Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Đau xót kết cục bi thương của thái sư Lê Văn Thịnh

Sau hàng thế kỷ, kết cục bi thương mà thái sư Lê Văn Thịnh phải đón nhận vẫn khiến hậu thế đau xót.

Sau khi Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long năm 1010, việc xây dựng triều chính phải làm từ đầu, nền giáo dục nước nhà cũng từng bước hình thành.
Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta, gọi là "Minh kinh bác học và Nho học tam trường". Tại kỳ thi này, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. Ông trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước ta.
Theo bản thần tích lưu tại đền thờ tại quê hương ông ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, thái sư Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng Chạp năm Canh Dần (1050). Từ nhỏ, ông nổi tiếng hiếu học.
Đỗ đầu kỳ thi, ông được vào hầu vua học, sau đó thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076). Ông cũng là người có công cùng Lý Thường Kiệt tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077 thắng lợi.
Lưỡng quốc trạng nguyên và câu đố chết người
Chiến thắng quân xâm lược, ông được cử dẫn đầu phái bộ nhà Lý tranh biện với nhà Tống về chủ quyền biên giới Đại Việt. Bằng lý lẽ sắc bén, kiên quyết, đanh thép của mình, Lê Văn Thịnh buộc nhà Tống phải trả lại 6 huyện, 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ chiếm trước đây và cho thông sứ như cũ.
Với công lao to lớn đó, ông được phong thái sư, đứng đầu hàng quan lại triều Lý vào năm 1085. Lê Văn Thịnh đem hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới triều đại và canh tân đất nước.
Dau xot ket cuc bi thuong cua thai su Le Van Thinh
 Bức tượng rồng bằng đá tự cắn chân, xé mình - thể hiện nỗi đau của thái sư Lê Văn Thịnh - ở đền thờ Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) . Ảnh: Báo Bắc Ninh.
Nhưng khi đang ở đỉnh cao quyền lực, thái sư Lê Văn Thịnh rơi vào tấn bi kịch đau đớn với vụ án "hóa hổ" ở hồ Dâm Đàm đầy oan nghiệp, dẫn đến kết cục bi thảm năm Ất Hợi (1096).
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn như sau: “Bấy giờ, vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: 'Việc nguy rồi!'.
Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là thái sư Lê Văn Thịnh. Ông bị bắt và định tội. Vua nghĩ ông là đại thần có công lớn, lại là thầy vua nên không nỡ giết.
Ông bị tước hết quan chức, bị đày ở Thao Giang (thuộc Tam Nông, Phú Thọ ngày nay). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó và đến đây thì làm phản".
Theo lưu truyền, sau khi mãn hạn đi đày, ông tìm về quê hương. Đến chợ Điềng, xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh), ông dừng chân nghỉ và mất tại đây.
Người dân địa phương mến phục công lao to lớn của ông với đất nước nên đã chôn cất và sau đó tôn ông làm thành hoàng làng. Đến thời Lê sơ, vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê Trung hưng đã gia phong và khẳng định công lao của thái sư qua các sắc phong, bi ký ở đền thờ nơi quê hương ông.
Đến nay, sau hàng thế kỷ, nhiều tài liệu lịch sử chứng minh sự hàm oan của Lê Văn Thịnh và hậu thế vẫn đang tìm cách chứng minh sự trong sạch cho ông.
Phần lớn ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới kết cục bi thảm của Lê Văn Thịnh là sự xung đột giữa Phật giáo với những cải cách tiến bộ theo tinh thần Nho giáo của ông.
Lê Văn Thịnh gặp sự chống đối, ganh ghét là điều khó tránh khỏi và cuối cùng đã bị loại khỏi vũ đài chính trị một cách oan uổng.
Ngày 25/12/2015, tại lễ kỷ niệm 940 năm thái sư Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác học, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội sử học Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thân thế, sự nghiệp thái sư Lê Văn Thịnh”.
Tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu, khoa học đã công bố 18 bài viết, và đều nhận định: Thái sư Lê Văn Thịnh có nhiều cống hiến lớn lao cho dân tộc, là nhà ngoại giao xuất chúng, danh nhân văn hóa kiệt xuất và có tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước phát triển cường thịnh.


Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing

Vụ án hoang đường nhất thời Lý: Trạng nguyên... hóa cọp cướp ngôi vua

Lên tới chức Thái sư, nhưng sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh lại nhanh chóng tiêu tan chỉ vì một vụ án oan mang màu sắc hoang đường.

Từ cuối thế kỷ XI, nhà Lý đã chú ý đến nho học, cho mở khoa thi đầu tiên (Ất Mão 1075) và chọn được vị Trạng nguyên khai khoa ở nước ta. Đó là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, người vùng Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Ninh).
Vu an hoang duong nhat thoi Ly Trang nguyen... hoa cop cuop ngoi vua
(Ảnh minh họa) 
Trạng nguyên Lê Văn Thịnh nổi tiếng thông minh, đỗ đại khoa xong là có chỉ triều đình vời ra làm quan ngay. Ông được vào cung dạy Lý Nhân Tông - từ thuở bé, rồi tiếp đó đảm nhiệm các chức trách ở triều đình, dần dần lên đến địa vị Thái sư.
Năm 1084, sau cuộc chiến thắng quân Tống, vua Lý và Nguyên soái Lý Thường Kiệt thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, xin cùng với nhà Tống giảng hòa. Những việc đầu tiên thảo luận là vấn đề trao trả tù binh, phân chia địa giới, đòi lại những vùng đất mà quân Tống đã lấn chiếm trước đây.
Lê Văn Thịnh - lúc này còn giữ chức Lang trung binh bộ, được cử làm trưởng đoàn sang Tống đàm phán. Hội nghị đã họp vào tháng 7 năm Giáp Tý (1081). Phía nhà Tống cử viên sứ giả Thành Trạc đứng đầu. Nội dung cuộc tranh luận là bàn về chương giới thuộc hai châu Quy Hóa và Tuận An, cụ thể là đất Vật Dương, Vật Ác.
Chính tại cuộc hội nghị này, Lê Văn Thịnh đã nổi bật lên là một nhà ngoại giao kiên quyết lý lẽ vững vàng, thái độ cứng rắn. Lê Văn Thịnh nói rõ hai vùng đất ấy là của nước ta đã bị bọn tù trưởng ở biên giới nhân lúc lộn xộn đem nộp cho nhà Tống để mong tránh nạn binh hỏa, nay xin nhà Tống trả lại.
Phái đoàn Thành Trạc không chịu, lại luận rằng :
- Những đất khi giao tranh đã bị chiếm bây giờ đem trả lại thì đúng . Còn những đất mà người địa phương coi giữ đã xin quy phụ về thiên triều, thì không có lý gi phải trả lại .
Lê Văn Thịnh trả lời :
- Đất thì có chủ. Bọn được giao cho coi giữ mang nộp và trốn đi thì đó là đất ăn trộm. Chủ giao cho mà lại trộm của chủ, là phạm tội không tha thứ được. Kẻ ăn trộm và kẻ tàng trữ vật trộm cắp đều sai, huống chi bọn chúng lại mang đất trộm đến dâng là làm bẩn sổ sách của thiên triều!
Lời nói khéo léo mà nghiêm khắc của Lê Văn Thịnh đã làm cho bọn sứ thần nhà Tống phải hổ thẹn nhưng chúng vẫn cứ lằng nhằng. Cuộc tranh chấp đất đai này còn kéo dài nhiều năm về sau, có đến sáu lần thảo luận nữa mà không ngã ngũ . Nhưng Lê Văn Thịnh đã được triều đình rất kính phục. Ngay năm sau (1085) ông được thăng vượt cấp cử giữ chức Thái sư, quan đầu triều.
Nhưng có điều lạ là kết cục hành trạng của vị Thái sư Trạng nguyên này lại là những trang bi kịch. Một việc kỳ quặc đã xảy ra cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được rõ ràng.
Vào một ngày nọ, Vua Lý Nhân Tông cùng các triều thần dong thuyền dạo chơi trên Hồ Tây để hưởng lạc thú cảnh thái bình, sau những ngày chiến tranh chấm dứt. Thuyền ra đến giữa hồ thì sương mù tỏa xuống che cả đội thuyền ngự, ảo ảo mờ mờ. Đó là hiện tượng thiên nhiên quen thuộc ở hồ Tây.
Bỗng ngay giữa thuyền ngự, một con cọp ở đâu xuất hiện, nhảy vào đám đông, các quan và bọn lính ngự lâm thị vệ hoảng hốt dạt ra, cọp lao vào vua Lý Nhân Tông như sắp sửa vồ ăn thịt. Người lái thuyền, một ông chài can đảm và linh hoạt, vội vàng ném vào đầu cọp một cái lưới - tình cờ ông vớ được bên cạnh mình.
Lưới lùng nhùng bổ vây lấy cọp, làm cho nó lúng túng không thể thoát ra. Nhà vua và các tùy tùng được hoàn hồn, thì vừa lúc sương mù cũng giảm bớt, trông rõ mặt người. Bọn lính xông vào bắt cọp. Nhưng...không phải cọp ! Mà lại là...thái sư Lê Văn Thịnh đang loay hoay trong tấm lưới. Lập tức, Lê Văn Thịnh bị trói điều về để triều đình luận tội.
Kết luận không ai nói cũng rõ: Lê Văn Thịnh đã bị buộc là dùng phù phép để hóa thành cọp, toan giết vua cướp ngôi. Lẽ ra phải tru di tam tộc, nhưng Lý Nhân Tông nghĩ thương một vị đại thần đã có nhiều công lao trong các việc nội trị ngoại giao, lại là người có học hành uyên bác nên không bắt tội chết. Lê Văn Thịnh bị cách hết chức tước, đẩy vào Thanh Hóa. Ông trú ngụ tại đây và lập cơ ngơi mới ở vùng này. Có tài liệu cho rằng tiến sĩ Lê Quát (đời nhà Trần) là dòng dõi của ông.
Việc Thái sư Trạng nguyên Lê Văn Thịnh hóa hổ đến nay vẫn chưa ai giải thích được cho chính xác. Các nhà nho, các sử thần phong kiến ngày xưa đều kết luận là Lê Văn Thịnh đã có tham vọng cướp ngội tội rất nặng. Nhưng người ta vẫn không hiểu sao mà vua Lý lại xử phạt một cách khoan hồng. Một số nhà nghiên cứu đời sau không tin vào chuyện phi phép đã giải thích hiện tượng này một cách khác nhưng tên tuổi và giai thoại Trạng hóa cọp hay Thái sư hóa cọp thì vẫn tồn tại, lưu truyền cho tới bây giờ.

Theo VnTinnhanh





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét