Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Ngôi nhà cổ quý hiếm 120 tuổi

Bà Sương bên ngôi nhà cổ được xây dựng bằng gỗ quý - Ảnh: Giang Phương
Bà Sương bên ngôi nhà cổ được xây dựng bằng gỗ quý - Ảnh: Giang Phương
Ngôi nhà cổ 2 tầng bằng gỗ quý tại số 39, Phan Chu Trinh, KP.2, P.2 (TP.Tây Ninh) được xây dựng từ năm 1894, tồn tại nguyên bản đến ngày nay được đánh giá là tuyệt tác kiến trúc cổ quý hiếm.

Tuyệt tác kiến trúc hiếm có
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Hòa Minh, Trưởng phòng Di sản văn hoá (Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Hiện Sở đang tiến hành lập hồ sơ để đưa vào xếp hạng di tích căn nhà này. Sau khi có quyết định sẽ tiến hành nghiên cứu về những giá trị văn hóa, lịch sử đồng thời có biện pháp bảo tồn tốt nhất theo Luật di sản”.
Hiện bà Trần Ngọc Sương (78 tuổi) là người đang trông nom, giữ gìn ngôi nhà trên.
Theo bà Sương, bà là cháu đời thứ 4 củaĐốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên (1854 - 1914) - là chủ nhân đã xây dựng căn nhà cổ quý hiếm này. Nhờ tấm biển gỗ phía sau căn nhà khắc rõ ngày 17.1.1894 vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay bằng tiếng Pháp và Hán nên bà Sương mới biết được chính xác thời điểm ngôi nhà được xây dựng đến này đến nay đã hơn 120 năm.
Căn nhà rộng khoảng 240 m2 (ngang 12 m, dài 20 m), được xây dựng 2 tầng với nhiều phòng cho nhiều thế hệ cùng ở.
Từ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý, chạm trổ phù điêu rồng bay, phượng múa tuyệt đẹp. Tổng thể căn nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh xưa.
Sự độc đáo, hiếm có ở ngôi là tất cả cột, kèo, vách cửa cho đến lan can đều được chạm trổ thủ công công phu và còn nguyên bản. Nền nhà chính được lót bằng gạch tàu hình lục giác, mái được lát bằng ngói âm dương. Ở chính diện ngôi nhà, dãy gỗ trên dàn cửa ra vào gian chính dù đã bị bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn cứng cáp, khít từng khung gỗ ghép vào nhau. Ngay phía trên cửa là những bức phù điêu, cây cỏ, hoa lá được chạm khắc thủ công một cách kỳ công và tinh xảo. Ngoài 4 cánh cửa ở gian chính căn nhà là 8 cánh cửa phụ chia đều 2 bên khiến ngôi nhà khi mở toang các cánh cửa thì không gian rộng rãi vô cùng. Gian đầu tiên được bố trí là phòng khách. Nổi bật nhất trong ngôi nhà là hai hàng câu đối bằng chữ Hán được chạm trổ tinh vi. Chính giữa gian này là bàn thờ Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên được bố trí uy nghiêm.
Bà Sương cho biết: “Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên là ông cố tôi. Ông là người gốc miền Trung được triều đình Huế cử vào Nam giữ chức Đốc phủ sứ - một chức quan lớn thời Pháp thuộc. Tứ đó, ông đã xây dựng nên ngôi nhà này cho nhiều thế hệ nương tựa đến tận ngày nay”.
Phía trước bàn thờ Đốc phủ sứ là bộ bát bửu (8 loại binh khí thời xưa). Đặc biệt, ngôi nhà được xây dựng hướng mặt về phía rạch Tây Ninh, nước chảy mát mẻ quanh năm và mặt trên nhìn về hướng núi Bà Đen, mang ý nghĩa phong thủy, cảnh non nước hữu tình.
Bà Sương cho biết hiện trong nhà còn lại bà Sương và con trai bà là anh Nguyễn Anh Kiệt (34 tuổi), là người kế nghiệp đời thứ 5 phụ trách trông coi ngôi nhà.
Nguy cơ xuống cấp
Được biết, sau khi căn nhà được xây dựng, đến nay đã có 2 lần gia đình tiến hành trùng tu, sửa chữa. Lần thứ nhất vào khoảng những năm 1960, căn nhà bị hư hại bởi chiến tranh khiến toàn bộ mái ngói âm dương cổ được thay bằng ngói móc thường. Đợt sửa chữa lần thứ 2 khoảng năm 1999, gia đình phải thay nhiều mảnh sàn gỗ bị mục trên tầng 2.
Anh Kiệt tiết lộ đã có rất nhiều người đến đặt vấn đề mua lại ngôi nhà cổ này nhưng gia đình nhất định không bán.
“Ngày nào chúng tôi cũng phải kiểm tra căn nhà, nếu phát hiện có mối thì lập tức diệt ngay. Tôi chỉ lo gia đình không đủ sức bảo tồn nguyên bản căn nhà lâu dài bởi ngoài chuyện tiền bạc còn phải tìm được nguồn nguyên vật liệu đúng nghĩa và cả những thợ gỗ có tay nghề", anh Kiệt nói.
Giang Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét