Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Sông Vàm Cỏ Đông

Theo Thanh Thảo/ Báo Thanh niên 

(Dân Việt) Hồi chiến tranh, có cả năm trời ngày nào tôi cũng bơi lội trên sông Vàm Cỏ Đông. Đơn giản, tôi bơi để bứt lục bình về chấm mắm kho ăn cùng mấy anh em cho đỡ… xót ruột.

 

 song vam co dong hinh anh 1
Sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua Tây Ninh (Ảnh: Giang Phương).
Gần như người Việt mình những năm tháng ấy đều thuộc bài hát Vàm Cỏ Đông, nhạc Trương Quang Lục, lời thơ Hoài Vũ. Hóa ra, hai ông này tuy "kẻ Bắc người Nam" nhưng đều là dân… Quảng Ngãi đồng hương với tôi. Hoài Vũ là nhà thơ đã vào chiến trường Nam bộ từ khá sớm, nên quá rành sông Vàm Cỏ Đông, nhất là đoạn sông chảy qua Long An - còn gọi là miền Hạ. Nhưng còn tôi, trước khi biết sông Vàm Cỏ Đông và thường xuyên bơi lội trên sông này, tôi đã từng vượt qua sông Vàm Cỏ… Tây. Sông Vàm Cỏ Tây - gần như anh em sinh đôi với sông Vàm Cỏ Đông, nhưng ít được biết hơn, vì không thấy có bài nhạc nổi tiếng nào về dòng sông này. Thế mới biết, thơ và nhạc lợi hại cỡ nào!
Sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua cầu Mỹ Lợi nghe nói nước rất sâu, tới 30 - 40 m. Con sông nước thật trong, theo thủy triều có nước lớn nước ròng, tôm cá trên sông hơi bị nhiều, quý nhất là tôm càng xanh. Những đêm trong rừng ven sông Vàm Cỏ Đông, nấu ấm trà nghe bạn hiền Tư Xuân kể chuyện phóng chĩa trên sông bắt tôm càng xanh mà mê luôn đi. Hóa ra, quê Tư Xuân ở Cần Đước, sát Cần Giuộc, con sông Vàm Cỏ đoạn chảy qua quê Tư Xuân là đoạn sông rất rộng và sâu. Chảy tới cửa Soài Rạp thì không chỉ có tôm càng xanh mà còn có cá dứa. Đây là loài cá ngon có hạng trên sông nước Chín Rồng.
Tôi vốn yêu các con sông, càng yêu hơn tôm cá dưới sông, đúng như cách yêu của người nông dân. Nhìn ngắm dòng sông đẹp, đã thấy yêu. Nhưng nếu được ăn những con cá con tôm ngon dưới dòng sông ấy, thì tình yêu càng đậm đà, thấm đẫm hương vị… ẩm thực, và khiến người yêu nhớ rất lâu, có khi là cả cuộc đời.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, trên đường về lại chiến khu từ địa hình nam lộ 4, tôi đã có một buổi chiều tà vượt sông Vàm Cỏ Tây. Khi tới bờ sông lau sậy ken dày, nhìn trên sông thấy tàu tuần duyên của đối phương chạy ì xèo, nghe đại liên quất rào rào lên ngọn cây trâm bờ trước mặt, tôi để ý thấy một ngọn cờ xanh - đỏ của Mặt trận mình đang tung bay trên ngọn cây trâm. Hóa ra, ngọn cờ ấy là đích nhắm bắn của khẩu đại liên trên tàu tuần duyên của địch. Đạn vãi như mưa song ngọn cờ vẫn… tung bay trong gió, chả hề hấn gì. Sau khi vượt sông an toàn, về lại chiến khu tôi đã viết được bài thơ Ngọn cờ bên sông Vàm Cỏ Tây, một bài thơ giàu xúc cảm, ẩn chứa niềm tự hào. Tôi chỉ là người kháng chiến cũ, và niềm tự hào khiêm nhường ấy tôi còn giữ tới hơn bốn mươi năm sau.
Nhớ hồi chúng tôi còn nhỏ, chính văn hào Ilya Ehrenburg - qua bài viết bất hủ "Lòng yêu nước" của mình, đã dạy chúng tôi biết yêu nước một cách cụ thể mà thấm thía như vậy: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...” (Thép Mới dịch).
Bây giờ, đôi khi nhớ lại, tôi lại một mình nghêu ngao “Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ… Tây”. Vì tôi yêu cả hai dòng sông Vàm Cỏ, hai dòng sông sinh đôi mà tôi có may mắn được lội qua.
Cá kiểng hường vện trên dòng sông Vàm Cỏ
Theo Giang Phương/ Báo Thanh Niên 

(Dân Việt) Cá hường vện (còn gọi là thái hổ) là giống cá kiểng nước ngọt quý hiếm, hầu như chỉ có trên dòng sông Vàm Cỏ Đông.

Một tay chơi cá cảnh tại Tây Ninh nói: “Nhiều người săn lùng cá hường vện vì loài cá này đẹp và hiếm vô cùng do có nguy cơ tuyệt chủng. Giá có khi lên đến cả ngàn USD, hiện chỉ còn rất ít hộ nuôi theo dọc dòng sông Vàm Cỏ Đông”.
Theo hướng dẫn của người này, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lềnh (ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, H.Châu Thành, Tây Ninh). Trong căn chòi lá tạm bợ nằm sát mép sông Vàm Cỏ Đông, ông Lềnh kể: “Vào khoảng năm 1998, người ta bắt đầu phát hiện cá hường vện xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, kéo dài từ xã Phước Vinh, H.Châu Thành sang các H.Gò Dầu, Bến Cầu, đến tận Long An. Ghe tàu đi đánh bắt dày đặc. Khoảng năm 2005 thì không còn tìm thấy loài cá này nữa”.
 ca kieng huong ven tren dong song vam co hinh anh 1
Ông Tư Lềnh khoe con cá hường vện quý hiếm được nuôi trên sông Vàm Cỏ Đông (Ảnh: Giang Phương).
Đến năm 2010, nghe có tin phát hiện cá hường vện bên phía Campuchia, ông Lềnh lặn lội qua tận nước bạn tìm mua được một số con giống rồi mang về Việt Nam nuôi. Nhưng đến nay dù làm đủ mọi cách, loài cá này vẫn không thể sinh sản được. Hôm chúng tôi đến, cầm con cá hường vện cỡ 2 ngón tay, ông Lềnh giải thích: “Cá hường vện “xịn” thì sọc phải chuẩn, không lem, đuôi hình chữ V, ôm hầu. Những con cá như vậy dù giá có cao “trên trời” cũng không đủ bán cho dân mua”.
Ngoài ông Lềnh, ở Tây Ninh còn có hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Trạch, H.Gò Dầu) hiện cũng nuôi khoảng 100 con cá hường vện, giống đưa về từ Campuchia.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh, cho biết ghi nhận của ngành thủy sản đến nay loài cá hường vện vẫn chưa có người nuôi nào cho sinh sản thành công, trong khi ngoài môi trường sông rạch gần như tuyệt chủng. Từ đó, loài cá này có giá trị rất cao và còn rất ít người nuôi do nước sông không ổn định, thường xuyên ô nhiễm.
“Trước đây, loài cá này xuất hiện nhiều nhưng do bị đánh bắt tràn lan, không kiểm soát; đồng thời nước sông bị ô nhiễm nên không còn tìm thấy trên sông tại Tây Ninh”, ông Khải nói. Khi được hỏi về giá trị, ông Khải xác định có thông tin loài cá này giá từ vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/con. Trước nguy cơ tuyệt chủng, cá hường vện được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1992 để được bảo vệ. “Trước đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã cử cán bộ xuống tìm hiểu mua giống cá này về nghiên cứu nhưng do không thỏa thuận được giá cả nên hiện vẫn chưa nghiên cứu, lai tạo được”, ông Khải nói thêm.
Theo danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (Ban hành kèm theo Quyết định 82 ngày 17.7.2008 của Bộ NN-PTNT), hường vện cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét