Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Đệ nhất môn sinh của thầy Võ Trường Toản


Mộ Ngô Tùng Châu ở Gò Tháp
Cụ Ngô Tùng Thuật (86 tuổi, ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, H.Phù Cát, Bình Định) đang lưu giữ nhiều tư liệu ghi chép về ông Ngô Tùng Châu (1752 - 1801), vị công thần triều Nguyễn.

Anh em kết nghĩa với Võ Tánh
Cụ Thuật (hậu duệ đời thứ 7 của Ngô Tùng Châu) là người trực tiếp chăm sóc mộ, lo việc tế lễ Ngô Tùng Châu và bà Võ Thị Lội (1754 - 1838), vợ Ngô Tùng Châu. Gia đình cụ đang lưu giữ hai bản dịch sắc phong của Ngô Tùng Châu (bản chính đã bị mất), bài vị của bà Lội và các cặp đối liễn của Thượng thư Bộ binh Phạm Liệu, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo, Lâm Tăng Sum, Đốc học Ngô Lê Tố... và một bản chép tay bài Văn tế phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu do Thượng thư Bộ lễ thời Gia Long là Đặng Đức Siêu (1751 - 1810) biên soạn.
Gia phả của dòng tộc chép rằng Ngô Tùng Châu là con ông Ngô Tùng Trang, giữ chức Thơ lại phủ Phù Ly (nay là các huyện Phù Cát, Phù Mỹ của tỉnh Bình Định). Năm 1764, ông Trang được phong chức Tri điền tuấn sự, theo lệnh chúa Nguyễn vào Gò Công, mang theo 100 dân đinh đi khai khẩn ruộng hoang, quy dân lập ấp. Ngô Tùng Châu cùng vào nam với cha. Tại đây, ông theo học một nhà nho nổi tiếng đương thời là Võ Trường Toản. Trong một văn bia viết về tiểu sử của thầy Võ Trường Toản do đại thần của triều Nguyễn là Phan Thanh Giản soạn năm 1867 có đoạn: “Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh...”.
Năm 1770, Ngô Tùng Châu gặp Võ Tánh kết nghĩa anh em. Hai năm sau, Ngô Tùng Châu cưới em gái của Võ Tánh là Võ Thị Lội, hôn lễ được tổ chức tại tư gia Võ Tánh (ở xã Bảo Can, Gò Công). Từ đó, ông Châu được chúa Nguyễn Ánh trọng dụng, giữ các trọng trách quan trọng của triều đình.
Tháng 6 năm Giáp Thìn (1784), trong lúc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, ông Ngô Tùng Trang hồi hương cùng với vợ và 2 con của Ngô Tùng Châu là Ngô Tùng Quang và Ngô Tùng Hòa. Năm Kỷ Dậu (1789), cháu nội trưởng Ngô Tùng Quang bị bệnh mất, thứ tôn Ngô Tùng Hòa phụng tự ông bà, sanh con cháu nối nghiệp đến các đời sau.
Làm bề tôi trung
Lúc sinh thời, Ngô Tùng Châu nhiều lần can gián thẳng và được chúa Nguyễn Ánh khen và nghe theo. Theo Đại Nam thực lục (của Quốc sử quán triều Nguyễn), năm 1798, Nguyễn Ánh sai Lễ bộ Ngô Tùng Châu cùng nguyên Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông cung (thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả của Nguyễn Ánh). Khi Ngô Tùng Châu khiêm tốn từ chối, vua nói: “Đông cung là ngôi trừ nhị của nhà nước, kén người sư phó, không phải khanh thì không được, đừng nên từ chối”. Tùng Châu vâng mệnh, hết lòng nói thẳng, không giấu giếm nên Đông cung rất kính trọng.
Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh cho Tham tri Nguyễn Văn Mỹ được dự thờ ở đền Hiển Trung. Ngô Tùng Châu tâu rằng: “Mỹ làm quan chỉ ham vơ vét, nhiều người oán. Đặt đền Hiển Trung là để khuyên người trung. Mỹ là tiểu nhân như thế lấy gì để làm gương, xin đình việc ấy”. Chúa Nguyễn Ánh nói lời Ngô Tùng Châu “nghị luật rất đúng” nhưng vì thương ông Mỹ “có công theo hầu bên ngựa” nên không nghe theo.
Năm 1799, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh giao cho Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn đem quân thủy, bộ đến vây hãm thành để chiếm lại. Năm 1801, quân Nguyễn hết lương thực, khi Ngô Tùng Châu hỏi mưu kế, Võ Tánh chỉ vào lầu Bát Giác: đấy là kế của ta. Võ Tánh nói mình làm tướng nên không thể sống với giặc rồi khuyên Ngô Tùng Châu là văn thần nên sẽ không bị giặc giết, tìm cánh bảo toàn tính mệnh. Ngô Tùng Châu nói: “Trung ái là một, văn, vũ có kể gì. Tướng quân có thể vì nước chết về nạn, Tùng Châu này lại không thể làm bề tôi chết về trung ư?”. Ông về mặc triều phục, hướng về phía vua Nguyễn Ánh lạy rồi uống thuốc độc tự vẫn. Nghe tin Võ Tánh vô cùng nể phục, đến trông coi việc khâm liệm, đó là vào ngày 5.7.1801. Võ Tánh sai người gửi thư cho Trần Quang Diệu xin dâng thành, khuyên không nên giết hại quân lính vô tội và sau đó lên lầu Bát Giác tự thiêu vào ngày 7.7.1801.
Theo cụ Thuật thì năm 1802, Ngô Tùng Châu được vua Gia Long phong tặng Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Trụ quốc, Thái tử Thái sư, Quận công, tên thụy là Trung Ý. Năm 1831, Ngô Tùng Châu được vua Minh Mạng truy tặng Tá vận Công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, Thiếu sư kiêm Thái tử Thái sư, đổi tên thụy là Trung Mẫn, phong là Ninh Hòa Quận công.
Năm 1804, con cháu và triều Nguyễn cải táng mộ Ngô Tùng Châu từ thành Bình Định (thành Hoàng Đế cũ) về Gò Tháp (xã Cát Tài, H.Phù Cát, Bình Định) xây lăng và xây mộ bằng vôi khá khang trang. Hiện lăng và mộ của Ngô Tùng Châu đã bị hư hỏng nhiều do lâu ngày không được tu bổ, nằm lẩn khuất giữa rừng bạch đàn hoang vắng.
Hoàng Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét