Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Người Việt xưa thờ thần Lửa cầu an thế nào?

(Kiến Thức) - Để tránh các tai họa có thể xảy ra, người Việt xưa đã lập đền miếu để thờ phụng, cầu xin thần Lửa bảo trợ cho cuộc sống của mình được bình yên,

Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ hỏa hoạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Trên thực tế, xưa nay, hỏa hoạn luôn được xem là tai họa đe dọa cuộc sống con người. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, người xưa coi các hiện tượng đều do một hoặc một số vị thần linh được Thượng đế trao trách nhiệm cai quản, phụ trách như thần Mây, thần Sét, thần Núi.. và cả thần Lửa nữa. Để tránh các tai họa có thể xảy ra, con người đã lập đền miếu để thờ phụng, cầu xin các vị thần bảo trợ cho cuộc sống của mình được bình yên, tránh mọi rủi ro, bất hạnh.
Tục thờ thần Lửa cũng xuất phát từ quan niệm đó và sự sợ hãi trước những sự tàn phá ghê gớm do hỏa tai gây ra; tuy nhiên trên đất Thăng Long tục này không phổ biến rộng như tục thờ thần nước, thờ Sơn thần… Về mặt tâm linh, dân gian có nhiều truyền thuyết khác nhau về thần Lửa, trong đó có truyền thuyết về hai vị thần lửa là Nam Phương Xích Đế và Quang Hoa Mã Nguyên Súy; hay có nơi lại kể sự tích thần lửa theo thuyết của Trung Quốc với ba vị thần lửa là Chúc Dung, Viêm Đế và Hồi Lộc.
Hoặc theo truyện kể dân gian Việt Nam thì thần Lửa là một bà lão khó tính, luôn thè ra chiếc lưỡi đỏ lòm. Một lần bà đi vắng, có chàng trai phát hiện ra bếp lửa thần bèn vào nấu nướng ăn rồi ngủ quên. Bà lão trở về thấy vậy bèn dội nước làm tắt bếp rồi bỏ đi, chàng trai tỉnh dậy vội bới đống tro tàn để tìm lửa thì thấy còn một chấm lửa đỏ liền mang về nhà ủ để dùng. Một hôm chàng trai đi vắng, lửa bốc cháy vách nhà, người vợ vội dùng nước dội tắt lửa thần; từ đó người trần không còn lửa thần để dùng và rất sợ thần lửa nổi giận vì vậy dân gian đã thờ thần lửa để trấn giữ không cho lửa tung hoàng hủy hoại nhà cửa, tài sản của con người; tại kinh đô Thăng Long xưa có đền thờ thần lửa ở phố Nhà Hỏa.
Với niềm tin như vậy, vì thế tại kinh đô Thăng Long, từ thời nhà Trần đã cho lập ngôi đền thờ Hỏa thần để người dân thờ cúng cầu xin Thần lửa không gây họa. Việc thờ phụng tại đền Hỏa thần không chỉ là nghi thức bái tế, cầu vọng quốc thái, dân an, tránh hỏa hoạn của người dân kinh thành Thăng Long mà còn là sự nhắc nhở về tinh thần đề cao việc “phòng cháy, chữa cháy”.
Người dân còn tin rằng một số vị thần khác bằng sự linh ứng thiêng liêng đã phù trợ việc trừ hỏa tai, bảo vệ Thăng Long; trong bài “Đề Bạch Mã từ” của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải có đoạn ca ngợi thần Long Đỗ, vị thần trấn giữ phía Đông kinh thành, trong đó có đoạn như sau:
“Tích văn nhân đạo đại vương linh,
Kim nhật phương tri quỷ thiếp kinh.
Hỏa tụ tam khu phần bất cập,
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh”.
Nghĩa là:
“Đại vương xưa nức tiếng oai linh,
Nay mới hay rằng ma quỷ kinh.
Lửa tụ ba khu không cháy miếu,
Gió lay một trận chẳng nghiêng mình”.
Theo sách Việt điện u linh thì thần Long Đỗ rất linh thiêng, “trước đây ở phố chợ cửa Đông, ba lần phát hỏa, các nhà trong phố bị cháy hầu hết, duy chỗ đền thờ thần, lửa không bao giờ lan tới”.
Nguoi Viet xua tho than Lua cau an the nao?
 Đền thờ Hỏa Thần tại phố Hàng Điếu (Hà Nội). Nguồn ảnh: Hanoi.ws.
Hay như tại đền Đông Hương (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), theo thần tích của đền hiện lưu giữ tại Viện thông tin khoa học xã hội thì vào tháng 6 năm Tân Sửu (1601) ở kinh đô cháy lớn, lửa lan đến khu vực phố Hàng Trống, vua Lê lên lầu cao xem xét tình hình, thấy có một bà già đứng trên ngọn cây đa cầm cờ phất làm ngọn lửa tắt ngay; lại thấy trên cây muỗm gần đình có một ông già cầm cờ vẫy làm ngọn lửa tắt ngấm, nhờ thế khu vực Hàng Trống không có nhà nào bị cháy. Đêm sau vua nằm mộng thấy bà già mặc áo thụng xanh đến bái yết và nói rằng: “Khi phố bị lửa cháy, tôi có chút ít công lao”. Nói xong bà già biến mất, tỉnh dậy vua cho là thần phố Hàng Trống hiển linh nên sai tôn tạo lại đền và nhân thấy đền nằm ở phía Đông của kinh thành nên đặt thêm chữ Hương (hương thơm) đổi gọi là đền Đông Hương. Các triều vua sau tôn phong làm Ngọc Kiều phu nhân chi thần, Khiển Thiên chi muội (Ví như em gái của Trời).
Tới năm Đinh Dậu (1837), lúc này Thăng Long đã được đổi tên là Hà Nội, một vụ cháy khủng khiếp bùng phát thiêu đốt hơn 1400 ngôi nhà làm nhiều người dân thiệt mạng và bị thương, cả quan Tổng đốc thành cũng suýt chết cháy, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp! Cùng với việc tăng cường tính chủ động phòng cháy chữa cháy, một năm sau, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa Thần ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội thuộc địa phận thôn Yên Nội, Đông Thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương (nay thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông. quận Hoàn Kiếm) để thờ Quang Hoa Mã Nguyên súy (có tư liệu chép là Ngũ hiển Hoa Quang đại đế) vị thần mà theo truyền thuyết có khả năng trừ hoả tai. Trong đền còn đúc quả chuông để nếu có đám cháy thì đánh chuông lên báo động, cũng là để khấn gọi thần phù trợ dập lửa.
Thời Nguyễn vì kinh đô được chuyển vào Huế nên tại đây các vua Nguyễn cũng đã thiết lập nhiều công trình thờ tự khác nhau, trong đó các đền thờ các vị thần bảo trợ, riêng có thần Lửa chưa được thờ. Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Giáp Thân (1824), bấy giờ các đại thần ở bộ Lễ khi xét danh mục các đền thờ đã đề xuất dựng miếu tế Hỏa thần (thần Lửa). Trong bản tấu sớ có đoạn viết: “Nay nước nhà nhàn hạ, nên làm sáng tỏ việc lễ nhạc. Từ đại tự [tế lớn], trung tự đến quần tự, không có lẽ nào không được cử hành. Các quỷ thần sông núi đều yên vị, chỉ có thần Hỏa chưa được tế. Vậy xin lập miếu để thờ thần Hỏa”.
Vua Minh Mạng sau khi xem tấu sớ trình lên đã “làm theo lời tâu, sai dựng miếu ở phía Bắc sông Ngự, tế thần Hỏa vào ngày 23 tháng 6 mỗi năm” (Minh Mạng chính yếu).
Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét