Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Giếng cổ Gio An và đặc sản rau trên đá

Ngọc Vũ 

(Dân Việt) Từ lâu, giếng cổ Gio An và rau xà lách xoong (rau liệt) đã trở thành đặc sản ở vùng đất xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những mạch nước ngầm trong xanh, mát lành từ giếng cổ không những cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nơi đây mà còn làm cho dân làng thoát nghèo nhờ đặc sản “rau trên đá”.

Dù hạn hán đến đâu thì nguồn nước giếng cổ Gio An không bao giờ cạn. Vì sao vậy? Đó là câu hỏi lớn mà các nhà khoa học chưa tìm ra lời giải.
Giếng cổ kỳ lạ
Theo giả thiết của các nhà khoa học, giếng cổ Gio An được hình thành vào khoảng từ thế kỷ IX - XI. Hệ thống giếng cổ Gio An có 14 giếng được đặt những cái tên rất chân quê gồm giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha), giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng), giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn), giếng Máng (thôn Long Sơn), giếng Pheo (thôn Tân Văn). Trong mỗi hệ thống giếng cổ lại có nhiều giếng khác nhau, tên gọi của giếng gắn liền với chức năng của nó. Ví dụ như trong hệ thống giếng Trạng có giếng Múc, người dân dùng gàu, xô… múc nước nên gọi như vậy. Giếng Nam dành riêng cho nam giới, còn giếng Nữ dành riêng cho nữ giới. Hay giếng Gái, giếng Son, dành riêng cho những cô gái còn son, chưa chồng mới được tắm (vì vậy giếng này nằm ở vị trí kín đáo).

 gieng co gio an va dac san rau tren da hinh anh 1
Rau liệt được tưới nhờ những dòng nước mát lành từ trong lòng đá.     
Khác với các loại giếng đào sâu vào lòng đất, giếng cổ Gio An nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác nước ngầm trong lòng đồi. Theo nguyên tắc bình thông nhau, các khối đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong giếng cao hẳn lên, từ đó tạo nên độ chênh với lòng mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng tràn ra ngoài.

Giếng cổ Gio An có hai dạng. Một dạng giếng có bể lắng và máng dẫn. Mỗi hệ thống giếng có 3 bậc. Bậc cao nhất là bãi đá rất rộng dùng để hứng nước, được xếp bằng đá cuội lớn, rất cứng. Từ bãi hứng này, nước chảy qua các máng được đẽo từ đá tổ ong và chảy xuống bậc thứ 2, gọi là giếng. Giếng cũng được xếp bằng đá cuội lớn, có độ sâu khoảng 1m. Từ giếng, nước sẽ chảy vào các mương dẫn tưới tiêu cho đồng ruộng bên dưới. Dạng thứ hai là những bể chứa được đào sâu và xếp bằng đá cuội lớn ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra. Năm 2001, hệ thống giếng cổ Gio An đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia.
Thoát nghèo nhờ rau trên đá
Nhờ có hệ thống giếng cổ, nước chảy quanh năm, trong xanh mát lành mà người dân Gio An đã được hưởng phúc ấm từ loại rau liệt đặc sản, vốn cực kỳ khó trồng. Ông Đoàn Văn Lợi trồng nhiều rau liệt ở thôn Hảo Sơn (Gio An) cho biết, trước đây khi chưa trồng loại rau này, người dân chủ yếu làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh, đi làm thuê, cuộc sống khó khăn trăm bề. Từ ngày trồng loại rau này, đời sống được nâng cao, nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo ông Lợi, không dễ trồng rau liệt vì loại rau này chỉ thích hợp nơi sạch sẽ, có nguồn nước mát lành, khí hậu phải lạnh, có sương vào buổi sáng sớm. Đặc biệt, đáy ruộng càng nhiều đá, rau càng phát triển xanh tốt, nên rau này được gọi là rau trên đá. Rau liệt không chịu sống với nước bẩn, đất bùn, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật...
Có mặt tại ruộng rau liệt của chị Phan Thị Thảo ở thôn Hảo Sơn, chúng tôi mới biết được loại rau này sạch đến cỡ nào. Sau khi cày xới đất, chị Thảo phải đợi nước trong vắt mới nhẹ nhàng thả rau giống xuống ruộng. Theo lời chị, ruộng trồng rau phải có độ nghiêng nhất định để nước lưu thông, chỉ cần một tí ứ đọng, nước bị vẩn đục thì cây rau sẽ úa vàng và thối rễ. Đặc biệt, chỉ cần một chút phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật vào thì chỉ sau 1 ngày, cây rau sẽ vàng lá và chết.
Ông Lợi cho biết mỗi m2 trồng rau liệt có thể thu 40-60 bó/năm. Mỗi bó bán ở chợ từ 4.000-6.000 đồng. Mỗi mùa trồng rau (từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 2 âm lịch) thu hoạch từ 5-8 lứa. Sau mỗi mùa rau, nhiều gia đình lãi trên 100 triệu đồng. “Gia đình tôi trồng hơn 4 sào rau (2.000m2), mỗi mùa rau liệt thu nhập ít nhất là 90 triệu đồng, có năm rau được mùa được giá thì lãi đến 120 triệu đồng. Tôi đang dự định mở thêm diện tích trồng rau để tăng thu nhập”.
Không riêng gì ông Lợi, nhiều gia đình ở xã Gio An cũng đổi đời nhờ rau liệt. Chủ tịch UBND xã Hồ Xuân Hải cho biết: “Nhờ trồng rau liệt mà đời sống các hộ dân trong xã trở nên khấm khá. Hiện trên xã có trên 100 hộ trồng rau liệt với diện tích gần 10ha. Trung bình mỗi sào rau liệt 500m2 người dân thu lãi trên 25 triệu đồng”.
Rau liệt có rất nhiều cách chế biến, như nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống và món đặc sản là rau liệt xào với thịt bò... “Hiện nay, rau liệt Gio An đã có mặt trên hầu khắp thị trường cả nước. Chúng tôi đang tích cực tạo thương hiệu rau liệt Gio An để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân trồng rau yên tâm sản xuất” – ông Hồ Xuân Hải cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét