Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Trời mưa, cá chép lên đồng

TTO - Những con chép bơi lướt nhanh, vây lưng nhô lên khỏi mặt nước trông thật đẹp mắt. Nhiều người mang nơm rượt theo sau với nụ cười tươi khi chụp được cá hay tiếc ngẩn ngơ khi sẩy chú chép to…
​Trời mưa, cá chép lên đồng
Quăng chài bắt cá trên sông Thoa, nơi trú ngụ của những cá con chép nặng dăm bảy cân - Ảnh: MINH KỲ
Vùng đất Đức Phổ quê tôi nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, có bốn dòng sông Thoa, Trà Câu, Lò Bó và sông Trường hòa chung dòng nước đổ ra biển qua cửa Mỹ Á.
Dưới những rặng tre tỏa bóng mát ven bờ hạ nguồn sông Thoa có nhiều hang hốc, là nơi trú ngụ của những con cá chép to đến dăm bảy cân. Vào mùa nắng, nhiều người dân sinh sống đôi bờ dùng súng bắn tên săn bắt những con chép sống lâu năm dưới lòng sông.
Mũi tên sắt có ngạnh cột với sợi dây dài gắn vào thanh gỗ thẳng có lắp lẫy cò và lò xo để đẩy tên bay xa.
“Thợ săn” lặn xuống đáy sông gần hang hốc, cần thận ngắm hướng mũi tên vào thân cá rồi lẫy cò, buông dây cho cá vùng vẫy kéo tên chạy trốn trong làn nước. Lát sau, giật nhẹ sợi dây kéo cá trở lại rồi buông tay, đợi khi chép đuối sức thì thu dây bắt gọn.
Những cơn mưa xối xả, mù mịt đất trời làm cho sông, hồ, ruộng đồng mênh mông nước. Cá lội ngược dòng bơi lên đồng kiếm thức ăn và tìm nơi sinh sản. Dân gian gọi hiện tượng này là “cá lên” sau cả năm đợi chờ.
Cảnh bắt cá trên cánh đồng xâm xấp nước thật hào hứng, mặc cho mưa rơi lạnh buốt.
Cá chép luôn thu hút mọi người với chiếc vây lưng nhô lên khỏi mặt nước, bơi lướt nhanh trông thật đẹp mắt. Nhiều người mang nơm rượt theo sau với nụ cười tươi khi chụp được cá hay tiếc ngẩn ngơ khi sẩy chú chép to.
Những bậc cao niên dạo bộ bên bờ suối rồi thong thả buông nhá cạnh vũng nước xoáy. Cá chép háo hức ngược dòng lượn quanh vũng nước xoáy chợt quẫy liên hồi tìm cách thoát thân khi chiếc nhá được nhấc lên khỏi mặt nước.
Vài người giăng lưới trên đồng vắng với hi vọng bắt được những con chép mải mê rong ruổi khi nước lên đồng.
​Trời mưa, cá chép lên đồng
Giăng lưới trên đồng trong ngày mưa lũ - Ảnh: MINH KỲ
Làng quê rộn ràng những ngày “cá lên” với những câu hỏi bắt được ít hay nhiều, cá to hay nhỏ… Những người vợ lựa con chép lớn sai con mang sang biểu ông bà để tỏ lòng hiếu thảo. Bữa cơm gia đình thêm phần ấm cúng với những món ăn chế biến từ cá chép.
Phương pháp chế biến giản đơn phải kể đến món cá chép kho ngọt. Dùng tay móc mang cá, mổ bỏ bụng rồi rửa sạch cho vào nồi nước đang sôi trên bếp. Tiếp đến, nêm muối, tiêu, đường, bột ngọt và vài lát ớt thái mỏng cùng dăm lát cà chua chín.
Dạo ra vườn nhà nhổ mớ rau nén rửa sạch, thái ngắn cho vào nồi, đợi nước sôi trở lại thì nhấc xuống khỏi bếp, vớt cá ra đĩa.
Thịt cá chép kho ngọt thơm hòa quyện với hương vị của rau nén xen lẫn vị cay của tiêu, ớt, vị mặn của muối, vị ngọt của đường, bột ngọt… làm ấm lòng cả gia đình.
Muỗng nước cá kho nóng hổi, ngọt thơm lưu mãi nơi đầu lưỡi, giúp giải nhiệt trong cơ thể. Nước cá chép kho ngon tuyệt khi cho vào bát ăn với cơm hoặc bún.
​Trời mưa, cá chép lên đồng
Đĩa cá chép kho ngọt - Ảnh: MINH KỲ
Cá chép có thể chế biến nhiều món ngon: nấu cháo, kho riềng, hấp… làm “mê mệt” nhiều người. Khi đánh bắt được nhiều, những người phụ nữ chân quê thường muối cá để ăn dần.
Cá để nguyên con, móc mang và mổ bỏ ruột rồi rửa sạch, vớt ra rổ tre để cho ráo nước. Rắc lớp muối hạt dưới đáy lu sành rồi xếp đều cá lên trên, xen kẽ lớp muối - lớp cá. Sau đó, dùng vỉ đan bằng nan tre lèn chặt rồi đậy kín nắp lu, đặt vào nơi râm mát.
Vài tháng sau, mùi cá muối tỏa hương thơm phức khi mở nắp lu. Thịt cá muối chín đỏ sẫm trông thật bắt mắt và chỉ cần cho vào tô chưng cách thủy trong vòng vài phút là đã có món cá đậm đà hương vị.
Mưa lại về. Những bậc cao niên lại ngắm mây trời và nhìn ra cánh đồng đợi ngày “cá lên”. 
​Trời mưa, cá chép lên đồng
Cá chép mới đánh bắt còn tươi rói - Ảnh: MINH KỲ
Không chỉ dùng để chế biến các món ăn ngon, cá chép còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Thịt cá, vây cá, mật cá và phần đầu đều là những vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
Theo Đông y, thị cá chép có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, hạ khí thông nhũ. Thịt cá dùng để chữa bệnh phù thũng, hai chân phù nề, vàng da, ứ tắc sữa…Vảy cá có tính bình, tác dụng cầm máu.
Mật cá có vị đắng, tính lạnh, không độc, có tác dụng thông ứ, minh nhục… Đặc biệt, cá chép là loại thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai. 
MINH KỲ

Bánh chao của một thời xưa cũ

TTO - Đang ngồi quán cà phê vỉa hè, thấy chiếc xe đạp chở đầy bịch bánh đi qua chào mời, bạn nhìn sững, rồi chỉ tay vào bịch bánh tròn tròn màu đỏ sậm rắc mè thốt lên ngạc nhiên: ôi, bánh chao!
Bánh chao của một thời xưa cũ
Bánh có màu đỏ của chao và vị béo của mè - Ảnh: BẢO KHÔI
Chị bán hàng mỉm cười: “Dạ, bánh chao. Bánh mới chứ không phải là bánh trung thu cũ chiên lại đâu”. Bạn cười, vui mua luôn mấy bịch rồi cả đám... đàn ông tuổi 40 xúm xít xin chủ quán ly trà nóng, ngồi rả rôm chuyện ngày xưa.
Ngày xưa của bạn là đi học về, thay áo ra phụ mẹ buôn bán. Nhà đông anh em, bạn ở giữa nên luôn ở thế trên phải nhịn (kẻo bị anh chị lớn đánh đòn), dưới phải nhường (em út còn nhỏ hai ba đứa).
Ba của bạn từ xe lam tuột dần xuống ba gác vì đàn con đông quá. Chiều chiều ông hay nhậu, cũng chỉ là xị đế chứ làm gì có chai bia. Bạn hay len lén ra coi ba nhậu xong để còn đóng cửa, dọn dẹp.
Bữa đó, trên cái đĩa còn sót cái bánh. Bạn len lén bẻ ra ăn một miếng, ôi chao là béo, là ngon. Xách vào cho mẹ, mẹ bạn nói đó là bánh chao. Loại bánh sau trung thu hay có, ưa bán trong mấy tiệm tạp hóa người Hoa.
Rồi bà kể sau trung thu là tới mùa bánh chao, do các loại bánh nhưn thập cẩm bán ế các lò thu lại, đem tán nhuyễn rồi chiên vàng, đập dẹp cho vô bịch, bỏ mối mấy tiệm tạp hóa gọi là bánh chao.
Bánh chao có mè, có dầu, có vị beo béo của mỡ nên mấy ông nhà nghèo hay nhậu thích vì ngon và rẻ. Cũng như mua về làm quà như đền bù cho các con sau mùa bánh trung thu (cái bánh mùa tết trung thu ngon và mắc, không phải trẻ con nào cũng được ăn).
Bạn nói còn được ăn bánh chao nhiều lần nữa. Đó là nhờ mẹ. Mẹ đi bán, dành dụm. Canh sát ngày trung thu đến lò mua bánh vụn, bánh bể về ngồi tỉ mẩn trộn lại, nướng lại để các con nguyên bầy đứa nào cũng có cái bánh chao to cỡ bàn tay, nóng hổi, thơm phức. Vừa cắn ăn vừa nhâm nhi...
Vậy mà lớn lên, đi làm, lo cuộc sống riết rồi quên mất cái vị bánh chao ngày xưa.
Bánh chao của một thời xưa cũ
Loại bột áo cũng là bột làm vỏ bánh trung thu - Ảnh: BẢO KHÔI
Bánh chao của một thời xưa cũ
Nhân bánh chao cũng giống như nhân thập cẩm của bánh trung thu - Ảnh: BẢO KHÔI
Còn bây giờ với một số lò bánh tại gia, bánh chao không chỉ là một hồi ức tuổi thơ của một thời đi qua khốn khó, mùa bánh trung thu qua là tới mùa con nít nhà nghèo được ăn bánh chao cho đỡ thèm là có thể nâng cấp thành một món bánh “đóng lò” cho những ngày mưa. 
Khi những chiếc khuôn bánh trung thu đã rửa sạch, gói lại cho vào tủ cất. Chai nước đường cần “thanh lý” để chủ bếp có chỗ nấu món nước đường mới và mứt bí, mè rang, còn lại của món nhưn bánh trung thu thập cẩm...
Bịch bột khui dở và với một hũ chao. Loại bánh này chỉ dành riêng cho cả nhà ăn sau mùa trung thu. Thậm chí bỏ vào lọ keo thủy tinh. Vặn nắp chặt, thèm thì lại lấy ra nhâm nhi chứ khó thấy bày bán ngoài tiệm.
Tôi hí hửng xách một bịch bánh về nhà. Bếp trưởng má tôi, một phụ nữ ngoài 70, giải thích gọi là bánh chao vì ngày xưa cái bánh được nướng từ bộ khuôn chao tám cánh. Nhưng cái khuôn đó giờ ít thấy lắm.
Còn bây giờ vì trong thành phần của bánh có món chao đỏ nên chắc gọi luôn là bánh chao. Cũng có thể xưa người ta tiết kiệm làm bánh chao bằng bánh trung thu thập cẩm giã ra nướng lại. Chứ bà ngoại với má ưng làm bánh chao vì dễ làm hơn bánh trung thu, ăn ít ngán hơn.
Trời mưa ăn bánh chao với trà nóng thì ông cố, ông ngoại, các cậu rất khoái. Còn cách làm tương tự như bánh trung thu, như bột mì, nước đường, lòng đỏ trứng, mứt bí, mỡ heo, mè rang, dầu mè... Riêng chao đỏ sẽ cho ra màu bánh đẹp.
Bánh chao của một thời xưa cũ
Chị bán bánh dạo với xe bán các loại bánh bình dân, trong đó có bánh chao - Ảnh: BẢO KHÔI
Bánh nhà làm thì có vỏ bọc nhân rồi đem vô lò nướng. Còn bánh ngoài chợ thì tán dẹt đem nướng, mà ở chợ làm chắc chỉ có chao, mỡ và mè.
Rồi má cười, mắt chân chim lấp lánh: “Con với đám nhỏ thích ăn không. Mai chở má đi mua nguyên liệu rồi má làm cho. Bánh nhà làm cứng giòn, chứ không cứng ngắt, khô queo như cái bịch bánh con mang về đâu”.
Thành phố đang mưa, có lẽ sẽ không có gì tuyệt bằng một cuối tuần cả nhà kéo nhau xuống bếp, làm phụ cho bếp trưởng má. Sau đó là cùng ngồi ăn bánh với trà nóng nhâm nhi…
BẢO KHÔI

Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su

TTO - Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12km, xã San Sả Hồ được nhiều người ví von là “lãnh địa” của su su. Dọc đường vào du lịch khu Thác Bạc, những "núi" su su bạt ngàn khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng.
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
 Những giàn su su ở Sa Pa như những tấm thảm xanh khổng lồ - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Su su là giống rau quả được trồng ở nhiều nơi nhưng hiếm có nơi nào su su xanh tốt và được trồng nhiều như ở Sa Pa, Lào Cai. Được thiên nhiên ưu ái, khí hậu quanh năm mát mẻ nên su su cũng quanh năm sinh trưởng tốt ở vùng đất này.
Người dân bản địa ở San Sả Hồ trồng su su ở sườn núi và bắc giàn theo địa hình của núi. Để giàn chắc chắn, người dân thường dùng dây sắt đan thành lưới, bắt vào những cột ximăng làm trụ đỡ. 
Vì thế, bước chân đến "lãnh địa" của su su, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những giàn su su bạt ngàn chạy lên đến tận đỉnh núi. Nhìn từ xa hay từ trên cao xuống những thung lũng, các giàn su su tựa như những tấm thảm xanh khổng lồ. Có khi cả trái núi là một giàn su su lớn.
Đặc biệt, người ta có thể lưu những gốc su su to từ năm này qua năm khác để tạo giàn vào vụ sau.
Su su rất sai quả, hầu như nách nào cũng có quả. Du khách đến thăm vườn, thú nhất là được ẩn mình dưới giàn su su, đeo gùi sau lưng rồi tự tay hái quả. Thích thì chọn luôn những quả mình hái đem cân ký mang về làm quà cho người thân, bạn bè.
Những chủ vườn su su ở đây ngày ngày đeo gùi đi lên giàn hái su su rồi tập kết dưới chân núi và chở su su về bằng xe máy. Quả và ngọn su su hái về để sẵn ở ven đường rồi có xe đến nhập. 
Một giàn su su lớn ở San Sả Hồ hằng năm thu hoạch được vài tấn quả. Giá mỗi ký su bán lẻ chỉ khoảng 5.000 đồng. Tại các phiên chợ, su su được những sơn nữ người Mông, Dao, Giáy gùi xuống bán.
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Đồi su su nhìn mát mắt - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Người dân dùng dây sắt để tạo những giàn su su khổng lồ - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Su su được người dân trồng cả dưới những thung lũng - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Du khách vào vườn tự tay hái những quả su su mình chọn - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Quả su su được đóng thành từng túi chờ xe đến nhập với khối lượng lớn - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Người dân dùng xe máy thồ su su về sau mỗi ngày thu hái - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Su su Sa Pa là sản phẩm rau quả sạch và được thị trường gần xa ưa chuộng. Đây cũng là nơi cung cấp su su giống lớn của khu vực miền Bắc. Vì thế, trong hành trình đến Sa Pa, du khách sẽ được thưởng thức su su như một đặc sản của vùng đất này. 
Su su có thể chế biến thành các món ăn như su su luộc chấm muối vừng, su su xào, su su làm nộm, nấu canh. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món su su luộc chấm muối vừng và đọt su su xào tỏi. 
Su su Sa Pa ăn ngọt, mềm. Miếng su su luộc vừa chín tới còn giữ nguyên màu xanh tươi rói, ăn giòn và còn nguyên vị ngọt và thơm mùi núi rừng quyện với chút muối vừng thơm và bùi, ăn hoài không biết chán. 
Đặc biệt, ngọn su su xào là món ăn được ưa chuộng trong các hàng quán ở Sa Pa. Những ngọn rau non, xanh mướt mới nhìn thôi đã thấy thèm. Chỉ đơn giản món ngọn su su xào tỏi nhưng khi ăn cũng cảm nhận được vị ngon, ngọt đặc trưng hiếm đâu sánh bằng.
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Những sơn nữ bản địa ngày ngày gùi su su quả xuống bán tại chợ phiên - Ảnh: N.T.LƯỢNG
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Đọt su su mới thu hoạch được bà con bày bán ven đường - Ảnh: V.N.A
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Su su luộc chấm muối vừng - Ảnh: V.N.A
Thăm San Sả Hồ - "lãnh địa" của su su
Ngọn su su xào tỏi, "đặc sản" của Sa Pa - Ảnh: V.N.A.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Có một Đắk Nông mùa lúa chín

TTO - Tháng 10 đang về, cũng là mùa thu hoạch lúa vùng cao. Không chỉ ở Tây Bắc miền xa, mà ở Đăk Nông cũng đang vào mùa gặt, đập, phơi... hối hả. 
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Trên các con đường thôn, rơm được rải phơi trong nắng - Ảnh: Trung Oanh
Chúng tôi may mắn được trải nghiệm một mùa vàng Tây nguyên tại huyện Cư Jút, Đắk Nông.
Đêm giữa tháng 9, chúng tôi đi vào một xóm nhỏ vùng sâu của huyện Cư Jút trong ánh sáng đèn xe máy lờ mờ. Thấy ven đường người dân giăng bạt, thắp đèn. Xa xa là một cái máy gặt đang rì rì chạy.
Dừng lại hỏi thăm chuyện gặt đêm, những người dân chung quanh mới nói "do mùa này mưa nắng thất thường, nên xe rảnh là tranh thủ gặt. Lúa vào bao là mang về sân phơi bất kể đêm ngày”.  
Hôm sau là một ngày nắng ấm. Trên đường từ thôn nhỏ trong huyện ra trung tâm thị trấn Ea Tling, chúng tôi lại được đi quanh các con ngõ đất đỏ ngập tràn rơm xanh (vùng cao này chưa có máy quấn rơm và lúa), hạt tràn ngập sân các sân nhà, đường lộ... Ai cũng hồ hởi vì... trời nắng.
Một người dân thận thiện chào khách cười bảo: "Phải tranh thủ phơi để xay. Ông trời tháng 10 sáng nắng chiều mưa. Nên hạt lúa gặt xong rất cần một cơn nắng cho ráo áo"...
Buổi trưa, chúng tôi được mời ăn cơm gạo mới. Gạo hơi khô và cứng nhưng ngọt cơm. Đa số các gia đình ở Đăk Nông đều có máy xay xát. Lúa gặt xong, vô bao, phơi ráo là mang đi xay, vừa có cám cho heo gà, vừa có gạo sạch cho gia đình.
Chị chủ nhà hiếu khách cho biết do có xem đài, đọc báo nên rất sợ thực phẩm nhiễm độc, cái gì trong nhà ăn đều là nuôi trồng tại vườn. Chị nói thêm gạo chúng tôi đang ăn là loại lúa nước, nhưng là loại chịu hạn (lúa lai).   
Các cánh đồng lúa nước ở Đăk Nông chủ yếu nằm trên nền đất bazan đen nên lúa rất chắc hạt, dù ít nở. Còn lúa rẫy thì ít lắm, chỉ trồng để giữ giống trên các nương rẫy trên núi cao và xa, dùng để cúng lễ mùa lúa mới.
Thấy chúng tôi tò mò. Chị hướng dẫn chúng tôi ra bờ đập Đăk Drông phía thôn 14 của huyện Cư Jút, nơi có một vùng thung lũng đang ngập trong màu lúa chín, rồi giải thích do đặc thù cái nắng cái gió cao nguyên nên các vùng quanh đây lúa làm hai mùa, mùa đầu mưa và cuối mưa.
Tháng 4 đến tháng 12 tận dụng nước mưa của trời. Và  cũng vì mưa mà mùa gặt ở đây phải tiến hành thật nhanh với công cụ hỗ trợ là xe máy gặt. Thường chỉ trong vài buổi với xe máy cày và xe máy chở lúa trong bao về để kịp trải phơi trong sân và hiên nhà.
Sang mùa nắng thì cho đất nghỉ. Vì có trồng cũng phải bơm nước từ giếng, cực lắm.
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Các con dường ven lộ đều biến thành sân phơi trong mùa gặt - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Lúa sau khi phơi được gom lại chờ vào bao - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Bên cạnh rơm là lúa hạt - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Một phụ nữ vác rơm về nhà - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Rơm trải kín từ trong sân ngõ ra đến đường lộ - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Tại vùng cao Tây nguyên, rơm tươi là thực phẩm cho gia súc trong những ngày mưa - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Một căn nhà người dân tộc có sân để phơi lương thực. Những bao xanh là lúa đã phơi khô chờ xay xát - Ảnh: Trung Oanh
Có một Đắk Nông mùa lúa chín
Ngay cả chú chó nầy cũng vui thích với rơm - Ảnh: Trung Oanh
Huyện Cư Jút nằm trên trục đường quốc lộ 14, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) 20km về phía Tây Nam và cách thị xã Gia Nghĩa 110km, nằm về phía Bắc tỉnh lỵ Đăk Nông, có 20km đường biên giới giáp huyện Pecchamda - tỉnh Mundunkiri, Campuchia.
Huyện có 8 đơn vị hành chính, gồm các xã Trúc Sơn, Nam Dong, Tâm Thắng, Ea Pô, Đăk Wil, Cư Knia, Đăk Drông và thị trấn Ea Tling
Vùng Cư Jút chịu sự chi phối bởi kiến tạo địa chất của cao nguyên, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc, độ cao trung bình khoảng 330m. Lượng mưa trên địa bàn lớn, trung bình hàng năm 1.700 - 1.800mm, có nhiều sông suối nên địa hình chia cắt mạnh.
Cư Jút mang đặc điểm khí hậu của miền cao nguyên nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm, là thời gian phát triển mạnh của các loại cây trồng; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể cộng với gió mùa đông bắc làm tỉ lệ bốc hơi nước cao gây khô hạn, hệ thống thực vật kém phát triển.
TRUNG OANH

Lạ miệng mắm ruốc chưng và lẩu mắm ruốc

TTO - Vốn là món ăn dân dã quen thuộc, nhưng gần đây, một số hàng quán ở miền Tây còn biến tấu thêm món mắm ruốc chưng hột vịt và mắm ruốc nấu lẩu mang hương vị độc, lạ hút khách.
Lạ miệng mắm ruốc chưng và lẩu mắm ruốc
Mắm ruốc chưng - Ảnh: Hoài Vũ
Mắm ruốc từ lâu được coi là đặc sản của vùng biển, nổi tiếng nhất là mắm ruốc Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc.
Tuy là món ăn dân dã nhưng mỗi miền đều có cách chế biến khác nhau. Đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bà nội trợ đã sử dụng món ruốc như một thứ gia vị dùng nêm nếm, ăn ngay hoặc chế biến thành nhiều món ngon độc đáo, có người ăn phát ghiền, chẳng hạn như món mắm ruốc kho sả ớt, mắm ruốc xào thịt ba rọi (ba chỉ), mắm ruốc xào dưa cải…
Mắm ruốc có vị mặn mà, thơm ngon, mùi vị đặc trưng nên rất hợp với khẩu vị của nhiều người, nhất là bà con nông dân thích "ăn mặn uống đậm". Ngoại trừ một số người bị áp huyết cao, còn lại hầu hết đều khoái khẩu.
Gần đây, một số hàng quán còn biến tấu thêm món mắm ruốc chưng hột vịt và mắm ruốc nấu lẩu mang hương vị độc, lạ.
Cách làm món mắm ruốc chưng hoặc hấp hột vịt cũng giống như mắm cá linh hoặc cá sặc băm nhuyễn đem chưng, chỉ khác ở chỗ nguyên liệu chính là mắm ruốc trộn với trứng, thịt, hành tím, tỏi, tiêu, ớt rồi đem chưng.
Sau khi trộn các thành phần nói trên, cho hỗn hợp vào chén hoặc tô, dưới chén có trải một lớp mỡ sa. Sau khi chưng chín để nguội, chọn một cái đĩa lớn úp ngược miệng chén lại, phần mắm nằm gọn trên đĩa, phần đáy hướng lên trên trông khá đẹp mắt.
Trước khi ăn, dùng vài cọng ngò và ớt trang trí lên mặt mắm, chỉ nhìn thôi vị giác cũng đã bị kích thích. Món mắm ruốc vốn đã vừa miệng nên khi ăn không cần sử dụng nước chấm.
Lạ miệng mắm ruốc chưng và lẩu mắm ruốc
Mắm ruốc nấu lẩu - Ảnh: Hoài Vũ
Với món lẩu ruốc, cách làm cũng giống như lẩu mắm nhưng đòi hỏi tinh tế hơn. Trước hết người ta chọn loại ruốc thật ngon, thật thơm cho vào nồi nấu sôi vài dạo, lượt bỏ xác. Sau đó khử tỏi, thêm gia vị rồi lần lượt cho thịt, cá và rau củ vào. 
Loại thịt, cá thích hợp nhất với nồi lẩu mắm ruốc là cá tra, cá ba sa, mực tươi, thịt bò hoặc thịt ba chỉ thái mỏng.
Với món mắm ruốc chưng hoặc nấu lẩu, thành phần quan trọng không thể thiếu là rau, củ, quả. Trong đó hấp dẫn nhất là cà chua, cà phổi, đậu bắp, khế, chuối chát và các loại rau vườn như ngó lục bình, đọt đinh lăng, húng quế, cải trời, bông súng…
Riêng món mắm ruốc nấu lẩu nếu có thêm dừa nạo và bưởi càng giúp bữa ăn thêm phần thú vị. Dừa nạo tăng thêm chất béo, bưởi có vị chua giúp hài hòa khẩu vị và kích thích vị giác. Lẩu ruốc ngon nhất là ăn với cơm hoặc chan bún.
Theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền, mỗi loại rau vườn đều là món ăn vị thuốc. Món mắm ruốc tuy đơn sơ mộc mạc nhưng muốn cho bữa ăn thêm phần đậm đà thi vị, các bà nội trợ cần phải chăm chút các dĩa rau sao cho thật bắt mắt, tạo thêm ngũ sắc và ngũ vị.
Ngồi vào bàn chỉ cần ngửi hương thơm của rau húng, quế đất và thưởng thức vị ngọt, chua, cay, đắng, chát của các loài rau cũng đã phát thèm. 
HOÀI VŨ

Trời mưa nhớ "lang khô nấu với dừa già"...

TTO - Vị ngọt bùi của khoai lang quyện với vị béo từ dừa và đậu phộng tạo nên dư vị khó phai. Món khoai lang khô nấu với dừa già và đậu phộng làm bồi hồi cõi lòng những người con xa xứ.
Trời mưa nhớ "lang khô nấu với dừa già"...
Những nguyên liệu chủ yếu chế biến món "lang khô nấu với dừa già" - Ảnh: Minh Kỳ
Hết bão rồi mưa, mưa rả rích bên hiên nhà như mang từng giọt lạnh vào lòng. Chợt điện thoại có tin nhắn từ người bạn đang sinh sống ở Sài thành: “Lang khô nấu với dừa già/Đang ăn bỗng nhớ quê nhà ngày thơ”. Bất chợt, kỷ niệm ngày xa chợt ùa về. 
30 năm về trước, làng quê tôi (phía nam tỉnh Quảng Ngãi) nghèo xác xơ, bữa cơm chủ yếu là khoai lang và khoai mì. Sang giêng, hai, người dân quê tôi mang quang gánh lên gò đồi dỡ khoai lang dưới nắng hanh vàng.
Khoai lang tươi là loại thực phẩm chủ yếu của người dân quê vào khoảng thời gian sau tết. Do khoai lang khi ấy khá nhiều nên các gia đình đều thái lát rồi phơi khô để ăn dần quanh năm.
Khi đã ngán với “khoai lang độn cơm”, những người mẹ khéo tay chế biến nhiều món ăn lạ miệng từ khoai cho con trẻ vơi đi cơn đói cồn cào. Và, khoai lang khô nấu với dừa già và đậu phộng là món ăn ưa thích của lũ trẻ thơ chúng tôi ngày ấy.  
Trời mưa nhớ "lang khô nấu với dừa già"...
Khoai lang khô - Ảnh: MInh Kỳ 
Trời mưa bão làm những trái dừa già khô rơi rụng, con trẻ tha thẩn ngoài vườn bắt gặp vui mừng ôm vào nhà. Mẹ đón lấy rồi dùng dao lột lớp vỏ bên ngoài, đập bỏ sọ dừa rồi lấy phần cơm bên trong, rửa sạch và bào nhuyễn.
Sau đó rửa sạch khoai lang khô rồi cho vào nồi, đổ nước ngập khoai đun trên bếp lửa cháy bập bùng trong gian bếp nhỏ.
Khoai vừa chín thì chắt khô nước rồi nhấc trở lên bếp, đun nhỏ lửa. Tiếp đến cho cơm dừa bào nhuyễn cùng đậu phộng khô lột vỏ, giã giập vào nồi rồi dùng đũa bếp sạch xới đều đến khi khoai nhuyễn, trộn lẫn với dừa, đậu phộng thì nhấc xuống khỏi bếp. 
Cuộc sống ngày xưa dù khốn khó nhưng tấm lòng ai cũng thơm thảo. Mẹ đun nồi khoai trên bếp thì con trẻ đã rủ bạn cùng xóm đến nhà để chờ được ăn khoai.
Những bàn tay nhỏ xíu dùng vá múc ít khoai bỏ vào lòng rồi vò cho khoai nấu với dừa dính chặt vào nhau thành hình khối trông thật đẹp mắt. Hơi ấm từ bàn tay lan dần khắp cơ thể xua đi giá lạnh giữa ngày mưa gió.
Món khoai lang khô nấu với dừa già dân dã nhưng ngọt lành, lấp lánh niềm vui trong mắt trẻ thơ. Vị ngọt bùi lẫn với vị béo của dừa và đậu phộng tạo nên dư vị khó phai. 
Trời mưa nhớ "lang khô nấu với dừa già"...
Món khoai lang khô nấu với dừa già - Ảnh: Minh Kỳ
...Trời mưa giăng kín xóm làng mang theo gió lạnh. Chợt nhớ về những ngày đông ấm áp thuở trước, anh em chúng tôi và lũ bạn cùng xóm ríu rít bên nồi khoai lang khô nấu với dừa già trong gian bếp nhỏ nơi quê nghèo.
MINH KỲ