Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Nhân mùa Vu Lan, xuống thăm… động Âm phủ!

Ta bước xuống động Âm Phủ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà là để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn!
Ngục A Tỳ gắn với Phật tích Mục Liên Thanh Đề
Từ truyền thuyết…
Mỗi năm có hơn nửa triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) do vua Minh Mạng đặt tên từ đầu thế kỷ thứ XIX. Song không phải ai cũng có “gan” một lần xuống động Âm Phủ đầy sức quyến rũ kỳ bí!
Cửa động Âm Phủ ở danh thắng Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)
Tương truyền khi vi hành đến Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã nhiều lần khám phá động Âm Phủ, vì đây là hang động tương đối hiểm trở, khó vào, bên trong có một đường chui sâu xuống lòng đất. Tại đây, nhà vua đã cho 12 quân lính cầm đuốc lần lượt chui xuống. Lạ thay, mỗi lần chui xuống là mỗi lần tắt đuốc. Có một số người lính can đảm tìm cách xuống động mà không cần cầm đuốc, nhưng cũng đều thất bại.
Cũng có tương truyền vua Minh Mạng muốn tìm hiểu động Âm Phủ sâu đến đâu nên Ngài đã khắc chữ vào quả bưởi rồi thả xuống hang. Qua hôm sau, người ta nhìn thấy quả bưởi nổi trên bãi biển. Chuyện thực hư thế nào chưa rõ, nhưng cảm giác ban đầu là hang động này rất sâu, hiểm trở, càng xuống càng tối, đường đi quanh co, không khí ẩm ướt, cảm giác ghê sợ, thậm chí nếu lỡ rớt xuống đó thì chỉ còn nước tìm xác… ngoài biển!
Bước qua cầu Âm Dương bắc qua sông Nại Hà 
Những lối đi quanh co, huyền bí trong động Âm Phủ 
Thế nhưng nhiều người đã không cưỡng lại được sức hút của cái hang động chứa đựng nhiều truyền thuyết này, khi được cô hướng dẫn viên còn rất trẻ nói một câu hết sức chí lý: “Ta bước xuống động Âm Phủ - Ngũ Hành Sơn không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn!”.
Đến tác phẩm độc đáo của tạo hoá
Tự nhận là nguời “ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ”, Trưởng BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn Lê Quang Tươi cho hay, động Âm Phủ nằm dưới chân Thủy Sơn (ngọn lớn nhất trong 6 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn và Thổ Sơn của Ngũ Hành Sơn) do kiến tạo độc đáo của thiên nhiên nên được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí nhất ở quần thể này.
Đường lên “Thiên Thai Giới” 
Lối xuống “Địa Ngục Môn” 
Đường vào động khá dễ nhờ vòm động cao, có chỗ 45 - 50m. Sau khi vượt qua những bậc cấp và những vòm đá cong vút, du khách sẽ thấy bên trên hành lang đi vào là các vòm đá tối mờ như một đường hầm xuyên núi, cuối hành lang là một vòm đá tự nhiên, từ đó đi dần vào bên trong hang động.
Đột ngột du khách sẽ thấy không gian như vỡ òa trước mắt, hang động hiện ra cao và rộng. Xung quanh vách động chia nhiều phân khu tự nhiên, mỗi phân khu cấu tạo như những hang động nhỏ, nằm tách biệt nhau, tùy chỗ rộng hẹp mà chia đều rất hợp lý. Trên trần động là các thớ đá với đủ sắc màu, hình thù chim muông, cây lá, con người, thần thánh, vạn vật... tạo ra một thế giới vô cùng trừu tượng.
So với hang động ở các tỉnh phía Bắc, động Âm Phủ và nhiều hang động tại Ngũ Hành Sơn đều có lỗ hổng thông ra bên ngoài, vì thế quanh năm khô ráo, gió lùa mát mẻ, nhiệt độ trung bình 18-200C nên lúc nào cũng mát lạnh, dễ chịu. Tất cả lối đi, hang động, ngóc ngách... ở đây hoàn toàn do thiên nhiên kiến tạo, như sắp đặt sẵn chờ các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước với sự tưởng tượng đa chiều đưa thêm vào một số hình tượng bằng đá cẩm thạch để biến nơi này thành một nơi hết sức phù hợp với tên gọi mà vua Minh Mạng đã đặt: động Âm Phủ.Càng vào bên trong, hang động càng rộng, vòm động càng cao hẳn lên. Nhìn lên đỉnh vòm động, con người như đứng giữa một bầu trời thu nhỏ. Bên phải là “đường xuống Âm phủ”, theo các bậc cấp chui qua các eo đá quanh co, khúc khuỷu đến tận cùng đáy hang. Bên trái là “đường lên Trời”, ăn thông ra ngoài vách núi bằng một hành lang cheo leo, hiểm trở, ở đoạn cuối có một lỗ hổng thông lên trời, đứng ở đó có thể nhìn thấy các chùa Tam Thai, Linh Ứng và ngắm bao quát toàn cảnh Ngũ Hành Sơn.
Giám Kính Đài... 
và Phán Quang Điện với chiếc cân Thiên Lý là hai nơi cân nhắc công và tội của mỗi người khi xuống động Âm Phủ
Hướng thiện
Âm phủ là thế giới của người chết. Theo quan niệm luân hồi của Phật giáo, chết không phải hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Tên gọi “Âm phủ” đã đi vào tiềm thức con người như là nơi đày ải kẻ gây nhiều tội ác, là thế giới do ma vương cai quản để trừng phạt tội đồ. Âm phủ là nỗi ám ảnh đối với con người ở thế gian, cảnh tỉnh họ luôn hướng đến điều lành, tránh điều dữ, biết ăn ngay, nói thật, biết sám hối, ăn năn, làm nhiều việc thiện để mong sau khi rời khỏi dương gian không bị đày xuống âm phủ.
Theo luận giải của một cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Quận uỷ Ngũ Hành Sơn, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập: có ngày ắt có đêm, có sinh ắt có tử. Ở động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo. “Thực” là con người ai cũng một lần sinh và một lần tử, còn “ảo” là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện - ác của kiếp con người. Bởi vậy chăng mà trong động này được chia làm hai ngách: đường lên “Thiên Thai Giới” và lối xuống “Địa Ngục Môn” như một lẽ tất yếu của thuyết âm dương.
Sám Hối Đài 
Địa Tạng Bảo Toà với những sắc màu huyền ảo 
Từ hàng trăm năm trước, những người thợ làng đá mỹ nghệ Non Nước đã đặt ở cửa ngõ vào động Âm Phủ chiếc cầu Âm Dương bắc qua sông Nại Hà định mệnh, nơi linh hồn con người khi chết phải đi qua theo luật âm ty. Nếu khách “vào vai” một người bị kéo xuống Âm Phủ sẽ bắt gặp ông Thiện, ông Ác canh giữ cửa động nghiêm ngặt ngày đêm. Thiện và Ác đến đây đều sẽ được phân minh.
Theo truyền thuyết, sông Nại Hà nước đen ngòm, nhiều thuồng luồng, cá sấu, rắn độc, thú dữ. Bước qua cầu Âm Dương chia dòng sông làm hai bên sinh - tử, khách sẽ đến suối Giải Oan nhiệm mầu chảy về một chữ Tâm để gội rửa oan khiên, tội lỗi. Nếu ở dương gian ăn hiền ở lành thì sẽ được rẽ trái bước lên “Thiên Thai Giới”, còn nếu ăn ở bất nhân sẽ bị đưa xuống trình diện Phán Quan Điện và Minh Vương Điện để xét xử tội trạng. Một chiếc cân Thiên Lý đặt trước chánh điện để cảnh tỉnh con người nhớ rằng: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt)…
Du khách đến chiêm bái và dâng hương ở Địa Tạng Bảo Toà 
Anh Linh Đài 
Cũng ở động Âm phủ, khách sẽ được chứng kiến Phật tích “Mục Kiền Liên - Thanh Đề”, một câu chuyện nhân quả đầy tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong động Âm Phủ, lối xuống “Địa Ngục Môn có các cửa ngục được sắp đặt từ cao xuống thấp và dưới cùng là ngục A Tỳ, nơi giam giữ bà Thanh Đề vốn gây nhiều tội lỗi. Con trai bà là Ngài Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được. Song Ngài vẫn tâm nguyện tu luyện để chuộc tội cho mẹ.
Hàng năm đến rằm tháng 7, Ngài Mục Kiền Liên lại xuống địa ngục tìm mẹ để được báo hiếu công đức sinh thành. Lòng hiếu thuận của con đã làm cho người mẹ ăn năn sám hối và tiếp tục tu tâm sửa tính để trở lại cuộc sống an vui hạnh phúc. Từ Phật tích Mục Kiền Liên nên ngày rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, đại lễ Vu Lan của Phật giáo. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ là triết lý nòng cốt của đạo Phật mà còn là phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Vĩ thanh
“Đến Ngũ Hành Sơn, vào thăm động Âm Phủ sẽ cho ta cái nhìn khái quát về một thế giới tồn tại giữa Ác và Thiện. Cái Ác sẽ bị trừng phạt, cái Thiện sẽ được thăng hoa. Chuyện Âm Phủ là bài học Nhân - Quả, răn đe con người nên làm điều lành, tránh điều dữ, biết hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn trong một thế giới hòa bình, an vui và hạnh phúc” – ông Lê Quang Tươi đúc kết.
HẢI CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét