Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Chu Văn An được muôn đời tôn kính vì dám từ chức sau khi không xử tử được 7 gian thần



   Trong lịch sử nước ta có rất nhiều nhà nho yêu nước nhưng nếu phải chọn là danh sư tiêu biểu thì các sử gia và nhiều người đời sau đều chọn Chu Văn An. Thậm chí, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù có nhiều học trò là trạng nguyên cũng không bằng được.
Chu Văn An là tấm gương tiêu biểu của người thầy vì ông có tài học nhưng không màng chuyện làm quan mà chỉ coi việc dạy học trò là sứ mệnh cao cả nhất. Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Do tính tình thanh bạch như tấm gương sáng nên các học trò dù làm quan cao cũng rất kính nể thầy. Chu Văn An lại là người ghét gian tà nên học trò nào làm gì sai thì ông không gặp mặt, rồi mắng mỏ không chút tị hiềm.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép như sau: An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Như vậy, vua Trần Dụ Tông chính là học trò nổi tiếng nhất của Chu Văn An và cũng là người học trò khiến ông thất vọng nhất. Khi Chu Văn An vào Quốc Tử giám dạy học thì ông cũng chẳng mong cầu gì ngoài việc có thể đào tạo cho đất nước một minh quân. Nhưng ông sớm phải thất vọng.
Sau khi Thượng Hoàng Minh Tông mất, Dụ Tông được toàn quyền điều hành đất nước. Lúc đầu, hăng hái về chính sự, nhưng Dụ Tông lại thích hưởng lạc nhiều, xây dựng nhiều cung điện, thích đánh bạc, nuôi chim thú lạ khắp nơi, trong cung lại hiện ra khung cảnh hào hoa tráng lệ khác thường. Các học trò của Chu Văn An như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát tuy có năng lực nhưng không can gián được Dụ Tông bớt hưởng lạc mà chú tâm vào chính sự. Trong khi đó, gian thần hoành hành. Cận thần nhiều người bất tài, lo bế vua để lộng hành. Dân tình đói khổ. Nhiều trung thần nghĩa sĩ bị làm hại.
Với trách nhiệm của người thầy và cũng là một con dân Đại Việt,  Chu Văn An soạn và dâng lên vua Trần Dụ Tông để đề nghị chém 7 người mà ông cho là nịnh thần làm rúng động triều đình. Cao Bá Quát, con người cao ngạo và khí phách về sau cũng phải làm thơ để ca ngợi Chu Văn An và Thất trảm sớ có viết:
"Lôi đình bất toả cô trung phẫn
Quỷ mị do kinh thất trảm chương"
Dịch là
"Cô trung sấm sét không chồn chí
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng".
Hai câu thơ đó cũng tả được bối cảnh của thầy Chu lúc đó. Lòng trung của ông khi ấy gần như cô độc giữa triều đình và chịu bao áp lực như sấm sét nhưng ông không sợ hãy. Bản thất trảm sớ được dâng lên khiến bọn gian thần phải kinh hãi vì chúng không ngờ một ông giáo già lại dám 'một mình chống lại bè lũ tham quan nghiêng ngả triều đình'.
Nhưng Trần Dụ Tông không chuẩn tấu. Chính sự nhà Trần vì thế mà suy vi, thật là đáng tiếc lắm thay. Về phía Chu Văn An, sau khi ông không trừ được 7 tên gian thần thì lập tức cáo lão về quê chứ không cần khư khư ôm cái ghế đứng đầu Quốc tử giám. Nhiều lần vua Dụ Tông muốn mời ông ra làm quan lại nhưng ông quyết không đồng triều với bọn gian thần, cũng không nhận các bổng lộc của vua.
Khâm định Đại việt thông giám cương mục chép: Đến Trần Dụ Tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả. Bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, ông đến ở ẩn tại đấy. Những ngày đại triều hội thì vào kinh triều cận. Dụ Tông muốn  ủy thác công việc chính trị cho ông, nhưng ông từ chối không nhận. Bà Huệ Từ thái hậu nói rằng: "Đối với kẻ sĩ thanh tu, thiên tử còn không bắt làm bày tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta làm?". Mỗi khi nhà vua có ban thưởng gì, ông lạy tạ xong rồi, lại đưa cho người khác. Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao".
Chu Văn An không màng danh lợi, không sợ cường quyền, một lòng vì nước nên đời sau đều ca ngợi. Còn những bọn tham quan tàn dân hại nước bòn rút tham ô dẫu được chút vàng bạc thì đến lúc chết cũng chẳng mang được đi mà tiếng xấu còn mãi.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét