Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Câu chuyện ly kỳ về vị thần y chữa khỏi bệnh phong cho Mỵ Châu công chúa

Lê Thái Dũng | 
Câu chuyện ly kỳ về vị thần y chữa khỏi bệnh phong cho Mỵ Châu công chúa

Khi nói đến Mỵ Châu, ta thường nhớ đến tấm thảm kịch mất nước thời An Dương Vương, truyền thuyết về nỏ thần, lông ngỗng… Nhưng vẫn còn câu chuyện lạ kỳ về nàng mà ít được nhắc tới.

Do đó không mấy người được biết chuyện công chúa Mỵ Châu xinh đẹp từng mắc bệnh phong và nhờ tài năng của một thần y mà căn bệnh quái ác đó đã được chữa khỏi. Câu chuyện kỳ lạ này gắn liền với một nhân vật được xưng tụng là Thần y Vương Ứng.
Sách Bách thần đất Việt dựa vào thần phả lưu giữ ở một số nơi thờ tự và truyền tụng dân gian tại Cổ Pháp (nay thuộc Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), Đoài Khu (nay thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương)… cho biết Vương Ứng quê ở trang Cổ Pháp, huyện Tiên Du, bộ Vũ Ninh.
Thân thế thần y
Cha của Vương Ứng là Vương Thạch, mẹ là Đào Thị Ngọc, đều là những người trung hậu, thuận hòa. Hai vợ chồng sinh được 7 người con trai, ai cũng tính khí hùng cường, nóng nảy, lại không thích nghề thuốc.
Mong muốn có người nối nghề nối nghiệp, hai vợ chồng ông bà đã đi lên núi Yên Tử lễ bái cầu tự, sau này bà Ngọc có thai rồi sinh được một người con trai vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần, vì cho là lời nguyện cầu của mình được ứng nghiệm nên họ đặt tên cho người con trai thứ 8 là Ứng.
Câu chuyện ly kỳ về vị thần y chữa khỏi bệnh phong cho Mỵ Châu công chúa - Ảnh 1.
Truyền thuyết gặp tiên trên núi Tản. Hình minh họa
Xuất thần từ một gia đình 3 đời nối nhau làm nghề thuốc nên khi còn nhỏ Vương Ứng đã thích đọc sách thuốc, tìm hiểu các phương thuốc gia truyền để kế thừa nghề thuốc của cha mẹ, chữa bệnh cứu người.
Ngoài ra ông còn học cả văn thơ, lý số, sử địa, môn nào cũng am tường cả. Năm Vương Ứng tròn 20 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời, từ đó ông theo nghiệp nhà, trở thành một lương y bốc thuốc chữa bệnh.
Vài năm sau, vì thấy y thuật của mình chưa cao, lại muốn chữa được những bệnh nan y mà nhiều thầy thuốc bó tay, Vương Ứng đã lên núi Ba Vì lễ bái tại đền thờ đức Thánh Tản Viên để cầu xin. Truyền rằng, trước lời khấn nguyện và tấm lòng thành của Vương Ứng, Đức Thánh Tản hóa thành một cụ già chờ sẵn ở lưng chừng núi.
Sau đó cho Vương Ứng một đạo bùa, một bầu đá. Đạo bùa phải luôn đeo bên mình, còn bầu đá dùng để chữa bệnh. Ông cụ còn dặn rằng, nếu gặp ca bệnh khó hãy giở đạo bùa ra thành tâm niệm chú, rồi hà hơi thổi vào bầu đá; khi có con vật gì từ bầu đá chui ra thì bắt, đem đốt lấy than hòa nước mưa cho người bệnh uống sẽ khỏi.
Ghi nhớ lời dặn đó, Vương Ứng từ biệt ông lão rồi xuống núi. Nhờ hai vật quý đó mà Vương Ứng đi khắp nơi chữa bệnh, tiếng tăm lừng lẫy, được người đời gọi là thần y.
Chữa bệnh cho công chúa
Bấy giờ, công chúa Mỵ Châu bị bệnh phong , từ mặt mũi, chân tay đến khắp người đều mọc đầy mụn đỏ, rất ngứa ngáy. An Dương Vương đã cho gọi rất nhiều thầy thuốc, danh y đến nhưng đều không tìm cách nào chữa khỏi được cho công chúa. Có người đem chuyện này nói với Vương Ứng, bảo ông đây là cơ hội trổ tài để được hưởng giàu sang, phú quý nhưng ông đáp rằng:
- Cái chí của tôi không phải ở sự giàu sang, mà chỉ mong chữa khỏi bệnh cho tất thảy mọi người.
Theo truyền thuyết, sau đó ông chuẩn bị khăn gói, hành trang đến kinh đô Cổ Loa xin xem xét bệnh tình của công chúa. Kỳ lạ thay, chỉ sau một ngày các nốt sân đỏ đều lặn hết, sức khỏe được hồi phục, công chúa Mỵ Châu nói năng vui cười như chưa hề mắc bệnh.
Thấy con gái khỏi bệnh, An Dương Vương mừng rỡ phong Vương Ứng tước Đại vương, cắt một số đất ruộng ở vùng Hồng Châu (nay thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) làm đất phong, lại ban cho ông nhiều vàng bạc, lụa là để trả ơn.
Được phú quý nhưng không lấy đó làm mừng, Vương Ứng đem của cải về trang Cổ Pháp chia đều cho họ hàng, dân làng, không kể thân sơ.
Sau đó ông đem gia đình về sống tại đất phong, dựng nhà ở Đoài Khu, trang Đông Các, đất Đa Cẩm của vùng Hồng Châu (nay thuộc xã Đông Xá, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Tại đây Vương Ứng có nhận một người từng được ông chữa khỏi bệnh tên là Nguyễn Hành làm đệ tử.
Câu chuyện ly kỳ về vị thần y chữa khỏi bệnh phong cho Mỵ Châu công chúa - Ảnh 2.
Sắc thuốc chữa bệnh. Hình minh họa – Nguồn: baobinhduong
Khi Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc, An Dương Vương nghĩ Vương Ứng không chỉ có tài chữa bệnh mà chắc còn giỏi nhiều pháp thuật khác nên đã gọi ông về triều sai đi đánh giặc. Vương Ứng cùng với các tướng tài như Cao Lỗ, Nồi Hầu…; lại có nỏ liên châu "Linh Quang thần nỗ" đem binh hùng tướng mạnh đánh cho quân giặc nhiều trận đại bại.
Triệu Đà biết không thể thắng được mới bãi binh giảng hòa, lại cho con trai là Trọng Thủy sang làm con tin, xin cầu hôn để lấy công chúa Mỵ Châu.
Biết đây là mưu sâu kế hiểm của Triệu Đà, các tướng đứng đầu là Cao Lỗ, Vương Ứng hết lời khuyên can nhưng An Dương Vương không nghe, vẫn tin rằng Triệu Đà có lòng thành thực nên chấp nhận hòa hảo, đem con gái gả cho Trọng Thủy và cho ở rể. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết:
Thục cơ tên gọi Mỵ Châu,
Gả cho Trọng Thủy, con đầu Triệu Vương.
Trăm năm đã tạc đá vàng,
Ai ngờ thế tử ra đàng phụ ân.
Tóc tơ tỏ hết xa gần,
Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi.
Bấy giờ các trung thần tướng giỏi vì can ngăn An Dương Vương nên người bị đuổi đi, người bất bình bỏ về quê.
Lại nói về Vương Ứng, từ khi rời khỏi Cổ Loa, ông về Đoài Khu cùng dân vui thú ruộng đồng, lại đi vân du đây đó chữa bệnh cho mọi người. Vài năm sau, thấy tuổi đã già, sức đã suy, Vương Ứng một mình trở lại núi Tản, gắng gượng leo lên đỉnh núi bày lễ vật khấn vái xong rồi mất.
Dân gian thì truyền rằng khi Vương Ứng vừa khấn xong thì có cơ gió lớn thổi đến, Thánh Tản Viên trong hình dáng của cụ già năm xưa, cưỡi mây hồng giáng xuống dẫn Vương Ứng bay lên trời. Hôm đó là ngày 10 tháng 10.
Tin Vương Ứng "hóa" được báo về triều, An Dương Vương nhớ công của ông đã sai dân chúng ở các làng dưới chân núi Tản và dân ở các thôn trang Cổ Pháp, Đoài Khu, Đông Trù, Thôn Điện… lập đền thờ Vương Ứng.
Về sau này, trong giai đoạn độc lập tự chủ, khi tục thờ Thành hoàng phát triển rộng, các làng trên đã tôn Vương Ứng làm Thành hoàng, lấy ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ, tổ chức tế lễ để tưởng nhớ ân đức của ông.
Tài liệu tham khảo:
1. Các vị thần thời An Dương Vương – NXB Quân đội nhân dân, 2010
2. Đại Nam quốc sử diễn ca- NXB Giáo dục, 2007
3. Đại Việt sử ký tiền biên- NXB Văn hóa thông tin, 2011
4. Thần Ngọc Nương – NXB Văn hóa dân tộc, 1999
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét