Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Di tích lịch sử-văn hóa "Gò Giồng Dung", xã Hậu Thạnh Tây

Từ Thành phố Tân An, theo Quốc lộ 62 đi 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, theo Tỉnh lộ 837 về hướng tây khoảng 23 km đến UBND xã Hậu Thạnh Tây, tiếp tục  đi khoảng 5 km vào ngã Tư 7 Thướt là đến khu di tích.
"Gò Giồng Dung" nơi đặt Đồn tả, là 1 trong 4 đồn lũy lớn nhất trong phong trào kháng Pháp của ông Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) trên Đồng Tháp (1864-1866)
3.jpg
Thiên hộ Võ Duy Dương
 Chiều chiều mây giục gió vần
Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời!
Thiên Hộ Dương tên thật Võ Duy Dương (1827-1898) là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã  Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định), em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân, người đã cùng Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình Định. Ông rất khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ Linh Dương.
Năm 1857, gặp lúc gia đình, làng xóm lâm vào cảnh đói nghèo vì nạn bóc lột, bao chiếm ruộng đất của bọn quan lại, ông cùng một số bạn bè hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, vượt biển vào Nam để tìm chỗ chiêu dân, khai hoang lập ấp.
Từ năm 1859-1865, ông cùng lực lượng nghĩa quân chiến đấu đánh Pháp gây cho giặc một số thiệt hại đáng kể. Đến năm 1898, ông bị giặc bắt chém tại  Gò Chàm (Bình Định).
Gò Giồng Dung-chứng tích cuộc kháng chiến chống Pháp của Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương). Tại đây, ông đã trực tiếp chỉ huy, đốc xuất bố phòng quyết tử chiến để bảo vệ trung tâm Gò Thấp.
Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Đồn tả, nhưng nơi đây mãi mãi đi vào lịch sử gắn liền tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của Võ Duy Dương với căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, một trong những phong trào võ trang kháng Pháp tiêu biểu nhất ở Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ 19.
Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, ngày nay nhân dân đã xây dựng đền thờ tưởng niệm, hàng năm có đến hàng chục nghìn người đến kính bái.
Năm 1995, Di tích lịch sử-văn hóa "Gò Giồng Dung" đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét