Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Kho báu trong mộ cổ: Chủ nhân bí ẩn của chiếc mão vàng

Mão Thiên vương Thống chế tìm thấy ở Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: T.L
Mão Thiên vương Thống chế tìm thấy ở Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: T.L
Ngày 26.9.1962, để giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Biên Hòa, chính quyền VN Cộng hòa đã thực hiện khai quật di dời hai lăng mộ được nhân dân trong vùng gọi là lăng Ông Anh và lăng Ông Em nằm trên địa phận xã Tân Phong, Q.Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là sân bay Biên Hòa, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

Kho báu lăng Ông Anh
Hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II ghi rõ, cuộc khai quật di dời có sự tham gia của Tỉnh trưởng Biên Hòa, phối hợp Nha Căn cứ hàng không - VN Cộng hòa.
Khai quật lăng Ông Anh, khi mở nắp quan tài, những người khai quật đã chứng kiến một bộ phẩm phục quan lớn với các chi tiết bằng vàng được đính trên chiếc mão còn nằm nguyên ở phần đầu. Giữa ngực là cân đai và thẻ bài, cùng nhiều châu ngọc khác nằm rải rác ở hai bên sườn chủ nhân.
Các chi tiết trang sức trên chiếc mão được làm bằng vàng ròng, nặng gần bằng 2 lượng vàng gồm 18 trang sức: kim bác sơn, hoa lớn, hoa nhỏ, hình sừng, kim khóa giãn, kim nhiễu tuyến, giao long, khung cánh chuồn, nẹp viền khung cánh chuồn... với kỹ thuật chạm trổ hoa lá dây, hoa lá hóa long, hoa cúc gắn đính pha lê ở các tâm của đài hoa. Đáng chú ý trong số các trang sức mang tính điển lệ trên mũ mão thời Nguyễn, có một trang sức dạng hình sừng được chạm trổ hoa lá tinh xảo, chưa từng thấy trên một số mũ mão vàng tìm thấy trong một số lăng mộ của các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Vật trang sức này đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu khi định dạng hình thức, xác định chủ nhân và niên đại của mão.
Toàn bộ các bộ phận, chi tiết của chiếc mão được đưa về Viện Bảo tàng quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Một số di vật khác như đai, hốt, ngọc trai... được chôn theo chủ nhân trong ngôi mộ cải táng hiện ở đình Tân Phong, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa.
Đi tìm chủ nhân chiếc mão
Năm 1965, qua nghiên cứu tấm bia còn ghi lại: “Nam Việt, Thiên vương Thống chế thần minh chính trực”, căn cứ vào các chi tiết trang trí của chiếc mão, so sánh với các ghi chép điển lệ về mũ mão qua một số nguồn tư liệu về triều Nguyễn, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng và Bửu Cầm cho rằng chủ nhân của lăng mộ có thể là một vị quan thống chế thời Minh Mạng hoặc giả định danh từ thống chế do triều Minh Mạng truy phong, hàm Chánh nhị phẩm võ ban. Còn “Thiên vương” thì do người dân thấy ngài linh thiêng nên tôn thờ gọi là “Thiên vương Thống chế”, không rõ tên họ, chức tước, phẩm hàm...
Năm 1972, học giả Lương Văn Lựu trong cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên, cho là Tiền quân Lê Văn Lễ đầu thời Tự Đức (1848) được cử vào dẹp loạn ở vùng đất Tân Phong, Biên Hòa.
Theo tài liệu này, trước khi ra trận, Lê Văn Lễ đã tiếp cận với một bà bóng, sau khi nghe bà nói: Trận này tướng quân sẽ thắng, nhưng khi trở về chớ nên đi đường cái, mà phải đi đường nhỏ, nếu không sẽ có hệ lụy. Ông cho rằng hoang đường nên sai quân chém đầu. Sau khi thắng trận, trên đường trở về, ông đi đường cái quan và bị tàn quân mai phục. Nghiệm thấy lời bà bóng nói đúng, ông hối hận và trong lúc lâm nguy đã tự sát. Ghi nhớ công lao, nhân dân đã an táng, lập miếu tôn thờ ông. Ở thời điểm đó (năm 1972), tại Biên Hòa còn có một con đường lớn mang tên đường Lê Văn Lễ. Ngày giỗ của “Thiên vương Thống chế” được nhân dân Tân Phong nhiều đời truyền giữ, đó là vào rằm tháng 11 âm lịch hằng năm.
Lê Văn Lễ, người xã Bác Vọng, H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Năm 1821 ông đỗ thi Hương Ân khoa tại Huế, làm quan, rồi qua nhiều luân chuyển, làm đến chức cao nhất là Án sát tỉnh Biên Hòa và mất ở Biên Hòa vào tháng 11.1833 do bạo bệnh.
Tuy nhiên, khi phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thực hiện việc phục nguyên chiếc mão này, căn cứ vào đặc điểm cạnh đáy của Bác sơn gắn trước mão và các đầu bịt cánh chuồn, chuyên gia Vũ Kim Lộc cho rằng chiếc mão thuộc loại hình có phốc đầu vuông, gắn với quan võ, nhưng lại chưa giải thích được vật trang sức hình sừng - một biểu tượng gắn với mũ giải trãi mà vua Minh Mạng cho chế tác để dùng cho quan án sát với hàm nghĩa sự công minh của pháp luật được giao cho vị quan chuyên trách về hình án ở kinh đô và địa phương. Vì thế, cho đến nay, chủ nhân chiếc mão “Thiên vương Thống chế” vẫn còn là một bí ẩn.
Lăng Ông Em trên bia có ghi Thống chế Tiền chi, các nhà khai quật không tìm thấy di vật gì quý giá ngoại trừ quần áo tẩm liệm và di cốt mủn đã được hoàn táng theo lăng mộ mới tại đình Tân Phong. Đến nay cũng chưa xác định được danh tính của Thống chế Tiền chi.
Lương Chánh Tòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét