Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Kỳ ảo san hô ở Hòn Cau

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha, trên vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hệ sinh thái biển ở đây phong phú, điển hình của vùng biển nhiệt đới: rạn san hô nhiều màu sắc và chủng loại, thảm cỏ biển, nhiều loài thủy sinh quý hiếm…
Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô. Chỉ cần lặn sâu xuống 4 – 5m, bức tranh đầy sắc màu của thế giới san hô hiện ra lung linh dưới ánh sáng khúc xạ qua làn nước trong xanh. 
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh về san hô tại Hòn Cau:
Hoàng Khánh Giang

Hòn Cau đẹp biết bao khi rùa biển còn đẻ trứng

Đảo Hòn Cau hay còn gọi là Cù Lao Câu (Tuy Phong, Bình Thuận) từ lâu cũng là một trong những bãi sinh sản của rùa biển.
Thả rùa con về biển
Việt Nam trong những năm gần đây đã chung tay với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn rùa biển cũng như nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ loài động vật đang bị đe dọa này. Ngoài việc ra các văn bản pháp lý là kêu gọi và tổ chức các đội tình nguyện viên trong công tác chăm sóc, bảo vệ rùa biển.
Đảo Hòn Cau hay còn gọi là Cù Lao Câu (Tuy Phong, Bình Thuận) từ lâu cũng là một trong những bãi sinh sản của rùa biển. Trước đây rùa biển xuất hiện sinh sản với tần suất rất thường xuyên nhưng mấy năm trở lại đây do việc khai thác biển quá mức đã làm ảnh hưởng đến việc sinh sống cũng như sinh sản của rùa biển, người ta thấy rùa biển lên bờ sinh sản ít hẳn. 
Từ năm 2011 UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Trong 4 năm hoạt động, cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã nỗ lực trong các hoạt động giúp rùa biển có thể lên đẻ trở lại.
Rùa con đang về với biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Anh Bùi Huy Cường, cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết, nếu chỉ trông chờ vào cán bộ khu bảo tồn thì sẽ vô cùng khó khăn trong việc bảo tồn rùa biển bởi lực lượng quá mỏng mà đối tượng vi phạm lại quá nhiều. Có nhiều đối tượng dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm, đánh bắt, làm thịt thậm chí mổ bụng rùa mẹ để lấy ổ trứng. Năm trước, các cán bộ khu bảo tồn đã cứu sống một con rùa biển đang chuẩn bị bị xẻ thịt nhưng những trường hợp đó cũng rất ít. Các anh vẫn không thể quên hình ảnh xác một con rùa biển trưởng thành, nặng chừng 100kg, bị trôi dạt vào bờ mà bất lực không làm gì được.
Ông Tư Hữu, một trong những người dân rất tích cực tham gia bảo vệ rùa
Chính vì thế, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ rùa như tổ chức các buổi nói chuyện tại các trường tiểu học, đến từng khu đảo, làng chài để vận động người dân. 
Ông Tư Hữu, người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình trên đảo Hòn Cau cho biết: “Được các anh khu bảo tồn giải thích, bây giờ không chỉ có tôi mà cả gia đình tôi đều là những tình nguyện viên để bảo vệ rùa. Con trai tôi đã phát hiện ra mấy ổ trứng rùa, báo cho các anh khu bảo tồn rồi cùng các anh di chuyển ổ trứng về chỗ an toàn, đỡ bị đào trộm mất”. 
Hỏi lý do vì sao tham gia bảo vệ rùa, ông Tư Hữu nhấn mạnh: “Phải bảo vệ chứ, giờ mà mất hết đi giống rùa này thì uổng quá, rùa đâu có làm hại gì con người mà còn giúp bảo vệ môi trường biển nữa”.
Một ổ trứng rùa đã được di dời đến nơi an toàn
Anh Trần Công Lập, đội trưởng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết, việc bảo tồn loài rùa biển cũng như bảo tồn thiên nhiên không thể hoàn thành tốt nếu chỉ trông chờ vào các cán bộ khu bảo tồn mà còn phải có sự chung tay giúp sức cũng như sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện nay, đội tuần tra của khu bảo tồn rất khó khăn khi xử lý các đối tượng vi phạm vì không có một chế tài, quy định nào giao quyền cho cán bộ bảo tồn. Vì thế, rất cần có các biện pháp răn đe thiết thực đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn, có như vậy thì việc bảo tồn biển Hòn Cau cũng như các vùng bảo tồn khác mới trở nên thuận lợi hơn.
Năm 2013 đội tuần tra Khu bảo tồn biển Hòn Cau bằng nghiệp vụ của mình đã bảo vệ thành công ổ trứng rùa 154 trứng, nở được 108 rùa con. Tháng 4/2015 bảo vệ thành công tiếp 3 trong số 10 ổ trứng do rùa biển lên đẻ. Tháng 6/2015 bảo vệ thành công 74 trứng rùa, sau 51 ngày ấp tự nhiên đã có 53 trứng nở. Mới đây nhất, ngày 8/8, sau 56 ngày ấp tự nhiên, ổ trứng được các cán bộ khu bảo tồn và người dân địa phương bảo vệ, trông giữ đã nở được 36 con.
Đức Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét