Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Vườn Quốc gia Yok Don mùa này có gì đẹp?

Ngân Nga
(PLO)- Vườn Quốc gia Yok Don mùa này đang bắt đầu thay chiếc áo vàng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Với những người mê nhiếp ảnh thì hãy bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi hòa mình với thiên nhiên xinh đẹp mà ngỡ chỉ tìm thấy được ở nước ngoài.
Vườn Quốc gia Yok Don nằm cách TP.HCM khoảng 400 km, cách TP Buôn Ma Thuột 40 km với tổng diện tích 115.545 ha, nằm trên địa phận hành chính của ba huyện (huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông). Vườn có tới 30 loài thú, 20 loài chim và một số loài bò sát quý hiếm đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam như bò tót, bò rừng, báo, hổ, công, gà lôi, sóc bay… Các loài thú ở đây sống thành những quần thể lớn và tập trung đặc biệt là voi châu Á.
Từ TP Buôn Ma Thuột bạn sẽ mất khoảng 1,5 giờ tới trụ sở Vườn Quốc gia Yok Don (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Nếu bạn đi xe buýt, khoảng nửa giờ có một chuyến (6 giờ -17 giờ) với giá 20.000 đồng/chuyến.
Vườn Yok Don có lợi thế được bao quanh bởi con sông Sêrêpốk nên chỉ cần ngồi trên thuyền là bạn có thể ngắm chim chóc, thú và thực vật khá đa dạng.
Bạn có thể mang theo thức ăn hoặc đăng ký với bộ phận du lịch của vườn để họ chuẩn bị. Vườn Quốc gia Yok Don có ba khu nhà khách, 18 phòng, không gian rộng, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên. Nếu bạn thích ngủ trong tự nhiên bạn có thể chọn ở tại một trong những chốt, trạm bảo vệ của kiểm lâm hay cắm trại ngủ ngay trong rừng. 
Ngoài ra, vườn còn tổ chức cho khách “học làm nghề quản voi”. Khách sẽ phải thức dậy lúc 6 giờ và đi cùng với người điều khiển voi để học cách nhận biết sự di chuyển của voi, qua tìm kiếm dấu xích, phân voi, vết ăn… Hay khách có thể trải nghiệm “học làm kiểm lâm”...
 Một số cảnh đẹp tại Vườn Quốc gia Yok Don:

Vào mùa khô những cây con trong rừng sẽ bị cháy rụi nhưng chỉ cần mùa mưa về là chúng lại xanh tươi. Ảnh: Yok Don 

Khoảng hai tháng nữa, toàn bộ Vườn Yok Don sẽ thay lá như trong hình. Ảnh chụp đầu năm 2015. Ảnh: ĐỨC HUY 

Dòng sông Sêrêpốk chảy ngược băng qua địa phận Vườn Quốc gia Yok Don. Ảnh: ĐỨC HUY.

Chim yến mào trong Vườn Yok Don. Ảnh: ĐỨC HUY 

 Cú vọc ngựa trắng trong Vườn Yok Don. Ảnh: ĐỨC HUY

Hương lan rừng quyến rũ. Ảnh: ĐỨC HUY  
 

Chim phường chèo. Ảnh: ĐỨC HUY 
Thỉnh thoảng xe phải nhường đường cho gà rừng bằng qua đường. Ảnh: ĐỨC HUY


Vào ban đêm, bạn có thể đi câu cá tại suối cùng với kiểm lâm. Ảnh: NGA NGA 
Do cá có màu giống màu áo bộ đội nên được gọi vui là cá bộ đội. Ảnh: NGA NGA 

Cá bám đá (cá sứt mũi) được người dân bắt được trên sông Sêrêpốk. Ảnh: ĐỨC HUY.
Ngân Nga

Phượt đêm trong rừng Yok Don

YÊN TRANG 
(PL)- Đi vào rừng giữa đêm thăm thú hay lội suối đi câu cá? Chuyện đi phượt rừng quốc gia Yok Don - tỉnh Đắk Lắk không còn lạ với nhiều du khách quốc tế nhưng lại khá mới mẻ với người Việt.
Cách TP Buôn Ma Thuột gần 30 km và cách Bản Đôn chỉ vài kilomet, rừng quốc gia Yok Don hiện ra sừng sững với vẻ đẹp hoang sơ và đầy bí ẩn. Đoàn chúng tôi chạm cổng rừng khi mặt trời vừa chạm ngọn cây, Y Danh Niê - chàng thanh niên đồng bào Ê Đê cũng là hướng dẫn viên của Trung tâm Dịch vụ du lịch Yok Don chỉ tay về cuối rừng nói giờ này chim bắt đầu giao ca nên muốn thấy từng đàn chim như xếp lớp đang đậu chuẩn bị bay đi cho lớp khác về thì phải tiến thẳng vào rừng ngay.
Cá suối và harmonica
Chất rượu cần, gà, rau rừng lên thùng chiếc xe bán tải, Y Danh Niê hối chúng tôi phải đi nhanh kẻo trời tối. Đường vào rừng băng qua một cây cầu lớn bắc qua dòng sông Sêrêpôk huyền thoại xanh ngắt. Nơi đây người ta có thể chèo thuyền độc mộc để ngắm rừng dưới nước. Tiếc nuối vì không đủ thời gian để thơ thẩn với con sông này, chúng tôi đạp hết ga lao vào rừng sâu, hy vọng trời còn sáng chút nào ngắm rừng hoàng hôn được chút ấy.
“Mùa này cây lá còn xanh tốt nên chắc mọi người sẽ thích hơn” - Y Danh Niê bảo vậy. Bởi Y Danh Niê kể chỉ cần bước vào mùa khô vài tháng thì rừng rụng hết lá, cây dường như chỉ còn thân trơ trụi, các dòng suối dường như cũng cạn kiệt… nhìn như cả khu rừng chết. Nhưng chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua, cây trên cành bung ra những chồi non và chẳng mấy chốc cả khu rừng bừng màu xanh trở lại. Cũng nhờ có mùa khô lá rụng nên ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le, quả khô rụng xuống. Và khi chỉ chờ có cơn mưa báo hiệu mùa mới lập tức cây con mọc dày đặc lên và rừng khoác lên màu áo mới, với sức sống mãnh liệt của rừng. Đây cũng là một kiểu rừng gọi là rừng khộp đặc trưng chỉ có ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chỉ có ở Yok Don và nơi đây chính là khu bảo tồn thiên nhiên của loại rừng này.
Hành trình phượt rừng trong đêm của chúng tôi có lẽ cũng nằm trong số người Việt hiếm hoi đã chọn tour du lịch bụi này đến Yok Don. Chiếc xe bán tải cứ lao vun vút trong đêm xuyên qua những tán lá xanh thẳm. Thi thoảng mấy cô gái, chàng trai ngồi trên thùng xe lại hét um lên vì sướng, vì được ngắm những cánh rừng đẹp. Mùi ngai ngái của rừng từng chút một ngấm lạnh vào da thịt. Chẳng mấy chốc, trong rừng chỉ có ánh trăng đầu tháng soi đường, lâu lâu chúng tôi băng qua một khoảng sáng, hình như chỗ đó có trạm gác của kiểm lâm. Chừng khoảng vài chục kilomet xe dừng lại và chọn một khoảng trống lớn giữa rừng để cắm trại, mắc võng và đốt lửa. Những ngọn lửa bừng sáng giữa rừng, chúng tôi lấy lá chuối làm mâm, lấy thân cây làm chỗ ngồi và lấy tre kẹp gà rừng để nướng. Y Danh khoe bình rượu cần này được Y Danh làm bằng men từ những lá cây kia hái trong rừng. “Uống đi sẽ thấy ngọt lắm, thơm lắm và say lắm, còn có mùi của rừng” - Y Danh nói giọng lơ lớ.

Trời vừa bừng sáng, cánh rừng soi mình bên suối nước thật nên thơ làm khách phượt mê mẩn. Ảnh: HMH

Đêm trong rừng không có sóng điện thoại, không có điện, ánh sáng duy nhất là lửa trại và ánh trăng vàng ngọc đầu tháng. Khi đã ổn định vị trí, xếp củi đốt lửa và giao cho một thành viên ngồi phụ trách nướng gà, Y Danh, anh Long, anh Huỳnh cùng dẫn chúng tôi men theo đường mòn qua một con đập đến một con suối khá lớn để câu cá đêm. Nước mát lạnh, mấy anh em sì sụp lội trước dòng nước từ trên đập chảy ầm ầm. Y Danh bảo nhiều dòng sông sẽ chảy về con đập này nên cá đi theo và về đến khe suối sẽ mắc lại đây rất nhiều. “Có đêm anh em chúng tôi câu 1-2 tiếng mà được cả nửa xô cá” - Danh kể. Quả đúng như vậy, trong đoàn cứ chốc chốc lại có người kêu ré lên vì câu được cá. Ánh đèn pin lại hướng về phía lưỡi câu để gỡ cá. Hoài Hương, Kim Chung - hai cô gái trong đoàn chúng tôi bình thường nhìn thư sinh, ủy mị là vậy, đến bây giờ mới lộ diện là hai tay nữ thủ sát cá nhất đoàn. Nghệ sĩ Ben Hewlett, Chủ tịch Liên đoàn Harmonica Vương quốc Anh, sau hơn một tiếng không câu được con cá nào bèn bỏ cuộc, trở về đống lửa lấy harmonica ra thổi. Những người khác vẫn tiếp tục và chỉ hơn hai tiếng, vài chục con cá đã sẵn sàng trong xô đem về nướng. Bữa tiệc giữa rừng có lẽ chưa bao giờ sơ sài nhưng đầy đủ và ngon lành đến thế.
Chúng tôi đã có một đêm thật nhớ đời bên ánh lửa bập bùng. Mọi người lần lượt thưởng thức các món nướng do chính bàn tay của mình làm ra. Càng về khuya cuộc chơi càng trở nên lý thú khi men rượu cần ngây ngất giữa rừng già Tây Nguyên lại được hòa quyện trong những giai điệu harmonica điêu luyện của nghệ sĩ bậc thầy đến từ Anh quốc!
Gặp trâu rừng rượt đuổi
Cuộc chơi vẫn cứ thế tiếp diễn. Một vài thành viên xem ra muốn tách đoàn để đi xem thú nhưng lại sợ. Y Danh bảo ở chỗ này thì chỉ có thể thấy sóc hay những con thú nhỏ thôi. Nếu muốn xem thú thì phải đi sâu vào trong nữa và đi khuya tầm 1-2 giờ sáng. Thú không sống gần con người và ban đêm chúng tôi sẽ đi vào giữa tim rừng. Y Danh lúc nào cũng bảo chuyện trong rừng kể ngày này qua ngày khác cũng không hết đâu.
Quả là chuyện về rừng kể đến sáng cũng không hết. Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và dịch vụ sinh thái, Vườn quốc gia Yok Don, kể về ngày mới về làm hướng dẫn viên. “Lần ấy mình làm hướng dẫn cho một cặp vợ chồng mới cưới người Anh. Sau khi đi vào sâu trong rừng chúng tôi chọn một nơi để cắm trại và nướng cơm lam. Trong khi chờ cơm lam vùi trong than thì đi câu cá. Dù không đi xa quá nhưng không hiểu thế nào tôi bị lạc. Nếu để tự mình về trạm thì rồi cũng về được nhưng khách nước ngoài họ hoảng loạn, hoang mang nên yêu cầu dừng lại ngay tại đó để chờ trời sáng tìm về trạm chứ nếu lạc thì không biết thế nào. Khi đó tôi biết chuyến đi rừng đó là tuần trăng mật của cặp vợ chồng trẻ. Vậy là đêm đó chúng tôi ngủ giữa rừng, không võng, không mùng, không thức ăn. Dĩ nhiên sau chuyến đó du khách không phải trả tiền cho hành trình của mình vì mình làm sai” - anh Long kể.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác, anh Long kể lần ấy dẫn du khách đi trong rừng thì thấy một con nghé nằm thoi thóp. Thấy thế anh bèn lấy que gõ vào cái ống nước thì tự dưng con nghé ngóc đầu dậy kêu be be. Cứ gõ đến đâu con nghé lại càng kêu và đi theo đến đó. Chỉ vài phút sau, tiếng lào xào từ phía xa phi tới, là con trâu rừng to sừng sững chỉ muốn nhảy bổ vào người khác. Cả đoàn tá hỏa chạy và con trâu thì đuổi. Để thoát được chúng tôi leo lên cây, xua con nghé và con trâu đi. Có lẽ con trâu khi sinh ra con nghé nó tưởng con mình đã chết nên bỏ đi. Nhưng khi nghe tiếng con nghé kêu nó đã quay lại và nghĩ rằng có người làm hại con mình nên ra sức bảo vệ. Chuyến đi rừng chứng kiến voi đẻ con hay trâu bò và các con thú khác sinh nở là chuyện rất bình thường. Nhưng đó là kỷ niệm mà khiến mình không sao quên được khi thấy con trâu hung hãn lao thẳng vào người.
Dưới ánh lửa bập bùng, những câu chuyện về rừng cứ như bất tận. Như Y Danh Nie kể anh có sở thích đi khám phá từng loại cây trong rừng. Anh tìm lá rồi làm men ủ rượu cần nguyên bản. Anh làm cơm lam bằng gạo nếp rẫy của người dân tộc ngâm rồi đổ vào ống tre nướng, anh làm các món rau dại của rừng… Và anh yêu rừng lắm lắm nên chẳng muốn đi đâu cả.
Một kiểm lâm phải quản lý 500 ha rừng
Gặp anh Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Don, chân đi cà nhắc, chúng tôi hỏi anh bảo mấy tuần đi tuần trong rừng gặp lâm tặc đuổi bị ngã gãy chân. “Ngủ ở rừng, sống với các anh em trong rừng, đêm cũng đi tuần… vậy mà tháng trước có bài báo bảo giám đốc vườn quốc gia chỉ ngồi salon chỉ tay năm ngón” - anh Tùng cười. Anh Tùng cho biết tuy chỉ mới về đây ba tháng nhưng chưa từng thấy nơi nào anh em kiểm lâm lại khổ như thế. Anh em ở đây chỉ ở trong rừng, không được ra khỏi rừng. Mỗi tháng được về thăm gia đình 1-2 ngày mà thôi. Hiện nay trung bình một kiểm lâm phải quản lý 500 ha.

Theo anh Tùng, cũng vì nạn phá rừng, săn bắt thú mà ở đây chưa có giám đốc nào trụ được quá hai năm vì liên tục “không hoàn thành nhiệm vụ” rồi bị cách chức.
YÊN TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét