Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Kho báu trong mộ cổ: Nữ trang tinh xảo trong mộ nữ quý tộc

Đôi bông tai của bà thục nhân họ Vũ - Ảnh: T.L
Đôi bông tai của bà thục nhân họ Vũ - Ảnh: T.L
Chỉ điểm qua đôi nét về những đồ nữ trang tìm thấy trong một số lăng mộ phụ nữ quý tộc Việt ở Gia Định xưa đã cho thấy phần nào sự xa hoa của phụ nữ quan quyền phương Nam.

Cùng những báu vật là đồ phẩm phục được vua ban phát cho các danh thần ở Nam bộ tìm thấy trong một số lăng mộ đã khai quật, một số loại hình mộ của thân quyến các quan lại lớn cũng đã được khai quật và xác nhận đây là những nữ quý tộc Việt ở phương nam.
Mộ cô vua gia long ?
Năm 1994, trong quá trình giải phóng mặt bằng khu vực Xóm Cải (nay là khu dân cư và siêu thị điện máy Chợ Lớn, Q.5, TP.HCM), các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã khai quật 15 ngôi mộ, trong đó có ngôi mộ song táng được xác định là mộ của hai ông bà: ông là quan văn với di vật tùy táng gồm quạt giấy, bút lông...; bà là chính thất phu nhân, với xác ướp còn nguyên vẹn hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, di vật tùy táng tìm thấy gồm 7 chiếc nhẫn vàng chạm khắc hoa lá, chim phượng cách điệu, mặt nhẫn cẩn đá quý và 2 chiếc vòng đeo tay chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Tổng trọng lượng của các di vật trang sức bằng vàng ròng hơn 2 lượng vàng cùng với đó là các loại hình hộp bạc, cây lấy ráy tai, đồ ăn trầu, cúc áo, nhiều hạt thủy tinh, đá mã não và các loại quần áo, hài bằng gấm lụa, sa the thêu hoa lá chim phượng, vân mây cách điệu.
Qua nghiên cứu ban đầu, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đoán định đây là cô ruột của vua Gia Long, tên là Nguyễn Thị Hiệu, mất năm 1862. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ tấm minh tinh và những di vật tùy táng gắn với yếu tố Thiền - Tịnh - Mật của Phật giáo, PGS-TS Trần Hồng Liên (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân tộc - tôn giáo - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) cho rằng tên của bà là Trần Thị Hiệu.
Quan điểm này gần đây được nhiều người ủng hộ không chỉ căn cứ vào tài liệu khai quật mà còn căn cứ vào chính sử triều Nguyễn ghi chép vào năm 1808, vua Gia Long đã cho cải táng toàn bộ lăng mộ của hoàng gia - tôn thất an táng tại Gia Định về Kinh đô Huế trước khi đại định thiên hạ vào năm 1802.
Mặc dù vậy, căn cứ vào các đặc điểm chế tác tinh xảo của những đồ nữ trang chôn theo mộ bà Hiệu, đặc biệt là những chiếc vòng đeo tay và một số loại hình di vật khác đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong một số lăng mộ ở Nam bộ thời gian gần đây, được xác định chủ nhân và niên đại một cách tuyệt đối, chủ nhân lăng mộ vẫn được cho rằng là một bà quyền quý người Việt, là phu nhân của một vị quan văn có vị trí tương đối lớn trong triều đình.
Bộ trang sức của các phu nhân
Chính quyền VN Cộng hòa đã thực hiện khai quật di dời ngôi mộ vô chủ được nhân dân quanh vùng tôn gọi là mộ “Bà Đội” tại Chợ Quán, Gia Định (nay là khu vực Nhà thờ Chợ Quán - Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM) vào ngày 3.9.1956. Trong ngôi mộ này, người ta đã tìm thấy xác ướp của bà cùng một số nữ trang gồm: vòng đeo tay, bông tai, trâm cài đầu bằng vàng ròng...
Tuy nhiên, hiện vật chuyển giao về Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) không được đầy đủ, chỉ còn lại đôi bông tai và trâm cài đầu được chế tác hết sức tinh xảo. Đôi bông tai hình hoa sen với hai lớp cánh sen và cả phần cuống hoa tạo hình dấu hỏi để đeo vào tai; những đài hoa của trâm cài đầu cũng được tạo dáng bởi hoa sen nhiều lớp cánh, những sợi kéo nhỏ li ti để tạo nhụy tinh tế. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác vàng và kéo sợi, nhà nghiên cứu kim hoàn Vũ Kim Lộc cho rằng, đây là sản phẩm được chế tác bởi các nghệ nhân cung đình.
Danh từ “Bà Đội” được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là phu nhân của ông Cai Đội - chức danh phổ biến dưới thời chúa Nguyễn trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802) ở Đàng Trong.
Năm 2006, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã thực hiện khai quật ngôi mộ của một phụ nữ quý tộc Việt được xác định rõ danh tính là bà thục nhân họ Vũ, chánh thất phu nhân của quan Tham tri bộ Hộ, tước hầu họ Lê, tọa lạc tại Viện Pasteur TP.HCM (góc giao lộ Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3). Ngoài phần di cốt và những vật liệu liên quan đến kỹ thuật ướp xác, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy một số đồ nữ trang gồm: lược chải đầu với cốt bằng đồi mồi, bọc viền bằng vàng; đôi bông tai vàng tạo hoa văn tinh xảo như đã gặp trong mộ “Bà Đội” đã nói ở trên. Tuy nhiên, đôi bông tai này được tạo tác có phần tinh xảo hơn về kỹ thuật và kiểu thức. Đây là vật phẩm được đoán định chính thức là sản phẩm của cung đình triều Nguyễn chế tác. PGS Phạm Đức Mạnh, người chủ trì khai quật cho rằng niên đại mộ vào khoảng cuối thế kỷ 18.
Ngoài một số ngôi mộ của các nữ quý tộc Việt trên, năm 2011, Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM cũng đã tiến hành khai quật ngôi mộ hợp chất kiên cố của một phụ nữ quý tộc khác tại 25/14 Nhiêu Tứ, P.17, Q.Phú Nhuận. Kết quả khai quật cho thấy đây là mộ của phụ nữ quý tộc có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ 19. Di vật tùy táng tìm thấy gồm một khung lược bằng vàng, các loại hình hạt chuỗi, cúc áo bằng thủy tinh, mã não, chuỗi đeo cổ màu vàng và 2 trâm cài đầu bằng vàng được tạo tác công phu...
Chỉ điểm qua đôi nét về những đồ nữ trang tìm thấy trong một số lăng mộ phụ nữ quý tộc Việt ở Gia Định xưa đã cho thấy phần nào sự xa hoa của phụ nữ quan quyền phương Nam.
Lương Chánh Tòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét