Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Du lịch Hạ Long nên ăn gì, ở đâu?

Du lịch Hạ Long, các bạn có thể ăn ở khu vực Hòn Gai hoặc khu du lịch Bãi Cháy đều được. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm du lịch Hạ Long tự túc khách du lịch thường ăn ở khu vực Bãi Cháy, còn khách vãng lai thường ăn tại Hồng Gai.

Du lịch Hạ Long nên ăn gì, ở đâu?

Kinh nghiệm chung khi ăn uống ở Hạ Long

Nói về nhà hàng, quán ăn ngon rẻ ở Hạ Long nhiều vô kể, từ sang trọng cho tới bình dân, giá rẻ. Dạo quanh một vòng các diễn đàn lớn như: Otofun.net, lamchame.com, webtretho...có không ít những lượt bình luận, chia sẻ hữu ích và thực tế về địa chỉ quán ăn ngon ở Hạ Long đông khách. Nhận thấy đây là những thông tin cực kỳ hữu ích cho những bạn đọc có dự định và lên kế hoạch du lịch Hạ Long, dulich9.com đã tổng hợp lại những ý kiến và đóng góp thực tế tốt nhất để các bạn tiện tham khảo.
Du lịch Hạ Long, các bạn có thể ăn ở khu vực Hòn Gai hoặc khu du lịch Bãi Cháy đều được. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm nghiệm du lịch Hạ Long tự túc khách du lịch thường ăn ở khu vực Bãi Cháy, còn khách vãng lai thường ăn tại Hồng Gai. Nhìn chung ăn uống ở cả hai khu vực đều có những quán ăn ngon, nhưng ở bên Bãi Cháy thường có giá cao hơn, dễ bị “chặt chém” hơn. Còn ăn ở Tuần Châu cũng đắt đỏ hơn, do đó các bạn có thể lựa chọn khu vực Hòn Gai.

Địa chỉ, nhà hàng ăn uống ngon ở Hạ Long.
Địa chỉ, nhà hàng ăn uống ngon ở Hạ Long.
Nếu bạn tới khu vực Bãi Cháy và lựa chọn nhà nghỉ, khách sạn ở tiểu khu Vườn Đào có thể thưởng thức ở nhà hàng Thanh Niên gần chợ đêm có nhiều hải sản. Để lựa chọn nhà hàng ăn uống bình dân bạn có thể ra khu phố Vườn Đào, tuy nhiên những quán cơm bình dân ở khu vực này không được ngon, đặc biệt nếu ăn trong chợ còn chán hơn.
Đồ ăn ở Bãi Cháy có khá nhiều nhưng ăn không được ngon. Các nhà hàng làm kiểu ào ào và không nhiệt tình với khách hàng. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí có thể lựa chọn các ngõ nhỏ ăn uống bình thường. Hoặc nếu có điều kiện về phương tiện đi lại, các bạn có thể tới khu vực Hòn Gai có nhiều quán ăn ngon.
Từ Bến Đoan các bạn hỏi đường tìm ra khu lấn biển cột 3 và cột 5 chạy ven bờ vịnh có nhiều quán ăn, nhà hàng sang trọng. Thông thường có rất ít khách du lịch ăn ở đây vì không biết, mà đa phần là những người làm ăn, quan chức.

Chia sẻ địa chỉ ăn uống ngon rẻ ở Hạ Long


Những món hải sản ngon nổi tiếng ở Hạ Long.
Những món hải sản ngon nổi tiếng ở Hạ Long.
Đây là chia sẻ của một bạn đọc là người gốc Hạ Long về ăn uống ở Hạ Long được tổng hợp từ một diễn đàn các bạn có thể tham khảo:
Về ăn uống, đúng là ở Bãi Cháy thì hơi đắt, nhất là khu bãi biển, đặc biệt là vào những ngày Lễ thì chặt chém kinh khủng, thế nên nhiều khi gọi là Bãi Chém chứ không phải là Bãi Cháy…Em giới thiệu 2 kiểu ăn uống thế này:
Thứ nhất, ăn trên bờ, các bác đi taxi xuống khu Cái Dăm, nơi có nhiều siêu thị Ốc, em hay ăn ở Kim Quy hoặc Ngọc Sương 2, mỗi lần ăn nhậu xong tính ra mỗi người khoảng 300k, nếu sang hơn có Cua Vàng hoặc Thiên Anh (với 2 chỗ này thì không có giá dưới 500k đâu ạ).
Thứ hai, ăn trên biển, các bạn chịu khó sang khu nhà bè cột 5 Hồng Gai, nếu đi taxi từ Bãi Cháy thì các bác cứ nói là cho sang khu bè cột 5, giá taxi maximum khoảng 150k. Ở Cột 5 thì em có hay ăn ở nhà bè Hồng Quảng hoặc Hồng Đậm, hải sản tươi sống ngay tại chỗ, đi mùa hè thì ngồi trên biển rất mát.
Về giá cả thì không biết mấy bác thấy như vậy là đắt hay rẻ, nhưng bọn em ăn đủ các món hải sản ngon nhất, bia rượu uống say sưa, tính ra khoảng 200k – 300k/ người. Nói chung không có giá dưới 200k/ người, em thấy cũng không đắt lắm.
Ngoài ra, nếu muốn ăn gần hơn thì có bè Hải Sâm ở Cái Dăm ăn cũng được nhưng không bằng bè bên Cột 5. Thỉnh thoảng bọn em ngại đi xa thì vẫn ăn ở đó, giá cả cũng tương đương như bè bên Cột 5, để ăn uống thoải mái thì 200 – 300k/ người. Tóm lại một câu là, ăn uống ở Hạ Long không rẻ, ăn trên bè hay nhà hàng thì giá cả như nhau, trên bè thì không khí khác lạ hơn 1 chút so với nhà hàng.
Thêm một tí nữa về ăn nhậu, các bác đi ăn nhớ gọi thử món ngán nướng hoặc hấp, đặc sản ở Hạ Long. Với các bác thích nhậu thì gọi rượu tiết ngán hoặc sake ngán uống rất hay.
Một thành viên khác trong diễn đàn lamchame.com chia sẻ: “Đi Hạ Long thì ăn ở nhà hàng Thăng Long gần bến tàu ấy, vừa ngon, vừa rẻ, nhưng phải đặt suất ăn bao nhiêu tiền thì mới được ăn ngon và rẻ nhé, thường thường thì đoàn khoảng 8-10 người thì nên đặt 70k/suất, còn nếu ít hơn thì đặt 80k/suất, đồ ăn ở Thăng Long ngon lắm he he he.”
Mình xin góp ý một quán ăn ngon, rẻ, và chuẩn không cần chỉnh ở Hạ Long. Bạn tìm nhà hàng Nhà Bè khu Cột 5 nhé. (Mô tả nhà hàng: đó là 1 chuỗi các nhà hàng nằm nổi trên mặt biển, cách bờ khoảng 30m, có cầu từ bờ đến bè. Hải sản ở đây thì ăn khỏi nghĩ, tươi và hàng chuẩn lắm, nhất là tôm và ghẹ)”
Thành viên có tài khoản TengTeng trên otofun.net chia sẻ: “Ăn uống thì chạy sang Hòn Gai chỗ gần Bar Hạ Long View (hỏi ai cũng biết). Ở đây nhiều quán hải sản ngon mà rẻ lắm, ăn uống xong có thể vào ngay bar HL View bên cạnh hát hò nhảy nhót. Cafe sáng thì qua Cafe Bãi Cháy (cạnh KS Mường Thanh, à mà tầng 4 Mường Thanh mát xa cũng hơi bị thích) ngay gần bờ biển cũng được.”
“Nếu ăn uống, nhậu nhẹt đúng theo phong cách Quảng: Ngồi có bia, có nhắm, có hải sản và ngắm vịnh thì cụ qua khu đường bao biển đằng sau Cột 5, cột 6 Hạ long. Khu này là khu chia lô, thường được người dân bản địa ăn uống tụ tập nên giá đúng, không chặt chém. Nếu ăn ốc biển các loại thì cụ ra đường Cái Dăm, gần bệnh viện Bãi Cháy hỏi quán ốc Bản Thắng hoặc Thắng Bản gì đó. Ngon, rẻ, tuyệt nhất là đồ tươi nhé.”
Nếu cụ làm việc và nghỉ bên Hòn gai thì nên ăn sáng, ăn trưa ăn tối tại sân Rạp Bạch đằng hoặc chợ Hạ long. Hai địa điểm này rất gần nhau, có đủ các món mà tiêu biểu là xôi chả mực hoặc bánh cuốn chả mực. Nếu nhậu thì đường bao biển cột 5.”
Một số địa chỉ ăn hải sản ngon rẻ ở Hạ Long các bạn có thể tham khảo:
Thưởng thức hải sản trên tàu trong các tour tham quan vịnh, có giá khoảng 120k – 200k/ người. Hải sản tươi ngon tại điểm ăn nhậu ở khu vực Vườn Đào. Hải sản rẻ ở chợ Cái Dăm. Thưởng thức hải sản dân dã ở khu vực Bến Đoan. Ăn hải sản trên “bè”.
dulich9.com

Về miền tây nhớ tìm dưa mắm này ăn thử nghen

(NLĐO)- Chờ cho đến khi tỏi và tóp mỡ vàng, má nhắc chảo xuống đổ vào tô dưa mắm, dùng đũa trộn đều, miếng dưa mắm lúc này bóng mượt, mùi thơm ngào ngạt, ui cha hấp dẫn vô cùng.

Mấy ngày nay cứ đến bữa là tôi có cảm giác không ngon miệng. Ước gì có một dĩa dưa mắm ăn với cơm dẻo trong tiết trời se se cuối năm, để thay đổi khẩu vị chắc là tuyệt lắm. Chỉ nghĩ đến thôi mà đã tứa nước miếng, tôi liền điện thoại về quê cho chị gái và nhắc đến dì Tư bán mắm ngồi ở góc chợ huyện khi xưa. Dì Tư bán loại dưa mắm ngon nổi tiếng, mà má tôi thường mua về cho chúng tôi ăn với cơm hoặc cháo trắng nấu lá dứa. Nghe nhắc dì Tư, chị tôi nói “ Dì tư giờ mất rồi mà có con gái dì bán cũng ngon lắm. Để mai có xe lên chị mua gửi cho ăn”.
Về miền tây nhớ tìm dưa mắm này ăn thử nghen
Dưa mắm là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ, dưa này muốn ngon phải làm bằng dưa gang non. Người ta xẻ trái dưa ra từng miếng vừa ăn, rồi trộn với muối cho miếng dưa héo lại, sau đó xả sạch bằng nước để ráo, rồi cho dưa vào khạp ủ chung với mắm (có thể cá sặc, cá linh hoặc cá lóc…) cho đến khi miếng dưa thấm vị mặn và mùi mắm. Lúc thắng nước đường để chao mắm sẵn ướp dưa mắm luôn, miếng dưa có màu vàng nâu nâu, lấy ra trộn thêm gia vị là ăn thôi.
Tùy theo gu mỗi nhà mà có cách trộn khác nhau, không biết có thể là do quen vị hay thiên vị chứ tô dưa mắm của má tôi trộn, theo tôi là ngon số dzách! Má làm cũng đơn giản lắm nhưng có lẽ các gia vị được má tôi thêm bớt hài hòa, khiến người thưởng thức hưởng được hết cái ngon của nó.
Về miền tây nhớ tìm dưa mắm này ăn thử nghen
Dưa mắm mua về má tôi trút ra thau, chế nước ấm ấm vào trụng sơ, vớt dưa mắm ra vắt ráo. Rồi lấy miếng dưa cắt nhỏ thành từng miếng mỏng. Cho tỏi ớt vào cối giã cho nhuyễn rồi múc ra tô cho đường, nước cốt chanh vào quậy tan đường hỗn hợp sền sệt, cho dưa mắm đã xắt cùng vài lát tỏi ớt cắt lát vào trộn đều.
Lúc chờ cho dưa mắm thấm gia vị, má tôi lấy thật nhiều tỏi băm nhuyễn, múc tóp mỡ trong thố ra (ngày trước nhà tôi dùng mỡ chứ không ăn dùng dầu như bây giờ, nên lúc nào trong bếp cũng có thố tóp mỡ) cho vào chảo đun nóng rồi bỏ tỏi bằm vào. Chờ cho đến khi tỏi và tóp mỡ vàng, má nhắc chảo xuống đổ vào tô dưa mắm, dùng đũa trộn đều, miếng dưa mắm lúc này bóng mượt, mùi thơm ngào ngạt, ui cha hấp dẫn vô cùng.
Về miền tây nhớ tìm dưa mắm này ăn thử nghen
Tôi nhớ hồi đó mỗi lần má trộn dưa mắm tới khâu này, là lượng dưa mắm trong tô vơi đi đáng kể, bởi mấy cái “tàu há mồm” con của má xúm lại gắp bỏ vô miệng nhai lia lịa. Miếng dưa giòn giòn mằn mặn có vị chua ngọt hơi cay cay quyện chút béo béo, cái giòn rụm của tóp mỡ, đượm hương nồng nàn của mắm lan tỏa trong miệng, ăn quên thôi. Hôm nào nhà có thịt ba rọi má tôi đem khìa, rồi cắt thịt cho vào trộn với dưa mắm. Ta nói bữa cơm hôm đó là ngon nhất trên đời.
Sài Gòn bây giờ dưa mắm không thiếu, từ các chợ nhỏ đến siêu thị lớn đâu đâu cũng bán, hàng quán cũng đưa món này vào thực đơn mà phần lớn là dưa mắm ngâm với nước mắm và đường, chứ hiếm lắm mới có món dưa mắm ủ với con mắm như ở miền Tây trước đây. Nếu có dịp về miệt sông nước hiền hòa này, các bạn có thể yêu cầu người thân hoặc nhà hàng làm món này dùng thử. Bảo đảm ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Bài và ảnh: Song Nghi

Dân dã như “cộ” heo - xôi

Cái ngon của “cộ” heo - xôi đó là cách bài trí. Nhìn ngon mắt từ màu xanh của lá chuối, màu trắng của xôi và cả cách phối màu của thịt, của tiết, của lòng heo, nước mắm, nước lèo.


Con, cháu họ nhà tôi có đến mấy chục gia đình. Đông là vậy nên mỗi năm có một gia đình “đăng cai” lễ cúng chạp họ mà theo cách gọi của làng là “bô việc”. Nhớ có năm nhà tôi đảm trách “bô việc”, mọi thứ đã phải chuẩn bị từ nửa tháng trước. Nào là để lại mấy tạ nếp nấu xôi, đặt trước con heo cỏ của nhà hàng xóm, chuẩn bị đậu xanh để làm giá đỗ, đặt mua chục chai nước mắm hạng nhứt. Mạ tôi nói: “Heo nạc, xôi thơm cũng chưa đủ, phải có nước mắm thiệt ngon mấy bác trong họ mới ưng”.Chú em ở làng điện thoại nhắc: “Gần tới tháng 10 âm lịch rồi, anh coi thu xếp thời gian mà về dự chạp họ”. Chú em không nhắc thì tôi cũng nhớ ngày chạp họ hàng năm. Mà nhớ chạp họ là nhớ “cộ” (mâm) heo - xôi dân dã của quê nhà.

Cộ heo – xôi sắp theo “công thức”: thịt côi – xôi dưới
Cộ heo – xôi sắp theo “công thức”: thịt côi – xôi dưới"
Thịt heo và xôi là hai món chủ lực trong cúng chạp họ. Từ tờ mờ sáng, ngoài sân nhà tôi đã đỏ lửa với cái “hôn” (hoông) xôi hình bầu dục thiệt to. Cái hôn xôi cao quá đầu đứa con nít chỉ được sử dụng trong những dịp giỗ chạp lớn, không chỉ nấu được nhiều mà quan trọng hơn, xôi nấu bằng hôn thường dẻo hơn, chín đều hơn nấu bằng nồi. Lúc nấu, mạ tôi không quên bỏ trên nồi mấy ngọn lá chìa thơm (một thứ lá mùi có nhiều ở các vùng quê) để cho xôi thơm hơn, ngon hơn…
Trước sân thì “hôn” xôi, còn ngoài giếng thì mấy chú mổ heo. Heo mổ xong, chia thịt, làm lòng và luộc ngay. Đến khi trời sáng tỏ thì cả xôi và heo đều chín. Công việc còn lại của mấy chú “hậu cần” là phân cộ. Cái đầu heo, một miếng thịt nọng được dành để cúng mâm chính cùng với mấy dĩa xôi. Số thịt còn lại được chia đều thành từng “cộ” trên mỗi bàn. Cộ được lót bằng một miếng lá chuối xanh đã rửa sạch, theo “công thức”: thịt côi - xôi dưới; có thêm mấy tô xương xáo măng, mấy dĩa giá và tất nhiên là không thể thiếu chén nước mắm ớt, nước lèo…
Cái ngon của “cộ” heo - xôi đó là cách bài trí. Nhìn ngon mắt từ màu xanh của lá chuối, màu trắng của xôi và cả cách phối màu của thịt, của tiết, của lòng heo, nước mắm, nước lèo. Xôi ruộng, heo nhà, nước mắm cốt thơm nức mũi của biển và măng của rừng nữa… Bởi vậy, tuy đơn giản, mộc mạc nhưng “cộ” heo xôi là sự tổng hợp hương vị từ núi đến biển, từ đồng ruộng đến vườn…
Hồi trước, sau khi tan tiệc, mỗi người đều được chia phần heo - xôi, gói trong miếng lá chuối đưa về nhà cho mấy đứa nhỏ. Mà nay cũng vậy, không cầu kỳ, cũng chẳng của ngon vật lạ nhưng “cộ” heo – xôi luôn khiến tôi có cảm giác thòm thèm dù bụng đã no căng.
Theo PHI TÂN (Thừa Thiên-Huế Online)

Cá thút thít nhúng giấm - món ăn nhiều người ưa thích

Dùng bánh tráng gạo loại mỏng, cuốn với vài lát cá thút thít vừa nhúng giấm kèm theo rau các loại, chấm nước gan cá. Món ăn ngon nhớ đời.


Người dân La Gi và nhiều nơi ở Bình Thuận rất ưa thích món cá thút thít nhúng giấm. Đây là món ăn rất ngon, lạ miệng.Cá thút thít còn gọi là cá nhám nhỏ. Loài cá này cung cấp rất nhiều chất bổ dưỡng.
Cá thút thít nhúng giấm - món ăn nhiều người ưa thích
Cá thút thít nhúng giấm, cách chế biến cũng không có gì cầu kỳ. Việc đầu tiên là phải lột hết lớp da dày bên ngoài của cá bỏ đi. Rửa sạch, để ráo nước. Sau đó dùng dao lóc dọc hai bên mình cá, thành những lát mỏng, ướp ít gừng giã để khử mùi tanh.
Riêng gan cá thút thít được giữ lại để chế biến nước chấm. Có thể nói làm nên hương vị đặc trưng của món cá thút thít nhúng giấm chính là nước chấm. Lấy gan cá luộc sơ qua nước sôi, băm nhỏ, trộn thêm ít thịt heo nạc xay nhuyễn. Sau đó, ướp hỗn hợp này cùng với hành tím băm nát, bột ngọt, tiêu, nước mắm để chừng 5 phút cho thấm đều. Bắc chảo dầu lên bếp, phi hành cho thơm rồi trút hỗn hợp này vào xào qua xào lại. Để có độ sánh, hòa ít bột mì vào nước lọc, đánh tan rồi cho vào chảo, cuối cùng sẽ có một loại nước chấm sền sệt thơm nức.
Khi ăn mọi người ngồi quây quần bên bếp lò với nồi giấm đã nêm gia vị, bốc mùi thơm chua dìu dịu. Dùng bánh tráng gạo loại mỏng, cuốn với vài lát cá vừa nhúng giấm kèm theo rau các loại, chấm nước gan cá. Món ăn ngon nhớ đời.
Theo Gia Linh (Bình Thuận Online)

Kỳ thú với "lá bột ngọt" trên rừng!

Thật kỳ diệu! Mẹ thiên nhiên đã tinh nghịch giấu một hợp chất tự nhiên, chứa tư vị nửa như thịt gà nửa như bột ngọt trong đọt cây rừng lá thấp.


Bởi theo ông, ăn uống không cẩn thận sẽ tự đầu độc mình. Một ví dụ đơn giản nhất, lạm dụng bột ngọt (chất điều vị E 621) trong nêm nếm, lâu dài sẽ làm sút giảm trí nhớ, “lụt” lưỡi và nhiều tai hại đáng kể khác. Nhưng khốn khổ thay, thói quen cần mấy muỗng bột nêm cứ trói buộc người ta dai dẳng.“Dân mình cứ chết dần trên đống thuốc! Họ quên mất câu: Nam dược trị nam nhân!”, thầy tôi thở dài, than vãn giữa đêm khuya.
Lên rừng tìm lá
Làm sao thoát khỏi “hội chứng nhà hàng Tàu” mà vẫn đảm bảo mùi vị thực phẩm ngon lành, kinh tế? - “Hãy đi học người thượng”, ông đáp gọn.
Bình minh chốn núi rừng Madagui, huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng thật trong trẻo. Sương mờ lãng đãng vây quanh những tán cây rừng, phủ mờ mặt suối… Vọng vang tiếng chim ríu rít hoan ca. Tha hồ mà dạo bước hoặc leo trèo tìm mỏm đá vôi ưng ý chụp hình tự sướng. Người xì - phố mà, nhún nhảy khoảng 15 - 20 phút đã bắt đầu thở dốc và bụng nghe kiến bò chộn rộn - đói.
Chúng tôi, đặc biệt chú ý đến cái tên rau nhíp trong thực đơn “cá suối - rau rừng” ở đây. Bởi vì, nghe giới thiệu, mùi vị nó ngọt nửa giống thịt gà ta nửa giống bột ngọt… xịn. Vậy là, háo hức gọi luôn 2 dĩa: rau nhíp xào tỏi, rau nhíp xào thịt bò để cùng cảm chứng.
Từng chiếc lá non có màu hồng nhạt, thon dài tựa lá xoài non. Tuy nhiên, nó thoảng mùi hăng nhẹ đặc trưng, khá giống mùi lá mãng cầu xiêm non. Dân gian thường gọi “hôi nỉ”.

Người Stiêng Bình Phước còn dùng cả lá bép dày dày, mang về giã ra, ủ cho lên men mới cho vào các món nước.
Người S'tiêng Bình Phước còn dùng cả lá bép dày dày, mang về giã ra, ủ cho lên men mới cho vào các món nước.
Nhấm nháp chầm chậm, nghe hậu vị ngọt thanh lưu luyến khá lâu nơi vòm họng. Thật kỳ diệu! Mới biết mẹ thiên nhiên đã tinh nghịch giấu một hợp chất tự nhiên, chứa tư vị nửa như thịt gà nửa như bột ngọt trong đọt cây rừng lá thấp.
Tên gọi thông dụng của nó là lá bép (tên khoa học: Gnetum gnemon L, tên gọi khác: rau lá bét, rau nhíp, rau danh, rau gắm…) Quyển "Những kỷ niệm ở rừng miền Đông" do NXB. Quân đội nhân dân ấn hành, kể lại, chính lá bép đã nuôi sống hàng trăm anh bộ đội bị lạc rừng Bình Phước, thời kháng chiến chống Mỹ. Cạn lương thực, họ đành tìm bứt lá rừng ăn cầm hơi suốt một tuần. Mặc dù, họ cũng chẳng biết đó là thứ lá gì. Sau này, dân địa phương mới bảo họ đã may mắn gặp được lá bép.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Sơn nguyên cán bộ tiểu đoàn 186 - quân khu 6, cùng đồng đội cũng lót dạ nhờ lá bép, trên cánh rừng miền Đông - Tây Nguyên, suốt nhiều ngày. Phim tài liệu Trường Sơn hùng tráng do hãng TFS sản xuất, trong tập 10 (Hào hùng trong gian khổ), ông Sơn có kể lại câu chuyện cảm động này.
Hí hửng mua ngay một bó lá to đùng mang về báo cáo thành tích với thầy. Nào ngờ, ông chỉ mỉm cười… hà tiện, nói: Mới vén được một góc tư của lá thiên líu tíu thảo thôi. Muốn học tiếp phải lên sóc Bom Bo.
Về sóc học khôn
Đã phóng lao thì phải theo lao. Bởi, một nửa của sự thật đâu hẳn là sự thật. Vậy là, nhóm chúng tôi lại khăn gói về cùng các dân tộc anh em, từng có công chở che nuôi nấng bao cán bộ ta.
Gặp anh Điểu Khuê, cưỡi chiếc xe Wawe Trung Quốc cùi, vai mang bình xịt thuốc hướng về mấy rẫy điều, chúng tôi mừng rỡ vô cùng. Vội nhờ anh dẫn đi tìm cái lá có vị ngọt như bột nêm, để chụp hình làm tư liệu, họ Điểu nhanh nhảu đáp. : “Ơ, là lá bờ -nhàu”. Nhưng buổi sáng đó anh bận đi xịt thuốc thuê trong vườn điều. Chiều, anh mới làm hướng dẫn viên được. Điểu ra giá chính thức, không cò kè thêm bớt: 500.000 đồng. Kể như… nhắm mắt nuốt trọn một tô phở bò Kobe vậy!
Được cái, anh chàng S'tiêng có đôi mắt màu nâu đỏ này, khuyến mãi thêm nhiều thông tin quý giá về lá bờ - nhàu: có loại lá bầu, loại lá dài. Trộn chung 2 thứ lại, sẽ thơm ngon hơn. Đặc biệt, nó rất hợp với các món nước chứa chút ít tinh bột như canh thụt (khoai mài/củ chụp, đọt mây, nhái…) cháo bồi (nếp hoặc gạo, thịt gà, muối…).
“Có mùi gạo/nếp hoặc củ mài, củ chụp nhựa lá sẽ “chạy” ra chất ngọt nhiều hơn!”, Điểu Khuê chia sẻ.
Mừng ngang trúng số kiểu Mỹ! Bởi cho đến nay (và mãi sau này), chưa có một tự điển dược thực nào phong phú hơn khối tri thức bản địa. Càng nghĩ, càng thấm thía những ca từ chan chứa, giàu hình ảnh của nhạc sĩ Huy Du: “Trăng đã dậу rồi khơi bếp hồng lên nhé. Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi…Một cánh rau rừng còn ủ kín уêu thương…Lửa cháу lên rồi mang tình em rực sáng…” (Nổi lửa lên em). Một số bậc đàn anh lứa U 60, từng đi kháng chiến, từng quen mặt mớ lá bép, rất bực mình khi nghe các ca sĩ thời nay hát sai lời bài hát này (lá nếp thay vì lá bép).
Lần báo cáo đề tài đợt hai, thầy tôi đã nói cười sang sảng. Và đến lượt chúng tôi bật ngửa khi nghe ông hé lộ những giá trị dinh dưỡng thật to lớn của loại lá bình dị này. “Y thực triều Nguyễn tôn xưng nó là “ngọc thần chi mộc”, tên thuốc Bắc còn gọi “thiên líu tíu thảo”. Nó giúp gan giải độc hiệu quả hơn, thận và hệ tiêu hóa hoạt động khỏe. Không có thực phẩm nào cân bằng dinh dưỡng và đạm bằng lá bép”, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn, hiện ở quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết.
Còn cô giáo tiểu học Thị Thắm, ở thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nói thêm: Cây bờ - nhàu mọc ở rẫy cho lá nhỏ hơn trong rừng Bù Gia Mập. Gặp vùng đất phèn lợ, vị lá sẽ chát hơn cây cùng loại sống ở nơi gần nguồn nước ngọt. Những món canh thụt, canh bồi giúp người bệnh mới khỏi, phụ nữ sau sinh mau khỏe mạnh hơn.
Như vò rượu cần đang dậy men bạc trắng đến lớp mặt, chúng tôi vội xắn tay vào hành ngay món lá bép ghép cùng tinh bột.
Tiến gà kiến
Bếp được chọn làm “chuột bạch” là Hàng Dương. Vì ở đây, thường có hàng gà kiến Quảng Ngãi, thịt chắc ngọt đến quên lối về! Giống gà ta khá nhỏ con, chậm lớn nhưng “bươn chải” giỏi, sức đề kháng tốt, đã góp phần làm rạng danh sản vật miền Trung giàu nắng gió, nhấp nhô dốc - đèo.
Đồng thời, một vị tướng gốc Quảng, đã ưu ái tặng anh chủ nhà hàng, món lẩu cháo nhúng khá lạ miệng. Nó được kết hợp, chắt lọc tinh hoa từ những muỗng cháo thành danh, nóng hổi khối tình hoài hương nơi xứ Nẫu và Trung Hoa: cháo lòng thả với cháo Tiều.
Phần thịt nạc gà được phi lê, xắt mỏng - dày hơn miếng thịt bò tái một chút, dài cỡ 1 - 2 lóng tay người lớn; ướp sơ với ít nước mắm nhỉ + củ hành tím bằm + ngò rí.
Còn xí quách và lòng gà, được hầm chung trong nồi cháo hồ cùng bột đậu xanh, nhằm gia tăng chất ngọt tự nhiên.
Bó lá bép chỉ cần tưới qua nước sạch cho tươi, lặt ra, xắt ba sồn, chờ nhúng vào cháo, lúc sôi già.
Thật khó tả hết bằng lời! Khi nồi cháo lá bép “tiến” gà kiến sụt sùi sôi, tỏa hương thơm thanh đậm đến chịu không nổi! Xác lá vừa ngọt bùi vừa beo béo (do hút ngược mỡ gà vào). Chúng ngọt thanh và thơm hơn cả lá bù ngót rừng, phảng phất mùi nhựa hăng hăng tựa như lá non mãng cầu xiêm. Hầm càng lâu, nước cháo càng ngọt bùi mê mẩn.
Ấn tượng nhất là, mãi đến gần nửa giờ - sau khi tàn tiệc, chất ngọt bùi thanh tân vẫn lởn vởn nơi vòm họng thực khách. Càng chấp, mạch suối nước bọt càng cuộn trào, cộng hưởng cùng độ ngon ngót (ngòn ngọt), khiến người ăn thêm bội phần luyến khoái.
Lắm lúc người viết ngu ngơ tự hỏi: vì sao có trái đắng (khổ qua) chùm cay (ớt hiểm) và lá ngọt? - Tiến sĩ, lương y Ngô Đức Vượng đã lý giải phần nào trong quyển Minh triết trong ăn uống của phương Đông: “Thảo mộc đã hút các chất vô cơ để tổng hợp thành thức ăn hữu cơ, đó là một phép lạ về sự diễn tiến nhờ tác dụng tương hỗ của năng lượng thiên nhiên. Phép lạ ấy chưa một phòng thí nghiệm siêu hiện đại nào có thể bắt chước được.” (lược trích từ trang 44).
Riêng thầy tôi thì lạnh lùng hơn: “Cô nhân đã cạn lời! Hồn ai nấy giữ!”
Bài và ảnh: Kiến Giang

Canh gà lá mũn, càng ăn càng ngon

Vị thơm ngậy của gà quê Tuần Châu (loại gà nuôi ở đảo Tuần Châu, TP Hạ Long) kết hợp với vị chua, chát nhẹ tự nhiên của lá mũn đã tạo nên một món ăn độc đáo, ngon miệng.



Thực khách thích thú với món canh gà lá mũn dân dã, ngon và độc đáo.
Đây còn là món ăn dân gian giúp giải cảm, giải rượu, tạo sự ấm nóng trong mùa đông lạnh giá.
Thực khách thích thú với món canh gà lá mũn dân dã, ngon và độc đáo.
Từ xưa những đầu bếp vùng biển hay chế biến hải sản không còn lạ gì với những gia vị tạo vị chua như: Lá hoặc quả sấu, quả me, tai chua hoặc quả bứa rừng. Đây là thứ nguyên liệu dân gian thường sử dụng để nêm thêm vị chua cho các món hải sản như: Mực, ruốc luộc hoặc nấu canh gà. Tuy nhiên, nhắc tới lá mũn (hay nhiều nơi gọi lá chùn mũn) thì hẳn là nhiều người chưa biết. Và đây chính là nguyên liệu không thể thiếu để nấu món canh gà ngon.
Cây lá mũn thuộc họ dây leo, kết thành từng chùm trên mặt đất. Lá mũn nhỏ, bề mặt láng mịn, nếm thử có vị chát, chua tự nhiên. Là loại cây thường xanh quanh năm, cây lá mũn chủ yếu mọc trên rừng hoặc các sườn đồi. Tuy nhiên, hiện nay loài cây này hiếm, không phổ biến, khá khó tìm. Chính vì thế, để chế biến món ăn này ngon đúng điệu phải dày công tìm kiếm loại nguyên liệu này. Ngoài lựa chọn gà chăn thả ngon nổi tiếng của Tuần Châu thì lá chùn mũn là nguyên liệu không thể thiếu, là “linh hồn” của món ăn.
“Để nấu canh gà ngon cần chọn gà đạt từ 2kg trở lên, chặt miếng vừa ăn, ướp gừng, mắm, hành khô, đường... khoảng 20 phút để miếng gà ngấm gia vị. Sau đó gà được cho vào chảo phi hành mỡ, đảo chừng 10 phút cho săn miếng thịt rồi cho nước vào đun. Chờ canh gà sôi, vừa chín tới, lá mũn mang về rửa sạch để ráo nước, vò kĩ rồi mới cho vào nồi canh gà. Thao tác này giúp lá mũn dậy mùi thơm, vị chát, chua dịu ngấm nhanh vào miếng gà. Tuy nhiên, chỉ nên đun trong vòng 10 phút nếu không lá mũn sẽ nhừ, gây vị nồng, mất ngon cho món ăn”, chị Nguyễn Thị Huyên, đầu bếp nhà hàng Trang trại Việt (tổ 1, khu 1, phường Tuần Châu) chia sẻ.
Điều đặc biệt là gà nấu lá mũn rất hợp vị với nhau. Lá mũn giúp gà mềm, nhanh nhừ. Vị chát, chua dịu nhẹ của lá mũn ngấm vào vừa giúp cho miếng gà vàng, đẹp, ngon mắt vừa khử bớt vị mỡ, ngấy của gà. Tất cả các yếu tố đó hoà với nhau tạo thành món canh gà lá mũn dân dã mà ngon miệng.
Đây là một món ăn giúp giải cảm, giải rượu, tạo sự ấm nóng cho cơ thể trong mùa lạnh. Canh gà lá mũn ăn nóng có vị thơm của thịt gà, vị chua nhôn nhốt xen lẫn vị chát của lá mũn càng ăn càng ngon, càng “vào”. Món canh gà lá mũn cũng được bán với giá bình dân khoảng 190.000 đồng/kg. Tới Tuần Châu thực khách đừng quên tìm thưởng thức món ăn dân dã, ngon mà độc đáo và khó quên này.
Theo Hà Phong (Quảng Ninh Online)

Thơm ngon sùng đất nướng

Nhìn bề ngoài, sùng đất khiến ta có cảm giác “ghê sợ” nhưng khi thưởng thức hương vị của nó, mới chậc lưỡi mà tấm tắc khen ngon.

Tuổi thơ của những người sinh ra ở vùng quê dường như “giàu có” cả bốn mùa. Mùa xuân, mùa thu đầy sắc màu, hương vị với cỏ hoa đồng nội và mùi thơm lúa mới. Mùa hạ đầy âm thanh của tiếng sáo diều và những trò chơi con trẻ. Còn mùa đông tưởng chừng như tẻ nhạt nhất nhưng lại có thú vui đào sùng, một thứ “lộc đất” đã trở thành đặc sản của nhà nông.
Thơm ngon sùng đất nướng
Nhìn bề ngoài, sùng đất khiến ta có cảm giác “ghê sợ” nhưng khi thưởng thức hương vị của nó, mới chậc lưỡi mà tấm tắc khen ngon. Sùng ngon là những con to gần bằng ngón chân cái, màu trắng đục, đặc quánh sữa. Khi đào được sùng, phải cho vào xô nước để sùng không bị đen, hoặc ngắt phần đuôi và dốc bỏ ruột. Có nhiều món ngon được chế biến từ sùng đất như băm nhỏ đúc bánh xèo, luộc, rang... Nhưng dậy mùi và giữ được hương vị vốn có của sùng nhất vẫn là món sùng nướng muối ớt.
Sùng sau khi được làm sạch ruột để cho ráo, thì cho muối ớt xanh vào, xóc đều. Chỉ cần lưu ý là lượng muối vừa phải để khi nướng không làm mất đi hương vị chân nguyên của sùng. Để chừng năm phút thì cho lên bếp than hồng và nướng, có thể nướng thành từng xâu hoặc nướng vỉ. Lúc nướng phải trở nhiều lần và phải thật đều tay để sùng chín đều và không bị cháy sém. Khi sùng chuyển qua màu vàng và có mùi thơm ngon là dùng được. Sùng nướng vừa chín tới sẽ giữ được vị dai, thơm, ngọt và béo. Chỉ đơn giản là vậy, nhưng khi ăn bạn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon. Cắn nhẹ một con sùng, ta nghe dậy mùi thơm, vị dai giòn bên ngoài, phần sữa béo ngậy bên trong tứa ra mềm môi.
Sùng nướng là món ăn khoái khẩu của nhiều người, giàu dưỡng chất và đặc trưng cho mùa mưa lũ của nhà nông ven sông Thu Bồn. Ngày mưa lũ, người nhà nông có cái thú quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp thưởng thức những hương vị dân dã như sùng, dế, cá đồng... Cùng nhau nhâm nhi vài chén rượu gạo cho ấm bụng, tán gẫu đủ chuyện, tạm gác lại nỗi lo âu mùa lũ.
Theo TÂM LÊ (Quảng Nam Online)

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Cà sóc kiến vàng - đặc sản Gia Lai

Nguồn: vtv.vn
C
Món cà sóc kiến vàng là một món ăn dân dã, lạ miệng nhưng vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng của đồng bào người Gia Lai.

Không phải món ăn làm từ các loại... cà, "cà sóc" là tên gọi tiếng Bahnar với nguyên liệu gồm muối kiến vàng trộn đu đủ xanh, ớt chín và lá é. Đây là một món ăn đặc sản dân dã của đồng bào Gia Lai. 
Vị cay của ớt, vị mặn của của muối, quyện cùng vị giòn sần sật của đu đủ nạo và vị chua thanh thanh của muối kiến vàng sẽ làm món ăn trở nên hấp dẫn, ăn nhiều mà không thấy ngán./.

Khám phá nét văn hóa ẩm thực ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Nguồn: Báo Hà Giang
Cập nhật: 22/11/2016, 09:11:45
“Mèn mén, thắng cố, rượu ngô là ba trong số các món ngon nhất định phải thưởng thức khi lên với Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang”, dòng trạng thái đang được cộng đồng du lịch chia sẻ trên các trang mạng xã hội thêm một lần khẳng định nét độc đáo, khác biệt trong văn hóa ẩm thực của người Mông nơi cực Bắc của Tổ quốc.


Những người bạn cùng nhau uống rượu ngô trao đổi tâm tình ở chợ phiên huyện Mèo Vạc.
 
Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, từ bao đời nay, ngô là cây lượng thực chủ yếu và được người dân bản địa chế biến thành món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bởi thế, trong nhiều lần đi công tác tại các xã thuộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; tôi đã được thưởng thức món ăn mèn mén đặc biệt này của người Mông. Càng đặc biệt hơn khi quá trình làm ra món ăn dân dã này lại được người phụ nữ Mông cẩn thận thực hiện qua nhiều công đoạn. Ngô được đem tách hạt, giã nhỏ thật mịn bằng cối xay thủ công, rồi đưa lên hấp trên bếp với ngọn lửa vừa đủ sao cho ngô vừa chín tới; sau đó được đổ ra để nguội cho bột ngô được tơi đều, rồi lại hấp thêm một lần nữa trên ngọn lửa nhỏ, đến khi ngô tỏa mùi thơm ngon đặc trưng. Để có được món mèn mén thơm, ngon, không bị quá khô hay quá nhão, người phụ nữ Mông phải tính toán sao cho lượng nước vừa đủ, ngọn lửa đều. Món mèn mén được sử dụng ăn cùng với canh tẩu chúa được nấu từ đậu tương xay với rau cải nương và vài quả ớt xanh nướng trên bếp than hồng. Nếu mèn mén là món ăn dân dã thường ngày thì thắng cố lại là món “Đặc sản” dùng để đãi khách của người Mông. Trước đây, khi gia đình có việc trọng đại, sẽ mổ một con ngựa để lấy thịt làm thực phẩm cúng tế và đãi khách (ngày xưa, ngựa là con vật được nuôi nhiều trên vùng cao để sử dụng làm phương tiện đi lại). Xương ngựa được cho vào chảo ninh nhừ, nội tạng ngựa rửa sạch, xào lên, khi xương đã được ninh nhừ thì cho vào chảo đun cùng nước xương và nêm các loại gia vị đặc biệt của vùng cao sẽ được món thắng cố thơm ngon, ngậy mùi để đãi khách. Ngày nay, khi nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao, thắng cố được nấu nhiều hơn và được bán ở các buổi chợ phiên, đồng thời cũng được biến hóa từ nhiều loại thịt khác nhau như dê, bò, lợn... Nhiều nơi cũng học theo công thức của người Mông để nấu thắng cố, mong muốn mang hương vị của núi về xuôi, nhưng có lẽ không đâu thắng cố lại ngon, ngọt, đậm đà mùi vị như nơi mà nó được sinh ra.
Món thắng cố nghi ngút khói hấp dẫn bao thực khách sẽ trở nên đặc biệt hơn khi được thưởng thức với chén rượu ngô men lá do chính người Mông nấu trong tiết trời đông lạnh. Người xưa kể rằng, trên Cao nguyên đá mùa Đông rất lạnh, để chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, người vùng cao đã dùng ngô ủ với men lá để nấu ra một loại nước, uống ấm nồng, giúp cho con người sảng khoái, hăng say lao động sản xuất và xua đi lạnh giá. Trong những ngày Đông rét buốt nơi miền biên ải, còn gì ấm lòng hơn khi thưởng thức một chén rượu ngô chếnh choáng men nồng bên chảo thắng cố nghi ngút khói cùng bạn bè giữa buổi chợ phiên. Hình ảnh ấy trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao. Ngày nay, nhiều người lạm dụng rượu, ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe, chúng ta thấy rõ tác hại của loại thức uống này mang lại, nhưng ít ai biết được, trong tầng sâu văn hóa của người Mông xưa, rượu là một nét đẹp truyền thống để trao đổi tâm tình.
Ông Sùng Mí Sèo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn, một người con của đồng bào Mông chia sẻ: “Rượu được dùng trong các nghi lễ trọng đại của gia đình, đặc biệt nếu người Kinh lấy miếng trầu làm đầu câu chuyện thì người Mông dùng chén rượu để thể hiện tâm tình. Người Mông rất mến khách, khi khách đến nhà phải có chén rượu mời thể hiện sự chân thành, trân trọng của chủ nhà dành cho khách. Bạn bè muốn kết tâm giao, phải uống với nhau một bữa rượu để thể hiện tấm chân tình; lâu ngày gặp lại bạn ở chợ phiên, không thể không cùng nhau uống vài chén rượu để hàn huyên câu chuyện cũ. Chỉ những người lười lao động, ham chơi mới nghiện rượu và làm mất đi hình ảnh đẹp của người đàn ông Mông”.
Không ít lần được thưởng thức những món ngon này người Mông, quả thực không quá lời khi nhiều du khách truyền tai nhau đó là những món ngon đặc biệt mà “Chưa ăn coi như chưa đến Cao nguyên đá Đồng Văn”. Là những món ăn trong cuộc sống hàng ngày của người Mông, nhưng mèn mén, thắng cố và rượu ngô mang đến nét văn hóa ẩm thực độc đáo, khác biệt, phản ánh rõ nét tính cách người vùng cao.

Biăp pŭ – món ăn quen thuộc của người M’nông

Nguồn: baodaknong.org.vn

Trong đời sống hằng ngày, bên cạnh nhiều món ăn truyền thống dân dã, ngon và hấp dẫn như cơm lam – thịt nướng, cà đắng nấu lòng bò, đọt mây nấu cá hộp, canh thụt…, người M’nông trên địa bàn còn có một món ăn rất đặc sắc là “biăp pŭ”.

Không đơn giản như cách nấu của một số món ăn khác, biăp pŭ đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến cách thức nấu. Nguyên liệu chính để chế biến biăp pŭ có: Lá bép, bột gạo, vỏ chuối khô, thịt lợn hay cá suối…
Ðể có một món ăn ngon, lá bép phải còn tươi, càng già càng tốt, chỉ lấy phiến lá rửa sạch rồi bỏ vào cối giã nhỏ. Gạo chừng nửa chén sau khi ngâm 2 tiếng trong nước cũng được lấy giã cùng với lá “nhao” (là lá bép khô, thường được người M’nông cất trên gác bếp lửa để dùng giã chung với gạo khi nấu các món canh bột).
Sau khi những lá bép xanh, hạt gạo trắng được giã nát thành bột mịn thì vớt bột gạo trong cối vào một tô nước ấm và khuấy thật đều tay rồi cho vào nồi để nấu. Khi bột gạo đã đủ độ chín mới bỏ lá bép vừa giã xong vào nồi tiếp tục nấu, sau đó cho thêm gia vị, thịt, cá vào nồi để nấu chín... Khi lá bép ngả màu sang xanh đậm, người ta lấy vỏ chuối khô, đốt cháy thành tro để bỏ vào món ăn. Tro của vỏ chuối sẽ tạo độ mặn riêng cho món ăn, có vị ngậy của thịt, cá, vị ngọt của bột gạo, mùi thơm của lá bép hòa quyện vào nhau tạo cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Để món biăp pŭ ngon, có vị thơm, người M’nông thường dùng bếp củi để nấu. Khi nấu, lửa than phải để đỏ hồng đều, tuyệt đối không nhen lửa quá mạnh hay quá yếu vì sẽ làm món ăn chín không đều, hôi mùi khói. Đặc biệt, trong khi nấu, phải dùng muỗng quấy canh liên tục, thật đều từ lúc nấu đến lúc canh chín. Có như thế thì bột gạo mới không bị cháy và canh có vị thơm riêng.
Phụ nữ người M’nông quan niệm rằng, người nào biết nấu canh biăp pŭ mới là người phụ nữ đã trưởng thành, luôn đảm đang, tháo vát tốt mọi công việc trong gia đình. Do đó, nhiều chị em đã truyền tay nhau cách thức nấu biăp pŭ để giữ gìn, có món ăn truyền thống thật ngon sử dụng trong bữa ăn hàng ngày hoặc trong những ngày lễ, Tết truyền thống./.

Bánh “Pẻng tải” – Đặc sản của người Nùng ở Đắk Nông

Nguồn: baodaknong.org.vn

“Pẻng tải” là món ăn quen thuộc trong đời sống người Nùng. Vào giữa tháng 7, dù ở quê hương hay trên những vùng đất mới, người Nùng thường làm bánh này để cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, gia đình cùng ăn.

Theo chuyện kể dân gian của người Nùng, thời vua Lý Thái Tông (thế kỷ X), đồng bào Nùng, Tày vùng cao (Cao Bằng) đã làm bánh “tải” cho các chiến binh đem theo làm lương thực ra vùng biên ải đánh giặc ngoại xâm. Bánh được xâu thành từng cặp để đeo trên người cho thuận tiện hành quân nên được gọi là pẻng tải (bánh mang theo). Ngày nay, bánh có nhiều tên gọi khác như bánh đeo, bánh vắt vai, bánh đoàn kết. 
Có nhiều cách làm bánh do sở thích, tập quán canh tác, sinh sống của các “nhánh” người Nùng khác nhau như: Nùng An, Nùng Dín, Nùng Phan Slình,… Chung quy lại vẫn từ các nguyên liệu chính như gạo nếp, lá gai, đậu các loại, mè, thịt heo… Người Nùng quan niệm, để dâng lên tổ tiên, biếu cha mẹ, nuôi lớn con trẻ, các nguyên liệu làm bánh đều có sẵn trong vườn nhà và tự trồng, thu hoạch được mới gọi là đáng quý.
Trên mảnh đất Đắk Nông, bánh truyền thống mà người Nùng thường làm trong các ngày lễ cúng có 2 loại, chia theo cách làm bột bánh (phần bọc phía ngoài nhân bánh) là nếp chuối đường và nếp lá gai đường. Nếu làm bột từ nếp và chuối đường phải dùng loại chuối mốc chín thì bánh mới không bị chua và để được lâu. Phần bột mà làm từ nếp và lá gai có phần vất vả, nhiều công đoạn hơn.
Lá gai phải tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh nhừ, vắt ráo nước, thái mịn. Đường phèn hay đường bát đun sôi, trộn với lá gai thành một thứ mật hơi sền sệt. Cho bột vào nhào thật đều với mật này đều rồi đem giã nhuyễn trong cối đá. Bột giã xong nhìn mịn màng, dẻo quánh, màu xanh đen. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau tỏa hương thơm lừng. Nhân của 2 loại bánh này đều làm bằng mè rang giã nát trộn đường bát.
Đối với loại bánh ăn thường ngày hay để bán ở chợ thì thường đơn giản hơn với 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và đậu. Phụ nữ Nùng dùng gạo nếp ngâm trong 4 – 5 giờ, đem xay thành bột, rồi đựng trong túi vải treo lên giá cho rỉ hết nước để trộn đường. Ban đầu, nhân được làm bằng mè rang, sau này trong quá trình sản xuất, trồng trọt, người dân còn làm từ đậu xanh, đậu phộng, đậu đỏ, đậu đen… để tăng thêm vị và sự bổ dưỡng hơn cho chiếc bánh.
Nhân bánh nếu làm từ đậu phộng được đem rang lên giã trộn đường. Các loại nhân đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen muốn ngon mềm, bùi mà không nhão thì phải ngâm nước nóng khoảng 2 giờ rồi đem hấp chín. Sau đó, thêm đường vào đảo sơ trên bếp, dùng chày giã mịn và vo viên.
Các loại “pẻng tải” đều được gói bằng lá chuối phơi khô, hấp trong khoảng 30 phút là chín. Sau khi hấp chín, người ta lấy tăm tre xâu bánh thành từng đôi, treo lên sào nứa nơi góc nhà thoáng mát, để được 3 – 5 ngày không hỏng mốc, ôi thiu. Bánh có vị ngọt thanh của đường, sự dẻo thơm của nếp và ngọt bùi của nhân đậu. Khi để lâu mà bánh bị khô lại, phụ nữ Nùng thường đem nướng sơ trên than hồng hay rán lại cho bánh mềm, thưởng thức thêm được một vị ngon riêng khó tả.
Lúc lên nương rẫy, người Nùng treo bánh lên vai như cách vắt một chiếc khăn mặt ở cổ. Chiếc bánh trở nên gần gũi, quen thuộc trong lối sống của họ. Đặc biệt là trẻ em Nùng luôn yêu thích, lớn lên trong mùi vị béo nhưng không ngấy, thơm ngọt của chiếc bánh.
"Pẻng tải" – bánh đoàn kết trở thành món ăn, đặc sản, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng. Mùi hương thơm thoang thoảng lan tỏa khắp xóm làng như gợi nhớ đến quê hương, truyền thống yêu nước, đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm của người Nùng nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung./.

Rau xục xạc- Món ngon dân dã xứ Huế

Nguồn: dulich.baothuathienhue.vn

Dân làng ven sông Ô Lâu ngày xưa có câu: “Cùng đinh hay quan viên thì cũng rứa mà thôi, đã một lần ăn rau xục xạc thì bỏ quên phía sau mọi chuyện, coi như thiên hạ vô thường”.

Rau xục xạc chỉ có ở đáy sông Ô Lâu, khúc sông chảy qua thôn Niêm thuộc xã Phong Hòa (Phong Điền). Và nó cũng chỉ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
Gọi là rau, nhưng thực ra nó họ rong, sống đời tinh khiết ở trằm bàu, khúc sông nước chảy đáy cát vơi đầy, với những bụi rong gồm chiếc lá xòe dài lả lơi dưới nước như tóc con gái bồng bềnh. Giữa những chiếc lá dài ấy, hoa của nó như một cọng tăm vươn dài, hoa chúm nốt xanh như loài hẹ, không đẹp nhưng đó lại là nơi gieo hạt những mùa sau.
Người dân ven sông Ô Lâu trầm mình trong nước giá lạnh thu hoạch loại rau rong này, chỉ bứt lá chừa lại rễ bụi, đem bán rất nhiều ở chợ Ưu Điềm và các chợ nhỏ vùng phụ cận với giá rất “bèo”, chỉ mươi mười lăm ngàn là đã có thể chế biến một đĩa rau lớn ba, bốn người ăn.
Gọi chế biến là nói cho oai, song thật ra quá đơn giản. Rau mua về mở dây buộc, chốc ngược gốc rung lên cho các cọng hoa rơi ra. Rửa sạch dưới vòi nước, vẩy cho khô rồi dùng tay vặn ngắt từng đoạn dài khoảng lóng tay, thế là xong. Nhớ là dùng tay vặn ngắt rau thì ngon hơn cắt bằng dao kéo, bởi cái sự dập của rau, sau này sẽ giúp nước chấm thấm vào, ăn đậm đà hơn. Nhưng chỉ rau xục xạc không thì chưa đủ, phải có rau thơm, rau quế thật nhiều trộn vào, ấy là để lấn cái mùi ngai ngái của bùn.
Ăn rau xục xạc, quan trọng là nước chấm. Nước chấm phải kho nấu bằng ruốc với mỡ heo. Mỡ heo còn sống xắt từng phiến nhỏ, xong dùng chày giã dập. Cho mỡ heo gia công ấy vào chảo phi với hành, tỏi. Khi chảo thơm, cho nước ruốc đã đánh lắng cặn vào quậy đều đến khi sôi mỡ nổi trên trên là được. Bấy giờ giã tỏi ớt cho vào, chảo sẽ dậy lên mùi thơm ruốc kho lừng lựng quện với ớt đỏ, mỡ trắng một màu ngon mắt.
Rau xục xạc chấm với nước ruốc kho mỡ ấy, đậm đà, cay đành hanh, béo ngần, vừa ngai ngái thoảng mùi bùn, vừa thơm lừng rau thơm rau quế, chừng ấy mùi vị lùa đầy trong miệng, đã nghe nước miếng tuôn trào, xuýt xoa. Đến khi nhai miếng rau, nghe giòn tan, nghe xục xạc trong miệng mới ớ ra, gọi rau xục xạc là bởi ăn nghe nó kêu xục xạc trong miệng, giòn giã, đậm đà.
Ăn rau xục xạc ăn theo kiểu làng quê ăn mới ngon. Cơm đơm vừa lưng chén, gắp nùi rau chấm thật đậm nước ruốc, rồi cho vào chén “và” thật mạnh, nhai nhồm nhoàm. Lúc ấy miệng đầy cơm rau, cắn thêm miếng ớt nếu thấy chưa đủ cay thì mới thấy cái sự ăn rau này nó bắt cả tay cả miệng cùng tham gia cật lực, mới thấy cái miếng ăn nó sống động làm sao. Ăn kiểu ấy, như dân làng ven sông Ô Lâu ngày xưa nói: “Cùng đinh hay quan viên thì cũng rứa mà thôi, đã một lần ăn rau xục xạc thì bỏ quên phía sau mọi chuyện, coi như thiên hạ vô thường”./.
 

Canh hột vịt nấu bình bát dây: Đặc sản vùng Châu Đốc, An Giang

Nguồn: vtv.vn

Nếu có dịp đến vùng Châu Đốc, An Giang, thực khách không nên bỏ qua món canh hột vịt nấu bình bát dây thơm ngon khó cưỡng.

Bình bát là loại cây dây leo thường mọc hoang, um tùm, lá xanh mướt, thuộc họ bầu bí, có nơi còn gọi là rau bát, dưa dại… Lá bình bát mọc so le, hình trái tim, thường được dùng để nấu canh. Đặc biệt, món canh hột vịt nấu bình bát dây vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng.
Thưởng thức món canh hột vịt nấu bình bát dây trong những ngày hè tiết trời oi nồng, vừa ngon ngọt lại thanh nhiệt cho cơ thể. Một nồi canh bốc khói, thơm phức, dùng chung với cơm, với bún hoặc làm nước canh tẩm bổ thì thật tuyệt vời./.

Cá Dứa Cà Mau – Món ngon đặc trưng vùng Đất Mũi

Nguồn: camautourism.vn

Cá dứa được xem là một trong những loài cá đặc sản thơm ngon và bổ dưỡng xếp vào loại bậc nhất ở Cà Mau. Sở dĩ, loài cá này có tên gọi là cá dứa là do khi ăn thịt cá toát lên thoang thoảng mùi thơm của lá dứa (loại lá dùng để làm bánh phổ biến ở miền Tây). Nó là một loài cá da trơn thuộc họ với cá basa, cá tra…

Để phân biệt cá dứa với các loại cá da trơn khác, ta có thể thấy được đặc điểm của cá dứa như sau: thân hình thon dài, phần cuối của vây đuôi phớt màu vàng cam, da bụng trắng tươi, sống lưng trắng xanh, thịt trắng… Cá Dứa sống quanh năm ở các cửa sông sâu tiếp giáp biển Cà Mau, đặc biệt vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, thời điểm trái mắm chín, rụng xuống theo dòng trôi ra biển thì hàng đàn cá Dứa từ biển khơi lần theo mồi trái mắm, lội ngược dòng kéo về các cửa sông kiếm ăn (Đây là mùa cá Dứa nhiều nhất tại Cà Mau).
Trước kia, cá dứa ở Cà Mau rất nhiều.  Đến mùa, cá dứa mê trái mắm, lội theo dòng nước ăn đến khi bụng căng phình, nổi lên mặt nước, người dân chỉ việc lấy chĩa đâm rồi bắt cá. Giờ lượng cá dứa không còn nhiều như vậy, nên việc câu và bắt cá có phần vất vả hơn xưa.Vào mùa cá dứa, các cần thủ lại chuẩn bị mồi, cần câu và rủ nhau cùng đi săn cá. Theo như kinh nghiệm của các cần thủ kể lại thì muốn câu cá dứa phải tìm mua mồi là trùng biển hay trùng tóc hoặc gián, lưỡi câu phải sắc nhọn có như vậy thì khi cá cắn câu chỉ cần giật là có thể dính ngay.  Đặc biệt là phải biết xác định dòng nước chảy mạnh hay yếu mà mắc chì nặng hay nhẹ. Cá dứa thường xuất hiện ở những vùng nước sâu, chúng luôn đi đôi, đi cặp và theo bầy đàn, nên khi câu dính được một con thì khả năng câu dính thêm con thứ hai là rất lớn. Thông thường thì các cần thủ có thể trúng đậm được vài chục kí cá trên một chuyến đi từ 01-02 ngày vào mùa cao điểm, cá nhiều hoặc có thể là “được ăn cả, ngã về không”. Hoạt động câu cá dứa ngày nay đã trở thành một thú chơi sành điệu và tao nhã cho những ai muốn thư giãn vào dịp cuối tuần và đang có xu thế trở thành một trong những hoạt động du lịch hấp dẫn ở Mũi Cà Mau. Theo chân các cần thủ, khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm, thâm nhập vào thiên nhiên hoang sơ để có được những khoảng khắc câu cá thật là khó quên.
Có thể nói, Cá dứa ở Cà Mau xuất hiện quanh năm, nhưng vào mùa cá, khách du lịch đến Cà Mau có thể thỏa thích thưởng thức những món ăn ngon đặc sắc được chế biến từ cá dứa như: Cá dứa kho tộ, nấu canh chua lá me non hoặc trái giác, phi lê chiên xả ớt… Ngoài ra, cá dứa còn được làm khô tẩm một ít gia vị nên có độ  mặn vừa phải cộng với vị béo, thơm thơm tự nhiên đem chiên giòn, sốt me, chiên giấm,… ăn với cơm chan nước dừa thì ngon hết sẩy. Do cá dứa Cà Mau chỉ sinh sống trong tự nhiên nên cá có thịt thơm ngon như mùi thơm của lá dứa, vị béo ngậy, chứa nhiều omega 3 đảm bảo cho bữa ăn vừa an toàn vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Chỉ một lần đến với Cà Mau, nếm những món ăn thanh đạm được chế biến từ con cá dứa. Với mùi vị thơm thơm đặc trưng, khách du lịch sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi về sự sắp đặt tài tình của tạo hóa khi đã ban tặng cho thiên nhiên Cà Mau một loài cá quý và có giá trị kinh tế đến như vây. Chính vì những giá trị dinh dưỡng và mùi vị đặc biệt như trên, cá dứa rất được cư dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng, họ thường chọn khô cá dứa mua về làm quà cho người thân và bạn bè mỗi khi có dịp đến Cà Mau./.

Cua Cà ra – Đặc sản Thái Bình

Nguồn: thaibinhtourism.com.vn

Nếu bạn đã từng ghé qua Thái Bình chắc hẳn bạn đã nghe nói đến loại cua rất đặc biệt có tên gọi cua Cà ra. Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác, khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên.

“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm Cà ra chớm mùa nhưng Cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian Cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Một con cua Cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200g. Mùa cà ra ở Thái Bình bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cà ra có người còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn nhiều, Hiện cà ra chỉ tồn tại trong tự nhiên, chưa ai nuôi được. Sông Trà Lý đầy nét hoang dã, là nơi sinh sống của cà ra. 


Xã hồng tiến huyện Kiến Xương là nơi có nhiều người làm nghề bắt cà ra theo mùa, cà ra chỉ tập trung sống nhiều ở vùng cửa biển, khi có nước biển tràn vào thì mang vị mặn, nhưng khi nước biển rút thì vẫn là nước ngọt. Cà ra rất kén môi trường sống, nên hầu như chúng chỉ có nhiều ở vùng này vì môi trường sống còn thích hợp.

Cua Cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cua rang me, cua hấp… nhưng món lẩu cua Cà ra thực sự là món ăn nếu bạn đã ăn một lần sẽ muốn ăn tiếp. Cũng là nước lẩu thơm ngon, vàng óng với vị chua thanh dịu của dấm bỗng và ngọt ngào của gạch cua, nhưng đặc biệt hơn là bạn sẽ được thưởng thức thịt cua Cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nghi ngút hương thơm. Cua được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống. Do vỏ cua mềm nên rất nhanh chín và khi ăn không cần dùng đến kìm kẹp như khi bạn ăn các loại cua ghẹ khác. 

Cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu cả chục mét hay trong các kè đá. Lòng sông thì phù sa đục ngầu nên chỉ có giác quan thứ sáu của thợ săn mới đoán định được vệt chúng đi. Khúc sông nào sâu nhưng nước không chảy mà chỉ vật loanh quanh là chỗ cà ra thích nằm nghỉ ngơi nhất. Loài cua này có tập tính đi ăn đêm nên bát quái phải thả từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc.

Giá Bán cà ra khi xưa cũng rất rẻ, thậm chí mời mọc mỏi mồm, gãy lưỡi cũng chẳng ai mua.Vài năm gần đây cà ra bỗng dưng thành đặc sản, giá một cân cua sông từ 200.000 - 300.000 đồng tùy to nhỏ nhưng không phải cứ có tiền là kiếm được. trong đồng thì nông dân vãi thuốc sâu, phân hóa học nên cà ra thành ra tuyệt tích,còn dưới lòng sông ngư dân kích điện tràn lan khiến chúng chẳng kịp sinh sôi.

Như vậy để cà ra tồn tại và phát triển, đem lại một nguồn lợi không nhỏ cho người làm nghề, cũng như tạo ra nét rất riêng cho hương vị ẩm thực Thái Bình, thì hiện tại chưa có cách bảo tồn nào tốt hơn là giữ cho môi trường được trong sạch./.
 

Thơm ngon giò bì Phố Xuôi Hưng Yên

Nguồn: hungyentourism.com.vn
Cập nhật: 15/12/2016, 15:04:41
Đến với Hưng Yên - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những điểm đến văn hóa tâm linh mà còn được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng từ sự dân dã cho đến những món công phu, "tiến vua" như nhãn lồng, ếch om Phượng Tường, gà Đông Tảo, bánh răng bừa Phụng Công, chả gà Tiểu Quan, giò bì Phố Xuôi...

Từ xưa giò là món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ ngày lễ, tết của người Việt Nam. Ngày nay giò đã trở thành món ăn quen thuộc của mỗi gia đình, giò có các loại như: giò xào, giò bì, giò lụa,.. Đến Hưng Yên, du khách sẽ được thưởng thức và cảm nhận được hương vị đặc biệt của món giò bì Phố Xuôi.
Để có được những chiếc giò bì thơm ngon, người phố Xuôi phải rất cầu kỳ trong các công đoạn từ việc chọn nguyên liệu, lá gói giò đến việc làm giò. Thịt nạc heo được chọn phải thật sạch, thơm, dẻo từ những chú heo được nuôi dân dã. Bì heo được làm sạch, luộc chín vừa phải, xắt thật mỏng như sợi chỉ. Thịt nạc được cho vào cối giã nhuyễn bằng tay, sau đó trộn cùng với bì đã thái chỉ, nêm thêm chút nước mắm ngon. Lá chuối cũng cần phải chọn kỹ, lá phải to bản, được rửa sạch và hơ qua lửa để có thể gói dễ dàng hơn. Khi chín những chiếc giò nóng sẽ thơm mùi thịt, nước mắm và cả mùi lá chuối, để nguội giò sẽ giòn và dai, thưởng thức thấy ngon ngậy vô cùng.
Về Phố Xuôi hẳn sẽ thiếu sót nếu bạn không thưởng thức món giò bì. Với những bí quyết làm giò gia truyền từ đời này sang đời khác, món giò bì sẽ mang đến cho bạn những hương vị vô cùng hấp dẫn và chắc hẳn sẽ không thể quên khi bạn thưởng thức./.