Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Theo dấu tích 'hoa cái' vua Quang Trung

Thi thể nhà vua trong Vũ Khố

Vũ Khố (nơi từng giam giữ thi thể vua Quang Trung) trong kinh thành Huế xưaẢNH: TRẦN VIẾT ĐIỀN
Từng bị triều Nguyễn đưa vào biệt giam trong ngục thất, nhưng trong biến cố thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885), hoa cái (tức hộp sọ) của vua Quang Trung đã biến mất một cách bí ẩn.

Hành trình tìm kiếm lăng vua Quang Trung, từng bị vua Gia Long quật phá từ năm Tân Dậu (1801), ở vùng đồi núi phía nam sông Hương, của các nhà khoa học vẫn chưa kết thúc do còn một số giả thuyết khoa học chờ kiểm chứng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua các nhà nghiên cứu cũng đã nhọc công tìm kiếm tung tích “hoa cái” vua Quang Trung.
Những nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An, Đỗ Bang, Phan Quán… qua những công trình công bố từ 1975 - 1988 đã xác nhận tình hình “hoa cái” vua Quang Trung từ 1802 - 1885 ở Huế, bị triều Nguyễn giam vào ngục thất ở Vũ Khố, rồi di chuyển đến khám đường và bị bí mật mang đi trong sự kiện thất thủ kinh đô Huế (1885). Từ năm 1988 đến nay (2016) đã có những hé lộ đầu tiên.
Quật mồ trả thù
Theo tài liệu lịch sử, ghi chép, ngày 3.5 năm Tân Dậu (1801), đại đồn của Tây Sơn ở núi Linh Thái, bên cửa Tư Hiền (nay thuộc H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), do phò mã Trị chỉ huy, bị tấn công trực diện, từ sáng đến chiều, bất phân thắng bại.
Đợi đêm đến, Tả quân Lê Văn Duyệt cho kỳ binh bí mật vác thuyền nhẹ và khí giới vượt qua các làng dọc bờ biển gần cửa Tư Hiền, vào phá Hà Trung, đánh bọc hậu, đại quân Tây Sơn phòng thủ ở núi Linh Thái bị thua, phò mã Trị bị bắt sống... Vua tôi Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đang đưa quân rời thành Phú Xuân, về mặt đông để tiếp ứng, hoảng hốt chạy ra bắc, không kịp mang ấn An Nam quốc vương và nhiều ấn tín khác...
Sáng hôm sau, ngày 4.5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh vào thành Phú Xuân, kinh đô nhà Tây Sơn chính thức thất thủ.
Trở lại Phú Xuân hỏi chuyện và chứng kiến cảnh lăng mộ các chúa Nguyễn bị Tây Sơn quật phá, vứt hài cốt xuống sông, trong đó có mộ của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Vương), Nguyễn Vương càng đau lòng và căm hận Tây Sơn. Hầu như lăng mộ các chúa và các bà vợ của các chúa đều phải làm phép “chiêu hồn nhập xác” vào “hài cốt giả”, tạo bởi “gáo dừa, rễ dâu”. Chỉ có “hoa cái” của Nguyễn Phúc Luân là do cha con ông Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Hóa, vớt được và bí mật táng lại.
Theo quốc sử triều Nguyễn như Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử di biên…, việc trả thù nhà Tây Sơn của vua Gia Long diễn ra từ tháng 5 năm Tân Dậu (1801) đến tháng 11 Nhâm Tuất (1802). Đặc biệt qua một nguồn sử liệu khác là thư của các nhân chứng phương Tây của giai đoạn ấy, như lá thư của Barisy gửi Marquini và Letondal ngày 16.7.1801 có thể biết được trong hơn một tháng kể từ ngày 2.5 năm Tân Dậu (12.6.1801) đến ngày 6.6 Tân Dậu (16.7.1801) Nguyễn Vương đã bắt giam một số tướng lĩnh Tây Sơn cùng thân nhân của họ.
Trong thư của Barisy có đoạn: “1801. Ngày 15.6 (4.5 Tân Dậu)… Người lại bảo tôi đi xem em gái của kẻ tiếm vị. Tôi đến đấy, các cô đều ở trong một phòng hẹp tối tăm chẳng lịch sự gì… Các phu nhân ấy gồm 5 vị: một người 16 tuổi mà theo tôi là rất đẹp, một cô nhỏ 12 tuổi là con gái của công chúa Bắc Hà nhan sắc tầm thường, 3 cô khác tuổi từ 16 đến 18 da hơi nâu nhưng khuôn mặt khả ái... Các tướng địch cấp bậc nhỏ hơn có từ 3.500 đến 4.000 người đều bị đóng gông…”.
Nguyễn Vương sau khi bắt giam tướng tá Tây Sơn cùng thân quyến đã cho quật mồ vợ chồng Nguyễn Huệ nhưng phải đợi đến tháng 11 năm Tân Dậu mới chính thức xử tội nhà Tây Sơn, thông cáo cho đại chúng, nhất là ở Gia Định, biết.
Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 11, Tân Dậu (1801) phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng phơi thây bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây…”.
Như vậy, từ năm Tân Dậu (1801) lăng mộ vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm ở nam sông Hương đã bị quật phá, quan tài bị kéo ra khỏi mộ, mở nắp lấy thi thể ra bêu đầu phơi xác ở các chợ thuộc kinh thành Phú Xuân. Hơn 31 người trong đó có 3 hoàng tử của vua Quang Trung bị giải xuống tàu, đưa về xử lăng trì ở Gia Định.
Sau vài ngày bị bêu, thi thể của hai vợ chồng vua Quang Trung lại bị giam giữ ở Nhà Đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) khoảng một năm mới đem trị tội tiếp trong lễ Hiến Phù.
Tác giả Trần Viết Điền là giảng viên Khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm Huế. Ông đã âm thầm nghiên cứu đi tìm lăng vua Quang Trung từ 30 năm qua. Cơ duyên để ông đắm mình với hành trình gian nan này bắt đầu từ năm 1986, khi cố học giả Nguyễn Hữu Đính tình cờ đưa cho ông xem công trình nghiên cứu lăng Ba Vành của mình.
Tiếp nối những kết quả của cố học giả Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền đã nghiên cứu và công bố trên các báo, tạp chí và các hội thảo khoa học nhiều bài viết khẳng định lăng Ba Vành chính là Đan Lăng nơi nguyên táng của vua Quang Trung. Những công bố của ông đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa. Hiện tại ông Điền đang kiến nghị nhà nước cần có cuộc khai quật khảo cổ học và tiến hành giám định mẫu vật phát hiện ở khu vực lăng Ba Vành, để có cơ sở xác định khu lăng mộ này có phải là lăng vua Quang Trung hay không.

Rùng rợn lễ Hiến phù

Địa điểm tổ chức lễ Hiến phù, nay thuộc vị trí công viên Nguyễn Văn Trỗi, HuếẢNH: B.N.L
Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802) xa giá vua Gia Long từ Thăng Long trở về Phú Xuân và tổ chức lễ Hiến phù, “tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn.

Sau khi tạm ổn định tình hình, ngày 2.5 năm Nhâm Tuất (12.6.1802) Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long nguyên niên ở Kinh thành Phú Xuân và sau đó đưa đại quân ra bắc để tiêu diệt vua Tây Sơn.
Ngày 23.6 năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long vào thành Thăng Long và vài tháng sau bắt sống vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản ở rừng Phượng Nhãn, sau đó đưa về Phú Xuân tổ chức lễ Hiến phù.
Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 11, Nhâm Tuất (1802) làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày quý dậu (6.11 âm lịch, nhằm ngày 30.11.1802) tế thiên địa thần kỳ. Ngày giáp tuất (7.11 âm lịch, nhằm ngày 1.12.1802) hiến phù ở Thái miếu... Sai Nguyễn Văn Khiêm là đô thống chế dinh Túc trực và Nguyễn Đăng Hựu làm tham tri hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết”.
Tương truyền quảng trường, nơi tổ chức lễ Hiến phù, nằm trước từ đường Dũng Triết Vương, phía tây thành Phú Xuân. Khu vực này về sau có Tôn Nhân Phủ, Khâm Thiên Giám, Bộ Học và một phần của công viên Bao Viên sau đổi tên thành công viên Nguyễn Văn Trỗi (TP.Huế) hiện nay.
Để không còn sinh phúc
Việc vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn và đưa “hoa cái” của 3 vị vua vào giam trong ngục thất được lý giải và mô tả qua bức thư của giáo sĩ Bissachèrre, như sau:
“Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn. Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã mười, mười hai năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên. Người ta sắp các xương của Quang Trung, cha vua và các xương của mẹ vua... rồi người ta theo lệ bề ngoài chém cổ để làm sỉ nhục, và nhất là để các xương đó không còn sinh phúc cho con cháu, theo tục mê tín của người trong xứ. Rồi tất cả xương được dồn vào trong một cái giỏ lớn để binh sĩ đến tiểu tiện vào. Xong, người ta nghiền xương thành bột, bỏ vào một giỏ khác đặt trước vua trẻ Tây Sơn để làm cho vua đó đau khổ.
Bấy giờ người ta dọn cho vua một bữa tiệc khá long trọng, chiếu theo tục trong xứ đối với những kẻ sắp bị tử hình. Em vua (tức Quang Thiệu) can đảm hơn vua, thấy vua ăn thì trách và bởi vì mâm người ta dọn đồ ăn bưng tới đó có những đặc điểm có ý tôn trọng chức vua, nên ông nói: “Nhà mình thiếu gì mâm, cần gì phải ăn mâm mướn”.
Ăn xong, người ta nhét giẻ vào miệng vua và nhiều người khác để họ khỏi chửi mắng vua mới, đoạn trói chân tay vào bốn voi để cho voi xé. Một con voi đã kéo nát đùi và lòi gân vua ra, nhưng vua còn quay về cái giỏ chứa xương cha mẹ vua. Lý Hình dùng một con dao để phanh các phần còn dính lại với nhau ra làm bốn phần, cộng với cái đùi đã xé ra nữa là năm. Người ta đem bêu các phần đó lên, ở đầu một cái cọc cao, tại năm chợ đông người hơn trong đô thành. Các cọc đó được canh giữ ngày đêm và người ta dọa phạt nặng những ai làm mất đi; nhưng phải để vậy cho thối ra hoặc cho quạ ăn...”.
Theo chính sử, vua Gia Long sau khi có những thao tác “tận pháp trừng trị” lên hài cốt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và thân xác của Nguyễn Quang Toản, đã chừa lại ba “hoa cái” của 3 “tiếm vương” Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản, bỏ vào 3 cái vò (nên người ta quen gọi là Ông Vò), đậy nắp kỹ, niêm khằng, quấn xích sắt, chú bùa để giam vĩnh viễn tội phạm trong Nhà đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) vào tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802).
Vậy Vũ Khố ở đâu? Đại Nam nhất thống chí chép: “Vũ Khố. Ở địa phần phường Liêm Năng về phía tây kinh thành. Phía trước có một công trường và một sở chi thu, phía sau có 10 kho. Lệ đặt một viên thị lang trông coi, thuộc viên có lang trung, viên ngoại lang, chủ sự, tư vụ và thơ lại thuộc ty. Trước gọi là Ngoại đồ gia, năm Minh Mệnh thứ 1 đổi tên hiện nay; phía bắc là sở Vũ Khố đốc công, quan chức có viên giám đốc; từ viên ngoại lang trở xuống thì do bộ Công thống lãnh”.
Theo những mô tả trong sử sách thì địa điểm Vũ Khố nay thuộc khuôn viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Di vật của Vũ Khố chỉ còn cái giếng cổ ở trung tâm của trường, dưới gốc cổ thụ và một viên đá kê cột nằm trước cổng trường.

Biệt giam 'hoa cái' 3 vua Tây Sơn

Dấu tích đá táng chân cột của Vũ Khố ngày xưaẢNH: T.V.Đ
Sau khi làm lễ Hiến phù, vua Gia Long đã bỏ hộp sọ Nguyễn Huệ cùng với Nguyễn Nhạc và Quang Toản vào vò, chú bùa đưa vào biệt giam trong Nhà Đồ ngoại, sau đổi thành Vũ Khố.

Dời “Ông Vò” vào Khám đường
Ba cái vò giam ba “hoa cái” của ba tiếm vương, cùng với mộc chủ, bị giam ở Vũ Khố (tiền thân là Nhà đồ ngoại) từ năm 1802 - 1822. Mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng mới ra lệnh đưa 3 cái vò (thường gọi là “Ông Vò”) vào giam ở Khám đường.
Theo linh mục Pháp J.B.Roux, Giáo sư Nguyễn Đình Hòe, nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì khám đường nay ở P.Tây Lộc (TP.Huế), góc tây nam của phòng thành Huế. Thời Gia Long, nó được gọi là Ngục Thất. Chính vua Minh Mạng, vào năm trị vì thứ 6 (1825), đã đổi tên Ngục Thất (nhà tạm giam) thành Khám đường (phòng xét xử) và tên chính thức trở thành Khám đường Ngục Thất.
Xưa P.Tây Lộc là nơi có đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy, chuyên sản xuất nông nghiệp, phục vụ một phần lương thực cho triều đình và cư dân sống trong phòng thành, để đề phòng khi xảy ra chiến tranh, phòng thành bị vây hãm. Khu vực này hình vuông, trong đó có 3 góc là góc tây nam của phòng thành, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây. Khám đường ở giữa vùng này, hồ bao bọc chung quanh, chỉ một cửa để ra vào. Khám đường có một số dãy nhà để giam tội nhân, đặc biệt có phòng giam ba cái vò đựng ba “sọ đầu” của nhà Tây Sơn. Chủ ngục, lính canh ngục và các tù nhân đã bí mật lập bàn thờ để thờ ba “Ông Vò”, nhằm cầu đảo khi gặp tai ương… Từ năm 1822 - 1885, hằng tháng đều có ban kiểm tra của triều đình đến Khám đường để kiểm soát ba cái vò nói trên. Hiện nay phần đất của Khám đường đã dựng Trường tiểu học Tây Lộc. Di vật của Khám đường là vài viên đá kê cột lộ thiên, trong đó một viên đá kê cột to, còn hai viên đá kê cột nhỏ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Khám đường có từ thời Gia Long, lúc vua quy hoạch ranh giới cho phòng thành Huế, nghĩa là từ năm 1804. Tuy nhiên, qua kiểu thức và chất liệu của hai viên đá kê cột, gạch bìa... của Khám đường mới phát hiện, có thể thấy Ngục Thất này được xây dựng từ thời chúa Nguyễn. Triều Nguyễn sử dụng Khám đường cho tới khoảng năm 1900. Vào đầu năm 1899, vẫn còn một số tù nhân ở đó.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An, Đỗ Bang, Phan Quán… qua những công trình đã công bố từ 1975 - 1988 cho biết đêm 22 rạng 23.5 năm Ất Dậu (1885) trong biến cố thất thủ kinh đô, vua Hàm Nghi cùng hoàng gia phải rời khỏi phòng thành, quân Pháp vào thành… có người mang 2 trong 3 “Ông Vò” theo đoàn quân. Riêng một “Ông Vò” (“hoa cái” vua Quang Trung) được một ông quan võ, trông coi Khám đường, “giải cứu” và mang đi. Tuy nhiên, người quan võ có ân tình bí mật đưa “hoa cái” vua Quang Trung ra khỏi Khám đường ấy đã đi đâu và cất giấu “Ông Vò” ở đâu vẫn là một bí ẩn.
Hé lộ người mang “hoa cái” vua Quang Trung
Từ năm 1885 đến nay, đã hơn 100 năm, ba “Ông Vò” mất tích nhưng người Huế từ trong nội bộ hoàng gia đến dân chúng cứ truyền khẩu về những đồn đoán và gần đây đã có những hé mở.
Năm 1988, trong công trình nghiên cứu của mình, PGS-TS Đỗ Bang trong sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 1988) đã công bố những thông tin mà ông đã thu lượm và xử lý.
Trong sách này, PGS-TS Đỗ Bang viết: “Từ lâu, người dân xứ Huế đã chỉ cho tôi rằng - sau vụ binh biến ở kinh thành Huế 1885, có một nhân vật quan trọng trong triều đã trộm lấy chiếc vò mang đi về theo hướng đông - nam kinh thành. Chúng tôi ngờ rằng, người mang“Ông Vò” đã đi vào Bình Định, quê hương của các lãnh tụ Tây Sơn, nhưng sau nhiều lần sưu khảo vẫn không thấy kết quả. Có người cho biết nhân vật đó quê ở làng Thanh Thủy Chánh, giữ một chức quan trọng trong triều đình Huế và từng coi sóc ở Khám đường. Từ năm 1977, đã nhiều lần tôi đi khảo sát ở làng Thanh Thủy Chánh và một số làng phụ cận của TP.Huế, nhưng chưa thể kết luận được”.
PGS-TS Đỗ Bang cho biết vào tháng 3.1988, trong một chuyến điền dã ở làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế), ông đã tìm ra tông tích nhân vật bí ẩn mang “hoa cái” vua Quang Trung rời khỏi Khám đường.
PGS-TS Đỗ Bang viết: “Chuyến khảo sát gần đây, vào tháng 3 năm 1988, cho phép chúng tôi thông báo một tín hiệu đáng lưu ý như sau: Lúc còn sống, ông Trần Công Toản (1880 - 1950) có thời làm lãnh binh và giữ vị trí thứ chỉ trong làng Thanh Thủy Chánh, từng kể rằng. Sau vụ binh biến ở kinh thành vào năm 1885, hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá đã cẩn thận “giải phóng” cái “hoa cái” trong chiếc vò, đem để trong một cái thạp đồng mang về chôn ở làng Thanh Thủy Chánh, nơi chôn ở gần Miếu Đôi”.

Tượng phỗng trước bệ thờ Miếu Đôi

Trường tiểu học Tây Lộc (Huế) nằm trên phần đất của Khám đường ngày xưaẢNH: T.V.Đ
Có thể do tin vào phong thủy, triều Nguyễn không cho “hoa cái” của các thủ lĩnh Tây Sơn nhập thổ vì sợ “kết phát”.

Để giữ bí mật, lúc bấy giờ nhà Nguyễn cho đưa “hoa cái” Quang Trung vào một ngôi miếu hoang để tiếp tục giam dưới hình thức hết sức đặc biệt.
Hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá vì tội đưa sọ vua Quang Trung khỏi Khám đường (nay thuộc P.Tây Lộc, TP.Huế) về chôn, bị phát giác, vua Đồng Khánh đã ra lệnh xử tử hình. Con cháu không được lót chữ Công nên phải đổi thành Phan Văn… vì sợ tru di tam tộc.
Đó là ghi chép của PGS-TS Đỗ Bang trong sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 1988). Cũng trong sách nêu trên, PGS-TS Đỗ Bang cho biết vào ngày 25.3.1988 PGS-TS Đỗ Bang đã trao đổi với các bô lão làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) ở nhà thờ tộc Phan, nghiên cứu các bản tộc phả, gia phả họ Phan còn lưu giữ, xác minh các nhân vật lịch sử truyền thuyết nêu trên là khả tín.
Tuy nhiên, lại một vấn đề khác trong hành trình tìm “hoa cái” vua Quang Trung được tác giả nêu: “Sau khi bị bắt, ông Phan Công Hắc có khai chỗ chôn đầu lâu của vua Quang Trung? Nếu đã khai báo thì triều đình Đồng Khánh có còn để đầu lâu nhà vua ở lại Thanh Thủy Chánh không hay đã có cách xử lý khác mà sử sách và lời truyền không để lại cho chúng ta? Hoặc có còn vụ đánh cắp nào xảy ra sau đó nữa không?”. Các bô lão kể rằng: “Miếu Đôi nằm ở bên kia cầu ngói Thanh Toàn, ngày trước có hai miếu, dáng tò vò nằm song song cách nhau chừng 1,5 m. Miếu Đôi thờ hai vị “lang lại nhị đại tướng quân”. Khoảng giữa hai ngôi miếu, chếch về phía sau có một ụ đất trông như một nấm mộ nhỏ. Ngày xưa khu vực này nổi tiếng là linh thiêng, ngày rằm, mồng một hằng tháng dân làng đến thắp hương ở “ụ đất” đó, nhưng không người nào biết rõ là mộ của ai. Đấy là trường hợp đặc biệt, vì mộ dân trong làng đã có các nghĩa địa dành sẵn, không ai chôn ở đó” (Sách đã dẫn, trang 179).
Như thế có thể từ tháng năm năm 1885, “hoa cái” vua Quang Trung được chôn giấu ở khu vực Miếu Đôi gần cầu ngói Thanh Toàn. Sau sự kiện việc chôn giấu “hoa cái” của hai vị họ Phan bị phác giác, triều Nguyễn đã “xử lý” “hoa cái” vua Quang Trung như thế nào?
Tiết lộ của vị quan triều Nguyễn
Cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng từng học và tốt nghiệp ở Quốc Tử Giám Huế, được bổ làm việc ở Văn phòng ngự tiền thời vua Bảo Đại. Năm 1957, Viện Đại học Huế thành lập, cụ giảng dạy Hán Nôm ở Văn khoa. Cụ là người biết nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của triều Nguyễn.
Trong nhiều nội dung cụ kể có nhắc đến sự kiện vị “cai ngục” đã mang “Ông Vò” (“hoa cái” vua Quang Trung) về cầu ngói Thanh Toàn, chôn giấu trong đất miếu, bị phác giác và bị triều đình xử tử. Còn “hoa cái” của vua Quang Trung, theo như cụ kể, đã được lấy khỏi đất, bọc đất sét trộn trấu, mang vào một ngôi miếu của Miếu Đôi, đặt trên nền miếu, trước bệ thờ như một tượng phỗng… Lời kể của cụ rất khớp với những thông tin do PGS-TS Đỗ Bang đã cung cấp.
Tại sao Miếu Đôi lại trở thành miếu hoang vào thời Nguyễn và vua Đồng Khánh đã cho thuộc hạ giam “hoa cái” vua Quang Trung trong ấy?
Kết quả nghiên cứu từ tài liệu tộc phả họ Trần làng Thanh Thủy Chánh (do TS Trần Duy Phiên, hậu duệ của họ Trần làng Thanh Thủy Chánh, hiện sinh sống tại TP.HCM thực hiện) cho biết Khâm sai Phan Trọng Phiên trong đoàn quân bình Nam của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc là chồng bà Trần Thị Đạo - người cúng tiền xây cầu ngói Thanh Toàn. Về sau ông Phan Trọng Phiên đổi tên là Phan Lê Phiên. Bà Trần Thị Đạo có trang thờ ngay trên cầu ngói, còn vị phu quân và người mai mối cho tình duyên của hai người là Nguyễn Hữu Chỉnh được thờ ở Miếu Đôi, nên dân làng truyền khẩu Miếu Đôi thờ “lang lại nhị vị đại tướng quân”.
Đến thời vua Gia Long thì Miếu Đôi không còn được tế lễ, trở thành miếu hoang, vì hai vị Phan Trọng Phiên và Nguyễn Hữu Chỉnh có vai trò quan trọng trong cuộc Nam chinh năm Giáp Ngọ (1774), tiêu diệt họ Nguyễn Đàng Trong.
Một số vị bô lão, làng Thanh Thủy, từng tham gia Việt Minh cho biết trước 1945, khi vào miếu hoang để trốn, họ vẫn còn thấy tượng phỗng đặt trước bệ thờ, dưới nền gạch trong miếu trái của Miếu Đôi.
Nhưng tại sao triều Đồng Khánh không hủy “hoa cái” của “chúa Ngụy”? Không đưa vào lại Khám đường giam giữ mà lại tiếp tục giữ ở Miếu Đôi?... Theo chúng tôi, do tin vào phong thủy, triều Nguyễn không cho “hoa cái” của các thủ lĩnh Tây Sơn nhập thổ vì sợ “kết phát”. Để giữ bí mật, lúc bấy giờ người ta đưa “hoa cái” vào miếu hoang (Miếu Đôi) để tiếp tục giam dưới dạng tượng phỗng.
Theo cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng thì năm 1944 có cuộc lễ của hội Tiên Thiên thánh giáo ở Miếu Đôi và sau đó người ta đã rước “tượng phỗng” đến chỗ mới. Nhưng rước đi đâu thì cụ không tiết lộ.

Đi trực thăng viếng mộ Quang Trung

Nơi các vị bô lão trong thôn Hải Cát cho rằng năm 1973 từng có máy bay trực thăng đáp xuốngẢNH: T.V.Đ
Từ những công bố của PGS-TS Đỗ Bang, ngày 25.3.1988, chúng tôi gồm Trần Viết Điền và Nguyễn Quang Minh đến thăm cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng tại nhà riêng ở số 2, hẻm 95 Vạn Xuân, TP.Huế, nhằm tìm hiểu về lăng Ba Vành. Qua đó, đã hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến 'hoa cái' vua Quang Trung.

Năm 2013, trên website của Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang, có đăng bài viết của Phan Quán với tựa đề Những hướng tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Qua bài viết này, tác giả cung cấp một thông tin đáng chú ý: “Nay, chúng tôi góp ý về một hướng mới để tìm lăng mộ hoàng đế Quang Trung theo gợi ý của tác giả Phan Duy Kha. Đây là một câu chuyện tình cờ mà chúng tôi được biết có liên quan đến ngôi mộ hoàng đế Quang Trung. Tôi có người bạn tên là T.Đ.S, trước năm 1975 là bạn học ở ĐH Huế, ông bị bắt đi lính và trở thành một đại úy phục vụ ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 - Huế. Mới đây, tôi gặp lại ông và được nghe ông kể một câu chuyện liên quan đến lăng mộ hoàng đế Quang Trung, rất phù hợp với lập luận của tác giả Phan Duy Kha”.
Bài viết nêu rõ, vào tháng 4.1973, trong một phi vụ công tác bằng trực thăng gồm 5 người:
đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 - Sư đoàn 1 bộ binh, tùy viên của ông đại tá, đại úy T.Đ.S, phi công và một thường dân. Khi đến gần Huế, trực thăng đáp xuống một ngọn đồi phía sau điện Hòn Chén (Thừa Thiên-Huế). Ông đại tá và người thường dân bước xuống đi vào cánh rừng sau điện này. Số người còn lại vẫn ngồi trên trực thăng. Trong thời gian chờ đợi, tùy viên của ông đại tá nói đã tìm ra mộ hoàng đế Quang Trung và hiện ông đại tá đang đi thăm mộ đó. Việc tìm ra mộ hoàng đế Quang Trung là nhờ các cuộc hành quân của ông đại tá vào vùng này, có tiếp xúc với dân cư ở đây. Tuy nhiên, ông đại tá vẫn muốn giữ bí mật vì một ý đồ nào đó. Khi hai người trở lại trực thăng đều không nói gì cả và trực thăng bay về Bộ Tư lệnh ở Giạ Lê. Sau năm 1975, ông đại tá mất tích và câu chuyện về lăng mộ hoàng đế Quang Trung cũng rơi vào quên lãng.
Câu chuyện đoàn sĩ quan chế độ cũ đáp trực thăng xuống vùng núi Ngọc Trản thuộc thôn Hải Cát (nay thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà) để viếng mộ Quang Trung cũng đã được cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng (một người từng làm việc dưới quyền của cụ Phạm Quỳnh, trong Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại) từng kể. Theo lời cụ Lê Văn Hoàng, năm 1973, có vị đại tá Trung đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 1 bộ binh, mời cụ lên máy bay trực thăng đi thăm mộ Quang Trung; cụ chỉ kể lại trực thăng có đáp xuống vùng Thiên An và cụ cùng ông đại tá vào chiêm bái lăng Ba Vành.
Như vậy, người thường dân nói trên có thể là cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng. Sau khi đi viếng lăng Ba Vành, có khả năng đoàn 5 người này tiếp tục đến điện Hòn Chén như bài viết của Phan Quán. Ông đại tá trên chiếc trực thăng, đi viếng lăng Ba Vành cùng cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng là đại tá Võ Toàn, Tư lệnh Trung đoàn 1 bộ binh. Ông Toàn biết các thầy Lê Văn Hoàng, Phan Văn Dật có biết về mộ Quang Trung, còn ông ấy trong những khi hành quân ở vùng đồi núi quanh Huế đã thu thập thông tin về mộ Quang Trung, do dân chúng cung cấp, vì thế ông đã mời cụ Lê Văn Hoàng lên máy bay trực thăng để giúp tìm hiểu là vậy.
“Hoa cái” vua được rước lên núi Ngọc Trản ?
Khi cụ Hồng Hoài kể chuyện đoàn rước “hoa cái” từ Miếu Đôi, chúng tôi có hỏi rước đi đâu thì cụ im lặng, dường như cụ “phải giấu”. Giờ thông tin do Phan Quán cung cấp có thể biết được “người thường dân” (cụ Lê Văn Hoàng) không những đã đưa ông đại tá và tùy viên lên lăng Ba Vành mà còn lên vùng núi Ngọc Trản để chiêm bái mộ vua Quang Trung, khiến chúng tôi kết nối lại và đưa ra giả thiết có lẽ đây là nơi đã táng “hoa cái” vua Quang Trung sau khi được rước từ Miếu Đôi làng Thanh Thủy Chánh lên. Bởi nơi nguyên táng lăng mộ vua Quang Trung không thể ở đỉnh Ngọc Trản. Đỉnh Ngọc Trản ở bờ bắc sông Hương, chứ không phải “vu Hương Giang chi Nam” (ở nam sông Hương) như chính sử triều Nguyễn đã chép.
Hơn nữa, ở “đỉnh Ngọc Trản” từ xưa đã có điện Hòn Chén, thờ Ponagar (Diễn phi chúa ngọc) như Ô châu cận lục từng chép. Nếu từng có lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đỉnh Ngọc Trản thì vua Đồng Khánh không “tích cực” tôn tạo cơ sở tôn giáo này để “phụng thờ” nơi có mộ cũ của kẻ thù!
Như vậy, theo chúng tôi chỗ mà đoàn sĩ quan chế độ cũ đến viếng được nêu ở trên không phải là lăng mộ nguyên táng của vua Quang Trung mà có thể là nơi chôn “hoa cái” vua Quang Trung, sau khi được đoàn rước lễ Tiên Thiên Thánh giáo rước đi trong năm 1944 mà cụ Lê Văn Hoàng từng kể.

 Bí mật miếu Kẻ Truông

Đá có hoa văn chế tác dở dang tại miếu Kẻ TruôngẢNH: TRẦN VIẾT ĐIỀN
Để tìm hiểu thêm về thông tin đoàn sĩ quan VNCH từng đáp máy bay quân sự viếng lăng mộ vua Quang Trung ở làng Hải Cát, chúng tôi đã có chuyến điền dã tại ngôi làng này và phát hiện những dấu tích đáng chú ý.

Ngày 10.3.2016, chúng tôi tiến hành điền dã ở làng Hải Cát (xã Hương Thọ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), gần điện Hòn Chén. Vào con đường đầu làng, gặp bà lão Phạm Thị Bậm hỏi về chiếc máy bay trực thăng đáp xuống làng thời chiến tranh, bà bảo không biết, nhưng chỉ chúng tôi “tìm ông Lòn mà hỏi”. Vào sâu trong làng hỏi nhà ông Lòn thì may mắn chúng tôi gặp ba cha con ông Lòn vừa dự đám cưới về, đi bộ trên đường làng ở bờ sông Hương…
Cha con ông Lòn mời chúng tôi vào nhà. Hỏi mới biết tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Lòn (94 tuổi) từng làm xã trưởng làng Hải Cát, hai người con trai là Nguyễn Văn Chiến (64 tuổi), Nguyễn Văn Thắng (61 tuổi). Ông Nguyễn Văn Chiến xác nhận năm 1973, khi đang chăn bò ở Kẻ Truông, anh thấy một chiếc trực thăng đáp xuống Kẻ Truông, có ông sĩ quan và vài người tùy tùng vào miếu Kẻ Truông thắp hương, khấn vái; riêng một số lính cầm súng gác quanh bãi đáp. Ông Chiến hăng hái đưa chúng tôi đến Kẻ Truông, chỉ nơi ngày xưa trực thăng đáp và nơi ông sĩ quan - tức đại tá Võ Toàn như đã xác định ở bài viết kỳ trước - đến thắp hương “mộ Quang Trung”.
Chúng tôi đến khu vực Kẻ Truông thì thấy có ngôi miếu, một con rùa đá và hai con rồng ở bậc cấp, đặc biệt có hai hang thờ hổ. Cụ Nguyễn Văn Lòn cho biết miếu Kẻ Truông ngày xưa rất nhỏ, khi ông đại tá đến chiêm bái ở miếu, có một hang nhỏ dạng tổ tò vò, bên trong có đắp một tượng hổ nhỏ bằng con mèo. Cụ Nguyễn Văn Lòn từng đứng ra tổ chức dân làng tôn tạo miếu to gấp mười miếu cũ như hiện nay. Hỏi cụ miếu thờ thần gì, cụ không biết. Nhưng người làng và những tín đồ Tiên Thiên Thánh giáo hay đến lễ bái. Về sau làng Hải Cát hằng năm tổ chức lễ kỳ an vào ngày 2.2 âm lịch tại miếu.
Chúng tôi hỏi khi làng tôn tạo miếu thì có đào móng, có phát hiện di vật gì không. Cụ Lòn bảo khi tôn tạo thì có mở rộng khuôn viên, bao quanh miếu cổ nhỏ, triệt hạ miếu nhỏ, không phát hiện gì vì đào móng cạn. Cụ giữ lại hang nhỏ có tượng hổ, hiện nay vẫn còn sau miếu mới, phía trái.
Theo cụ Lòn, rùa đá và hai con rồng ở bậc cấp khi xưa ở gần bờ sông. Các vị cao niên của làng kể rằng, ngày xưa triều đình nhà Nguyễn định táng vua Khải Định ở đất Kẻ Truông, mở trường chế tác đá, cho tạc rùa để trị thủy và tạc rồng đá đặt ở bậc cấp lên nơi định táng vua. Nhưng không hiểu vì lý do gì triều đình không táng vua ở Kẻ Truông mà lại táng ở phía bên kia sông, vùng Châu Ê.
Thông tin này có điều phi lý, vì nếu triều Nguyễn chế tác đá thì đã có cơ sở ở Vũ Khố trong phòng thành, không cần chế tác ở Kẻ Truông! Thêm nữa, việc chế tác đá để làm lăng phải được thực hiện khi đã chọn được cuộc đất để táng vua, có lý nào nơi an táng một vị vua mà có thể dễ dàng dời từ chỗ này qua chỗ khác như vậy?!
Cũng theo cụ Nguyễn Văn Lòn, khi tôn tạo miếu Kẻ Truông, các bô lão trong làng đã cho dời rùa đá, hai rồng đá vào miếu hiện nay.
Ráp nối các sự kiện có thể đưa ra giả thuyết như sau: Năm 1944, đoàn rước Tiên Thiên Thánh giáo đã bí mật vào miếu Kẻ Truông để chôn giấu “hoa cái” vua Quang Trung. Ông đại tá đã đưa cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng lên miếu Kẻ Truông để chiêm bái mộ vua Quang Trung (nơi chôn “hoa cái”) vào năm 1973 và ông cùng cụ Lê Văn Hoàng đã giấu bí mật này. May thay nhân vật có tên T.Đ.S, tùy viên của ông đại tá, có đi trong đoàn, trên chiếc trực thăng năm 1973, đã hé bí mật cho nhà nghiên cứu Phan Quán công bố!
Tuy nhiên, để khẳng định Kẻ Truông có phải nơi đang chôn giấu “hoa cái” vua Quang Trung, cần phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng bằng các giải pháp khoa học như khảo cổ học, tìm kiếm mẫu vật, xác định ADN…
Trần Viết Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét