Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Danh tướng cãi lệnh vua để tránh đối đầu bạn trên chiến trường

Để không phải đối đầu với bạn là tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu, tướng Thoại Ngọc Hầu tự ý rời Phú Xuân về Gia Định khi chưa có lệnh vua.

Theo sử cũ, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu cùng quê làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) - nay là phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Hai người chơi với nhau rất thân, cùng uống nước một giếng làng, cùng tắm chung dòng sông Hàn.
Sau vì quê hương loạn lạc, Nguyễn Văn Thoại phải theo cha mẹ vào sống tại Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long) rồi tình nguyện theo phò Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) khi mới mới 16 tuổi. Gia đình Trần Quang Diệu cũng bỏ xứ về quê ngoại ở làng Trà Khê (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) rồi vào Bình Định gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Khi biết tin nhau thì hai ông đã ở hai bên chiến tuyến.
Tính khí đều kiên cường, bất khuất nên cả hai sớm trở thành tướng tâm phúc của Nguyễn Phúc Ánh và Nguyễn Huệ. Nguyễn Văn Thoại làm đến chức Khâm sai Bình tây Đại tướng quân, tước Hầu. Còn Trần Quang Diệu cũng được phong làm chức Thái phó và là một trong những vị quan trụ cột của nhà Tây Sơn.
danh-tuong-cai-lenh-vua-de-tranh-doi-dau-ban-tren-chien-truong
Lăng danh tướng Thoại Ngọc Hầu tại Châu Đốc (An Giang). Ảnh: Wikipedia
Là võ tướng hai triều thù địch nhưng suốt 25 năm họ không bao giờ đối địch nhau. Năm 1801, lúc Nguyễn Văn Thoại mang quân từ Vạn Tượng (Lào) tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn cầm binh ra tiếp cứu. Không muốn đối đầu với bạn, tướng Nguyễn Văn Thoại đã giao binh quyền cho phó tướng của mình là Lưu Phước Tường rồi bỏ vào Gia Định.
Vì vậy, ông bị chúa Nguyễn bắt tội là không có lệnh vua mà tự tiện về, giáng xuống làm Cai đội quản đạo Thanh Châu. Ông mất tất cả cơ đồ, công danh, sự nghiệp nhưng không đánh mất tình quê hương, bè bạn. Hành động dám làm trái ý vua để khỏi phải chạm mặt bạn trên chiến trường của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì cho rằng ông đã dám "vì nghĩa diệt thân".
Năm 1802, Trần Quang Diệu và vợ con bị Gia Long xử tử. Thân tộc bị hệ luỵ, phải đổi sang họ Nguyễn để tránh tội "tru di". Một số tài liệu cho rằng, chính Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, giao cho vợ thứ là bà Nguyễn Thị Hiền trích ra 3/18 mẫu ruộng đang cai quản để lo hương hỏa, thờ tự danh tướng Tây Sơn bạn mình.
Không chỉ trọng tình bạn, Thoại Ngọc Hầu còn là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ, khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, đặt nền móng cai trị lâu dài của nước ta trên vùng đất biên viễn này. 
Năm 1818, ông phụng mệnh thiết kế, tổ chức đào kênh nối Đông Xuyên - Rạch Giá dài hơn 12 km, hoàn thành trong thời gian 4 tháng. Biểu dương công trạng của Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long đặt tên cho kênh này là Thoại Hà và đặt tên cho ngọn núi phía đông là Thoại Sơn.
danh-tuong-cai-lenh-vua-de-tranh-doi-dau-ban-tren-chien-truong-1
Tượng tướng Thoại Ngọc Hầu trong lăng ở An Giang. Ảnh:thoaingochau.org
Một năm sau, ông cùng Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kênh nối liền Châu Đốc - Hà Tiên. Đây là một công trình lớn do ông thiết kế và đốc suất quân dân làm việc với số nhân công lớn gồm 80.000 người, gần 5 năm (1819-1824) mới hoàn thành.
Công trình này là thành quả lớn lao của tập thể nhân dân mà người lãnh trách nhiệm chính với triều đình chính là ông. Nói về lợi ích của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: "Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng".
Sau khi hoàn thành công trình thủy lợi, giao thông và quốc phòng ở biên giới Tây Nam này, Nguyễn Văn Thoại được vua Minh Mạng đặc ân cho lấy tên vợ ông (bà Châu Thị Vĩnh Tế) đặt tên cho con kênh là Vĩnh Tế. Năm 1836, vua cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm vào đỉnh. Đây là một di vật đối với cá nhân ông cũng như tập thể nhân dân tham gia vào công trình đào kênh Vĩnh Tế.
Ông mất tại Châu Đốc ngày 6/6/1829 lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi, an táng tại chân núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với những công lao rất lớn đối với triều đình ông đã được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đôn thống.
Thế nhưng, theo sách Đại Nam chánh biên liệt truyện, sau khi ông mất đi, tấm lòng son sắt vì nước vì dân của vị khai quốc công thần Nguyễn Văn Thoại gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch khi nghe Võ Du ở Tào Hình Bộ tố cáo ông vì tội nhũng nhiễu của dân nhiều khoản.
Triều đình nghị án, ông bị truy giáng tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông là Nguyễn Văn Tâm bị lột ấn hàm, tất cả điền sản đều bị tịch thu phát mãi. Người con rể là Võ Vĩnh Lộc theo Lê Văn Khôi khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, vợ chồng Lộc bị bắt, vua Minh Mạng yêu cầu bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Lộc và ông.
Sau này, khi mọi việc được phơi bày, Võ Du bị khép tội vu cáo, bị cách chức, lãnh án lưu đày đi Cam Lộ. Mặc dù nỗi oan đã rõ nhưng ông vẫn chưa được giải oan, phải đến ngày 25/7/1924, vua Khải Định mới xét lại và chính thức truy phong ông là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
Trung Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét