Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Rừng Cầy, Hoà Hội, Sivotha

(BTNO) - Những cái tên cứ vang lên trong tôi, mỗi dịp lên Hoà Hội- xã biên giới của huyện Châu Thành. Dễ tìm thôi! Cứ theo đường liên xã Thành Long- Hoà Thạnh, đến ấp Lưu Văn Vẳng, chú ý nhìn bên trái sẽ thấy ngay tấm biển di tích bằng bê tông đúc đứng ở bên đường. 
Nhà bia tưởng niệm bộ đội Sivotha.
Những cái tên cứ vang lên trong tôi, mỗi dịp lên Hoà Hội- xã biên giới của huyện Châu Thành. Vào tháng 4.2016, dịp cúng đình Hoà Hội, những âm vang ấy giục giã tôi trở lại Rừng Cầy, Hoà Hội. Dễ tìm thôi! Cứ theo đường liên xã Thành Long- Hoà Thạnh, đến ấp Lưu Văn Vẳng, chú ý nhìn bên trái sẽ thấy ngay tấm biển di tích bằng bê tông đúc đứng ở bên đường.
Bia ghi các hàng chữ: “Di tích khoanh vùng bảo vệ/ Bộ đội/ Hải ngoại Sivotha”. Nhưng, thời gian ơi! Mới khoảng trên dưới 20 năm thôi mà bia bê tông đã nứt nẻ nhiều rồi. May, chữ khắc lõm nên dù đã bong sơn vẫn còn đọc được. Ngay sau bia, giữa ruộng mì còi cọc đã có một căn nhà mới. Thềm nhà cỏ cháy. Nhà như một trạm chốt tiền tiêu cho rừng cầy căn cứ địa phía bên trong. Rừng vắng. Nhà khoá cửa. Không thấy một ai giữa vùng rừng “bán sơn địa” vàng vọt màu cỏ cháy. Mà sao trong lòng lại vang lên hai tiếng: hy sinh! Có phải là do âm hưởng từ câu chuyện kể của chú Tám Hùng (Lê Việt Hùng), Trưởng Ban Liên lạc truyền thống của bộ đội Sivotha mỗi lần gặp chú? Đấy là chuyện ngày bà con Việt kiều ở Thái Lan chia tay, tiễn đơn vị Bộ đội Độc Lập số 1 Nam bộ về nước tham gia đánh Pháp.
Một cụ già phát biểu: “Nay chúng trở lại xâm lược đất nước ta lần nữa, các con hãy hy sinh lên đường cứu nước. Ba má nhắc lại: các con hãy hy sinh! Mọi người đồng thanh đáp lại 3 lần: Hy sinh! Hy sinh! Hy sinh!”. Có phải cũng vì âm hưởng hai tiếng hy sinh ấy không mà đồng chí Ngô Thất Sơn (một vị chỉ huy của đơn vị) đã căn dặn vợ: hãy đặt tên đứa con (còn nằm trong bụng mẹ khi ấy) là Hy Sinh? Ngày 25.10.2005, tôi đã gặp chị Hy Sinh tại di tích căn cứ Rừng Cầy Hoà Hội. Chị đã nhiều lần cùng đồng đội của cha lên viếng căn cứ Rừng Cầy, nơi có bia đá khắc những lời hào hùng về bộ đội Sivotha bất tử.
Nơi đây có đặt hai bức tượng cha của chị- anh hùng liệt sĩ Ngô Thất Sơn. Ông được giao làm Chỉ huy phó Bộ đội Độc Lập số 1 và sau này là Chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại 1 Nam bộ- tên chính thức khai sinh ở giữa Rừng Cầy. Ông hy sinh vào một ngày tháng 9 năm 1952. Tượng do những đồng đội thương yêu nhớ lại mà tạo dựng. Bản thân chị Hy Sinh cũng đi theo con đường của cha, trở thành phát thanh viên Đài Phát thanh giải phóng những năm kháng chiến chống Mỹ.
Rừng khô, những lối mòn ngập lá vàng rơi. Những cây gõ, cây cầy vẫn gắng gỏi vươn lên tạc trên nền trời những dáng hình quắc thước. Và lõm rừng có nhà bia ửng lên trong nắng. Chưa tới 20 năm mà mái nhà bia ngói đã sẫm màu rêu. Cái sân nhỏ lát gạch thẻ đã gần trở lại màu của đất. Chỉ có những hàng cột nhà bia vẫn đỏ tươi rừng rực. Và hai bức tượng vẫn toả sáng một ánh nhìn trên gương mặt người chỉ huy dũng cảm mà nhân hậu.
Tấm biển xanh chữ trắng trên một góc ngời sáng. Biển ghi: “Bộ đội Hải ngoại I- Sivotha là đơn vị đặc biệt của Vệ quốc đoàn Nam Bộ làm nhiệm vụ quốc tế, tình nguyện quân Việt Nam tại miền Đông Campuchia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ khi về nước, suốt 5 năm chiến đấu (1946-1951), Bộ đội Hải ngoại I, rồi đến Bộ đội Sivotha đều đứng chân ở Tây Ninh và lập căn cứ tại rừng Cây Cầy, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành… Đơn vị đã xây dựng nhiều căn cứ kháng chiến liên hoàn dọc theo biên giới, tạo lá chắn an toàn phía sau lưng các căn cứ chiến lược của Tây Ninh, đã góp phần đáng kể cho Tây Ninh và miền Đông Nam Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và còn ảnh hưởng rất tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này…”.
Ngược sông Vàm từ Bến Sỏi, bên trái là Hoà Hội.
Hình như còn một cái giếng nước cũ của căn cứ ở đâu đây, mà tìm không thấy. Lá rụng suốt mùa khô đã che phủ rồi chăng? Nghĩ tần ngần! Có lẽ Bộ đội Sivotha là mô hình vũ trang đặc biệt nhất, chỉ Việt Nam ta mới có? Nam bộ kháng chiến, đích thân Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam bộ cùng đồng chí Dương Quang Đông sang Thái Lan vận động Việt kiều và tìm vũ khí. Việt kiều đã đóng góp không chỉ bạc tiền mà còn trao cả những đứa con. Bộ đội Độc Lập số 1 đã hình thành nhờ thế. Văn bia ghi: “Chủ trương độc đáo, hợp lòng dân; ngày 10.8.1946, Bộ đội Độc lập số 1 Nam bộ ra đời gồm 105 chiến sĩ. Đồng chí Trần Văn Giàu trao “Quân kỳ, kiếm lệnh”; toàn quân tuyên thệ giữa rừng xanh tận vùng biên đất Thái (Xiêm)…”.
Trong bức thư đầy tình cảm viết cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Tây Ninh, xin lỗi về việc vì sức yếu mà không lên được buổi lễ khánh thành nhà tưởng niệm của di tích căn cứ khoảng năm 2002, GS Trần Văn Giàu đã viết: “Đơn vị bộ đội nầy là một cột mốc trong quá trình hoạt động dài hơn 70 năm của tôi sắp kết thúc. Cho nên tôi quý trọng lắm Bộ đội Hải ngoại số I. Tôi chắc là hôm nay, đông đảo các chiến sĩ đã mất và các chiến sĩ ít ỏi còn sống sẽ phê bình đồng chí Hoàng sao lại vắng mặt… Tôi sợ nhất là sợ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tỉnh Tây Ninh trách sao không đến được buổi lễ các đồng chí tổ chức, nhằm ghi công cho Bộ đội Hải ngoại số I, cho chú em Ngô Thất Sơn anh hùng, cho tinh thần yêu nước cao cả của Việt kiều ta ở Căm-pu-chia và Đông Nam Á trong suốt thời kỳ cách mạng và kháng chiến dài 30 năm… Tôi sẽ không quên báo cáo với Cụ Hồ, Bác Tôn rằng Tây Ninh đã ghi công xứng đáng cho Việt kiều yêu nước, cho những người con của Tổ quốc dù ở xa xăm mấy cũng thiết tha với quê hương”.
Đường mòn trong khu căn cứ địa.
105 cán bộ chiến sĩ đầu tiên ấy đã băng qua rừng già, sông suối về với quê hương. Bị giặc chặn đánh, bị lũ Mê Kông cuốn trôi, hy sinh một số đồng chí nhưng cuối cùng mọi người cũng đã tụ về bên nhau giữa rừng cầy Hoà Hội. Để đến tháng 10.1946, lễ hội quân và ra mắt lực lượng với nhân dân Tây Ninh đã tổ chức tại đây. Thanh niên Tây Ninh nô nức vào Đơn vị vừa tham gia tác chiến trong đội hình lực lượng vũ trang miền Đông, vừa làm công tác tuyên truyền, vũ trang vùng biên giới.
Hồi ký của đồng chí Lê Nguyên- Đội trưởng Đội biệt động vũ trang tuyên truyền của huyện Trảng Bàng những năm đầu kháng Pháp còn ghi nhớ vài trận tiêu biểu như: “Trận đánh đoàn xe vận chuyển và xe bọc thép của địch từ Sài Gòn lên Truông Mít. Có sự tham gia của một trung đội Hải ngoại 1 Ngô Thất Sơn. Địch thương vong 40 tên, ta thu 5 súng có 3 trung liên và 3 thùng lựu đạn vào năm 1948. Trận phối hợp liên quân A và chi đội 11 cùng một đại đội của Hải ngoại I đánh địch ở Tầm Lanh, Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, diệt hàng trăm tên, thu 20 súng v.v…”.
Từ một vùng biên cương máu lửa, hận thù, cả một tuyến biên giới Tây Ninh- Campuchia đã chuyển hoá thành miền biên cương hữu nghị, kết đoàn chống Pháp và bọn Việt Miên gian bán nước. Từ 1948, đơn vị Bộ đội Hải ngoại 1 đã phát triển tới 600 cán bộ chiến sĩ và được chấn chỉnh để trở thành Bộ đội Sivotha khu Đông Bắc Cao Miên, tức quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn. Đến tháng 4.1951, lực lượng Sivotha đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, để hoà nhập vào các lực lượng vũ trang miền Đông tiếp tục cuộc kháng chiến trên miền đất “gian lao mà anh dũng”.
Ngọn lửa Sivotha có lẽ đã nhen nhóm từ lịch sử 80 năm trước đó- từng có liên quân Trương Quyền- Pukompô lừng lẫy đất Tây Ninh (1866), giờ lại được cách mạng và nhân dân Tây Ninh giáo dục, giúp đỡ nên ngày một trưởng thành. Tinh thần ấy vẫn luôn ngời sáng trên một vùng biên cương đoàn kết và hữu nghị của ngày nay. Trên con đường liên xã biên giới Châu Thành, người xe qua lại; giữa những vạt rừng mùa khô xơ xác kia, vẫn có một ngọn lửa hồng lúc bừng sáng, lúc âm thầm nhưng suốt 70 năm qua chưa bao giờ tắt.
TRẦN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét