Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

"Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt

Các món ăn được chế biến từ vịt vừa bổ dưỡng cho sức khỏe, chi phí lại cực kỳ hợp lý cho các bữa cơm gia đình hàng ngày, đặc biệt là trong dịp Giáng sinh.

1. Vịt om sấu
Nguyên liệu:
- Vịt: 1 con
- Sấu: 15 quả (hoặc tùy sở thích của gia đình, với nhà mình, đều thích vị chua rõ nên cho nhiều sấu).
- Rau rút: 2 mớ (không bắt buộc, có thể thay bằng loại rau khác).
- Khoai sọ: 200gr (không bắt buộc).
- Gia vị: chanh, muối, đường, gừng, hành củ, hành lá, xả, tỏi, giềng (riêng riềng không bắt buộc, nếu thích thì có thể thêm).
 "Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt - 1
Cách làm:
- Rau rút nhặt sạch bấc, hành lá, xả, gừng, tỏi, hành củ, khoai sọ…bỏ vỏ, lá già, sau đó đem rửa sạch sẽ các loại rau, gia vị trên.
- Vịt mua về các bạn bóp với muối, rửa lại cho sạch, sau đó cắt ½ quả chanh xát lại phần da của vịt cho hết sạch mùi, dùng kéo hoặc dao chặt vịt thành từng miếng nhỏ như bao diêm.
- Ướp vịt với hành củ, gừng, tỏi, xả… băm nhỏ, 1 thìa café muối, ½ thìa café đường, ướp trong khoảng 20-30 phút cho vịt ngấm gia vị.
- Vịt ướp đủ thời gian, đem xào cho chín sơ.
- Sau đó thêm nước vừa đủ dùng, đậy vung, đun sôi, hớt bọt nếu có để nước dùng trong.
- Cho sấu vào nước dùng và ninh nhỏ lửa.
- Nấu trong khoảng 30 phút hoặc đến khi thử thấy vịt bắt đầu mềm thì thêm khoai sọ, tiếp tục đun cho đến khi khoai sọ bở thì thêm rau rút vào, nêm nếm lại vừa miệng thì tắt bếp.
2. Vịt nấu măng tươi
Nguyên liệu:
- 1/2 con vịt
- 300gr măng tươi
- 1 quả canh
- 1 chút rượu gừng
- 1 mớ rau mùi tàu
- Vài cọng hành tươi
- Gia vị: dầu ăn, muối, đường, tiêu, hạt nêm, gừng, tỏi, hành.
 "Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt - 2
Cách làm:
- Vịt rửa sạch, dùng chanh và muối xát cả bên ngoài lẫn bên trong, sau đó rửa lại bằng rượu gừng nhằm loại bỏ mùi hôi của thịt.
- Chặt vịt thành miếng vừa ăn.
- Mang vịt đi áp chảo phần da cho ra mỡ, giúp món ăn không bị ngấy mà lại thơm ngon hơn.
- Cho thịt vào tô ướp cùng 1 muỗng nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 muỗng tỏi băm, 1 muỗng hành băm.
- Trộn đều, để 30 phút cho thấm gia vị.
- Măng mua về rửa sạch, cho vào nồi luộc chín để loại bỏ vị đắng.
- Sau đó xả bằng nước lạnh, xé thành những sợi mỏng.
- Cho măng vào xào cùng với 1 chút hạt nêm để có vị đậm đà.
- Phi thơm hành băm, cho vịt vào xào xơ,  bỏ gừng thái lát vào.
- Khi miếng thịt săn lại thì đổ nước vào đun sôi. Chú ý vớt hết bọt để nước được trong, vặn lửa nhỏ liu riu để miếng thịt được chín mềm.
- Trút măng vào nồi vịt, đun thêm chừng 5 phút, nêm lại gia vị cho vừa ăn.
- Cuối cùng cho mùi tàu, hành lá vào rồi tắt bếp.
- Múc vịt nấu măng ra tô, nên dùng nóng với cơm hoặc bún giúp bữa ăn trở nên thơm ngon hơn.
3. Vịt nướng mật ong
Nguyên liệu:
- Thịt vịt: 1,5 kg
- Mật ong: 3 thìa cà phê
- Chanh: 1 quả
- Hành khô: 1 củ
- Tỏi: 1 củ
- Đường: 2 thìa cà phê
- Bột bắp: ½ thìa cà phê
- Nước mắm: 1 thìa, gia vị, mì chính
- Dụng cụ: Lò nướng
 "Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt - 3
Cách làm:
- Thịt vịt rửa sạch, để ráo, khía chéo theo miếng thịt để cho thịt ngấm gia vị và nướng mau chín.
- Hành khô bóc vỏ băm nhỏ; tỏi bóc vỏ, băm nhỏ, bớt lại ½ số tỏi để làm nước chấm, số còn lại cùng với hành khô băm nhỏ cho vào ướp vịt cùng với mật ong, gia vị khoảng 30 phút.
- Pha ½ quả chanh với 1 thìa cà phê đường đường và một chút nước khuấy đều. Sau khi vịt ướp ngấm gia vị, dội chút nước sôi lên bề mặt da vịt, sau đó rưới đều hỗn hợp chanh, đường lên bề mặt da gà để da vịt được bóng và giòn.
- Cho vịt vào khay bỏ vào lò nướng ở nhiệt độ 250 độ C trong vòng khoảng 75 phút. Khi vịt chín, bắc ra khỏi lò chặt miếng vừa ăn và chấm với nước sốt rất ngon!
Làm nước chấmTrong khi đợi vịt nướng, lấy bát hòa nước mắm, gia vị, 1 thìa cà phê đường còn lại cùng với bột bắp và chút nước khuấy tan; cho một chút dầu ăn vào xoong nhỏ phi thơm chỗ tỏi còn lại, sau đó đổ hỗn hợp nước chấm vào đun sôi sánh lại rồi đổ ra bát, khi nước sốt nguội thì vắt ½ quả chanh vào khuấy đều.
Lưu ý: Trong quá trình nướng, cố gắng lót lớp giấy bạc ở phía dưới khay hứng dầu để vệ sinh lò dễ hơn và không bị bốc mùi cháy.
4. Vịt nấu khoai môn
Nguyên liệu:
- Nửa con vịt
- 300g khoai môn cao
- 2 viên chao đỏ, 2 viên chao trắng, bạn có thể mau chao tại siêu thị hay ở quầy gia vị bán đồ khô
- Muối, nước mắm, hạt nêm, hành khô, tỏi, hạt tiêu
- Nước dừa
- Bún, rau xà lách ăn kèm, hành lá
- Gừng, rượu trắng để rửa vịt
- Phần nước chấm ăn kèm: 2 viên chao trắng, đường, chanh
 "Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt - 4
Cách làm:
- Gừng rửa sạch, giã gừng, trộn chung với rượu trắng.
- Vịt rửa sạch, chặt nhỏ, chà hỗn hợp gừng và rượu trắng lên khắp thân vịt, để khoảng 20 phút sau đó rửa lại cho thật sạch, để vịt lên rổ cho ráo nước.
- Phần vịt sau khi ráo nước cho ra âu lớn, thêm hành khô và tỏi đã giã nhỏ, thêm chao trắng, chao đỏ, một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, nửa thìa nhỏ hạt nêm, hạt tiêu, trộn đều, ướp khoảng 2-3 tiếng.
- Đun nóng dầu ăn, phi tỏi thơm, cho hỗn hợp thịt vịt đã ướp vào nồi, đun lửa lớn đến khi sôi bùng lên thì bạn đun lửa nhỏ, đun tiếp khoảng 20 phút.
- Khoai môn cao gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn.
- Bạn pha 2 viên chao trắng với một thìa nhỏ đường, vài giọt chanh, tán nhuyễn chao, để ra bát riêng dùng kèm với bún.
- Nồi thịt vịt đun 20 phút bạn cho thêm nước dừa tươi hay nước sôi nóng vào cho ngang với mặt thịt, đun lửa nhỏ nêm gia vị vừa ăn, đun tiếp khoảng 30 - 45 phút.
- Cho khoai môn vào đun cùng.
- Đun đến khi khoai mềm, nêm nếm lại tùy khẩu vị, tắt bếp, thêm hành lá đã thái nhỏ vào.
- Bạn có thể giữ nóng nồi trên bếp, cho bún ra tô, khi dùng thì chan hỗn hợp nước dùng và vịt lên, dùng kèm với rau xà lách, hay cho vịt ra nồi lẩu chuyên dụng khi dùng thì nhúng thêm rau muống, dùng kèm với nước chấm đã pha.
5. Vịt kho gừng
Nguyên liệu:
- Nửa con vịt
- 1 củ gừng, 1 trái ớt sừng
- Tỏi băm, hành khô băm
- Nước mắm ngon, nước màu đường, gia vị.
 "Gây mê" cả nhà với 5 món ngon "vô đối" từ thịt vịt - 5
Cách làm:
- Gừng gọt vỏ, xắt lát mỏng hoặc xắt sợi. Ớt xắt khoanh mỏng.
- Vịt chà rửa với rượu trắng cho không bị hôi lông. Chặt vịt thành từng miếng vừa ăn.
- Ướp vịt với ít tỏi băm, hành khô băm, ½ lượng gừng, 1 muỗng canh nước mắm ngon, ½ muỗng canh đường.
- Phi thơm tỏi trong chảo dầu rồi cho chỗ gừng còn lại vào xào.
- Khi gừng hơi vàng (đừng để vàng quá) thì cho thịt vịt vào xào săn. Cho vào ít nước màu, nêm nước mắm, đường, hạt nêm sao cho vừa ăn.
- Cho nước vào xâm xấp mặt vịt, kho với lửa riu riu cho vịt thật mềm và thấm.
- Thêm ớt xắt vào nồi vịt kho.
- Kho đến khi nước hơi cạn là được. Nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp. Cho vịt kho gừng ra bát rồi cùng cả nhà thưởng thức nhé!
Mẹo khử mùi hôi của vịt
- Khử mùi hôi: Bạn cắt bỏ hẳn phần phao câu vừa hôi vừa không có lợi cho sức khỏe. Lấy muối xát một lượt vịt, sau đó dùng một quả chanh cắt đôi, xát một lượt quanh vịt, rửa sạch, để ráo trước khi chế biến. Khi luộc, bạn cho một mẩu gừng đập dập vào nồi nước luộc vịt là được. Với các món như vịt nướng, vịt nấu hay vịt kho thì khử mùi hôi theo cách làm trên.
Một cách khác để khử mùi hôi là lấy muối, gừng đập dập kèm chút rượu trắng xát đều lên vịt, rồi rửa sạch.
- Nhổ lông sạch: Đun nước sôi, cho một ít vôi hoặc lá khế. Cho con vịt đã cắt tiết vào ngập nước sôi, nhanh tay nhổ lông. Nhớ miết tay xuống sát da để không để lại phần chân lông và sạch lông tơ.
Món ăn bài thuốc từ thịt vịt
- Thịt vịt với đậu xanh chữa đau lưng: Thịt vịt nạc 200 gr, thái nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh 200 gr đun với 300 ml nước, khi sôi cho thịt vịt vào đảo đều đến chín. Ăn ba ngày liền, mỗi ngày ăn một lần.
- Thịt vịt với tỏi chữa viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 gr tỏi đã bóc vỏ, khâu lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 - 3 ngày ăn một con.
- Thịt vịt chữa lao phổi, ho sốt về chiều: Vịt làm sạch hầm với chân giò lợn, ăn nóng.
- Thịt vịt, đậu đỏ chữa phù dinh dưỡng: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 gr, lạc 100 gr, vỏ bí đao 30 gr, nấu thành canh, tốt cho người thiếu máu.
- Thịt vịt, nước mía chữa hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 gr, băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 gr ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào đun chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn cháo ra làm ba lần, ăn nóng.

Theo Tùng Anh (Gia đình & Xã hội

Đậm đà hương vị vịt đồng nấu chao

Cũng là món ăn được chế biến từ vịt nhưng cách làm món vịt nấu chao tương đối cầu kỳ và có thể gọi là món tinh túy nhất từ vịt của người dân quê.

Ai một lần đến miền Tây quê tôi hẳn sẽ ấn tượng về các món ăn được chế biến từ con vịt thả đồng. Trong các món ấy, có lẽ thực khách sẽ không thể quên được hương thơm ngạt ngào của món vịt… nấu chao.
Sau những mùa gặt, dân quê tôi thường “thả lan” đàn vịt chạy khắp đồng, con nào con nấy say mồi mập ú. Gần như mọi nhà đều có nuôi đàn vịt, nhiều thì để bán trứng, bán thịt; ít thì để dùng trong các bữa tiệc, liên hoan. Lâu lâu, có khách đến thăm, dân quê tôi cũng bắt con vịt mang đi nấu chao trước để đãi khách, sau để gia đình vui vầy bên mâm cơm với món vịt nấu chao do bàn tay khéo léo của người dân quê chế biến.
 Đậm đà hương vị vịt đồng nấu chao - 1
Món vịt nấu chao luôn tỏa hương thơm ngào ngạt (ảnh: Hoàng Lê)
 Đậm đà hương vị vịt đồng nấu chao - 2
Vịt nấu chao ăn kèm với bún thì ngon hết ý (ảnh: Hoàng Lê)

Sau khi đã làm sạch con vịt, chặt thành từng miếng nhỏ rồi trộn lẫn với gừng, rượu trắng, chà xát rồi để yên tầm 15 phút cho vịt mất mùi hôi. Sau đó ướp vịt với chao, tỏi, ớt cùng với những gia vị khác rồi để tiếp khoảng 2 giờ đồng hồ cho gia vị ngấm vào từng miếng thịt.
Sau khi gia vị đã ngấm đều, bắc nồi lên bếp phi mỡ, hành rồi cho thịt vịt vào nồi. Chờ vịt săn lại cho nước dừa tươi và nấu nhỏ lửa, đến khi vịt gần chín là cho khoai môn vào nấu tầm 5 phút, thêm ít hành lá trước khi nhắc nồi xuống. Vậy là công đoạn chế biến món vịt nấu chao đã hoàn thành. Vịt nấu chao ăn kèm với bún là ngon nhất.
Dù phải qua nhiều công đoạn trong quá trình chế biến món ăn nhưng nhìn chung món vịt nấu chao không phải tốn nhiều chi phí, chỉ lấy những gì sẵn có từ vườn nhà để tạo thành món ăn độc đáo. Đó là con vịt nuôi ăn lúa thóc đồng nhà, đó là trái dừa ta phía nhà sau, đó là củ khoai môn sau sàn nước… Tất cả những thứ ấy không phải được mua ở chợ mà chính từ bàn tay của người dân quê gắn với nghề chăn nuôi, trồng trọt.
Ai đã một lần được thưởng thức món vịt nấu chao do dân quê tôi chế biến ắt sẽ không thể quê được vị béo ngậy của con vịt quê hương, mùi beo béo thanh tao của khoai môn vườn nhà, ăn hoài không chán.
Miền Tây là vùng đất sản sinh ra nhiều món ăn dân dã, mộc mạc mang đậm chất văn hóa của vùng đất và con người sống ở nơi đây. Món vịt nấu chao dù không phải là món ăn sang trọng nhưng với sự tinh túy, khéo léo trong chế biến của người dân cũng đủ làm thực khách phương xa nhớ mãi.
Theo Hoàng Lê (Danviet.vn)

Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc

Cách làm vịt om sấu không hề khó, hãy tham khảo cách làm dưới đây để có thể trở thành bà nội trợ đảm đang nhất nhé!

Nguyên liệu:
– Vịt 1 con làm sạch
– 10 quả sấu xanh
– 0,5kg khoai sọ loại củ nhỏ
– 5 củ hành khô
– 10 lá mùi tàu
– 1,2 nhánh rau ngổ (rau ngổ thêm vào tùy sở thích, có thể không có nhé)
– 1 củ tỏi, 5 củ xả
– Muối, tiêu, ớt, gừng, nước mắm.

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 1

Nguyên liệu tươi ngon hấp dẫn
Cách làm:
Bước 1:
– Giã nhỏ gừng, trộn với muối xát lên vịt cho sạch, không bị hôi rồi rửa sạch lại, chặt miếng vừa ăn
– Hành, tỏi, xả đập dập, thái lát mỏng
– Sấu cạo vỏ ngâm nước lạnh
– Rau ngổ, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ
– Khoai sọ rửa sạch, luộc qua với nước sôi khoảng 5ph rồi đem xả nước lạnh là có thể dễ dàng bóc vỏ mà không hề bị nhớt hay ngứa tay.

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 2

Khoai sọ gọt sạch vỏ

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 3

Sấu cạo sạch vỏ, ngâm nước
Bước 2: Ướp thịt vịt: 1/3 muỗng canh muối ,1/2 muỗng canh hạt nêm,1/3 muỗng cà phê tiêu, cùng 1/2 (hành, tỏi, sả). Để 30 phút cho ngấm.

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 4


 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 5

Bước 3:
– Đun dầu nóng già cho 1/2 (hành + tỏi + sả )còn lại phi thơm. Tiếp đến cho thịt vịt xào săn.
– Cho sấu vào nồi, đổ nước cho ngập thịt. Các bạn có thể thay nước lạnh bằng nước dừa tươi để tăng vị đậm đà cho món vịt om sấu nhé.

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 6

– Khi thăm chừng thấy vịt hơi mềm thì cho khoai vào đun cùng. Đến khi khoai chín mềm nhưng không quá nát là được.
– Dầm sấu từ từ khi thấy vừa đủ độ chua thì ngừng, nêm nếm lại gia vị, rắc mùi tàu, rau ngổ, ớt thái sợi . Múc ra bát, ăn nóng.
Lưu ý: các bạn có thể dùng nước dừa tươi thay nước lạnh để món vịt om sấu có vị ngậy, sánh, thơm mùi dừa nhé!
Thành phẩm:
Trút món vịt om sấu ra tô, bạn nên dùng nóng món vịt om sấu này sẽ thưởng thức được toàn bộ vị ngon của món ăn. Món này ngon nhất khi dùng với cơm nóng hoặc bún tươi nhé!
Mùa hè, món vịt om sấu là món ngon không thể bỏ qua của mỗi gia đình. Tranh thủ đi chợ mua vịt, mua sấu, chỉ cần một chút khéo tay là các bạn đã có thể học cách làm vịt om sấu thơm ngon cho gia đình thưởng thức rồi.

 Cách nấu vịt om sấu chuẩn vị miền Bắc - 7

Vịt om sấu mềm thơm, thịt vịt chín mềm, thơm nức mùi vịt cùng vị chua chua của quả sấu
Thịt vịt là một trong những loại thịt gia cầm nhiều dinh dưỡng nhất. Theo chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng), chưa kể hàm lượng canxi, phosphor, sắt, vitamin… cũng rất cao. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua thực phẩm tốt này để nấu cho gia đình nhé! Và vịt om sấu là gợi ý hoàn hảo cho bữa cơm ngày hè
Vịt om sấu mềm thơm, thịt vịt chín mềm, thơm nức mùi vịt cùng vị chua chua của quả sấu. Thích thú nhất là được húp thứ nước om thơm lừng mùi nước dừa béo ngậy, hòa quyện là vị chua chua thanh thanh của sấu, ăn mãi mà không biết chán.
Vịt om sấu rất thích hợp cho các bữa cơm xum họp cuối tuần. Ăn với bún quả thực rất tuyệt đó. Chúc các bạn thành công!
Theo Mỹ An (Đời sống & Pháp luật))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét