Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

5 món đặc sản dân dã ở Bến Tre

Bì cuốn, bánh canh bột xắt hay cháo cua đồng là những món ngon hiếm hoi chỉ có ở đất ba cù lao.
Món chuối đập làm nức lòng thực khách.
Bến Tre là nơi sản sinh ra những món ăn đặc trưng của đất Tây Nam Bộ. Tuy dung dị nhưng sự căng tràn phóng khoáng đã được gửi gắm vào từng món ăn dân dã như chính bản tính con người nơi đây.
Chuối đập
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường.
Món này cũng có thể tự làm ở nhà chỉ với một nải chuối và lò nướng. Chuối được lựa chọn phải là chuối Xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon. Một trái chuối cắt dọc rồi bỏ lên lửa than, nướng chừng 5 phút cho vừa ráo nước rồi đem xuống, bỏ vào “khuôn” có thể là một chiếc túi nilon rồi đập dẹp. Sau đó bỏ chuối lên nướng tiếp, lật liên tục để không bị khét cho đến khi màu chuối từ trắng đục chuyển sang vàng ngà, chuối đạt độ xốp nhất định, sờ vào thấy giòn thì lấy xuống.
Nước cốt dừa đun lên cho đến khi đặc quánh, thêm chút hành xắt để không ngấy là đã có ngay nước cốt để chấm với chuối đập rồi. Đây là món ăn chơi, mỗi đĩa bưng ra gần 10 lát mà giá chưa tới 5.000 đồng. Những ngày mưa lành lạnh, núp dưới mái dù của quán ven đường nào đó, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi xì xụp húp nước cốt tới muỗng cuối cùng.
Địa điểm gợi ý: Gánh chuối đập bên bờ hồ Trúc Giang, trước cổng bệnh viện Thị Xã, Bến Tre.
Bì cuốn
Miền Tây là xứ của các món cuốn. Bì cuốn cũng là tinh túy nằm một trong số đó. Món ngon vặt miền Tây này được chính xứ sở sản sinh ra nó đưa lên hàng đặc sản. Ngoài những thành phần phụ trợ cơ bản như rau, bún, thì bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng “bì” – hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Thịt ba rọi tách da rồi quay trên chảo, nêm nếm gia vị cho đến khi thịt chuyển màu vàng ngà rồi bắt xuống cắt đoạn nhỏ. Da luộc riêng rồi thái mỏng thành đoạn dài chừng 5 cm. Cũng có thể dùng tai heo để biến tấu thêm. Sau đó trộn hai thành phần trên lại rồi nêm nếm gia vị thêm một lần nữa cho vừa miệng, cho thịt sắc xuống đậm đà hơn.
/
Bì cuốn không dùng thịt hay tôm làm dùng bì - hỗn hợp thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Một thành  phần nhỏ quyết định gần như là “bản sắc” của món ăn này chính là thính. Để làm thính, phải dùng gạo rang lên cho đến khi cháy vàng rồi bỏ vào cối xay tiêu xay nhuyễn ra. Sau đó trộn thính chung với hỗn hợp thịt da ở trên làm cho bì không bị ngấy mỡ mà vẫn rất dễ ăn.
Để hỗn hợp thấm đều gia vị khoảng 15 phút rồi có thể chế biến món ăn ngay. Bánh tráng nem trải ra, bỏ nhúm bún, mấy cọng rau xắt nhỏ, một muỗng bì chấm nước mắm tỏi ớt thì không còn gì bằng. Ngoài bì cuốn, phần bì trên còn có thể làm món bún bì.
Địa điểm gợi ý: Tiệm bì cuốn gia truyền của bà Hai bên hông chợ Bến Tre.
Bánh canh bột xắt
Miền Tây là xứ sở của bánh canh bột xắt, những vùng khác còn gọi là bánh canh bột gạo. Tựu chung, nguyên liệu chính của món bánh canh này là bột gạo, tùy vào cách chế biến mà có tên gọi khác nhau. Để làm bánh canh bột xắt, người nấu phải cán bột ra thớt rồi xắt từng thanh mỏng bỏ vào nồi nên có tên gọi là bánh canh bột xắt.
/
Nước lèo trắng đục khiến bánh canh bột xắt không thể lẫn với bất kỳ món nào khác.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng. Nhiều nơi người nấu cho tép non hay tôm khô vào để nước ngọt hơn. Thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên làm cho bánh canh bột xắt khó mà lẫn được với các loại khác. Ở Sài Gòn và một số tỉnh thành khác cũng có phổ biến món này nhưng thưa thớt. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến Tre, đừng quên kêu thêm chén huyết nếp béo ngậy.
Địa điểm gợi ý: Dưới chân cầu Cá Lóc, phường 8, Bến Tre.
Cháo cua đồng
Về xứ ruộng mà không ăn cua đồng thì coi như chưa về ruộng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ruộng lúa bao la, cua đồng là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân miệt ruộng. Cháo cua đồng phải nấu trong nồi đất mới bài bản, theo như cách của lưu dân phương Nam từ xưa tới đây đã biết cách dùng nồi đất nấu nướng để giữ nguyên hương vị của món ăn.
/
Cháo cua đồng phải được nấu trong nồi đất để giữ hương vị đặc trưng của món ăn.
Cua đồng tách vỏ lấy gạch để nấu nước dùng, còn phần cua xay nhuyễn làm riêu cua. Cách làm này chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người dù ở Bắc hay Nam. Trong nồi cháo cua đồng ở Bến Tre, người ta thường cho cá, thịt, nấm, trứng vịt lộn, tôm. Quyết định cháo cua đồng ngon hay dở là ở rau ăn kèm. Cháo thường cùng rau đắng, ngắt đọt non bỏ vào nồi để vị đắng của rau át vị tanh của cá, cua. Thi thoảng, những ngày mát trời người ta còn bưng ra cho rổ rau đắng nhưng mát. Để tăng độ ngọt cho nồi cháo, rổ rau ăn kèm còn có mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí, bông thiên lý tùy mùa.
Địa điểm gợi ý: Dãy các quán ăn trên đường tránh quốc lộ 60, thành phố Bến Tre.
Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo không còn là món xa lạ với người Nam Bộ nhưng bánh xèo ốc gạo lại là món đặc sản của cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre). Cồn này là một trong những nơi hiếm hoi ở miền Tây có số lượng sinh sản của ốc gạo đông đảo nhất. Hàng năm, ốc gạo sinh sôi nhiều nhất vào tháng 4-5 âm lịch, nhưng con ốc gạo đạt đỉnh điểm về số lượng phải vào Tết Đoan Ngọ.
/
Bánh xèo ốc gạo là món đặc sản của cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre
Vào dịp này, khách du lịch các nơi đổ về để thưởng thức các món ngon làm từ ốc gạo. Loại ốc này có thể chế biến thành hàng chục món, từ luộc hấp đơn giản nhất đến bóp gỏi, xúc bánh xèo, chiên xào đủ loại. Trong đó, bánh xèo vẫn là món thông dụng và tiêu biểu nhất. Thay vì những nguyên liệu thông thường như tôm thịt, nấm mối, thì người ta có thể gắp miếng bánh, xúc muỗng nhân, bỏ vài cọng rau, miếng dưa chua rồi cuốn hết trong lá cách. Chấm nguyên cuộn bánh vô chén nước mắm tỏi ớt, con ốc gạo ăn sần sật ngòn ngọt cứ khiến người ta muốn làm thêm cuốn nữa.
Địa điểm gợi ý: Cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre.
Theo vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét