Từ đường tộc Lê ở làng Luật Chánh (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định), nơi thờ tự Lê Đại CangẢNH: HOÀNG TRỌNG
Lê Đại Cang, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều tháp tùng Chúa Nguyễn vào Nam.

Có thể nói, cuộc đời Lê Đại Cang (còn viết là Cương), từ năm 31 tuổi cho tới năm 72 tuổi, là cuộc đời một người làm quan bôn ba lận đận thăng trầm, ra Bắc vào Nam, sang cả Cao Miên, nhưng là cuộc đời một ông quan mà đời sau phải kính nể, học tập. Đó là một tấm gương của một quan chức tận tụy vì dân vì nước, trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân, làm điều tốt điều lợi cho dân, kể cả những người dân Cao Miên (Campuchia). Có mấy bài học rút ra được từ cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang.
Trong một bài viết trước đây (năm 2012) tôi đã rút ra được 3 bài học từ Lê Đại Cang. Nay xin rút thêm mấy bài học nữa. Đã nói là rút bài học, thì trước nhất là rút ra cho mình, để mình có thể tự học theo hay tự răn. Từ một nhân cách lớn như Lê Đại Cang, một cuộc đời đầy những bôn ba thăng trầm như cuộc đời Lê Đại Cang, thì nếu tâm đắc, chúng ta có thể rút ra được rất nhiều bài học.
Bài học về tôn trọng chủ quyền của lân bang
Đây thực chất là bài học lớn về ngoại giao đối ngoại, cũng là bài học cho những nhà chính trị. Tôi không phải nhà ngoại giao, càng không phải nhà chính trị, nhưng thấy bài học này hay, nên tự rút ra, vậy thôi. Những nhà ngoại giao hay chính trị có thể tham khảo bài học này. Với quốc gia láng giềng, dù họ còn nhỏ bé, nhưng họ có nền độc lập của họ, có chủ quyền của họ, thì phải tuyệt đối tôn trọng. Đó là cách hành xử văn minh của thế giới đa cực bây giờ. Nhưng ngay bây giờ, vẫn còn quốc gia lớn “ăn hiếp” quốc gia nhỏ hơn, vẫn còn những mưu đồ lấn chiếm, bá quyền, trục lợi từ quốc gia láng giềng, bất chấp luật pháp quốc tế.
Thời Lê Đại Cang, dĩ nhiên điều ấy diễn ra thường xuyên hơn. Vua Minh Mạng đã hành xử với nước láng giềng nhỏ hơn theo đúng kiểu nước lớn hành xử với nước nhỏ. Ở thời đó, hành xử như vậy của vua thì ít người thấy không chấp nhận được. Hầu hết đều tán đồng, vì ngay nước mình cũng bị nước lớn hơn hành xử như vậy kia mà. Nhưng Lê Đại Cang thì nghĩ khác. Sử sách cho biết Lê Đại Cang thuộc số ít những triều thần nhà Nguyễn không thống nhất chính sách bảo hộ Cao Miên bằng cách thủ tiêu nền độc lập của họ, biến nước này thành một địa phương của nước ta. Làm sao mà ngay từ thời ấy, Lê Đại Cang đã nghĩ được như vậy? Chính vì ông đã từng làm quan ở một tỉnh biên giới, đã từng quan hệ mật thiết với lân bang, sống không cách biệt với người dân lân bang, sống trung thực và nhân ái để họ tin mình, nên ông thấu hiểu nguyện vọng độc lập và ý thức chủ quyền của họ. Cũng vì ông là người xả thân bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam, nên không bao giờ mong muốn cai trị người khác bất chấp nguyện vọng độc lập của người ta. Với lịch sử đương đại, quan điểm này của Lê Đại Cang đặc biệt chói sáng, và tất cả chúng ta đều đã biết. Dĩ nhiên, khi đã chung biên giới, thì rất nhiều mâu thuẫn sẽ xảy ra. Nhưng dù thế nào, thì nói theo ngôn ngữ bây giờ, phải “vừa hợp tác vừa đấu tranh” chứ không được dùng vũ lực để thôn tính. Chính Lê Đại Cang đã đề nghị chọn quan lại người Miên thực hành chính sự ở nước này cũng như giúp đỡ xây dựng quân đội Miên để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước của họ. Sau khi vua Chân Lạp là Nặc Chân mất, thì Lê Đại Cang đã thay mặt vua Minh Mạng phong vương cho công chúa Angmey (người sau này được phong là Ngọc Vân quận chúa khi lập Trấn Tây thành) và giới thiệu các quan Chân Lạp là Trà Long và La Kiên để triều đình trao quyền giữ quốc ấn coi việc nước Chân Lạp. Đây là quan điểm ngoại giao và chính sự cực kỳ sáng suốt của Lê Đại Cang, dù không được Vua Minh Mạng chấp thuận, nhưng nó đã góp phần khiến tình hình biên giới giảm căng thẳng, và nêu cao được chính nghĩa của quốc gia Việt Nam trong quan hệ với láng giềng. Không nhân nhượng chủ quyền quốc gia mình, nhưng không dùng tư tưởng bành trướng, nước lớn để đè ép nước nhỏ, biết khôn khéo và chân thành trong những xử sự ngoại giao, tư tưởng và hành xử của Lê Đại Cang xứng đáng để những nhà chính trị và ngoại giao đời nay học tập.
Bài học về biến thăng trầm thành từng trải
Những thăng trầm trong đời làm quan của Lê Đại Cang thì bây giờ nhiều người đã biết. Nhưng lý giải làm sao khi hai lần bị “cách” xuống làm lính khiêng võng, mà Lê Đại Cang vẫn bình thản như không, thì quả thực chẳng dễ. Nếu trường hợp như thế rơi vào những vị quan bình thường khác, họ sẽ xiết bao đau khổ, và sẽ không bao giờ còn gượng dậy được nữa. Nhưng Lê Đại Cang đã hai lần từ “vực thẳm” khiêng võng cho quan (có thể là quan nguyên ở dưới quyền mình) vượt lên, trở lại những vị trí trách nhiệm rất cao để tiếp tục phục vụ nhân dân, phụng sự triều đình. Ông không một chút oán thán, cứ “mình làm mình chịu” không dập đầu kêu oan, cũng chẳng cần phải “chạy” như nhiều quan chức ngày nay “chạy” mỗi khi những tội lỗi của mình bị phát hiện. Có được tâm thế đặc biệt như vậy, vì bình sinh Lê Đại Cang không chỉ là người nghĩa khí, mà còn là người tuyệt đối trung thực. Không bao giờ ông đổ lỗi cho ai, cũng không bao giờ chối lỗi của mình, kể cả những “lỗi” nếu xem xét một cách công bằng thì không phải lỗi mà là công. Nhưng khi triều đình, cụ thể là Vua Minh Mạng đã “bắt lỗi” thì Lê Đại Cang bình thản chịu, và không chỉ chịu đựng, ông còn gắng sức “đoái công chuộc tội” bằng những công tích mà người đời khó tưởng tượng ra.
Trong lời dẫn của “Lê thị gia phả”, Lê Đại Cang mô tả tỉ mỉ hơn tình cảnh của mình trong biến cố lớn này như sau: “Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vừa nhậm chức được năm tháng thì Phiên thành (chỉ thành Gia Định) có loạn, giặc chiếm cứ lan tràn đến các tỉnh Định Biên, Long Tường, một mình tôi điều động binh thuyền chống cự ở vùng An Hà tiếp giới, thế giặc liều lĩnh điên cuồng, đành phải rút lui về Châu Đốc để chờ viện binh của triều đình. Một đêm binh sĩ tứ tán khó bề cố thủ. Tôi nghĩ, muốn được chữ nhân thì việc sống chết phó cho trời, chi bằng lập kế sách thu hiệu quả về sau, giành lại các vùng đất bị mất. Tôi bèn dẫn mấy mươi người tùy tùng lánh vào đất Chế Lăng của Cao Miên, chiêu tập thêm người Việt xiêu tán cùng người Miên, gần hai ngàn người quyết chí theo tôi. Tôi huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính qui, nuôi chí triêm cừu, cùng sống với họ như con em. Đoạn, theo đường Long Tường kéo binh về tỉnh An Giang, giao chiến với giặc tại Lô Tư, đánh vào Cẩm Đàm. May gặp quân triều ở đấy, giặc liều chết giữ cô thành Gia Định. Tôi cùng các đạo quân ta chia các nẻo tấn công vào những nơi chúng chiếm cứ.
Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông để mất thành An Giang trước đây tội không nhẹ. Thánh chỉ đến cách chức tôi nhưng cho "Đái lãnh binh dõng quân tiền hiệu lực" (lãnh binh dõng ra trận phải đi trước lập công chuộc tội), tôi tuân chỉ. Sau một tháng thì được phục chức Binh bộ Viên ngoại lang kiêm Phó lãnh binh. Rồi dần dần phục hồi chức Án sát sứ, rồi Bố chính sứ, kiêm Lãnh binh. Trong vòng ba bốn tháng mà được ơn vua ban dày đặc như vậy cho nên khó nhọc mấy tôi không nề hà”.
Ơn vua nợ nước nặng hai vai, nhưng với Lê Đại Cang, quan trọng nhất chính là việc giữ nhân cách của mình, một con người do cha mẹ lương thiện sinh ra, một con người tự phấn đấu để trở thành một vị quan liêm khiết, khiêm nhường nhưng can đảm và dám chịu trách nhiệm. Những thăng trầm Lê Đại Cang trải qua trong cuộc đời đã không hề quật đổ được ông, mà khiến ông trở nên từng trải đến kinh ngạc.
Có một nghiên cứu của hai nhà thiên văn học tầm thế giới là Trịnh Xuân Thuận và Ment Marle dựa vào độ sáng các vì sao, cho thấy rằng những vật chất quan sát được hiện nay trong vũ trụ chỉ có khối lượng bằng 1/10 khối lượng của vật chất toàn bộ. Như thế cần đặt ra câu hỏi: 9/10 vật chất “vô hình” kia đang nằm ở đâu và có những tính chất gì? Theo hai tác giả, để trả lời câu hỏi đó cần “một trí tưởng tượng khủng khiếp”. Có thể nói vậy chăng, về tầm vóc những con người khiêm nhường mà lớn lao như Lê Đại Cang? Cùng lắm, chúng ta chỉ mới thấy được 1/10 tầm vóc thực của ông.
Bài học về giữ vững niềm tin trong nghịch cảnh
Tôi lại xin trích một đoạn lời phát biểu của nhà thơ, nhà văn Nga vĩ đại Boris Pasternak trước Hội nhà văn Liên Xô, khi người ta âm mưu khai trừ ông ra khỏi cái Hội mà ông và những sáng tác của ông đã mang lại vinh quang cho nó: “Tôi biết rằng do những áp lực xã hội vấn đề khai trừ tôi ra khỏi hội nhà văn sẽ được đặt ra. Tôi không chờ đợi ở các bạn sự công bằng. Các bạn có thể bắn tôi, đày ải tôi, các bạn có thể làm tất cả những gì các bạn muốn, tôi xin nói trước là tôi tha thứ cho các bạn. Nhưng các bạn đừng có vội. Việc này sẽ chẳng đem lại cho các bạn hạnh phúc và vinh quang đâu. Các bạn hãy nhớ lấy, vài năm sau các bạn sẽ phải phục hồi cho tôi”.
Thực ra, phải ba mươi năm sau khi chết, Boris Pasternak mới chính thức được phục hồi tại nước Nga quê hương ông. Nhưng niềm tin ngay trong nghịch cảnh của Pasternak thì đã được khẳng quyết từ hơn ba mươi năm trước. Lê Đại Cang, tất nhiên khác Pasternak, cả về thời đại lẫn quốc gia, nhưng niềm tin ngay trong nghịch cảnh giữa hai con người vĩ đại này thì rất giống nhau. Lê Đại Cang cũng đã có được niềm tin ngay lúc đời ông lâm nghịch cảnh, bị cách chức, thậm chí bị “trảm giam hậu”, bị buộc phải làm lính khiêng võng, phải đi tiên phong giữa trận tiền như một dạng “lao công đào binh”. Ngay những lúc ấy mà vẫn tin mình sẽ có ngày được phục hồi, có ngày trở lại, thì một là tự tin vào sự ngay lành của mình, hai là tin vào sự sáng suốt của Vua. Lê Đại Cang may mắn đã có hai niềm tin ấy, và hai niềm tin ấy đặt đúng chỗ. Vua Minh Mạng đã chứng tỏ là một vị minh quân, dù không hề hoàn hảo. Mà có ai hoàn hảo trong cõi đời này, kể cả vua? Nhưng Minh Mạng đã nhận ra Lê Đại Cang, và đã hai lần đưa ông từ vai lính khiêng võng trở lại vị trí quan đại thần. Tất cả cũng là vì lợi ích quốc gia, không một chút vị kỷ nào ở đây hết. Trước một cuộc đời như cuộc đời Lê Đại Cang, người ta không chỉ kính phục mà còn có thể học hỏi nhiều điều từ đó.
Tôi đang chuẩn bị cho một trường ca về Lê Đại Cang, nhan đề “Người khiêng võng”. Đó sẽ là trường ca thứ 13 trong bộ sưu tập những trường ca của tôi, và tôi tin mình sẽ hoàn thành tốt. Vì nhân vật chính của trường ca này quá đặc biệt. Vì tôi đã có cơ may sống ở Bình Định 10 năm và sống ở chiến trường Nam bộ 5 năm. Vì khiêng võng cho quan cũng là một nghề hiện tôi vẫn làm, như tôi đã từng viết: “Làm báo kiếm sống thì khác nào khiêng võng cho quan”. Một tác phẩm có thể ra đời không chỉ từ xúc cảm, mà còn từ sự đồng cảm.
Thanh Thảo
Quảng Ngãi tháng 7.2016