Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang

(iHay) Một chị bạn từng nói với tôi rằng thức ăn ngon nhất là khi được chế biến đơn giản nhất, dùng ít gia vị nhất có thể. Thật tình thì tôi không đồng ý với quan điểm này, nhưng có một ngoại lệ là khi tôi được thưởng thức món thịt trâu nướng Lang Biang.


Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang - ảnh 1Trên bếp than hồng, miếng thịt trâu bóng lên loang loáng và tỏa một mùi thơm rất đặc trưng ngào ngạt
Tôi đã từng đến Lạc Dương (Lâm Đồng) nhiều lần. Bên dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, nơi biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa chàng Lang và nàng Biang luôn có những điều mê hoặc, khiến tôi cứ mãi luyến lưu để rồi nơi ấy lại thúc giục tôi tìm về mỗi khi đôi chân tù túng.
Đường đến nhà anh bạn tôi ở xã Lát có nhiều đoạn quanh co, dốc lên, dốc xuống, hai bên đường là những căn nhà nhỏ xinh xinh với giàn hoa trước cổng rất thi vị. Xa xa, những cánh đồng rau đang trổ màu xanh mướt.
Vừa đến nhà đã thấy anh bạn tôi đang nhóm lửa nướng thịt, những món khác thì đã bày sẵn. Tôi háo hức hỏi ngay: “Nướng thịt trâu hả?”. Anh bạn tôi đáp: “Ừ, thịt trâu, hôm nay uống với rượu sâm đỏ”.
Hẳn bạn tôi sẽ đôi phần buồn cười vì có lẽ mặt tôi lúc đó đang sáng rỡ lên như một cậu bé hào hứng nhận cái bánh, bịch kẹo từ tay mẹ mới đi chợ về. Thành thật là tôi rất mê món trâu nướng ở đây.
Anh bạn tôi đã nhóm lửa xong, tay thoăn thoắt thái thịt. Thịt trâu có màu đỏ sậm, thớ to, trong khi thịt bò có màu đỏ tươi, thớ nhuyễn. Những lát thịt trâu thái ra còn tươi rói được xếp ngay lên vỉ nướng chứ không cần tẩm ướp gia vị nào cả. Anh bạn tôi bảo thịt trâu tươi, chắc, nên chỉ cần để vậy nướng là đã ngon lắm rồi.
Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang - ảnh 2
Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang - ảnh 3Thịt trâu tươi, chắc, nên chẳng cần tẩm ướp mà đem nướng là đã ngon lắm rồi
Quả vậy, khi miếng thịt rỉ mỡ chảy xèo xèo trên bếp than hồng, miếng thịt trâu bóng lên loang loáng và tỏa một mùi thơm rất đặc trưng ngào ngạt khắp căn phòng. Khi chín, những miếng thịt trâu Lang Biang này không bị teo đi mà còn nở thêm ra.
Thịt chín tới, gắp miếng thịt còn tỏa hơi nóng hổi, đang bốc khói, không cần chấm mà đưa ngay vào miệng. Mùi thịt nướng thơm lừng. Vị ngon đặc trưng của thịt nướng đậm đà hơn bởi vị ngọt của thịt tươi. Bởi vậy mới nói thịt trâu nướng Lang Biang ngon không lẫn vào đâu được.
Nhấp thêm một ngụm rượu sâm đỏ, cái vị nồng cay cay, ấm ấm lại kích thích thêm vị giác, y như được chơi trò chơi cảm giác mạnh liên hoàn vậy.
Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang - ảnh 4Vị và hương miếng thịt cứ quyện vào nhau, quyến luyến nơi đầu lưỡi, chừng như đã nuốt rồi mà miếng thịt vẫn còn đâu đây trong miệng
Sở dĩ tôi bị kích thích như vậy là bởi loại thịt trâu Lang Biang này rất đặc biệt, độ chắc và ngon đã nổi tiếng từ lâu. Trước đây, hồi đất nước mới giải phóng, trâu Lang Biang luôn nổi tiếng về khoản “đi sau về trước”. Ấy là khi những người buôn trâu đem trâu Lang Biang xuống bán ở Sài Gòn. Dù lúc đó xe chở trâu từ các vùng miền khác đang phải xếp hàng đợi đến lượt mổ thì xe chở trâu Lang Biang luôn được ưu tiên đưa vào mổ trước.
Nếu đem một con trâu Lang Biang trông bằng hoặc nhỏ hơn trâu các vùng khác lên cân thì bao giờ cân nặng của chúng cũng nhỉnh hơn. Thịt trâu các vùng khác khi để một lúc sẽ ra nước nhiều, trong khi thịt trâu Lang Biang thì rất chắc và ít ra nước. Đó cũng là lý do mà miếng thịt trâu Lang Biang khi nướng chín không những không bị xẹp đi mà còn nở thêm.
Một điều lý thú nữa là từ khoảng 10 năm nay, trâu ở Lang Biang được lùa vào thả tự nhiên trong rừng chứ người dân ở đây hầu như không phải chăn nuôi.
Thơm ngào ngạt thịt trâu nướng Lang Biang - ảnh 5
5
Trâu Lang Biang được nuôi thả tự nhiên trong rừng 
Trước kia, khi người dân ở đây còn trồng lúa thì trâu được nuôi nhốt ở nhà để kéo cày. Nhưng từ khi nơi này chuyển sang trồng rau màu, cà phê thì người ta để chúng ở luôn trong rừng thành từng đàn, mỗi năm lùa về nhà một lần để tiêm phòng.
Từ đó, chúng sống như trâu rừng, khi nào cần thịt thì người dân sẽ vào rừng bắt về. Và cũng vì thế mà thịt trâu Lang Biang chắc và thơm ngon hơn bất kì loại thịt trâu nào mà tôi từng ăn.
Vũ Nhật Nguyên

Khó như tìm ăn trâu cỏ đồng ta

(iHay) Người ta hay than đời là bể khổ, còn trong bài vè cổ Lục súc tranh công (khuyết danh), trâu cũng khóc than kể lể thật chí tình. Vậy ai sướng hơn ai?



Khó như tìm ăn trâu cỏ đồng ta - ảnh 1Đôi khi, ta chán cơm - thèm trâu thổi kèn (kẹp bánh mì)  
Quá mười hai giờ đêm, bà chị tổng giám đốc vài công ty chuyên kinh doanh chất xám ở TP.HCM, còn ngồi làm việc, gửi mail để góp ý, chỉ đạo cho mấy cái báo cáo, đề xuất của một số chuyên gia dưới quyền. Người mỏi nhừ, chị vẫn cố nhướng mí mắt cày! Sáu giờ sáng hôm sau, chị lại bay sang Paris dự một hội chợ quan trọng rồi! Nghiệt thật, muốn mời chị một bữa thịt ngưu cũng khó!

Mòn mỏi trâu nội

Nhưng so ra, chị vẫn chưa khổ bằng ông anh xứ công tử Bạc Liêu. Thời vàng son, anh từng là một sếp trọng trọng (khá lớn) ở tỉnh. Nay bôn ba đi săn dự án. Hơn năm trước, anh khoe đang bắt tay làm một dự án bệnh viện nghỉ dưỡng cao cấp. Thế nhưng, chạy lên - xuống giữa Bạc Liêu - Sài Gòn - Hà Nội mỏi mê, anh vẫn chưa nhận được đồng nào từ một tổ chức phi chính phủ.

Cũng cần nói thêm, anh thuộc hàng cao thủ sành ăn. Chưa kể, anh từng là mục đồng thủ lĩnh nơi cánh đồng “chó ngáp” miệt Minh Hải xưa. Thế nên, các món trâu nóng trâu lạnh, trâu ướt trâu khô anh đều ăn mòn răng.
 
Khó như tìm ăn trâu cỏ đồng ta - ảnh 2Bầy trâu xứ Chùa Tháp này, đã “quen nước quen cái” vùng biển Gò Công hơn một năm 

Vậy cớ sao anh lại khen thật lòng miếng nạc trâu xách tay kho sả bình dị tôi mời? Có thể, tuy dung dị, nhưng nó hòa quyện được mùi vị mê hoặc của nhiều loại tinh dầu: sả, nghệ, ớt... thấm đẫm chân quê! Và đặc biệt là, nổi bật độ ngọt bùi của từng lát thịt. Hoặc giả, tôi đã nhẹ nhàng khơi đúng mạch nguồn ký ức tuổi thơ dữ dội nơi anh. Nghe như, có tiếng vặn sừng kêu răng rắc của con đực xóm trong với “chúa tể” xóm giữa. Tiếng í ới của xóm giềng lam lũ, rủ nhau tới gốc cây me cổ thụ nhà anh chia thịt con trâu già. 

Tóm lại, đấy là sự đồng điệu, cảm thông của thằng em tóc bạc với ông anh tóc đen. “Nhưng sao kêu trâu xách tay ngộ vậy chú?", ông anh tò mò hỏi. Tôi bảo: "Có chỗ, họ nấu nướng sẵn từng phần nhỏ. Thèm, mình ghé qua xách đi và gửi lại tiền. Tiện lợi quá tay!”.

Chưa kể, xu hướng tiêu dùng mới ở Mỹ đang bỏ bò theo trâu. Bởi, người ta lập luận công nghệ nuôi bò của: Úc, Mỹ...; quá bài bản nên vuột mất yếu tố tự nhiên. Trâu thì đỡ hơn. Mặc khác, tỷ lệ mỡ trong thịt trâu cũng ít hơn bò, rất có lợi cho những con tim... xanh xao!

Hên xui trâu ngoại

Nhờ vậy, dân Ấn Độ, đang “dễ thở” hơn vì xuất được trâu chất lượng sang nhiều nước, có cả Việt Nam. Còn nhớ, khoảng 6 - 7 năm trước, có công ty nhập trâu Ấn đàn về “rộng” chỗ bãi cỏ gần cầu Bình Triệu ở Sài Gòn, xẻ thịt bán dần. Chạy mua phần nạc, ướp giản tiện với chút muối ớt, đem nướng tảng cùng bầu bạn - ngọt mềm khỏi chê! Buồn thay, nay thường là trâu ngủ đông (hàng đông lạnh) nên bớt mê.

Đành cặm cụi tìm trâu tơ ăn cỏ đồng ta, nhưng mất ba mùa lúa, mới có tin vui. Một nguồn tin mách nhỏ cái quán bán trâu 'đồng quê' trên đường Nguyễn Đức Thuận, quận Tân Bình.
 
Khó như tìm ăn trâu cỏ đồng ta - ảnh 3Dễ mê! Trâu nướng sa tế

Quán bình dân nên phần trình bày không được bắt mắt, nhưng khi nhai cặp dưa – trâu mới giật mình nhận ra chúng là cặp đôi... tiền định. Chỉ biết tặc lưỡi trách mình có mắt như mù. Chút men chua của dưa cứ dìu dịu, như nâng đỡ miếng thịt trâu mộc mạc thêm sang cả và lâu ngán hơn. Mỗi tội, dưa âm thầm giấu muối trong... bụng nên có hậu mặn. Chẳng biết đầu bếp vô tâm hay cố tình không xả mạnh muối trong dưa, nhằm dễ bán bia chăng?

Tuy nhiên, nếu kết hợp món này với 5 - 7 lát khế chua hườm (hơi ửng hồng) vị ngon sẽ đề huề hơn. Mặc dù vậy, chủ quán nói giọng Huế vẫn khăng khăng bảo rằng món kia đã ổn. Với lại, thịt trâu nguyên liệu ở đây vẫn là hàng nhập. Mặc dù, miếng thịt còn khá tươi so với những quán bình dân tương tự, ở các quận Tân Bình - Tân Phú.

Chỉ còn đường vọt ra vùng Đức Hòa (Long An), vào thẳng lò mổ gọi lớn một dĩa “cơm trâu” xem ra chắc ăn hơn. “Trâu mình kiếm đâu ra, toàn trâu Cam, Lào... không hà mấy chú ơi!”, thằng bé phụ việc ở đây cười hết cỡ khoe hàm răng sún tiết lộ.

Thôi, trâu nào cũng vắt vẻo tình! Chợt vui lại, khi nhớ lời của một anh bạn giám đốc nọ: “Ê! Xưa chăn trâu là khổ. Nay có trong tay bầy trâu cỡ 100 - 200 con là thuộc hàng trung gia nghe mậy!”

Tấn Tr

Đậm đà canh cá trê đồng nấu đọt ớt

(iHay) Cá trê đồng có nhiều loại như cá trê trắng, cá trê dừa, cá trê vàng... Ưu điểm của cá trê là ngọt thịt, bổ dưỡng lại nhờ có sự kết hợp hài hòa của gia vị càng giúp cho thịt cá có mùi vị ngon đặc trưng. Đặc biệt cá trê đồng có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như nấu đọt ớt, kho gừng, nấu canh chua, nấu rau răm, chiên giòn, nướng...


Đậm đà canh cá trê đồng nấu đọt ớt - ảnh 1Nguyên liệu cho nồi canh cá trê - Ảnh: Thanh Ly
Muốn có món canh cá trê nấu đọt ớt ngon, phải chọn loại trê vàng, thịt săn chắc. Cá trê đem về thả trong thau nước, thay nước nhiều lần cho cá nhả bớt chất nhớt rồi cẩn thận móc bỏ mang, ruột cá, cắt bỏ vây. Má tôi thường dùng lá tre vuốt hết chất nhớt trên mình cá rồi rửa sạch cá bằng rượu gừng để loại bỏ mùi tanh.
Cá được cắt thành những lát dày, ướp chừng mười lăm phút với các loại gia vị: muối, nước mắm, bột ngọt, hành, tỏi, đặc biệt không thể thiếu nghệ tươi giã nhỏ. Trong khi chuẩn bị cá nấu canh, rảnh tay chạy ra vườn hái ớt. Lựa cho được những đọt ớt non màu xanh mơn mởn còn đọng những giọt nước mưa, loại đọt ớt như thế sẽ có vị ngọt thơm, không đắng.
Cá sau khi đã ướp thấm, cho vào nồi nước đang nấu sôi. Nêm thêm nước mắm cho vừa khẩu vị. Sau cùng, thả đọt ớt đã rửa sạch, để ráo vào. Chờ nước sôi bùng, lá ớt ngả màu sẫm, nêm lần cuối và cho một ít hành lá xắt khúc vào rồi nhanh tay nhấc xuống ngay. Tuyệt đối không để lá ớt mềm nhũn vì như vậy canh sẽ mất ngon. Canh cá trê nấu đọt ớt ăn với cơm nóng và chấm cùng nước mắm ớt hiểm lại càng ngon hơn.

Thanh Ly

Tìm ăn món Huế 'chính hiệu' ở Sài Gòn

(iHay) Nhà văn Mường Mán chia sẻ rằng, cách đây hơn 11 năm, khi có ý tưởng mở quán Huế ở Sài Gòn, thì đã có trên 100 quán Huế rồi. Cũng như những cái tên hay và gợi nhớ đến Huế họ đã đặt hết.

 Tìm ăn món Huế 'chính hiệu' ở Sài Gòn - ảnh 1Món vả trộn ở quán Ruốc được làm từ trái vả Huế và tôm thịt, một món rất đặc trưng của Huế
Là người làm sau đương nhiên phải nghĩ ra cách độc đáo hơn, hay hơn và làm tốt hơn thì mới mong được thành công. Chỉ nội một cái tên quán, nhà văn, nhà thơ Mường Mán trằn trọc suốt ba tháng trời mới òa ra được một chữ:Ruốc. Nhiều Việt kiều Huế xa quê hương lúc về ghé quán tâm sự với ông: chí lí thật, vừa ngắn gọn, vừa nói lên được linh hồn món Huế.
Đa phần các món ăn ngon của Huế, từ món cung đình cho tới bình dân đều phải cần tới mắm ruốc (làm từ con khuyết biển) để tạo hương vị đặc trưng cho các món như bún bò, cơm hến, các món canh nấu hàng ngày, thịt luộc chấm ruốc… Với tên “Ruốc”, nhà văn đã “điểm huyệt” cho món Huế một cách nên thơ và giản dị, mộc mạc đến lạ thường. Người ta thường gọi vui người Huế là “dân mắm ruốc” là vì vậy.
Với tên “Ruốc”, nhà văn đã “điểm huyệt” cho món Huế một cách nên thơ và giản dị, mộc mạc đến lạ thường. Người ta thường gọi vui người Huế là “dân mắm ruốc” là vì vậy.
Nhà văn mở quán nên quán Ruốc mang dấu ấn của người làm nghề sáng tạo. Mỗi tuần, hàng tươi sống và các loại mắm được chuyển bằng máy bay và xe tải từ Huế vào Sài Gòn.
Theo nhà văn Mường Mán, khi đã bán món gốc vùng nào thì phải dùng nguyên liệu của vùng đón mới ra đúng hương vị. Sài Gòn bán món Huế kiểu Sài Gòn thì ông nấu món Huế kiểu Huế, vậy là không “đụng hàng”.
Mắm ruốc ở Huế khác với mắm ruốc ở các vùng khác, bởi vậy phải dùng mắm ruốc Huế mà nấu mới ra bún bò Huế. Sài Gòn cũng bán trái vả, nhưng phần nhiều là vả Long Khánh hay Lâm Đồng, trong khi đó trái vả Huế nhỏ hơn nhưng vị ngọt hơn, có thể để lâu mà không bị bầm.
Sài Gòn cũng có cá dìa, cá hanh, cá ngạnh, cá ong…nhưng không ngon bằng Huế, bởi vậy, chỉ trừ mùa bão lụt, còn lại thì nhà văn phải nhập nguyên liệu từ Huế mới đảm bảo yêu cầu khắt khe của mình. Chưa kể, các loại rau đặc sản Huế thường được trồng trên đất mà vua chúa xưa đã chọn (phàm vua chúa đã chọn thì cái gì cũng phải là ngon nhất).
Tìm ăn món Huế 'chính hiệu' ở Sài Gòn - ảnh 2Món bún giấm nuốc, đặc sản của Huế tại quán Ruốc, ăn vào mùa hè rất mát, đặc biệt vì con nuốc chỉ có trong mùa hè. Đây là một loài cùng họ với sứa, rất khó tìm thấy ở ,Sài Gòn
Tìm ăn món Huế 'chính hiệu' ở Sài Gòn - ảnh 3Món chè bột lọc bọc heo quay tại quán Ruốc, chỉ làm khi có khách đặt hàng. Đây là món chè rất đặc biệt của ẩm thực xứ Huế bởi trong là nhân mặn, ngoài là nước đường

Ông chia sẻ, ngay tại Huế, nhiều nơi cũng bán món Huế “mất gốc” nhiều lắm, lý do là bị xâm thực bởi nuông chiều theo du khách, người ở vùng khác tới Huế, rồi người nấu ăn giỏi đã bỏ quê hương mà đi hoặc khuất núi, chỉ còn số ít giữ lại “giềng mối” ẩm thực, cách nấu ăn cổ xưa.
Ẩm thực Huế ở quán Ruốc là món ăn Huế cổ xưa do mẹ nhà văn truyền lại cho con dâu là cô Phương Bình (vợ của nhà văn). Hằng ngày, để món ăn luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất, cô Bình vẫn phải dậy sớm đi chợ và lựa chọn nguyên vật liệu, đồng thời vẫn là bếp trưởng của quán.
Nhiều người Huế thành đạt tại Sài Gòn đã chọn quán Ruốc là nơi để thưởng thức ẩm thực Huế đúng nghĩa. Những Việt kiều Huế mỗi khi rời Sài Gòn không quên đặt những món bánh Huế rồi cấp đông để mang tận sang trời Tây ăn cho đỡ thèm.
Nữ Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cũng nhiều lần ghé quán Ruốc và công nhận rằng món ăn ở đây “rất Huế”. Nhà văn Mường Mán bảo, "Đối với tôi, đó cũng là một khích lệ để duy trì với cách nấu với nguyên liệu gốc của mình".
Một địa chỉ hiếm hoi để thưởng thức món Huế chính gốc ở Sài Gòn. Với một người đa tài như nhà văn Mường Mán (gọi vậy chắc là chưa đủ, bởi ông còn là nhà thơ, nhà biên kịch, "nhà" hội họa, và cả "nhà" doanh nhân nữa) thì có lẽ đây như một duyên nợ. Của một người Huế kiên định với những tinh hoa ẩm thực đất Cố Đô.
Giang Vũ

'Kể công' trái vả xứ Huế

(iHay) Trái vả xứ Huế dù đóng vai chính hay vai phụ đều góp công lớn làm nên những bữa ngon tròn vị cho người thưởng thức.



Vả hầm sườn non – đệ nhất canh hầm
Vả Huế toàn tập 5Canh vả hầm sườn non - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Riêng với món vả hầm sườn non, bạn không cần luộc trước mà gọt vỏ nguyên trái vả tươi rồi cắt thành từng lát dày để vả không bị nát khi hầm.
Sườn non heo bạn chặt khúc vừa ăn, rửa sạch với muối, sau đó phi tỏi rồi cho sườn vào xào cho săn. Tiếp theo, bạn cho nước vào, hầm khoảng 15 phút thì cho vả vào, nêm nếm với đường, muối, bột ngọt và một ít nước mắm. Hầm thêm đến khi cả sườn và vả mềm thì tắt lửa, rắc hành lá cắt nhuyễn lên. 
Vị ngọt béo của sườn non và vị chát bùi của vả là một sự kết hợp tuyệt vời cho một món canh ngon. Cứ húp thử một muỗng canh, tin chắc bạn sẽ nuông chiều cho sự bốc đồng của mình mà phong tặng danh hiệu “đệ nhất canh hầm” cho món vả hầm sườn non.
Đậm đà như vả kho thịt
Vả Huế toàn tập 6Vả kho thịt gà - Ảnh: Thanh Ly
Vả có thể được kho chung với nhiều loại thịt khác nhau như thịt heo, thịt gà, thịt bò, cá rô, cá nục, cá ngừ,… Thịt (hoặc cá) được ướp với nước mắm, đường, bột ngọt, hành tím khoảng 30 phút. Vả sau khi sơ chế thì được cắt thành từng miếng dày. Phi thơm tỏi, cho thịt (hoặc cá) đã ướp vào nồi đảo sơ, đổ vào một ít nước, khi nước sôi thì cho vả vào rồi kho tiếp với lửa nhỏ. Đến khi thịt chín, vả mềm thì nêm lại với đường và nước mắm.
Nếu bữa cơm gia đình có món vả kho thịt, thì bạn đừng ngạc nhiên khi những miếng vả thấm đẫm hương thịt vị mắm cứ vơi nhanh theo nồi cơm.
Vả và các món cuốn
Vả Huế toàn tập 7Món nem lụi cuốn bánh tráng được ăn cùng trái vả - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Ngoài những món ngon kể trên, vả còn được xếp chung với các loại rau sống để cuốn bánh tráng. Dù là bánh tráng cuốn thịt luộc, cá hấp, bánh khoái hay nem lụi thì sự góp mặt của vả cũng làm cho món cuốn của bạn thêm ngon, thêm lạ và thêm hương vị Huế. 
Ngày nay, trái vả dân dã đã có mặt trong những nhà hàng sang trọng của xứ Huế. Nhiều người cho rằng loại trái cây vừa chát vừa rẻ tiền này chỉ dành cho người nghèo. Nhưng với tôi, nếu như cơm âm phủ của người dân lao động có thể trở thành món ăn cung đình thì trái vả cũng có thể “đổi đời” thành đặc sản nhà hàng. Với ẩm thực Huế, mọi thứ đều có thể.

Phạm Như Quỳnh

'Đa tài' như trái vả xứ Huế

(iHay) Dù chỉ cần ra chợ gần nhà là có thể mua được trái vả nhưng tôi nhất định phải mang vài ký vả về từ chuyến du lịch Huế cho có 'không khí cố đô' thực thụ trên mâm cơm gia đình.


Vả Huế toàn tập 1Bánh khoái được ăn cùng trái vả trong một nhà hàng ở Huế - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Tuy trái vả có mặt ở nhiều vùng của nước ta, nhưng chẳng hiểu sao khi nhắc đến vả là tôi lại nhớ đến Huế. Có lẽ là vì những đầu bếp gia đình của vùng đất tinh hoa ẩm thực đặc sắc này từ lâu đã đem vả vào những bữa ăn dân dã, làm nên không chỉ một mà rất nhiều món ngon ấn tượng. Khen trái vả xứ Huế "đa tài" là vậy.
Sơ chế vả
Vì vả có vị chát đặc trưng, nên bạn cần luộc trước khi chế biến cho vơi đi vị chát. Sau khi luộc thì gọt vỏ và cắt vả thành từng lát mỏng. Chỉ việc cắt vả thôi đã là một nghệ thuật: cắt quá mỏng thì vả mất giòn, cắt quá dày thì vả mất ngon. Và đã là món ăn Huế thì không chỉ ngon, mà còn phải đẹp. Vì vậy, bạn phải cắt dọc vả theo hình tròn của trái để những lát vả lộ ra ba lớp màu: phần thịt vả xanh bên ngoài, phần thịt trắng ở giữa và phần ruột hồng bên trong.
Vả chấm mắm ruốc Huế
Vả Huế toàn tập 2 Vả và mắm ruốc Huế - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Đến Huế, nếu đã mua vả thì chớ quên mua thêm một hũ mắm ruốc Huế. Chỉ cần pha ruốc Huế với chanh, tỏi, ớt, đường là đã có một “nàng thơ” cho chàng vả sánh đôi. “Cặp đôi” này nếu làm bạn với cơm nóng thì mau vét nồi, còn chỉ ăn với nhau thì… hao bia phải biết! Vì sao ư? Vị mặn của mắm, vị cay của ớt và vị chát của vả chẳng phải là những hương vị “rất đắt” cho các quý ông lai rai hay sao?
Thổn thức với vả trộn xúc bánh tráng
Vả Huế toàn tập 3Vả trộn xúc bánh tráng - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Vả trộn xúc bánh tráng là bữa trưa của nhà nông lam lũ, là món ăn vặt của sinh viên, là món lai rai của nhân viên văn phòng và là món khai vị của doanh nhân. Nói thế nào thì cũng đúng vì vả trộn xúc bánh tráng được xem là món ăn phổ biến nhất làm từ trái vả, có mặt khắp nơi ở Huế từ bữa cơm gia đình cho đến vỉa hè hay nhà hàng.
Đối với món này, sau khi làm xong công đoạn sơ chế ở trên thì bạn dùng tay bóp từng nắm vả cho khô nước (để vả giảm bớt vị chát). Chú ý là đừng vắt quá mạnh sẽ làm vả bị gãy, nát. Sau đó, bạn luộc chín thịt ba rọi (hoặc thịt nạc tùy thích) rồi cắt mỏng. Tôm thì lột vỏ rồi xào xơ với tỏi và hành tím. Theo kinh nghiệm của một đầu bếp Huế chính hiệu, nếu dùng tôm luộc để trộn thì tôm sẽ mất đi vị ngọt vốn có, tôm phải xào thì mới giữ được vị ngọt mà lại thơm ngon hơn. Tiếp đến, bạn trộn tất cả những nguyên liệu trên (vả, tôm, thịt) với mè rang, rau răm, muối, tiêu, đường và ớt bột Huế.
Nếu muốn ăn vả trộn đúng chất Huế, thì bạn hãy làm một chén mắm ruốc (cách pha như món vả chấm ruốc) để ăn cùng. Còn nếu thích ăn vả trộn Huế kiểu … miền Nam thì hãy cho thêm một ít đậu phộng rang lên dĩa vả trộn rồi làm một chén nước mắm chua ngọt với chanh, tỏi, ớt, đường. Đừng hỏi người viết kiểu nào ngon hơn, vì món nào cũng khiến người ăn phải phát ghiền.
Lưu ý cuối cùng và rất quan trọng, ăn món vả trộn thì phải xúc bằng “muỗng” bánh tráng thì mới thật phong cách. Hãy nướng thật giòn thật thơm vài cái bánh tráng mè, bẻ nhỏ một miếng, xúc lên ít vả trộn đầy hương sắc, chấm với nước mắm tròn vị rồi thong thả từ từ cho vào miệng. Ăn món cố đô phải theo phong cách từ tốn của người cố đô thì mới đúng điệu, mặc cho các vị ngọt, chát, mặn, cay, béo của vả trộn đang làm bao tử của bạn thổn thức.
Canh vả nấu tôm – canh sim lo kiểu Huế
Vả Huế toàn tập 4Canh vả nấu tôm - Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Để làm món này, bạn chọn tôm thật tươi, lột vỏ, bỏ vào nồi ướp với tiêu, nước mắm, muối, đường, bột ngọt. Ướp khoảng 15 – 30 phút thì đổ nước dùng vào (nếu không có nước dùng thì thay bằng nước nóng), cho vào nồi một ít mắm ruốc Huế, nêm nếm lại, chờ nước sôi thì cho vả (đã sơ chế) vào. Khi vả vừa chín tới, cho thêm hành lá là có được nồi canh vả nấu tôm vừa thơm vừa lạ miệng.
Món này làm tôi chợt nhớ đến món canh bầu sim lo của quê ngoại (Trà Vinh), cũng mắm cũng tôm, cũng thơm cũng lạ. Cái khác ở đây là canh bầu sim lo mang cái vị đậm đà chân chất của miền Tây, còn vị chát bùi của vả và hương thơm của ruốc lại mang đến cho người thưởng thức một cảm giác vừa lạ vừa quen, tuy xa mà gần, một kiểu canh sim lo rất Huế.
Phạm Như Quỳnh

'Rất đã' gỏi vả miền Trung

(iHay) Một nhạc sĩ nổi tiếng đã viết, đại thể, về miền Trung là về miền thùy dương. Vâng, hình ảnh thùy dương reo trong gió thật là đẹp. Nhưng vì mình trót nổi tiếng là có tâm hồn… ăn uống nên vẫn thích cây vả hơn. Có lẽ vì cây vả cho quả trĩu cành, cho mình những buổi trưa trốn ngủ, hét la đùa nghịch dưới tán lá bao dung, cho tuổi thơ mình những món ăn bình dị mà gây thương gây nhớ.


Rất đã gỏi vả miền Trung
Cây vả “bà con” khá mặn mà với cây sung nhưng lá to hơn và trái cũng lớn hơn, dày cơm hơn sung. Khi chín, trái vả có màu đỏ như trái sung. Làm món ăn, trái sung xách dép chạy theo trái vả cũng không kịp. Dù vậy, trái sung có một niềm an ủi là được nhiều người ưa chuộng bởi cái tên gợi ước mơ về cuộc đời “sung túc”. Còn trái vả ư? Cái tên nói lên điều gì có vẻ không “nhàn nhã” cho lắm, nói cách khác là “vất vả”, nhưng lại cho con người những phút giây khề khà thư giãn bên những đĩa thức ăn bình dị mà rất đậm đà.
Rất tự nhiên, mình lại nhớ mẹ đã cho mình bài học “bình dân” từ trái vả. Người thường dẫn câu thành ngữ “lòng vả cũng như lòng sung” với ngụ ý là lòng ta cũng như dạ người. Lòng ta sao thì dạ người vậy. Đừng có vội phê phán chê bai người khác mà không tự soi xét bản thân mình, không tự sờ vào gáy của chính mình.
Cây vả cho trái quanh năm nhưng rộ nhất là độ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch. Những cành không có lá là nơi trái vả “bu” đầy, chen chúc, lúc nhúc đến mức đếm không xuể. Ngay cả dưới gốc, vả từ trong thân cây cũng “trào” ra cơ man những trái là trái. Chơi đùa đã đời dưới tán “dù” to rộng của cây vả, khi thấm mệt thì lũ trẻ bọn mình hái vả ăn cho mát. Những trái vả chín đỏ cho vị ngòn ngọt thanh thanh. Tụi mình cứ ngồi dưới vòm lá biếc mà nhâm nhi, nheo mắt nhìn trời xanh qua kẽ lá.
Trẻ con, với trái vả thì chỉ ăn tại gốc như vậy thôi. Nhưng người lớn thì khác. Họ làm đủ thứ món: Phơi khô những trái đã chín rồi chưng với đường, gọi là mứt vả để đãi khách. Bóc vỏ, ngâm với nước nóng vài phút cho bớt chát rồi xắt lát trộn với rau sống, chấm mắm, kho cá, nấu canh với móng giò heo đều ngon miệng. Những món ấy, qua bàn tay mẹ, mình đều được ăn cả. Món nào cũng có cái ngon đặc trưng của nó. Nhưng mình vẫn thích nhất là gỏi vả.
Gỏi vả cùng hội cùng thuyền với những con tôm đồng và một ít thịt ba chỉ. Chọn những trái vả to, cơm dày, gọt vỏ rồi ngâm sơ qua nước nóng trước khi xắt nhỏ. Tôm đồng lột vỏ tao với tỏi và dầu ăn. Thịt ba chỉ luộc chín, xắt sợi nhỏ. Tất cả đem “phối” với nhau, trộn cho đều rồi rưới thêm nước mắm chanh, ớt, tỏi, đường. “Đó thực sự là món gỏi làm hân hoan các giác quan chuyên về ẩm thực”, bạn mình ở phố về nói thế sau khi được mẹ mình đãi món này. Riêng mình chỉ biết hít hà, nói "rất đã gỏi vả quê hương". Chứ còn gì nữa? Sợi vả bùi bùi, beo béo, chát chát cùng… “hát” với cái ngòn ngọt của thịt của tôm, cái chua chua thơm thơm của chanh, cái nồng nàn của ớt tỏi khiến người ăn ngỡ ngàng tưởng mình đang trong cuộc “liên hoan” ngập tràn hương vị.
Trần Cao Duyên

Trái vả trong ẩm thực xứ Huế

Chỉ ở Huế, cây vả mới được trồng làm thực phẩm. Vả thuộc họ sung nhưng trái to hơn rất nhiều. Trong Nam, trái sung tượng trưng cho sự sung túc nên thường có mặt trong mâm ngũ quả ngày tết, nhưng ít khi dùng để ăn. Ngược lại, nhiều nhà vườn xứ Huế tránh trồng cây vả ở sân trước vì cái tên cây gợi nhớ từ “vất vả”, nhưng trái vả lại là một nguyên liệu đặc trưng trong ẩm thực xứ Huế.
Trái vả sống có vị chát nên thường được thái mỏng, thêm vào đĩa rau sống cho đủ mùi vị. Nhưng khi luộc chín và chế biến thành món ăn, trái vả lại có vị ngọt ngọt, bùi, bở rất riêng. Với trái vả, những đầu bếp Huế có thể chế biến thành nhiều món khác nhau.

DN593_Amthuc230115_Trai-va
Cây vả

Món đầu tiên và cũng là món được yêu thích nhất, vốn rất phổ biến trong bữa ăn hằng ngày trong các gia đình người Huế, bỗng một ngày trở thành đặc sản nhà hàng món Huế là vả trộn xúc bánh tráng nướng. Vả được rửa sạch, để nguyên trái luộc chín. Công đoạn này khá mất thời giờ vì vả rất lâu chín, nếu luộc không chín tới thì món vả trộn sau này ăn sượng, không ngon. Trái vả tươi màu xanh, khi luộc chín có màu nâu hồng. Vả luộc được gọt sạch vỏ, thái lát mỏng, dùng tay (hoặc gói vào khăn vải) vắt nhẹ cho bớt nước rồi đem xào với tôm, có khi thêm ít thịt heo, gia vị cùng rau răm xắt nhỏ, rắc thêm ít mè trắng hoặc đậu phộng rang giã nhỏ, bên trên bày một ít rau ngò nữa. Thường ngày đây là một món ăn trong bữa cơm gia đình, còn các dịp tiệc tùng hay ở nhà hàng thì trở thành món khai vị, ăn với bánh tráng gạo nướng loại dày. Bánh tráng nướng giòn, những lát vả bở, bùi và ngọt, rau răm và mè rang thơm thơm cộng hưởng thật là tuyệt hảo, nhẹ nhàng và thanh cảnh…

DN593_Amthuc230115_Trai-va 2
Vả trộn

Tết Huế không thể thiếu nem, chả, tré và thêm một thẩu vả chua ngọt để ăn kèm. Trái vả tươi được gọt sạch vỏ, ngâm nước có vắt chút chanh cho trắng (một thủ thuật nhỏ để có được những bông hoa vả trắng giòn), sau đó được tỉa thành từng cánh đủ dày cho giòn nhưng không rời ra rồi đem ngâm giấm pha muối, đường. Sau một thời gian, vả ngâm trắng phau thấm gia vị giòn tan, chua chua ngọt ngọt thật hấp dẫn. Trái vả còn được cắt dày kiểu múi cau rồi kho xăm xắp với thịt heo, cũng là một món phổ biến trong bữa cơm gia đình ngày thường ở Huế. Vả kho có màu nâu tím khá đẹp mắt, rất… Huế. Một cách ăn đơn giản nữa là vả luộc chín, xắt lát mỏng, vắt khô rồi chấm với nước mắm tỏi ớt chanh, rất thích hợp với ai thích ăn cay.
Ẩm thực Huế chú trọng ăn theo mùa. Trái vả phải đúng mùa mới ngon. Những trái vả trái mùa bên ngoài đã xấu xí, bên trong lại thâm đen, vị chát, không giòn. Vả đúng mùa tươi rói, ruột đỏ hồng, thịt trắng. Người nội trợ giỏi phải biết lúc nào thì nên mua vả về chế biến thành món ăn.
Dương Lâm Anh (DNSGCT)

Quán bánh đa bò nhừ 20 năm nức tiếng phố 'nghệ sĩ' Hải Phòng

(iHay) Bát bánh đa bò nhừ với thứ nước giấm vừa chua cay lại vừa ngọt không đổi vị suốt 20 năm qua là món ăn sáng được nhiều người lựa chọn nhất trong khu phố dành cho giới nghệ sĩ đất cảng.


Quán bánh đa bò nhừ của bà Toán không đổi vị trong suốt 20 năm quaQuán bánh đa bò nhừ của bà Toán không đổi vị trong suốt 20 năm qua
Trong một lần ra TP.Hải Phòng công tác, tôi được anh bạn dẫn đi ăn sáng tại quán bánh đa bò nhừ ở ngõ Đồng Tâm, quận Ngô Quyền. Quán nằm trên vỉa hè của một khu tập thể cũ kỹ, bạt giăng phía trên, nhìn không có gì đặc biệt. Thế nhưng vừa mới sáng sớm, quán đã đông nghịt khách. Mọi người ngồi kín những chiếc bàn xếp thành dãy ngang dọc, người đang xì xụp bát bánh đa bò nhừ, người thì ngóng tới suất của mình.
Bà chủ quán tên Toán, 70 tuổi tay thoăn thoắt lấy bánh đa nhúng nước sôi rồi chuyển cho con dâu múc nước dùng đang bốc khói nghi ngút, rồi chuyển cho người con trai bê ra cho khách. Bà Toán cũng bán cả thịt xá xíu nhưng bánh đa bò nhừ vẫn là lựa chọn số một của hầu hết các thực khách đến quán.
Bát bánh đa bày ra trước mặt không có gì đặc sắc, một chút hành lá rắc trên bát nước dùng không sóng sánh quyến rũ nhưng chỉ khi ăn thì mới cảm nhận được vị ngon tiềm ẩn. Miếng thịt bò đưa lên miệng có thể ngửi thấy ngay mùi thơm, khi cắn miếng thịt rất dẻo, lại ngọt đượm, không bị ngán. Gọi là bò nhừ vì thịt bò được hầm kỹ, ăn tuy dẻo nhưng khá mềm.
Bát bánh đa không có gì đặc sắc nhưng khi ăn thì mới cảm nhận được vị ngon tiềm ẩn.Bát bánh đa không có gì đặc sắc nhưng khi ăn thì mới cảm nhận được vị ngon tiềm ẩn.
Lạ nhất là nước giấm ăn kèm với bánh đa bò nhừ do chính tay bà Toán tự làm. Nhìn lọ nước giấm đỏ ớt, người không ăn được cay sẽ sợ. Nhưng khi cho một muỗng giấm vào sẽ làm bát bún có vị cay của ớt, chua của giấm nhưng hơi ngọt ngọt và có mùi thơm rất lạ.
Khi được hỏi bí quyết để chế thứ nước giấm độc đáo như vậy, bà Toán cho biết đó là bí quyết nhà nghề, nhờ lọ nước giấm mà “cân” lại cả nồi nước dùng nên không thể tiết lộ. Về thịt bò nguyên liệu, đó là phần thịt ở mạng sườn bò, tẩm ướp gia vị trước khi cho vào ninh trong khoảng 2 giờ.
Con trai, con dâu hỗ trợ bà phục vụ kháchCon trai, con dâu hỗ trợ bà phục vụ khách
Người Hải Phòng thường ăn bánh đa đỏ, nhưng bà Toán lại dùng bánh đa trắng để ăn với thịt bò nhừ. Theo bà Toán, món bánh đa bò nhừ mà bà chế biến chưa một lần đổi vị trong suốt 20 năm qua. Nhờ thế mà số khách quen hơn chục năm của quán bà không phải là ít, trong đó có nhiều nghệ sĩ của Hải Phòng. Người đến ăn gọi bà Toán là “u”, “bà già bò nhừ” nhiều hơn tên cúng cơm của bà.
Nói về quán bún trứ danh đất Cảng, bà Toán cho biết nó được gây dựng từ sự tâm huyết và chắt chiu kinh nghiệm từ thời gian khó. “Tôi vẫn còn nhớ lời bố tôi dặn khi tôi mở quán bún này, đó là “hữu xạ tự nhiên hương”. Hàng ngày tôi chỉ biết làm thật tốt để khách thấy ngon miệng. Nhiều người khuyên tôi mở nhà hàng nhưng tôi gạt đi, chỉ bán trước cửa nhà mình thôi”, bà Toán chia sẻ.
Khách đông nghịt, ngồi kín những chiếc bàn xếp thành dãy ngang dọc tại quán bánh đa bò nhừ của bà Toàn.Khách đông nghịt, ngồi kín những chiếc bàn xếp thành dãy ngang dọc tại quán bánh đa bò nhừ của bà Toán.
Đặng Tuyền – một nhân viên truyền thông tại Hải Phòng cho biết ăn bánh đa bò nhừ bà Toán từ nhiều năm trước. “Mỗi lần đi xa về là tôi lại tới quán để ăn sáng cho đỡ nhớ. Tôi ăn ở đây quen tới mức cứ thấy tôi là bà biết phải làm những gì”, Tuyền cho biết.
Ngõ Đồng Tâm trầm lặng giữa phố phường tấp nập là nơi giao lưu của giới văn nghệ sĩ đất Cảng từ thời trước giải phóng đến bây giờ. Đây thực sự là nơi lưu giữ ký ức của nhiều người dân đất Cảng khi có những khu tập thể cũ dưới tán cây và cả những hàng quán bình dân mà hấp dẫn. Bát bánh đa bò nhừ của bà Toán níu giữ những ký ức về một thời đã qua.
Thanh Đông

Những quán ngon phải ghé thử khi đến Hải Phòng

(iHay) Danh sách những địa chỉ quán ngon và đáng tin cậy dưới đây đã được người viết trực tiếp trải nghiệm cùng 'thổ địa' Hải Phòng. 


1. Bánh mì cay
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 3
Bánh mì cay là món ăn đường phố nổi bật nhất của Hải Phòng.  Người sành ăn thường tìm đến mua bánh mì cay của quán anh Tiến phố Đinh Tiên Hoàng.
Có ba điểm hấp dẫn để tạo nên dấu ấn của một quán bánh mì cay trong lòng người ăn là bánh mì, pa tê và tương ớt. Chiếc bánh thon dài, nướng trên than hồng đến vàng ruộm, giòn tan, chưa ăn đã thấy mùi thơm. Nhân pa tê được quán làm từ nguyên liệu tươi, nhân viên chế biến ngay trong quán. Tương ớt là sự hòa quyện của tỏi, ớt tươi, muối và đường. Chủ quán chia sẻ tương ớt do một gia đình ở chợ Con (Hải Phòng) làm theo công thức gia truyền qua nhiều đời.
Ngoài ra quán của anh Tiến này còn có hai món ăn kèm bánh mì rất hấp dẫn là chè Thái và bánh dẻo "sắc màu tình yêu" do chủ quán sáng tạo ra. 
Những quán ngon phải ghé thử khi đến Hải Phòng  - ảnh 2 Chè Thái mát dịu, chống cay;
Những quán ngon phải ghé thử khi đến Hải Phòng  - ảnh 3 Bánh dẻo “sắc màu tình yêu” mềm dai, thơm nhẹ, màu sắc rất bắt mắt
2. Bún tôm
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 3
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 4
So với bánh đa cua, bún tôm Hải Phòng... “con nhà nghèo” hơn hẳn. Bún trắng, chan nước dùng và tôm nõn bóc vỏ. Hết! Nhưng tại sao bún tôm vẫn hớp hồn du khách. Điểm khác biệt nằm ở con tôm.
Thú thật, khi chủ quán bưng bát bún tôm ra, tôi có phần thất vọng vì nhìn quá... đơn sơ. Nhưng khi ăn thử con tôm và húp một ngụm nước dùng, tôi chợt giật mình. Thứ thịt dai, vị ngọt chân thật đến lạ lùng. Con tôm chỉ bé xíu, lớn hơn cỡ hai đầu đũa nhưng ngon gấp vạn lần so với thứ tôm nuôi “béo ú” mà tôi hay ăn. Tôi sẽ nhớ mãi vị tôm trong bát bún “con nhà nghèo” đầy giản dị mà cuốn hút ấy.
Để ăn bún tôm Hải Phòng ngon, bạn có thể ghé vào một số quán ở phố Tô Hiệu. Giá từ 20.000 - 25.000 đồng/bát.
3. Bánh đa cua
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 5
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 6
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 7
Nhiều người về Hải Phòng chỉ để một lần được ăn bát bánh đa cua đúng điệu, nhưng không phải ai cũng may mắn. Ấy là lời của một bác xe ôm nói lại, người viết vẫn nhớ mãi. Cánh xe ôm ở Ga Hải Phòng tự bao giờ trở thành hướng dẫn viên du lịch "bất đắc dĩ", mà món họ dẫn khách đi ăn nhiều nhất là bánh đa cua. “Bác đã dẫn nhiều người đi ăn bánh đa cua ngay khi họ vừa đặt chân đến đây. Quán nào ngon, lần sau bác lại dẫn khách khác tới. Nếu khách phàn nàn là dở, lần sau bác đổi quán luôn”, người dẫn đường của tôi nói.
Tôi tới quán bánh đa cua Cô Yến, nằm ở ngay đầu phố Phạm Ngũ Lão, có hai hàng ghế kê ra, khách ngồi đông nhưng vẫn thoải mái. Chủ quán đon đả, hỏi han khách rất nhiệt tình. Tôi ăn bánh đa cua ở đây thấy ưng cái bụng.
Một lần khác, tôi cũng được anh bạn dẫn ăn tại một quán bánh đa cua gia truyền, được đài báo tivi giới thiệu nhiều, nhưng bản thân tôi khi ăn lại thấy chưa thật ngon. Bánh dai, nhiều, rau muống ăn kèm nhạt nhẽo, nước dùng cũng không đậm đà và tổng thể cũng chưa thật thơm.
4. Cà Phê Tam Bạc
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 9
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 10
7 món ăn phải thử khi đến thành phố cảng Hải Phòng 11
Quán cà phê cực hút khách ở số 2 phố Tam Bạc của cô chú Trần Bình, mở cách đây gần 30 năm, đã trở thành điểm hẹn của những người sành cà phê ở Hải Phòng.
Món cà phê gần ba chục tuổi, rộng rãi là thế nhưng chỉ có hai người pha chế, đó chính là vợ chồng chủ quán. Khách gọi đến đâu, cô chú pha đến đó. Cô Bình ngồi trên chiếc ghế cao, đeo cặp kính trắng, cần mẫn pha chế ly cà phê như một chuyên gia. Một lát sau, cốc cà phê hoàn thành, nhân viên bưng ra, bọt đùn lên tận mép, hương thơm nồng nàn quyến rũ. Quán chú Bình có vị trí đẹp, hai mặt tiền, một mặt hướng ra phố Trần Quang Khải, mặt còn lại giáp phố Tam Bạc, hướng nhìn ra cầu Lạc Long cực thoáng mắt. Xưa kia, đây chính là một trong những cảng tàu sầm uất của thành phố, giao thông, buôn bán tấp nập. Nay cầu Lạc Long bắc qua con sông hiền hòa, thuyền bè đi lại tạo nên khung cảnh thơ mộng buổi sáng và êm đềm lúc hoàng hôn.
Lê Nam

Hải Phòng có những quán ngon nào? những món ngon gì?

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Nói đến ẩm thực Hải Phòng là nói đến chất lượng đồ ăn: tươi, ngon. Nếu bạn nào có dịp đến Hải Phòng thì đừng quên thưởng thức rất nhiều món ngon ở thành phố Hoa Phượng Đỏ nhé.
1. Bánh cuốn nóng Cầu Đất ( gần đầu Cầu Đất ấy )
2. Đồ rán Chu Văn An (đối diện trường Chu Văn An 2 nhé, quán ở giữa ngon và đảm bảo nhất, mấy đồ rán ở đây ngon tuyệt)
3. Bánh mì cay + chè giun Đinh Tiên Hoàng ( chắc ai cũng biết rùi )
Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
4. Bánh bột lọc, bánh gối, bánh tôm (ở chợ Ngõ Cỗ Đạo nhé, trong chợ rất nhiều hàng quà ngon, rẻ)
5. Thạch aga (đường Lương Khánh Thiện)
6. Nem rán Hồ Đào, phở cuốn
Chú thích ảnh
7. Xôi sắn chợ Cát Bi .
8. Bánh mì rán Nguyễn Đức Cảnh ( hình như gần trường Trần Phú 2 , không nhớ rõ lắm)
9. Xôi bắp chợ Chu Văn An
10. Kem xôi Lê Lai ( cái này có đi măm cùng mấy mem nhà mình một lần rùi )
Chú thích ảnh
11. Bánh Mỳ sữa Trứng ( Cô Anh , ngã 3 Phan Chu Trinh, số 41 Lê Đại Hành, bán chuyên buổi sáng nhé )
12. Bánh tráng trộn (ra quán cô Hoa, ngon lắm đấy)
13. Bánh tráng trộn trước cổng Trần Phú 3, cô là người gốc Sài Gòn nên làm đảm bảo cực ngon, theo công thức đặc biệt nhé)
14. Kem chiên (gần Trần Phú 3, ăn lạ miệng lắm, trong lạnh ngoài nóng, đảm bảo ngon nhé)
15. Cảo rán (gần Trần Phú 3 nhé)
16. Mì trộn Hàn Quốc (cực ngon, ăn lạ, gần Trần Phú 3)
17. Bánh bao chiên, quẩy nóng (trên đường Trần Phú nhé, bạn cứ để ý sẽ thấy vì nó đề biển to mà, chỉ bán buổi chiều tối nhé, ăn ngon)
18. Bánh mì lạp xưởng (trên đường Tô Hiệu, gần nhà thờ,bán buổi chiều tối nhé, cực ngon, cực lạ mà giá cũng rẻ, 10k nhé, lạp xưởng tự làm, nó là lạp xưởng mà ko phải lạp xưởng, nhìn giống xúc xích mà ko phải xúc xích)
Chú thích ảnh
19. Bánh bao, tàu hũ (trên đường Nguyễn Đức Cảnh, qua Ngô Quyền 2 một đoạn, tương ớt chấm cùng bánh bao cực ngon nhé, ăn xong ăn một bát tàu hũ mát rượi cực ngon luôn, ăn no căng mà mất có 20k thôi)
20. Lòng nướng, bánh tráng nướng, bắp xào (cuối đường Lê Lợi, đối diện Kool nhé, cực ngon luôn)
21. Xôi lam đất cảng (trên đường Cầu Đất, gần ngõ Cố Đạo)
Chú thích ảnh
22. Bánh xèo (trên đường Đình Đông, quán rất to nên bạn có thể yên tâm là cứ đi là tìm thấy nhé.
23. Ngoài ra bạn nào muốn ăn các món Hàn Quốc ngon thì ra Kim Bap 414 Miếu Hai Xã nhé!
24. Thạch, caramen ra ngõ đối diện bãi gửi xe Cát Bi Plaza nhé, đi tận cùng trong ngõ, hàng bán kem với bim bim ấy, khoảng 4k/1 hộp thôi, giá rất mềm mà lại ngon
25. BBQ (23 Minh Khai)
26. Nộm chân gà, chợ ngõ Cố Đạo, ngon lắm đấy
27. Pizza Hut (23 Minh Khai)
28. Pizza Đồng Lùn (giá rẻ, ngon, mỗi tội đợi hơi lâu)
Chú thích ảnh
29. Area 21 ( 21 Trần Phú, khu này cảnh đẹp, cổ xưa, giống Zone 9, bán đồ uống và bánh ở tầng 2, tầng 3 có Aladin nhé)
*Những quán cafe ngon
1. Kool (trên Cát Dài, cuối đường Lê Lợi đoạn đầu ngã năm cũng có 1 quán nhé)
Chú thích ảnh
2. T-Top (gần Ngô Quyền 3, trên đường Trần Phú còn 1 hàng nhé)
3. Coffee Ý (trên đường Trần Phú, gần vườn trẻ, nằm cùng dãy với trường Trần Phú 3 ấy, cá nhân mình thấy uống cũng tầm tầm, mà giá còn chát nữa, thế mà quán vẫn đông >
4. Cà phê cốt dừa (bên kia chân cầu quay cơ, tả đường hơi khó, nhưng hàng cô này vừa ngon vừa rẻ)
5. Phi'l Coffee (46 Hoàng Minh Thảo, An Kim Hải, cảnh quán này đẹp, đồ uống cũng ngon nữa)
6. Jar Coffee (gần Ngô Quyền 3, qua 4Teen 1 đoạn, cảnh cũng đẹp)
*Những quán sữa chua ngon
1. Sữa chua Đình Đông
2. Sữa chua (trên đường Lương Khánh Thiện)
3. Vườn sữa chua (trên đường Phan Bội Châu)
4. Sữa chua mít (đối diện trường Ngô Quyền 3)
*Những quán chè ngon
1. Chè vừng,sủi dìn thì phải ra cổng trường Ngô Quyền ở phố Mê Linh
2. Chè Huế (gần trường Trần Phú 2, cực ngon luôn)
3. Chè hạt lựu (chợ Cố Đạo có 2 hàng đều vừa ngon vừa rẻ nhé, 10k thôi)
4. Chè thái (trước cổng xí nghiệp giày da trên đường Hàng Kênh nhé, 6k thôi)
*Những quán bánh bèo ngon
1. Bánh bèo cổng chính công an quận Lê Chân, đường Cát Dài
2. Bánh bèo chợ Lương Văn Can, phía đường Lê Lợi đi vào sâu khoảng 20 mét
3. Bánh bèo chợ Đổng Quốc Bình ( lối cổng chính vào chợ, đi thẳng vào có 2 quán bánh bèo thì đi lên quán của cô ở bên trong)
4. Bánh bèo chợ Cát Bi, ngon bổ rẻ còn có cả sữa chua
5. Bánh bèo Lê Đại Hành , bánh bèo chợ Lương Văn Can ( chỗ này giờ ngon nhất , hơn cả Lê Đại Hành)
6. Bánh bèo chợ ngõ Cố Đạo nhé, trong chợ nhiều hàng lắm, hàng nào cũng ngon hết
*Những quán Ốc ngon
1. Ốc ngõ 269 Lê Lợi (đối diện mấy quán cắt tóc, có biển : Ốc nóng các loại)
Quán này được cái là ngon về ốc lẫn mắm.Giá lại thuộc loaị trung bình tầm 6k/luộc và 8k/xào (tuỳ thời điểm nhưng vẫn rẻ nhất )
Đặc biệt là Quán chọn ốc rất kĩ nên bạn không bao giờ gặp phải ốc thối. Nhưng chỗ ngồi hơi chật khi đi tầm 4 - 5 người trở lên
2. Quán ốc trong khu tập thể Đồng Tâm, đường Lạch Tray (ngõ cạnh máy tính Sơn Đat, Cafe Wonder, Mr.Đàm).
3. Quán ốc đầu ngõ trường Mần Non Sao Biển đối diện chợ Lương Văn Can đoạn đường Lê Lợi
Rẻ nhất, sạch nhất, ốc to nhất
4. Quán ốc Đình Đông, đi từ Lạch Tray vào tầm 50m, ở đầu ngõ
5. Quán ốc đầu chợ Lương Văn Can, chị Hoa
6. Quán ngõ 308 Cát Dài ( Tường ốc not Huyền ốc)
7. Quán ốc đối diện công ty Da Giầy chỗ Hàng Kênh,ngon nhưng hơi đông
8. Quán đầu Hàng Kênh (ngay đường Tô Hiệu rẽ vào). Giá hơi chát tý
9. Quán ốc ngay ngã 3 Miếu Hai Xã chỗ Hồ Sen rẽ vào
10. Ốc xào Đình Đông , chợ Lương Văn Can (đầu chợ)
*Những quán ăn vặt ngon
1. Mấy quán cơm ở Lê Đại hành ăn rất được.
2. Ăn đêm thì ra gần cầu vượt Lạch Tray. Ăn đến 4h sáng vẫn còn đông. Đủ món cho quý khách chọn, giá khá mềm 15-20k 1 bát.
3. Ăn các món lẩu thì đến quán Hương Lý ở đường Lạch Tray, lẩu bò Úc ở phố Hoàng Quý, lẩu Phượng Chi, rồi lẩu nấm, lẩu dê, lẩu Nhất Ly, lẩu Thái...
4. Rồi gà đủ món trên đường bao Nguyễn Văn Linh, phố Lê Quýnh cũng có quán lẩu và gà vịt nướng, ông chủ là con nuôi của một người Trung Quốc nên vị rất lạ.
Bạn cũng có thể vào những nơi sang trọng như Parkson, hải quân, bến Bính, Harbour view,... ăn. Ngon nhưng đắt mà mất tự nhiên.
5. Mì vằn thắn có Đông Phong ở Mê Linh và Lưu Lang ở Lê Chân.
6. Còn bánh đa cua thì chắc bạn ăn chỗ nào cũng ngon rồi. Ăn sáng thì ăn ở bà già đối diện trường Lê Văn Tam ấy. Còn ăn chiều tối thì ra Lê Lợi ăn. Có mấy quán rất ngon nhưng mấy cô bán hàng kiêu vãi. Có món ăn bánh đa cua bể rất độc đáo trên đường Cầu Đất (buổi sáng)
7. Hàng ăn sáng có bánh đa Canh cải cá rô ở Phố Lê Quýnh. Anh em chú ý quán bên trong bánh đa ngon hơn quán ngoài nhé
8. Gà ác tiềm thuốc bắc 50k/1 nồi 1 con ở Kỳ Đồng, hoặc phố Mê Linh. Ăn bổ lắm và lạ nữa.
9. Bánh mì cay & chè Thái trên Đinh Tiên Hoàng. Nhưng ra Lê Lợi cũng được. Còn bánh mì pa tê thì phải ra ngã tư Cột Đèn hoặc ngõ Thuận Thái mua. Ko ăn thì phí cuộc đời.
10. Món sữa trứng. Món này đọc đáo đó. ăn rất thơm và béo. Thấy mỗi Hải Phòng có thôi nhé. Chấm bánh mì ngon tuyệt.
11. Bánh cuốn thì Cát Dài nhà mình, chỗ gân rap công nhân cũng ngon nữa,phố cát cụt cho những ai thích ăn mắm ngọt. Chỉ có 3 chỗ ấy là đỉnh nhất mà mình ăn.
12. Bún cá: ra Mê Linh (bán nhà rồi ko biết đi đâu),Cát Dài (Ngã 4 Cát Dài - Cát Cụt). Hàng này chỉ bán sáng,ko ra sớm là hết bóng cá ăn. Huhu. Trưa chiều bắt đấu bán bún chả và bánh tôm.
13. Bún chả ra khoa sản hoặc ra gần chợ Tam Thuật( Cát Dài) nhé hoặc phố Phạm Minh Đức ở Ngã sáu.
14. Bún bò ra ngõ Sơn Lâm có 2 hàng. Hàng bà già mở trước nhưng hàng cô Thúy thì lại đông khách hơn.
15. Miến khô ra Hàng Kênh có hàng ngon lắm vì họ trộn với mỡ tôm. Còn ra ngõ Sơn Lâm thì chỉ có mỡ gà thôi.
16. Bánh đa gà ra quán Duyên ở Cát Dài nhé. Tuy kiêu nhưng công nhận làm ngon. Có bánh đa gà và bánh đa sườn.
17. Chả Hải Sản, Nem cua bể ở chợ Cố Đạo Cầu Đất ngon tuyệt, chém cũng đẹp.
18. Bánh giò rất ngon chợ Trần Quang Khải (chỉ có buổi chiều, 4h30 là hết) Chả giò bò ở đây ngon đừng hỏi luôn.
19. Cháo "khoái" rất độc đáo rẽ vào nga ba Trần Bình Trọng và Lương Khánh Thiện, nhưng cháo ở đó chỉ có tiếng và có nhiều loại như cháo cay, cháo lươn thôi. Muốn ngon đình đám phải ra chợ Cột Đèn.
20. "Ngan chậm" gần đồng hồ ba chuông đường Minh Khai. Chẹp. Gọi là "ngan chậm" nhưng mà chả chậm tý nào. Ngon fết! Mỗi tội mình có quen nhà hàng xóm nhà này, nghe nói bẩn kinh khủng.
21. Rồi Phở chậm ở cuối Cát Dài, chờ dài mà không ai kêu. Ngại chờ thì lượn đi ăn phở xào khô đối diện ngõ Hàng Gà. Đỉnh ra phết đấy. Ngoài ra các hàng phở khác ko có gì xuất sắc, ăn như trên Hà Nội và kém phở Nam Định.
22. Gà tần ở gần rạp Tân Việt,phố Cát Dài, ngon tuyệt nhưng là gà tây. Phải ra chợ Tam Thuật buổi sáng mới có gà ri ăn. Ôi gà tần Hải Phòng ngon vô địch, ngon hơn ăn ở Hà Nội.
23. Bún om cá rô Cầu Rào. Món bún cá om này ăn nóng vừa ngọt, vừa thơm, lại đủ vị thịt cá
24. Giá bể ăn ở Cầu Đất nhưng đắt phết,15k/bát bé tẹo. Ra chợ An Dương rẻ hơn. Có 2 loại là xào và nộm giá bể.
25. Nộm thì ra ngõ Sơn Lâm có ông người gốc Hoa, không thì Cát Cụt, Hàng Kênh bạn bè tớ cũng thích lắm.