Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

KÝ ỨC ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM

Đoàn Giỏi: “Xưa rồi mày ơi”


TT - Để hiểu hơn cái thời “xưa rồi mày ơi” của nhà văn Đoàn Giỏi, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) quê ông...
Nhà văn Đoàn Giỏi - Ảnh tư liệu
Nhà văn Đoàn Giỏi - Ảnh tư liệu
 
"Nghe đọc bài Đoàn Giỏi: “Xưa rồi mày ơi”"
Tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi hồi cuối tháng 5 năm ngoái, nhà thơ Hữu Thỉnh có chia sẻ câu chuyện đầy ấn tượng với tác giả Đất rừng phương Nam: “Có lần tôi hỏi Đoàn Giỏi phải hồi nhỏ ông có tên là công tử Đoàn không? Ổng cười bảo: Xưa rồi mày ơi, giờ nói chi chuyện đó!”.
Rồi nhà thơ Hữu Thỉnh kết: “Tôi vô cùng xúc động khi nhớ lại người con trai - Đoàn Giỏi - có quyền thừa kế một gia sản lớn, nhưng thật sự cuối đời ông là người không có nhà cửa... Với nhà văn Đoàn Giỏi thì điều đó có sao đâu khi ông coi của cải lớn nhất của mình là tác phẩm”.
Để hiểu hơn cái thời “xưa rồi mày ơi” của nhà văn Đoàn Giỏi, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) quê ông...
 Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam
 Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam
Đoàn “công tử”
Bà Đoàn Thị Tuyết - em ruột nhà văn Đoàn Giỏi - khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nói về gian nhà cổ kính, có tuổi đời cả trăm năm với mái ngói âm dương, cột kèo vững chãi, đượm màu nâu sẫm tự nhiên của các loài danh mộc: “Coi ngon lành vậy chứ hồi trước là... lẫm lúa của cha mẹ tôi”.
Rồi bà kể: “Hồi đó ông bà nội tôi là hội đồng, giàu có nhứt nhì xứ này. Không biết đất đai ông bà được bao nhiêu nhưng hễ con trai có vợ là được chia liền 100 mẫu (khoảng 120ha), còn con gái có chồng được hồi môn 60 mẫu (hơn 70ha). Với số đất đai được chia ấy, anh em chúng tôi không cần phải động tay động chân vẫn mặc sức thừa hưởng.
Anh năm Đoàn Giỏi (thật ra Đoàn Giỏi là con thứ tư, nhưng vì theo cách gọi của người miền Nam con đầu tiên là thứ hai nên ông rớt xuống thứ năm) còn có tên là Đoàn Văn Hòa.
Trên ảnh là một anh trai và hai chị gái, nhưng vì người anh trai Đoàn Văn Hai mất từ nhỏ nên anh năm được tấn lên hàng trai trưởng là “quyền huynh thế phụ”, có quyền lớn nhất trong nhà. Nhưng anh năm Đoàn Giỏi đã không an phận để thụ hưởng...”.
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Đoàn Giỏi sinh năm 1925, sau khi học xong bằng thành chung của Trường Collège de My Tho, nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang), ông lên Sài Gòn học hội họa tại Trường Mỹ thuật Gia Định.
Tham gia cách mạng năm 1945, đến năm 1947 làm trưởng công an phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành, rồi phó trưởng Ty tuyên truyền Mỹ Tho, phó trưởng Ty thông tin tỉnh Rạch Giá. Trong chín năm đánh Pháp, Đoàn Giỏi từng là phó trưởng phòng văn nghệ Sở Thông tin Nam bộ. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc.
Một số cán bộ từng tham gia khởi nghĩa ở Tân Hiệp còn kể: Hồi toàn quốc kháng chiến, lợi dụng âm mưu củng cố tề làng của Pháp, Ủy ban kháng chiến đã vận động cha của Đoàn Giỏi là ông Đoàn Giang ra tham gia bộ máy chính quyền của Pháp.
Trong khi đó Đoàn Giỏi vẫn là ủy viên công an. Do vậy ít ai ngờ trong lúc nhà trên cha của Đoàn Giỏi tiếp tế làng và lính Tây, còn dãy nhà dưới trong phòng riêng của “công tử Đoàn” thì Ủy ban kháng chiến hành chánh Tân Hiệp đang họp. Cứ như vậy, nhiều lúc thành viên hai phía ra vô đụng mặt nhau côm cốp nhưng không ai để ý!
Nhà văn Đoàn Giỏi (hàng ngồi, thứ ba từ phải) bên người thân - Ảnh tư liệu gia đình do anh Đoàn Nhân cung cấp
Nhà văn Đoàn Giỏi (hàng ngồi, thứ ba từ phải) bên người thân - Ảnh tư liệu gia đình do anh Đoàn Nhân cung cấp
“Anh hai” Nam bộ
Bởi “số đào hoa” hay là quyền của những người đàn ông giàu sang, có địa vị thời trước mà ông Đoàn Giang - cha nhà văn Đoàn Giỏi - có tới ba người vợ, tổng số 18 người con. Trong đó mẹ Đoàn Giỏi là vợ cả. Với vị thế của ông, nếu muốn hưởng thụ thì không phải là chuyện khó, nhưng ông đã chọn cách dấn thân, nhập cuộc giành độc lập như bao người nông dân khác.
Đất đai, nhà ở “tòa ngang dãy dọc”, trong đó có cả khu đất hàng ngàn mét vuông, nơi đặt trụ sở UBND huyện Châu Thành hiện nay, thuộc sở hữu của cá nhân ông và nhiều người thân gia đình đã được ông vận động hiến cho Nhà nước.
Để rồi có lúc ông trở thành người “vô gia cư”, thường xuyên ở nhờ trụ sở cơ quan. Vì sự đánh đổi này mà trong văn giới vẫn lưu truyền câu đối được cho là của một người bạn thân thời học sinh của nhà văn Đoàn Giỏi: “Trung Quốc có Tào Ngu mà giỏi, Việt Nam có Đoàn Giỏi mà ngu”.
Người vợ đầu qua đời (năm 1969), Đoàn Giỏi chắp nối với người có cùng hoàn cảnh ở Hà Nội. Người vợ này có một cô con gái riêng, được ông thương yêu như con ruột. Trong khi con trai duy nhất của ông với vợ đầu là Đoàn Quang Viễn (đã mất) cũng có một con trai.
“Sau khi ông mất (1989), cả gia đình tôi vào Nam sinh sống. Nhưng việc làm ăn thất bại, có lúc tôi cùng mẹ ra Lâm Đồng trồng cà phê, rồi vô TP.HCM làm nhiều nghề để sống, bây giờ trở về quê hương Tân Hiệp làm công nhân may tại khu công nghiệp gần nhà” - cháu nội đích tôn Đoàn Quang Minh của nhà văn Đoàn Giỏi cho hay.
Anh Minh cho biết dù không có điều kiện học hành lên cao, nhưng truyền thống gia đình luôn là động lực để anh không ngừng vươn lên.
Trong ký ức của anh Đoàn Nhân, cháu gọi Đoàn Giỏi bằng bác ruột (cha của Đoàn Nhân là em thứ chín, cùng tập kết ra Bắc với Đoàn Giỏi) thì nhà văn của Đất rừng phương Nam là người rất chăm chỉ làm việc và yêu trẻ con.
“Những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường qua khu nhà tập thể của bác Đoàn Giỏi ở phố Cổ Tân, gần Nhà hát lớn Hà Nội chơi với anh Đoàn Quang Viễn, con trai bác. Lần nào tới cũng thấy bác mang bên mình hai vật bất ly thân là bình toong rượu và chiếc điếu cày. Bác dùng nắp bình làm ly, trong lúc ngồi viết thi thoảng lại rót một nắp rượu ra nhấm. Thấy cháu sang chơi, bác hay vẫy lại cho quà bánh” - anh Đoàn Nhân kể.
Với nhà thơ Nguyễn Bá, 78 tuổi, nguyên cán bộ Hội Văn nghệ Tây Nam bộ (hiện sống ở Cần Thơ) thì tác giả Đất rừng phương Nam đã để lại trong ông những ấn tượng khó quên, khi ông ra Hà Nội làm việc với Hội Văn nghệ Việt Nam để in tập thơ Đất Viên An trước ngày giải phóng miền Nam.
“Anh Đoàn Giỏi là mẫu người mang đậm khí chất của anh hai Nam bộ: bộc trực, thẳng thắn mà cũng hết sức hào phóng, nhân nghĩa. Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam luôn thấm đẫm tình người, vừa có yếu tố tả thực vừa đan xen những huyền thoại, khiến ai từng sống ở đó càng thêm yêu quý vùng đất của mình, còn ai chưa đến thì luôn mong ước một lần tới thăm” - ông Nguyễn Bá nói.
Đất rừng phương Nam là tác phẩm được nhà văn Đoàn Giỏi viết theo đơn đặt hàng của Hội Văn nghệ Việt Nam, nhân thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng (1957). Tác phẩm viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An và một số nhân vật đầy cá tính khác trong bối cảnh Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ (1945).
Ngoài một số chi tiết mang tính huyền thoại, tác phẩm được xem như bức tranh tả thực về cảnh vật, con người phương Nam của một thời đã xa. Năm 1997, tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập mang tên Đất phương Nam bởi đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Lần theo bước chân của cậu bé An, nhân vật chính trong Đất rừng phương Nam, với hi vọng tìm lại một chút gì để nhớ về thuở đất rừng phương Nam...

 Người xưa, cảnh mới


TT - Trong ký ức của những người cao tuổi, từng sống qua thời tản cư nửa cuối thập niên 1940, vùng đất phương Nam đã từng vô cùng giàu có, hệt như trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi...
Ông Nguyễn Văn Đã (Hai Tây, 95 tuổi), ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, một nhân chứng của vùng đất U Minh Hạ - Ảnh: Tấn Đức
Ông Nguyễn Văn Đã (Hai Tây, 95 tuổi), ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, một nhân chứng của vùng đất U Minh Hạ - Ảnh: Tấn Đức
 
""
“Cậu hỏi chuyện chạy giặc Tây hả, để tui kể cho mà nghe, tới sáng cũng chưa hết đâu. Mà có gì gấp cho bằng chạy giặc!
Hễ nghe tiếng súng lơi lơi còn gom mấy thứ đồ dùng cần thiết mang theo, còn nghe cận quá phải chạy bộ, cỏ lác cắt xước hết cả chân, rách bung quần áo” - bà Tư Hoa (Trịnh Thị Hoa, 91 tuổi, ở khóm 6, thị trấn Thới Bình, Cà Mau) kể.
Những chuyện xa xưa
Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng thị lực và trí nhớ của bà vẫn rất tinh tường, chỉ có đôi tai hơi bị “nghễnh ngãng”, nhưng chỉ cần gợi vài câu chuyện là bà kể ghi còn không kịp.
“Có lần tui trông thấy mấy tay lính lê dương mang gươm dài tận đất, mặc đồ rất hì hợm kéo vô xóm, may là vợ chồng tui kịp nhảy lên ghe chống sâu vô rẫy người quen ở xã Tân Bằng cạnh bên dựng lều ở trốn tạm, hơn tuần lễ, thấy êm êm mới dám trở về.
Mà không chỉ gia đình tui đâu hen, hồi đó khắp đầu trên xóm dưới hễ nghe tin giặc tới là người ta lũ lượt kéo nhau chạy. Xuồng ghe buộc sẵn trước nhà, cứ chất đồ xuống mà đi.
Giặc tới đầu này thì chạy đầu kia, có lúc gặp ghe của người dân đi làm ăn xa trở về hoặc ghe thương hồ của dân xứ khác tới, nghe mình báo tin cũng quay đầu mà chạy.
Cực khổ, vất vả nhưng bà con thương yêu, đùm bọc nhau lắm. Mắm muối, gạo thóc đều san sẻ cho nhau, không ai phải đói khát đâu” - bà Tư nhớ lại.
“Chạy giặc có giống như trong phim không?” - chúng tôi hỏi đùa. Nhưng bà Tư Hoa thì không đùa chút nào: “Thì cũng hệt vậy thôi. Có điều mấy cô chú đóng phim mặc đồ mới quá hà, không giống chúng tôi hồi xưa. Còn những chuyện khác thì không sai”.
Rồi bà Tư Hoa xuýt xoa: “Tui nhớ hồi đó trong xóm vẫn thường thấy cọp về bắt heo, bắt bò nuôi trong chuồng, bà con phải hè nhau đốt lửa, gõ thùng thiếc cho nó giật mình bỏ đi. Còn heo rừng thì khỏi nói, hễ mình sơ suất là nó nhảy vô phối giống heo nhà.
Có lần đương đêm ông anh tui thấy con heo rừng tổ chảng mò vô, ông vác mấy khúc gỗ dần lên nóc chuồng, nhốt nó lại định sáng rủ hàng xóm xúm lại bắt chia thịt.
Vậy mà sáng ra cả heo rừng, heo nhà đều đã biến mất qua một cái hang nó bươi từ hồi nào. Cá sấu còn dữ dằn hơn, có những khu đầm lầy sấu đi riết mòn thành con lạch nhỏ, rồi người ta đặt luôn tên là rạch sấu bò”.
Bà Tư Hoa cũng cho biết tới những năm đầu sau giải phóng miền Nam, những con vật hoang dã ấy vẫn còn đầy rẫy, nhưng rồi chúng đã nhanh chóng biến mất khi ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến săn bắt, khai hoang, tăng vụ, mở đất làm kinh tế mới.
Nhà thơ Nguyễn Bá cũng là một nhân chứng của thời kỳ đất rừng phương Nam chuyển mình thay đổi. Năm 1938, ông chào đời ở vùng đất Mỹ Lồng, huyện Ba Tri (Bến Tre).
Khi Pháp trở lại xâm chiếm Nam kỳ, ông đã theo cha mẹ tản cư qua Giồng Trôm rồi vượt sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên chạy dần xuống miệt Hậu Giang.
Cho tới năm 14 tuổi thì gia đình ông xuống tới Trần Văn Thời (Cà Mau) rồi tham gia kháng chiến, trở thành dân của vùng đất phương Nam từ hồi nào.
“Ở lung Chuối Nước, Kinh Dương Hòa 2, huyện Trần Văn Thời có nhiều vườn có các loài chim lớn về trú ngụ như bồ nông, chàng bè, trâu cồ... có con nặng trên chục ký. Các loài chim này rình bắt cá, còn cá sấu thì rình bắt chim. Nhiều bữa tui bơi xuồng ngang qua, bầy cá sấu nằm rình trên bờ giật mình nhảy ùm xuống nước”.
Các loài cầm thú như cọp, trâu rừng, nai, heo rừng... ông Bá cũng cho là “nhiều vô kể”.
“Ban đầu chúng sinh sống rải rác trong rừng U Minh, rồi sau đó thu hẹp dần theo hai bờ sông Đốc, di cư dần xuống Đất Mũi.
Cho tới những năm cuối thập niên 1950 thì những con hổ cuối cùng ở U Minh đã bị bắn hạ để làm căn cứ kháng chiến, vì không bắn thì không biết nó sẽ vồ mình lúc nào không hay” - ông Bá kể.
Ông già bẫy chim Lê Văn Tám - Ảnh: Tấn Đức
Ông già bẫy chim Lê Văn Tám - Ảnh: Tấn Đức
Ông già bẫy chim
Tại vùng đất trù phú thuộc xã Vĩnh Thịnh, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) chúng tôi tình cờ gặp lại một nhân vật khá đặc biệt - ông Lê Văn Tám. Ông già 85 tuổi này là một trong những cư dân sống “du cư” hiếm hoi còn sót lại.
Có lẽ đã hơn nửa thế kỷ ông lão sống bằng nghề “săn bắt hái lượm”. Khi thì người ta thấy ông ra mé biển đẩy xiệp bắt cá, rồi có lúc lại bắt gặp ông ngất ngưởng với mấy tay lưới trắng hếu trên tay đi bẫy chim.
Bộ đồ nghề mà ông luôn mang theo bên mình ngoài mấy tay lưới, thể nào cũng có chiếc máy cassette cùng những cuộn băng thu âm sẵn tiếng kêu của các loài chim cu, chim cuốc, chim bìm bịp.
Tùy theo mùa, theo địa hình ông già sẽ bủa lưới rồi mở băng để dụ chim đến mắc lưới. Điều lạ là hàng mấy chục năm sống lang bạt kỳ hồ khắp nơi như vậy nhưng ít khi ông bị cảm mạo, hay đau ốm phải dùng thuốc.
Hỏi ông lớn tuổi rồi sao không về với con cháu hoặc tìm nghề khác để sinh nhai, ông phân trần:
“Không phải con cháu không lo được cho tui, mà trái lại chúng luôn muốn tui về nghỉ ngơi, nhưng tui thích vầy. Không biết có phải tui già rồi đâm đổi tính hay nghĩ quẫn, chứ tui đi giăng lưới mà trong bụng không cầu trúng nhiều, miễn là tìm được niềm vui khi được sống gần gũi với thiên nhiên, được tự do hít thở khí trời”.
Nói vậy nhưng khi chúng tôi hỏi cảnh vật, muông thú bây giờ có còn như ngày xưa, thuở ông còn ở tuổi thanh niên, ông Tám trầm giọng:
“Đổi thay quá nhiều, do người ta tàn sát mà ra cả”. Rồi ông hướng đôi mắt nhìn xa xôi về phía biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu), nơi đó, xa tít trên bầu trời đang hiện rõ dần bóng dáng một đàn chim bay về tổ khi hoàng hôn xuống.
“Mong cho ngày nào cũng thấy chúng trở về đông đủ như vầy” - ông Tám cất giọng.
Đi sâu vào miệt U Minh Hạ, nơi một thời là bản doanh của chim muông và bao loài thú hoang dã cùng sinh sôi, chúng tôi tìm gặp ông Hai Tây (Nguyễn Văn Đã, 95 tuổi) ở ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Nhiều người nói ông Hai Tây là từ điển sống về vùng đất U Minh Hạ.
Hồi tuổi trẻ ông tham gia đánh Pháp, dọc ngang khắp vùng đất cực Nam đất nước. Chứng kiến nhiều nạn nhân đi rừng, làm rẫy vô tình bị các loài rắn độc, nhất là hổ chúa cắn sùi bọt mép không kịp cứu, ông đã tầm sư học nghề thuốc rắn.
Mấy chục năm trong nghề, ông đã cứu không biết bao nhiêu người, thậm chí có nạn nhân đã cứng miệng ông vẫn kịp cho thuốc giải độc. Nhưng khoảng chục năm nay người ta ít gọi ông.
“Không phải tui già yếu hay làm biếng, mà vì bây giờ các loài rắn đã bị săn bắt dữ dội, riết rồi rắn độc cũng thành của hiếm, ít khi có người bị cắn” - ông Hai Tây nói mà gương mặt trông buồn đến lạ.

Tình người phương Nam


TT - Nhà văn, nhà báo Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu) nói: “Bây giờ nơi nào có cảnh vật, tình người như trong Đất rừng phương Nam thì làm du lịch sẽ rất hút khách”. 
 
"Nghe đọc bài Tình người phương Nam"
Chim con đang chờ mồi ở Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Tấn Đức
Chim con đang chờ mồi ở Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: Tấn Đức
Mà thực vậy, vài năm gần đây, những điểm du lịch sinh thái ở vùng đất phương Nam đã gây được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Người ta đến một lần rồi vẫn muốn quay lại thêm nhiều lần nữa, bởi cái tình với người phương Nam...
Làm “nhà” cho chim
Đất rừng phương Nam có một chương nói về chợ chim ở ngã ba vàm sông có tên là kênh Mặt Trời. Trong chợ người ta bày bán đủ các loại chim (và dường như có cả “đám sếu đen, sếu xám mào đỏ”), từ trứng chim, thịt chim đến lông chim. Cách chợ chim không xa là sân chim.
Ở sân chim đó, chim đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá. Cồng cộc đứng trong tổ vươn cánh như tượng những người vũ nữ bằng đồng đen đang vươn tay múa.
Chim già đẫy đầu hói như những ông thầy tu mặc áo xám, trầm tư rụt cổ nhìn xuống chân. Nhiều con chim rất lạ, to như con ngỗng đậu đến quằn nhánh cây... Chim ở đâu tập trung về nơi đây, nhiều không thể nói được.
Ở đây còn có nhiều chim lạ, chúng đậu thấp lắm, đứng ở gốc cây có thể thò tay lên tổ nhặt trứng một cách dễ dàng.
Trong các loài động vật được kể trong Đất rừng phương Nam thì có lẽ chim là động vật bị săn bắt nhiều nhất, nhưng may mắn là đến giờ vẫn còn duy trì với số lượng lớn.
Hiện khắp các tỉnh Tây Nam bộ, hầu như nơi nào cũng có sân chim, vườn chim, nhưng có lẽ tập trung nhiều nhất ở địa bàn hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Nơi đây, ngoài các sân chim do cơ quan chuyên môn quản lý, nhiều hộ dân cũng tự nghĩ ra cách trồng cây, lập vườn “dẫn dụ” chim về trú ngụ.
Hơn chục vườn chim tư nhân đã ra đời từ cách làm này, trong đó vườn chim của lão nông Nguyễn Văn Thiệt (Sáu Thiệt) ở ấp Bình Hổ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) thuộc hàng lớn nhất.
“Chừng 20 năm trước một số loài chim cò bắt đầu rủ nhau về đậu trên mảnh vườn hoang phía sau nhà. Thấy vậy, mấy cha con tui tiếp tục đào đất ruộng, lên liếp trồng thêm trúc, tràm, bình bát - là những loại cây chim hay làm tổ” - ông Sáu Thiệt kể.
Gần đây ông còn dành dụm tiền mua thêm mấy thửa đất liền kề để mở rộng vườn chim. Từ diện tích ban đầu chưa tới nửa hecta, bây giờ “mái nhà” cho chim do ông Sáu Thiệt tạo lập đã lên tới 15ha.
Nhiều loài chim lớn như bồ nông, điêng điểng, vạc, diệc, rồi cò đỏ, cò trắng, cò ngà, cò quắm... với tổng đàn ước tính lên tới hàng chục ngàn con đã về trú ngụ nơi đây và đang có dấu hiệu gia tăng qua từng mùa sinh sản trong năm.
Có mặt tại vườn chim của ông Sáu Thiệt vào buổi 
hoàng hôn, chúng tôi đã chứng kiến khung cảnh vùng 
quê thật yên bình.
Trên nền trời nhạt nắng, từng đàn chim cấp tập bay về từ mọi hướng. Có đàn xếp hình mũi tên, 
đàn lại bay theo hình cánh cung trông thật đẹp. Khi con 
lộ bêtông chạy ngang qua nhà làm xong, khách du lịch 
các nơi rủ nhau tìm về tham quan vườn chim của ông Sáu Thiệt ngày thêm đông.
Rừng đước Cà Mau - Ảnh: Tấn Đức
Rừng đước Cà Mau - Ảnh: Tấn Đức
Rộng cửa đón khách
Giữa trưa, đoàn khách đi trên hai chiếc canô ghé lại bến sông trước cửa nhà ông Nguyễn Ngọc Nhuần, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) - một hộ dân tham gia dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Nghe tiếng máy, ông Nhuần vội ra bến sông đón khách. Trên nhà, vợ và hai con ông Nhuần cũng mở rộng cửa chờ sẵn. Căn nhà gỗ cất trên mặt ao sạch sẽ, tinh tươm. Cạnh chái bếp, mớ tôm cá và mấy con lươn vàng ươm mà gia chủ vừa đặt lọp đêm qua rọng trong chiếc thùng thiếc.
Sau khi xem qua một lượt, mấy chị phụ nữ trong đoàn khách lựa chọn thực đơn, cân tại chỗ, rồi xắn tay áo lên cùng vào bếp với mẹ con chủ nhà. Vừa làm, khách và chủ vừa chuyện trò tíu tít như quen nhau thuở nào.
“Góp một tay cho nhanh, với lại tiện thể nhờ bà chủ đây chỉ dạy luôn cách chế biến món đặc sản cá thòi lòi tươi nướng muối ớt” - chị Hoàng Dung, một du khách đến từ TP Cần Thơ, khoe.
Gia đình chủ nhà có bốn người, tất cả đều là “tay ngang” tham gia làm du lịch.
Chưa ai học qua trường lớp các kỹ năng nghiệp vụ về nấu ăn, giao tiếp... nhưng bù lại họ đều sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên có thể “thuyết minh” rõ ràng, tường tận những câu hỏi của khách, như:
Ở vùng rừng đước Cà Mau này có bao nhiêu loài cá, bao nhiêu loài chim, chúng sinh đẻ vào thời điểm nào trong năm; làm thế nào phân biệt giữa rắn hổ đất với hổ mây, nhận biết loài nào có độc, bị nó cắn phải làm sao...
Chuyện trò huyên thuyên, tới lúc dọn cơm ra mới thấy đói hung, đụng đũa vô món nào cũng xuýt xoa khen ngon. Xong bữa, khách trải chiếu ra sàn nhà gỗ cất trên mặt ao đánh giấc. Vài thanh niên xắn quần mượn cái nôm, cây chĩa của chủ nhà đi bắt cá thòi lòi, con ba khía.
Chiều muộn, khách bày tỏ ý muốn nghỉ lại qua đêm để được trải nghiệm không khí đất rừng phương Nam một cách trọn vẹn hơn. Rất nhanh chóng, những chiếc mùng mền tươm tất được mang ra.
Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở xã Đất Mũi được triển khai từ ba năm nay, với sự hỗ trợ của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Hai mươi hộ tham gia đều được cấp đất, kết hợp trồng, bảo vệ rừng với khai thác môi trường sinh thái phục vụ du lịch.
“Đến đây một lần rồi, tôi lại muốn tới thêm nhiều lần nữa vì cảm thấy yên tâm, không bị tính giá cao, thức ăn vừa miệng. Ấn tượng nhất là người dân quê ở đây rất hiền lành, tốt bụng và hiếu khách” - anh Nguyễn Tuấn Hiên, du khách đến từ Kiên Giang, cho biết.
Đất rừng phương Nam bây giờ đã đổi thay nhiều. Có những đổi thay tạo động lực phát triển, cũng có cái khiến người ta ngậm ngùi tiếc nuối.
Nhưng điều chắc chắn là 
bản tính bộc trực, thẳng thắn, hào phóng, hiếu khách, trọng nhân nghĩa... của phần đông người dân phương Nam mà nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa qua tác phẩm để đời không dễ gì thay đổi.
Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang), “vùng đất phương Nam trước khi có sự khai phá của những người dân đến từ miền Trung, miền Bắc chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu, có thú dữ tràn đầy.
Chính vì luôn lo sợ trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt này, người ta thấy rằng phải nương tựa vào nhau để sống, tất cả mọi người đều hết lòng vì việc nghĩa và đi liền với đó là tính hiếu khách và hào hiệp...”.
_________

TẤN ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét