnh nhà giàu (bệnh gút chẳng hạn) vì bắt buộc ăn mấy loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này mỗi ngày.
Ông Lê Phương Vũ (69 tuổi, xã Ninh Thạnh Lợi A) là một trong những hộ đầu tiên nuôi thử cá bống tượng.
Ông Vũ lăn lộn với đồng chó ngáp từ nhỏ đến giờ, từng trồng dừa, trồng khóm nhưng đều thất bại. Dù mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ tôm sú nhưng ông thấy chưa khai phá hết tiềm năng của vùng đất kỳ lạ này.
Ông đem cá bống tượng về thả nuôi trong mấy ao tôm sau nhà. Cá lớn nhanh và không hề bị bệnh tật gì. Hiện giá cá bống tượng loại 1 kg/con trở lên được thương lái đến mua với giá 500.000 đồng/kg.
“Tui thả nuôi mấy ngàn con dưới ao. Vài tháng nữa tôi sẽ thu hoạch và chắc chắn sẽ cầm trong tay tiền tỉ” - ông Vũ cười tươi.

“Câu lạc bộ tỉ phú” đồng chó ngáp

TT - Giữa rốn đồng chó ngáp có một khu rất độc đáo, nhà cao cửa rộng san sát nhau như đô thị. Ở đó có hơn 100 hộ tham gia “câu lạc bộ tỉ phú”. 
                        
 
Nghe đọc bài: Trở lại Đồng chó ngáp - Kỳ cuối: “Câu lạc bộ tỉ phú” đồng chó ngáp
Ở Đồng Chó Ngáp khan hiếm thịt heo, thịt bò, nên thức ăn phổ biến là tôm, cua - Ảnh: V.TR.
Ở Đồng Chó Ngáp khan hiếm thịt heo, thịt bò, nên thức ăn phổ biến là tôm, cua - Ảnh: V.TR.
Và chỉ ở đó mới có chuyện dân xếp hàng mua vàng hay xách vỏ lãi chở những bao tiền đi gửi ngân hàng.
Nơi đó là ấp Nhà Lầu 1 và ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).
Chuyện vui ở xứ nhà lầu
Trong lúc đang đi tham quan một vòng kênh xáng Nhà Lầu, ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân - quay sang nói với chúng tôi rằng cũng vì địa danh hành chính ở đây là Nhà Lầu mà nhiều thanh niên ở xứ này suýt bị đánh bỏ mạng khi đi chơi xứ khác.
Số là có một nhóm thanh niên ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 đi Giá Rai ăn đám cưới. Khi ngồi bàn thì nhóm thanh niên địa phương chào hỏi, làm quen. Khi bên kia hỏi bên này ở đâu tới, “Nhà Lầu” - một thanh niên ở ấp Nhà Lầu đáp.
Nhóm thanh niên ở Giá Rai tưởng mấy người này đang khoe của nên tỏ ra khó chịu, dù vậy họ cũng kiềm chế hỏi lại: “Tui hỏi thiệt là quê các anh ở đâu?”.
Một người gằn giọng: “Tui cũng nói thiệt là tui ở Nhà Lầu”. Một thanh niên ở Giá Rai đứng phắt dậy lớn tiếng: “Mấy anh giàu có, ở nhà lầu thì kệ cha mấy anh chứ khoe làm gì. Bây giờ mấy anh muốn gì đây?”.
Nhóm thanh niên ở ấp Nhà Lầu hoảng hồn đứng lên giãi bày: “Mấy anh hiểu lầm rồi. Tụi tui ở ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A.
Tại chính quyền đặt tên ấp như vậy chứ tụi tui đâu có khoe của”. Mấy người lớn tuổi ở Giá Rai biết có ấp Nhà Lầu thiệt nên bước qua phụ giải thích. Nhờ vậy mà tiệc cưới được diễn ra suôn sẻ, hai bên bắt tay giảng hòa ăn uống vui vẻ.
Tên ấp là Nhà Lầu có từ khi nào và tại sao người ta đặt tên như vậy? Theo ông Nguyễn Hồng Thái (bí thư xã Ninh Thạnh Lợi A), tên gọi “Nhà Lầu” có từ trước năm 1945. Hồi ấy tại vùng này có một căn nhà gác gỗ khá to của ông Cả Trí, giống như nhà lầu bây giờ.
Ông là người ở địa phương khác đến khai hoang, lập nghiệp. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, ông và chính quyền địa phương đã tháo dỡ ngôi nhà lấy gỗ cắm xuống dòng kênh Phó Sinh - Cạnh Đền để chặn tàu của Pháp.
Từ “nhà lầu” được người dân gọi riết thành quen miệng nên năm 1976 chính quyền sử dụng tên này để đặt cho đơn vị hành chính của hai ấp. Con kênh chạy xuyên qua hai ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 cũng được đặt tên là kênh xáng Nhà Lầu.
Thế nhưng suốt nhiều năm sau giải phóng vùng đất này chỉ toàn nhà tranh vách lá chứ chẳng có ngôi nhà lầu nào. Đất bị nhiễm phèn và nhiễm mặn khiến năng suất lúa rất thấp. Người dân chỉ mơ ước đủ ăn đủ mặc mà ít ai dám nghĩ đến có căn nhà tường chứ đừng nói tới nhà lầu.
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo đào kênh Quản Lộ Phụng Hiệp dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu vào rửa phèn cho đồng chó ngáp, làm ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau. Điện lưới quốc gia cũng được dẫn về làm cho vùng đất này thoát khỏi cảnh khuất nẻo. Rồi nhà tường kiên cố mọc lên như nấm sau mưa.
Một góc thanh bình ven kênh xáng Nhà Lầu - Ảnh: V.TR.
Một góc thanh bình ven kênh xáng Nhà Lầu - Ảnh: V.TR.
Những tỉ phú tôm
Nếu như giống lúa một bụi đỏ độc đáo giúp người dân đồng chó ngáp sống được thì con tôm sú đã giúp họ trở thành tỉ phú. Một trong những người đầu tiên đưa con tôm đến đồng chó ngáp là ông Nguyễn Hồng Nguyên (Năm Nguyên) ở ấp Nhà Lầu 1. Nghe đồn nông dân ở miệt Cà Mau nhờ nuôi tôm mà làm giàu, mua xe, cất nhà lầu, ông Năm Nguyên rủ anh em trong gia đình đi học nghề.
Học xong, họ trở về đồng chó ngáp mướn đất đào ao thả nuôi tôm. Nhưng ban đầu con tôm không sống được ở xứ này khiến gia đình ông Năm Nguyên tán gia bại sản. Không nản chí, ông lại đi Cà Mau học lại kỹ thuật xử lý ao, kỹ thuật nuôi.
Mãi đến năm 1995, tức 10 năm sau đó, ông Nguyên mới trúng vụ tôm đầu tiên, tiền tỉ rủng rỉnh trong túi. Có tiền, ông Năm Nguyên lập tức xây cho mình một căn nhà lầu.
Nhiều người thấy ông Năm Nguyên làm giàu nhanh nhờ nuôi tôm nên cũng làm theo. Phong trào nuôi tôm sú ở đồng chó ngáp phát triển rất mạnh. Con tôm không phụ lòng người. Liên tiếp nhiều năm liền tôm trúng mùa, trúng giá đã giúp những nông dân nghèo khổ trước kia đổi đời.
Bí thư xã Nguyễn Hồng Thái nói toàn xã có hơn 2.000 hộ thì có tới hơn 1.200 hộ khá, giàu. Hiện chỉ còn 2,6% hộ nghèo không có đất sản xuất hoặc thuộc diện có người bệnh nan y, mất sức lao động.
Không chỉ thế, có hơn 100 tỉ phú sinh sống chủ yếu ở ấp Chủ Chọt, ấp Nhà Lầu 1 và ấp Nhà Lầu 2. Bản thân bí thư Thái cũng nuôi tôm và nằm trong danh sách tỉ phú ở địa phương. Có lẽ hiếm ở nơi nào có một “câu lạc bộ tỉ phú” như tại đồng chó ngáp Bạc Liêu.
Đa số thành viên câu lạc bộ là thanh niên chí thú làm ăn và ham học hỏi. Có thể kể ra những tỉ phú nổi tiếng xứ này như anh Nguyễn Thành Lập, Võ Văn Liêm, Lý Văn Mộng, Nguyễn Quốc Trì, Nguyễn Văn Bình, Huỳnh Văn Hội...
Cũng theo ông Thái, số người có thu nhập dưới 1 tỉ đồng/năm đếm không xuể. Sau khi bán tôm, nhiều người đã chở bao tiền qua Kiên Giang hay Cà Mau gửi ngân hàng. Một điều lạ nữa là đa số người dân ở xứ Nhà Lầu cất nhà chứ ít khi họ có mặt ở nhà.
Trong nhà thường chỉ toàn người lớn tuổi và trẻ con. Chủ nhà cất chòi lá ngoài đồng và ở đó quanh năm để chăm sóc lúa, tôm. Khi nào gia đình có đám tiệc họ mới về.
“Xứ này không có đường giao thông nên ôtô không chạy được. Tôi nghĩ nếu có đường thì có lẽ 50 - 70% hộ dân sẽ sắm ôtô. Bây giờ nhà nào cũng có vài chiếc xe máy đắt tiền chạy loanh quanh trong xóm, còn dưới sông thì có vài chiếc vỏ lãi để đi xa” - ông Thái nói.
Một điều rất đặc biệt nữa là an ninh trật tự ở đây rất tốt. Tôm cá đầy ruộng nhưng chẳng ai bắt trộm của người khác.
Công an xã cho biết mấy năm trước có xử lý một vụ đưa ra cảnh cáo trước dân. Còn gần đây không ai phản ảnh chuyện này nữa. Người dân cất căn chòi nhỏ ở vuông tôm, ao cá chủ yếu để tiện chăm sóc, thu hoạch chứ không phải để canh trộm.
Xếp hàng mua vàng
Ông Võ Văn Út nói vì trúng tôm mà người dân ở Ninh Thạnh Lợi A giàu lên rất nhanh. Mấy năm trước người dân chưa quen với việc gửi tiền ngân hàng nên khi bán tôm xong thì họ đi mua vàng về làm của.
Do thu hoạch tôm cùng lúc nên dân trong đồng chó ngáp chạy vỏ lãi ra chợ Ngan Dừa phải xếp hàng mua vàng. Ban đầu dân ở thị trấn Ngan Dừa thấy lạ tụ tập lại xem nhưng về sau họ cũng quen với chuyện này.
Chính ông Út chứng kiến nhiều nông dân quần áo dính bùn đất vác cả bao tiền vô tiệm vàng hỏi mua một lúc mấy ký. Những năm gần đây việc giữ vàng có vẻ bất tiện nên người dân xứ Nhà Lầu chuyển sang gửi tiền ngân hàng, vừa có lãi vừa không phải hồi hộp khi giá vàng nhảy múa.
VÂN TRƯỜNG
_________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét