Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Di chỉ khảo cổ Trên địa bàn huyện Tân Hưng

Trên địa bàn huyện Tân Hưng có một số gò cao là nơi tập trung nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam như: Gò Gòn, Gò Bún, Gò Hàng, Gò Chùa, Gò Vĩnh, Gò Rọc Chanh…..Niên đại của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ II đến TK VII (SCN) và giai đoạn hậu Óc Eo từ TK VII – XI, XII (SCN). Với khoảng 120 di chỉ được phát hiện trên toàn tỉnh Long An thì Tân Hưng đã có 11 di chỉ đa phần là phế tích. Riêng di chỉ Gò Rộc Chanh là nổi bật nhất.
2.1.1. Gò Bún
-  Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưn, tỉnh Long An. Gò Bún là một gò cao nằm trong khu vực vùng trũng Đồng Tháp Mười thường xuyên bị ngập nước. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 chiếc rìu đá tứ giác loại vừa, mài nhẵn, tiết diện hình chữ V cân. Ngoài ra, còn có nhiều mảnh gốm làm bằng đất sét pha cát lẫn tạp chất. Áo gốm màu đỏ có độ nung cao. Di chỉ được công bố năm 1993.
-  Di chỉ khảo cổ học phát hiện năm 1989. Gò Bún còn có tên là Gò Ba Lũng, đây là một gò đất cao ở vùng rìa Đồng Tháp Mười, diện tích 300 m2. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và xác định được ở độ sâu từ 8,80 - 1,4 m có hai nền kiến trúc cổ đã bị huỷ hoại. Hiện vật tìm thấy là gạch và đá sa thạch. Đây là 2 toà kiến trúc cổ mang phong cách kiến trúc thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo.
2.1.2. Gò Chùa
   Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Hưng Điền. Gò chùa là tên gọi chung của một quần thể gồm 10 gò đất cao thấp khác nhau nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười. Tại đây, người ta đã tìm thấy dấu vết của một công trình kiến trúc cổ đã bị hủy hoại. Hiện vật thu được là các vỉa gạch cổ và những viên gạch có khối vuông 5 x 5,3 cm…
2.1.3. Gò Gòn
   Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Hưng Điền B. Các nhà khảo cổ đã tiến hành đào thám sát và tìm thấy ở độ sâu 2 m có một nền gạch vuông. Hiện vật thu được là nhiều viên gạch dày 7 cm. Qua phân tích đã xác định được đây là nền móng của một công trình kiến trúc thuộc văn hoá Óc Eo đã bị hủy hoại.
2.1.4. Gò Tà Mu
   Di chỉ khảo cổ học phát hiện tại ấp Tà Mu, xã Thạnh Hưng. Đây là một quần thể gồm các công trình kiến trúc và bàu nước ngọt. Tại đây đã phát hiện các tầng móng của kiến trúc cổ, các diệp thạch được gia công chế tác ở gò Ông Tà và nhiều gạch. Hiện vật được công bố năm 1993.
2.1.5. Gò Hàng
   Di chỉ khảo cổ học phát hiện năm 1989 tại xã Vĩnh Đại. Gò Hàng là một gò đất cao khoảng 0,4 - 0,6 m nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười. Gò đã bị những người tìm vàng đào bới làm các tầng văn hoá bị xáo trộn, chỉ một vài nơi còn nguyên vẹn. Hiện vật tìm thấy nhiều nhất là đồ gốm như: bát, bình, vò, hũ, chân đèn; một số hạt chuỗi bằng đá quý, vàng và trang sức bằng vàng; các loại đồ đồng như tiền, lục lạc, nhẫn, vòng tay. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một sàn nung gốm cổ. Qua phân tích cho thấy, di chỉ thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo.
2.1.6. Gò Vĩnh
   Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Vĩnh Đại. Gò Vĩnh còn có tên là Vĩnh Châu A, là một gò đất quanh năm ngập nước. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo như: bát có chân, bình, vò được làm bằng gốm mịn và thô. Có khả năng đây là di chỉ cư trú và xưởng thủ công thuộc văn hoá Óc Eo. Di chỉ được công bố năm 1993.
2.1.7. Gò Rộc Chanh
   So với các di chỉ khảo cổ khác trên địa bàn huyện thì Gò Rộc Chanh có nền móng kiến trúc khá rõ nét. Được khai quật vào tháng 03/1986. Gò Rộc Chanh là di chỉ kiến trúc tôn giáo mang những nét đặc trưng cơ bản của Ấn Độ giáo thuộc giai đoạn hậu Óc eo (từ TK VII- XII SCN) và đây là một di tích kiến trúc văn hóa Óc eo đầu tiên được phát hiện và khai quật ở vùng trũng Đồng Tháp Mười.
   Gò Rộc Chanh là một Gò đất pha cát hiện tại thuộc địa phận khu phố Rọc Chanh-Thị trấn Tân Hưng, diện tích khoảng 1.500 m2. Trên gò xuất lộ nhiều gạch cổ và nhiều lớp gạch nằm phía dưới. Khi khai quật đã xác định được dấu vết nền và móng của 2 dạng kiến trúc có bình đồ vuông, có tường gạch bao quanh, nền gạch lát phẳng bên ngoài. Khoảng giữa có huyệt sâu được lắp đầy gạch và có chôn một Linga bằng đá cùng vài mảnh vàng, mảnh gốm. Dựa vào những dấu vết còn sót lại thì đây là có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Ấn Độ.
   Trải qua bao biến động của thời gian, Gò Rộc Chanh hiện nay đã thay đổi nhiều. Cây cối um tùm che khuất lối đi do ít người lui tới.
   Nhận thấy những giá trị của Gò Rộc Chanh trong việc nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng cũng như văn hóa Óc Eo ở Nam bộ nói chung. Cuối năm 2013, UBND huyện Tân Hưng cũng đã đề nghị làm hồ sơ di tích xin UBND tỉnh xếp hạng nơi này là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét