Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tranh cãi về đình thờ viên tướng nhà Nguyễn chống quân Tây Sơn và Xiêm La



   Đình Tân Giai ở Vĩnh Long thờ Thần hoàng Bổn cảnh, các bậc tiền nhân có công khẩn đất lập làng và các vị anh hùng nghĩa sĩ có công giữ nước, nhưng ở đây còn thờ một nhân vật lịch sử rất đặc biệt đó là Quốc công Tống Phước Hiệp. Có khá nhiều chuyện ly kỳ xung quanh nhân vật lịch sử này.
Đình Tân Giai có từ bao giờ?
Đình Tân Giai được xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long, tại vàm Cái Cá cạnh sông Cổ Chiên, do chiến tranh loạn lạc và thiên nhiên biến đổi năm 1924 đình được dời về gần rạch (vàm) Cái Cá và cầu Kinh Cụt (là vị trí hiện tại, thuộc phường 3, TP.Vĩnh Long). Đây là là ngôi đình cổ kính và lớn nhất của đất Long Dinh Hồ xưa.

Đình Tân Giai ở Vĩnh Long 

Cũng như mọi ngôi đình khác trên đất Việt Nam, đình Tân Giai thờ Thần hoàng Bổn cảnh, các bậc tiền nhân có công khẩn đất lập làng và các vị anh hùng nghĩa sĩ có công giữ nước… Vậy ngôi đình này có gì đặc biệt? Xin nói ngay, có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh ngôi đình độc đáo liên quan đến một vị danh tướng triều Nguyễn là Tống Phước Hiệp.
Ban đầu đình Tân Giai xây dựng ra không nhằm mục đích thờ Tống Phước Hiệp, nhưng sau này khi nói đến đình Tân Giai, những người dân ở Vĩnh Long thường nhắc đến ông, một nhân vật lịch sử được phối thờ ở đây, là danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Thuần trong lịch sử Việt Nam.
Tống Phước Hiệp là ai?
Theo một số nguồn tư liệu, trong đó đáng chú ý có 3 nguồn tin cậy là Phả chí của Tống Phước tộc, Đại Nam liệt truyện tiền biên (Cao Tự Thanh dịch) và Tiểu sự cụ Tống Phước Hiệp (Đặng Công Tạo biên khảo), có thể tóm tắt như sau: Tống Phước Hiệp là người ở huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung), phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Không rõ Tống Phước Hiệp gia nhập quân đội của chúa Nguyễn khi nào, chỉ biết vào đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), ông được cử làm Lưu thủ Long Hồ Dinh (Vĩnh Long), và  "được tiếng là người tận tụy với chức vụ, mưu lợi cho dân chúng, việc trị an được tốt đẹp… khiến người người đều thương mến".
Trong Đại Nam liệt truyện tiền biên, sau phần tiểu sử cũng có mấy lời khen ngợi ông: "...Buổi đầu Phước Hiệp trấn thủ Long Hồ, chính sự khoan dung, dân yêu mến như cha mẹ. Tính người khảng khái, có tài lược, thường coi việc dẹp giặc là phận sự của mình, người người đều rất trông cậy. Đến khi chết, người biết tin đều chạy gào thương khóc, ba ngày liền ngoài ruộng bỏ cày bừa, ngoài chợ không mua bán. Chúa thương tiếc không thôi, tặng là Hữu phủ Quốc công, lập đền thờ ở Long Hồ, xuân thu cúng tế, nhiều lần hiển hiện linh ứng, hương lửa không dứt"...  
Tống Phước Hiệp mất vào năm 1776 do trọng bệnh khi đang chống cự nhà Tây Sơn. Thương tiếc ông, Định vương Nguyễn Phúc Thuần truy tặng Tống Phước Hiệp tước Hữu phủ Quốc công, cho lập miếu thờ tại dinh Long Hồ, xã Long Châu (nay thuộc TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Năm Gia Long thứ 9 (1810), nhà vua cho thờ ông nơi miếu Trung tiết công thần. Ngày 24.9 năm Minh Mạng thứ ba (1822), triều đình lại truy phong ông làm Trung đẳng thần, và cho thờ tại miếu Hội đồng ở Gia Định.

Pho tượng Hữu thủ Quốc Công Tống Phước Hiệp được thờ ở gian giữa của đình Tân Giai. Được biết tượng này là do một doanh nhân ở TP. HCM công đức hiến tặng
 Vai trò của Tống Phước Hiệp trong công cuộc chống ngoại xâm.
Cuốn Việt Nam sử lược (quyển 2, trang 86-87) của Trần Trọng Kim đanh giá cao vai trò của Tống Phước Hiệp trong việc đánh đuổi ngoại xâm Xiêm La xâm phạm bờ cõi nước ta: "Bấy giờ nước Xiêm La không có vua, chức Phi nhã (Phya) đất Mang Tát là Trịnh Quốc Anh (Taksin) bèn khởi binh tự lập làm vua...Trịnh Quốc Anh biết con vua cũ là Chiêu Thúy còn ở Hà Tiên, sợ ngày sau sinh ra biến loạn, bèn đến tháng 10 năm Tân Mão (1771) đem binh thuyền sang vây đánh Hà Tiên. Quan Tổng binh là Mạc Thiên Tứ giữ không nổi phải bỏ thành chạy. Tháng 6 năm sau (1772) chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Thuần) sai Thống suất là Nguyễn Cửu Đàm lĩnh chức Điều khiển đem binh thuyền đi đánh quân Xiêm La". Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi: Lưu thủ Long Hồ dinh là Cai cơ Kính Thận hầu Tống Phước Hiệp đem binh đánh tiếp ứng... vào Châu Đốc, đánh lui quân giặc, binh Tiêm (Xiêm La) bị quân ta theo kịp chém được hơn 300 thủ cấp. Chiêu Khao Liên (tướng Xiêm) bỏ thuyền lên bờ chạy về Hà Tiên. Dinh binh thâu 5 chiếc thuyền rồi để binh phòng thủ đạo Châu Đốc, còn đại binh trở về Tân Châu... (Nguồn: Gia Định thành thông chí (tập trung). Nha Văn hóa, phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1972, tr. 88).
Về ngôi miếu thờ của Quốc công Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long đã được sách Đại Nam nhất thống chí (1900) mô tả như sau: “Ở huyện Vĩnh Bình. Thần họ Tống Phước, tên là Kính, bắt đầu làm Lưu thủ dinh Long Hồ. Khi Tây Sơn khởi biến, ngài tiến binh đánh ở Phú Yên, sau được gọi về Gia Định rồi bị bệnh mất được truy tặng Hữu phủ Quốc công . Năm Minh Mạng thứ 3 (1822 ), gia tặng Phù chính trung đẳng thần, thờ vào miếu Hội đồng. Dân thôn Trường Xuân (phường 1, TP.Vĩnh Long ngày nay) cảm mộ công đức, lập đền thờ, mỗi khi cầu đảo đều có linh ứng”.
Miếu thờ bị đập phá
Câu chuyện bắt đầu tháng 10.1982, theo nhân dân trong vùng cho biết, ngôi miếu Quốc công đã bị một số cán bộ văn hóa ở địa phương cho đập phá tan tành vì suy luận rằng ông từng cầm quân đánh phá Tây Sơn (!?). Miếu thờ ông sau khi đập được biến thành trụ sở làm việc của nhà nước. Trước tình cảnh ấy, một số người dân ở trong vùng đã giấu được bức sắc phong, thanh kiếm báu và linh vị của ông đem về lén phối thờ ở đình Tân Giai. Theo lời một nhân chứng kể lại rằng họ đem linh vị về thờ nhưng rất sợ chính quyền lúc đó làm khó dễ.
Mãi đến năm 2009, chính quyền địa phương mới phục hồi tên tuổi của ông và cho tổ chức lễ vía Quốc công Tống Phước Hiệp, và cũng thống nhất cho phép được tổ chức lễ vía hằng năm. Hiện nay, Hữu phủ Quốc công Tống Phước được phối thờ trong đình Tân Giai (Vĩnh Long) và lễ vía của ông được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 6 (âm lịch) hằng năm. Riêng sắc phong thần của ông thì được cất giữ trong đền Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long.
Về thanh gươm lưu lạc
Riêng câu chuyện về thanh gươm của Quốc công Tống Phước Hiệp cũng có nhiều tình tiết ly kỳ. Sau khi ngôi đình bị đập phá, nhiều di vật ở đó bị tứ tán khắp nơi, trong đó có thanh kiếm lệnh rất quý giá của Tống Phước Hiệp. Hiểu được giá trị của báu vật, một người dân đã nhanh trí cất giấu thanh kiếm này. Sau đó thì thanh kiếm được chuyển cho ông Nguyễn Hồng Tâm, là một cán bộ văn hóa của địa phương hồi đó, người kịch liệt phản đối việc đập phá ngôi miếu. Ban đầu ông Tâm cất giấu thanh kiếm này, nhưng do điều kiện chỗ ở quá chật hẹp dễ bị lộ và sợ bị chính quyền tịch thu, ông phải chuyển thanh kiếm cho người khác, nhưng do thiếu hiểu biết người ta đã bán cho cửa hàng ve chai đồng nát. Thế là ông Tâm phải lặn lội tìm lại. Sau gần 10 năm trôi nổi trong dân gian, đến năm 1992 thanh kiếm mới được đem về thờ ở đình Tân Giai bên cạnh tượng Quốc công Tống Phước Hiệp.

Sau nhiều năm trôi nổi, thanh gươm lệnh của Tống Phước Hiệp được đem về thờ cùng với Quốc công Tống Phước Hiệp tại đình Tân Giai

Ông Nguyễn Hồng Tâm (phải) người đã lưu giữ thanh kiếm của Quốc công Tống Phước Hiệp trong nhiều năm trước khi được mang về thờ tại đền Tân Giai

Trước năm 1975, tên của Tống Phước Hiệp được đặt cho trường trung học lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, nhưng sau đó trường đã bị đổi tên (nay là Trường trung học phổ thông Lưu Văn Liệt tại phường 1), và con đường mang tên ông cũng bị xóa. 
Bài và ảnh: Tiểu Vũ  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét