Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Di tích Tây Sơn thượng đạo có nguy cơ thành phế tích


An Khê đình bị kéo thấp xuốngẢNH: TRẦN HIẾU
Nhiều di tích trong cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Tây Sơn thượng đạo - căn cứ địa đầu tiên của anh em nhà Tây Sơn - đã và đang xuống cấp, hư hại nặng.

Cụm di tích Tây Sơn thượng đạo được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT-DL công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991, nằm rải rác ở 4 huyện, thị của tỉnh Gia Lai. Cụm di tích gồm: An Khê trường, An Khê đình, Lũy An Khê, Gò Chợ, Miếu xà, Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké, Cây Ké phất cờ, Cây Cầy nổi trống tại TX.An Khê; Sa Khổng Lồ, Hồ Ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền ông Nhạc tại H.Kong Chro; Hòn đá ông Nhạc tại H.Đăk Pơ và Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu tại H.Kbang.
Thiếu kinh phí, trùng tu ẩu
Kể từ khi được công nhận đến nay, các di tích trên hầu hết đều chưa được quan tâm đầu tư, gìn giữ và phát huy tương xứng với giá trị lịch sử - văn hóa của nó. Hai di tích quan trọng là An Khê đình và An Khê trường chỉ được trùng tu, đầu tư theo hướng nhỏ giọt nên đang xuống cấp. Những lư hương, vật trang trí thay vì được làm bằng đồng như trước thì đều làm bằng gỗ, thiếu đi sự uy nghiêm ở nơi thờ vua Quang Trung. Những tấm bia ở các di tích này cũng như ở Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, Miếu xà... đều được ốp đá, nhưng phần đế chỉ được làm sơ sài, lộ cả phần móng. Nhiều người thiếu ý thức đã viết bậy lên đó. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin TX.An Khê, giãi bày: “Chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí”. Ông Nguyễn Cộng Hòa, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin H.Kbang, cho biết thêm: “Kinh phí dùng để bảo tồn di tích của chúng tôi mỗi năm chỉ được cấp 100 triệu đồng. Đối với Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, chúng tôi chỉ đủ tiền để làm bia chỉ dẫn, xây dựng bia, xây bao các gốc mít cổ thụ còn lại, không đủ kinh phí để triển khai những công việc lớn hơn...”.
Di tích Tây Sơn thượng đạo có nguy cơ thành phế tích 1
Hòn đá Bok Nhạc nằm lặng lẽ ở một bìa rừng
Từ khi được công nhận di tích cấp quốc gia, cả cụm di tích chỉ được đầu tư chưa quá 15 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo. Dù vậy, công tác trùng tu đã phát sinh nhiều vấn đề khiến dư luận thiếu đồng tình. Nhiều bô lão địa phương từng phản ứng việc xây tường bao An Khê đình và An Khê trường do đơn vị thi công đã xây một số đoạn tường bao quá khác, không phù hợp với quần thể di tích. Sự cố này buộc đơn vị thi công phải đập bỏ vài đoạn tường rào. Trong quá trình trùng tu An Khê đình, khi đôn nền nhà, đơn vị đầu tư đã không đôn cột lên nên khoảng cách giữa trần và nền nhà bị kéo thấp xuống, vô hình trung tạo nên sự ngột ngạt, khó chịu khi vào di tích. Những bệ thờ chỉ được xây bằng xi măng thiếu đi sự trang nghiêm cần thiết. Mới đây, những công trình này được đầu tư 600 triệu đồng để làm lại ban thờ và một số chi tiết nhỏ ở hai đình.
Cách An Khê đình và An Khê trường không xa là Bảo tàng Tây Sơn được xây theo kiểu cách điệu kiến trúc nhà rông truyền thống của người bản địa với số tiền hơn 4,4 tỉ đồng. Theo một số cán bộ làm văn hóa ở TX.An Khê, nền nhà của bảo tàng thấp hơn nhiều so với mặt đường nên hễ mưa là nước tràn xuống bảo tàng; tầng 1 có ít cửa sổ trong khi tầng 2 lại quá nhiều. Bảo tàng quá nghèo hiện vật, chỉ có vài bộ đồ bản địa, bình vôi, mác chưa xác định có phải từ thời Tây Sơn hay không, cùng ít tư liệu sao chép từ Bảo tàng Quang Trung, H.Tây Sơn (Bình Định).
Di tích Tây Sơn thượng đạo có nguy cơ thành phế tích 2
Bảo tàng Tây Sơn chỉ hoành tráng... bên ngoài
Di vật dưới lòng hồ
Đợt khai quật các di chỉ về người tiền sử ở TX.An Khê do Viện Khảo cổ học VN, Viện Khảo cổ học Novosibirsk (Nga) phối hợp thực hiện đã công bố một số thông tin về di tích Tây Sơn thượng đạo vào tháng 4.2016. Theo đó, nhiều di tích trong số quần thể di tích trên đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích bị xóa sổ hoàn toàn.
Tiến sĩ A.Tsybankov, thành viên nhóm khảo cổ, cho biết: “Di tích Vườn cam tương truyền do bà Bùi Thị Xuân trồng đã nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện An Khê - Kanat. Chỉ mới đây thôi, khi nước hồ xuống thấp, chúng tôi có tổ chức khai quật sơ bộ và phát hiện nhiều bếp lửa, nhiều gốc cam cổ thụ, các gò đống chất đầy xương voi và nhiều di vật khác như nồi, gốm, đĩa sứ, công cụ và vũ khí bằng sắt. Đây chính là vết tích cư trú, đồn trú của nghĩa quân nhà Tây Sơn giai đoạn đầu tụ nghĩa”.
Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy một số dấu tích thành lũy thời Tây Sơn đang biến mất: “Một số người dân cho biết, trước 1975, họ còn nhìn thấy một đoạn thành, lũy, cổng ra vào thành. Nhưng giờ đây không còn vết tích trên mặt đất, di tích trở thành phế tích. Sử dụng không ảnh từ thiết bị bay cho biết, bờ lũy An Khê có thể rộng khoảng 35.000 m2”.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, cần tiến hành công tác khảo cổ để từ đó có cơ sở phục dựng một phần bờ lũy, phục vụ công tác tham quan. Nếu không làm sớm thì với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, di tích sẽ bị xóa sổ. 
Việc xây dựng hồ thủy điện An Khê - Kanat đã được báo trước nhưng các cơ quan liên quan vẫn lờ đi, để mặc di tích, di vật ngập trong lòng hồ chứ không tổ chức khai quật, di dời. Chúng tôi đã đề cập vụ việc này với một lãnh đạo tỉnh Gia Lai, tuy nhiên vị này nói mình vừa nhận nhiệm vụ, trong khi vụ việc đã kéo dài mấy năm qua; công việc mới rất nhiều nên chưa có cơ hội tìm hiểu và cho biết quan điểm của tỉnh là cố gắng gìn giữ, phát huy những giá trị riêng có của cụm di tích Tây Sơn thượng đạo.
Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét