Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Top trải nghiệm không thể bỏ qua trên hành trình đến núi Bà Đen

Thưởng thức các món tuyệt vời, leo núi, tham quan Tòa Thánh... là những thú vui bạn khó thể bỏ lỡ khi du lịch đến núi Bà Đen.
Với độ cao 986m so với mực nước biển, Bà Đen là ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đồng thời thuộc quần thể di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh nên đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của nước ta. Trên hành trình đến núi Bà Đen, 5 trải nghiệm dưới đây chắc chắn sẽ khiến teen nhớ mãi đấy.
Thưởng thức món ngon
Trước hoặc sau leo núi, việc “măm măm” những đặc sản trứ danh của Tây Ninh là điều không thể chối từ bởi đây là quê hương nhiều món ngon “quên sầu” mà đôi khi teen chưa biết rõ. Có thể kể đến như: ốc xu Núi Bà, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt tôm Tây Ninh, bánh tráng phơi sương cuốn thịt, nem bưởi hay bánh tráng me…
Ảnh: Ngoisao, VnExpress.
Ảnh: Ngoisao, VnExpress.
Tham quan Toà Thánh Tây Ninh 'độc nhất vô nhị'
Nơi đây còn có tên khác là Thánh Thất Cao Đài - được xem là thánh địa của đạo Cao Đài. Công trình này được xây dựng bằng bê-tông cốt tre với kiến trúc độc đáo, pha trộn nhiều phong cách nghệ thuật, trường phái khác nhau.
anh-2-8562-1421401545.jpg
Nghe truyền thuyết núi Bà đầy thú vị
Tương truyền, Bà Đen là người con gái tên Lý Thị Thiên Hương, nhan sắc mặn mà cùng làn da ngăm ngăm như bánh ít. Là một người mộ đạo, nàng thường vượt đường xa, lên núi để lễ Phật. Một lần chẳng may gặp bọn xấu, Thiên Hương chống trả quyết liệt; nhất định không để chúng vấy bẩn thanh danh, giữ trọn đạo hạnh, nàng đành lao mình xuống vực sâu.
Ảnh: VnExpress.
Ảnh: VnExpress.
Sinh thời, Thiên Hương hay làm việc thiện nên khi chết đi, nàng rất linh thiêng. Không những thế, Bà Đen còn mách bảo cho vua Gia Long tìm đường lánh nạn nên khi lên ngôi, ông sắc phong danh hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu cho người con gái đoan chính năm xưa. Đến nay, núi Bà Đen trở thành một trong những quần thể đền chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất Việt Nam.
Lên núi bằng cáp treo lâu đời nhất Việt Nam
Ảnh: VnExpress.
Ảnh: VnExpress.
Bên cạnh hệ thống cáp treo mới, hiện đại thì việc tham quan núi Bà Đen còn có hệ thống cáp treo được xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 3/1998. Đây được xác nhận là hệ thống cáp treo đầu tiên tại Việt Nam; có công suất vận chuyển khoảng 1.000 khách/h trong cabin 2 chỗ ngồi, với thời gian 15 phút/lượt lên - xuống.
Chinh phục núi bằng đường bộ
Có rất nhiều cách để leo đến đỉnh núi, thông thường, các teen đi theo 3 đường sau:
- Đường cột điện: khá dài nhưng rất dễ đi, phù hợp cho những teen chưa có kinh nghiệm leo núi hoặc không có một thể lực thực sự dẻo dai.
Ảnh 5: phuot.vn.
Ảnh 5: phuot.vn.
- Đường chùa: đường lên khá dốc và lởm chởm đá, không có cây cối nên mùa nắng thì gay gắt, mùa mưa thì trơn trượt, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ lở đá. Cung đường này được đánh giá là khá nguy hiểm cho những teen “yếu” và chưa có kinh nghiệm leo núi nhiều.
- Đường Ma Thiên Lãnh: khó nhất – dài nhất – đẹp nhất, là những từ mà các teen có dịp trải qua sẽ dành cho. Tuy nhiên, đây là tuyến đường yêu cầu người đi phải có kinh nghiệm leo núi, sức khoẻ dẻo dai và một tinh thần vững vàng.
Làm thế nào để tránh bị lạc khi leo núi
Thời gian gần đây, sự cố 20 sinh viên lạc đường trên núi Bà Đen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về kỹ năng sinh tồn của các bạn trẻ. Thế nên, vài tips nho nhỏ dưới đây sẽ giúp các teen thêm tự tin trong những chuyến dã ngoại/phượt/leo núi...
- Phải thật bình tĩnh.
- Xác định vị trí bằng những khu dân cư, lán trại, ánh lửa, ánh điện… hoặc tiếng động cơ tàu, xe. Nếu không có bất kỳ dấu hiệu nào của con người, hãy tìm một con suối/sông và đi theo hướng dòng chảy, cơ hội thoát khỏi khu vực nguy hiểm sẽ rất cao.
- Đánh dấu đường đi đã qua bằng một vài dấu hiệu dễ nhận biết.
- Để lại lời nhắn ở vị trí bị lạc.
- Tìm kiếm thức ăn + nước. Tránh những loại nấm, cây rừng có màu sắc sặc sỡ, hương thơm nồng.
- Tìm chỗ ngủ, trú ẩn an toàn, có thể giữ nhiệt và tránh giá lạnh. Nếu tạo được lửa, đó là việc nên làm. Nếu không, hãy tìm cách mắc võng trên cây hay ngủ trên các phiến đá.
Gà Con

Phượt đường Đá Trắng - cung đường nguy hiểm nhất núi Bà Đen

  • 1.2k
 Đích đến cũng như mục tiêu chinh phục của hành trình không phải đỉnh núi, mà là đỉnh dốc đá hơn 700 m. Đó là nơi bạn không được phép có bất kỳ sai sót nào.
Đây là con đường thú vị nhất, cho tôi nhiều trải nghiệm nhất ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ. Và tôi tin chắc rằng, những ai mê trekking, leo núi, các trò thể thao mạo hiểm ngoài trời đều sẽ bị nghiện nếu có cơ hội trải nghiệm một lần. Hành trình xuất phát từ vườn xoài phía sau Anh Linh miếu theo vị trí tôi đánh dấu hình bên. 
Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 1
Điểm xuất phát.
Đây là hành trình thật sự khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và cả sự mạo hiểm, chia thành hai giai đoạn rõ rệt. Hành trình đầu tiên - từ chân núi đến tảng đá lưng chừng trời - là nơi khách ngủ qua đêm, nấu nướng trong một không gian tuyệt vời với cảm giác tự do hoàn toàn, nơi có tầm nhìn rộng nhất núi Bà Đen hướng về xung quanh mà tôi từng biết.
Để đến được tảng đá này, các bạn phải trải qua con đường đi vắt qua các nhánh cây, với bên dưới là vực thẳm, trèo lên các tảng đá tròn lớn, thật sự là một thử thách vô cùng khó khăn cho những ai có chiều cao khiêm tốn hoặc nhát độ cao. Chân phải xoạc rất nhiều để bước qua các vực sâu hút toàn đá, khiến bất kỳ ai lần đầu trải nghiệm đều có cảm giác chùn chân..
Lời khuyên của tôi để các bạn hỗ trợ nhau vượt qua con đường này là chia cặp khỏe - yếu để hỗ trợ nhau, đặc biệt các bạn nữ.
Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 2
Một đoạn đi đặc thù của đầu cung đường này .
Những con dốc cao toàn đá, không lối mòn, và cũng không có khái niệm đúng đường hay sai đường, mà chỉ đi theo hướng của bạn dẫn đường, tìm nơi đặt chân và sải bước phù hợp để đi theo. Bạn không nhất thiết phải đi đúng theo bước chân người trước nếu bạn thấy không phù hợp.
Sau khi trải qua đoạn đầu của hành trình, bạn sẽ nhận được ưu đãi tuyệt vời từ thiên nhiên: một nơi ngủ và vui chơi ban đêm giữa trời đầy sao. Nhắc tới ngủ, tôi xin lưu ý các bạn con đường này chỉ phù hợp với túi ngủ, vì chỉ có cách nằm chênh vênh trên đá, không có chỗ dựng lều hoặc móc võng.
Hành trình này không dành cho các bạn có thói quen ngủ mơ, mộng du trong đêm, bởi một khi bước đi, chắc chắn bạn không có cơ hội quay lại. Để an toàn, các bạn nên dùng balo chắn xung quanh vị trí ngủ, ưu tiên những bạn chưa quen ngủ ở giữa tảng đá và tuyệt đối cẩn thận khi di chuyển từ tảng đá này sang tảng đá khác, vì rất dễ trượt chân, lọt vào khe đá sâu hút bên dưới.
Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 3
Tấm ảnh này tôi chụp lại lúc 12h đêm tại lưng chừng núi. 

Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 4
Ngủ lưng chừng trời xung quanh là vực thẳm. 

Sau khi có được một giấc ngủ tuyệt vời, bạn sẽ chào ngày mới với bình minh vàng rực phía chân trời theo hướng hồ Dầu Tiếng. Tôi chắc rằng sức lực của những anh chàng, cô nàng “yêu bầu trời lấp lánh ánh sao hơn một mái nhà" sẽ dễ dàng lấy lại sức khỏe để bắt đầu hoàn thành đoạn còn lại của hành trình khó gấp nhiều lần ngày hôm qua. Ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng để lấy sức, kiểm tra lại nước còn tầm 2 lít và bắt đầu lên đường.
Khởi động ngày thứ 2 tương tự địa hình ngày đầu tiên. Sau đó bạn sẽ đặt chân tới con dốc huyền thoại, rất khó leo. Kể đến đây, để các bạn tự đánh giá sức mình và xem có đủ can đảm và một đôi giày bám tốt, phù hợp để đi tiếp hay không, vì tại chân dốc này có một lối mòn dẫn thằng xuống động Kim Quang nếu bạn từ bỏ con dốc và hẹn một ngày khác tự tin hơn, khỏe hơn và trang bị tốt hơn.
Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 5
Một đoạn dốc của con dốc 700 m. 

Đối với các bạn tiếp tục chinh phục con dốc, tôi có lời khuyên cũ rích nhưng không bao giờ thừa: hết sức cẩn thận. Con dốc này không cho phép bạn có sự sai sót nào. Tốt nhất các bạn nên trang bị một sợi dây dài, chắc, để một bạn có kỹ năng tốt lên trước từng đoạn dốc, cột vào đâu đó, để các bạn sau giữ lấy dây đi lên cho an toàn.
Hoặc phòng các trường hợp mất thế khự lại giữa dốc như tôi từng bị, lúc đó không có dây, tôi chọn cách hạ thấp người vào đá và đạp mạnh để bước lên, và tôi may mắn thoát chết.
Kỹ năng đi con đường này là lựa những vết nứt mà đạp chân để tăng độ bám, đạp chân dứt khoát, chắc chắn trọn đế giày vào đá, tuyệt đối không tiếp xúc mỗi mũi giày, vì không đủ độ bám để giữ bạn lại trên con dốc đá này.
Găng tay hạt cao su cũng là trợ thủ đắc lực để vượt qua con dốc, khi cảm thấy đôi chân chưa đủ độ bám để giữ bạn lại trên con dốc. Ưu tiên vùng đá sáng màu vì nó sạch, không rêu mốc, nên bám tốt hơn. Người trước người sau cần đi zig zag, và tránh tối đa đi sau người trước, phòng trường hợp rơi rớt balo, vật dụng gây tai nạn cho người đi sau, hoặc điều xấu hơn có thể nghĩ tới là người trước té kéo theo người đi sau.
Tôi nói vậy có vẻ ích kỷ, nhưng bạn sẽ không thể giúp được gì khi một người rơi con dốc dài 700 m gần như lăn tự do, cố gắng chỉ càng tăng thêm hậu quả tai nạn.
Phuot duong Da Trang - cung duong nguy hiem nhat nui Ba Den hinh anh 6
Phóng tầm mắt nhìn về mặt đất. 

Đổi lại rất nhiều nguy hiểm khó khăn mà bạn phải trải qua là phong cảnh tuyệt đẹp ở cung đường này, với dốc đá cao hùng vĩ, với nhiều cây sầu đông lá vàng đẹp mắt. Phong cảnh hiện ra bên dưới không giống bất kỳ con đường nào trên núi Bà Đen cùng những trải nghiệm thú vị mà tôi nghĩ mình chưa đủ khả năng truyền đạt qua bài viết này.
Hãy đi và cảm nhận. Đích đến của con đường này tôi đạt được là đỉnh con dốc, rồi sau đó quay lại theo lối mòn trong rừng cây, xuống động Kim Quang để kết thúc hành trình. Hy vọng chuyến tới, tôi sẽ đủ thời gian để tìm đường lên đỉnh núi từ đỉnh dốc 700 m này.

Độc giả Phan Phi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét