Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Nghề rèn của người Mông và bí quyết làm dao sắc, bền

San Nguyễn 

(Dân Việt) Nghề rèn của người Mông đã có từ lâu đời. Những con dao, lưỡi búa được chế tạo dưới bàn tay người đàn ông Mông không những sắc bén vô cùng mà còn có độ bền cao.

 
Nếu người miền xuôi rèn dao búa và các dụng cụ khác hoàn toàn bằng sắt hoặc thép thì với người Mông, cả 2 kiểu rèn này đều không phù hợp. Điểm đặc trưng đầu tiên trong kỹ thuật nghề rèn của người Mông chính là sự kết hợp giữa sắt và thép.
Theo ông Thào A Lử - một người có kinh nghiệm lâu năm làm nghề rèn ở bản Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), do tập quán canh tác của người Mông từ xưa chủ yếu là phát nương làm rẫy, vì vậy dao búa hay các loại nông cụ khác không những phải cứng, sắc bén mà còn phải có độ dẻo dai.
 nghe ren cua nguoi mong va bi quyet lam dao sac, ben hinh anh 1
Những con dao do ông Thào A Lử rèn nổi tiếng sắc bén. (Ảnh: L.S)
Ông Lử bảo, phần lưỡi phải dùng sắt vụn bó lại để nung, phần sắt để riêng, phần thép nẹp ở giữa phần sắt vụn rồi rèn cho thành một. Con dao khi mài ra thì phần lưỡi là thép còn phần trên chủ yếu là sắt. Người ta nẹp thép ở giữa là để khi mài con dao sắc hơn, hai là phần lưỡi cứng hơn thì người ta chặt cây, va vào đâu cũng đỡ mẻ.
Điểm khác biệt thứ 2 trong kỹ thuật nghề rèn của người Mông thể hiện ở chuôi dao. Khi con dao thành hình, phần còn lại được tán mỏng rồi uốn lại thành hình ống để tra cán. Với một số dân tộc khác, con dao đến công đoạn này đã hoàn thành, thì với người Mông, chuôi dao tiếp tục được nung và tán liên tục cho đến khi liền chặt vào nhau. Trong quá trình rèn dao, búa hay cuốc xẻng, việc nung sắt quan trọng, nếu nung non lửa thì dao mềm, dễ cong vênh. Nếu nung quá lửa, con dao sẽ giòn, dễ mẻ, gãy.
Thông thường để rèn cần có 2 người, thợ cả tay cầm kẹp, tay cầm cây búa nhỏ, khi khối thép đạt độ đỏ nhất định rút ra để người thợ kia tán búa tạ xuống. Cần tán vào chỗ nào, người thợ cả cầm một cây búa nhỏ, gõ cạch cạch vào chỗ đó; người kia tán búa xuống.
“Tôi dao là phần quan trọng nhất trong nghề rèn của người Mông. Khi dao được nung đỏ đều, người Mông mới từ từ đưa lưỡi dao nhúng vào nước. Cứ như vậy chừng 2-3 lần. Khi lưỡi dao đã nguội và phần sống dao giảm bớt nhiệt, thợ rèn thả toàn bộ con dao vào nước, như vậy làm cho phần lưỡi dao cứng chắc và dần mềm dẻo hơn về phía sống dao, dao sẽ bền hơn”– ông Lử cho hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét