Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Thời Trần đã có quy định về dùng xe, kiệu phải hợp chức tước



Kiệu 8 người khiêng của vua Lê trong sách của Baron
   Theo quy định năm 1254 được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, quyển 5, hàng tông thất cho tới các quan ngũ phẩm đều được ngồi kiệu, trong đó: Kiệu của tông thất đầu phượng, sơn son; kiệu của tướng quốc đầu vẹt, sơn đen; kiệu của quan tam phẩm trở lên đầu mây; kiệu của quan tứ, ngũ phẩm đầu bằng.
Thời xa xưa, giới quý tộc không có xe hơi thì thường đi lại bằng gì? Xe 4 bánh đánh giá đẳng cấp của thời xưa chính là kiệu. Khi nhìn vào kiệu thì người ta có thể biết được vai vế của người ở trong. Sứ giao tập kể năm 1293, sứ thần nhà Nguyên là Trần Cương Trung khi đến Thăng Long cũng phải ca ngợi kiệu của vua Trần dùng để ra vào cung cấm “ngồi loại kiệu đỏ, xung quanh màu son, tám người khiêng, rất hoa lệ”.
Vào thời Trần, kiệu bát cống đầu rồng là kiệu dành cho vua chứ quan lại chỉ dùng kiệu 4 người khiêng là cùng. Theo quy định năm 1254 được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, quyển 5, hàng tông thất cho tới các quan ngũ phẩm đều được ngồi kiệu, trong đó: Kiệu của tông thất đầu phượng, sơn son; kiệu của tướng quốc đầu vẹt, sơn đen; kiệu của quan tam phẩm trở lên đầu mây; kiệu của quan tứ, ngũ phẩm đầu bằng.
Thời Hậu Lê cũng có chép việc quy định dùng kiệu. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép "vua chúa xuất cung chỉ dùng kiệu rồng vàng, kiệu rùa vàng. Các quan thì dùng kiệu thất cống (bảy đòn), võng tam cống (ba đòn). Đồng thời cho biết, vua chúa quen ngồi kiệu đã lâu, thấy thoải mái dễ chịu nên bỏ quy chế xe cộ không dùng".
Trong An Nam tạp ký, sứ nhà Thanh là Lý Căn Tiên khi đến Thăng Long cũng tả việc đi kiệu, đi võng của người nước ta thời đó như sau: ”Người sang thì dùng lưới làm võng, hai người khiêng. Bậc đại tôn quý thì ngồi kiệu giống cái xe, lên kiệu thì khoanh chân ngồi, hoặc tám người khiêng, hoặc bốn người khiêng. Buồn cười nhất là phu kiệu, phu cầm lọng cầm quạt của vua đều cởi trần cả, chỉ dùng một khổ vải xanh quấn quanh eo, từ bẹn bó lên đến rốn, dù trời lạnh cũng không mặc áo, ai nấy hình dong đều béo chắc".
Samuel Baron, một lái buôn Hà Lan từng đến Thăng Long hồi thế kỷ 17 có viết A Description of the Kingdom of Tonqueen để giới thiệu Đàng ngoài với người Anh. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên viết về Việt Nam của người Âu và cũng là một nguồn tư liệu quý báu của chúng ta về đời sống Đàng ngoài thời Hậu Lê.
Trong cuốn này, Baron kể khá kỹ chuyện vua Lê, chúa Trịnh đi tế lễ. Cuốn đó có đoạn được tác giả Nguyễn Trọng Phấn dịch: vua lên kiệu, có nhiều lọng che và được tám tên lính khiêng qua các phố về đền cùng, theo sau là các quan mặc áo thụng đi bộ. Dọc đường vua vứt tiền cho dân nghèo đói ở các làng vua ngự qua, hay bọn cùng khốn đứng xem loan giá.
Cách sau vua một ít là chúa Trịnh ngồi voi to, có nhiều ông hoàng trong phủ liêu hay bên tôn thất, có nhiều võ tướng và đại thần đi kèm ai cũng ăn mặc lộng lẫy, lại thêm có ba bốn nghìn kỵ binh, trăm rưởi hay một trăm thớt tượng đóng bành lộng lẫy, một vạn bộ binh mặc quân phục may bằng hàng thêu tay. Thành thử về nghi vệ chúa lấn hẳn vua. Chúa cùng về một đường với vua, nhưng khi đến chỗ rẽ thì chúa đi quặt về vương phủ và để vua Lê thẳng lối về cung".
Cũng theo Baron thì ngay từ thời đó, Thăng Long cũng đã có chuyện kẹt đường. Ông kể "kinh đô Thăng Long đã tỏ ra chật chội. Chợ họp mỗi tháng hai kỳ vào những ngày mồng một và ngày rầm, mỗi lần có phiên chợ người các nơi đổ về đông chật đường đi, muốn nhích lên độ một trăm bước phải mất đến nửa tiếng đồng hồ".
Thời Nguyễn thì chuyện kiệu xe càng khắt khe. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, đã dành hẳn chương Nghi vệ (quyển 79) để miêu tả các loại xe kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi, số lượng xe kiệu cùng các nghi trượng đi kèm các loại xe kiệu này, tùy thuộc vào thời thế, địa vị và thứ bậc của người sử dụng.
Quan lại triều Nguyễn thì không được phép dùng xe kiệu mà chỉ ngồi võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm trật của vị quan ngồi trên võng. Võng bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm chỉ có 1 người vác lọng theo hầu.
Bắt đầu đến vua Khải Định thì có dùng xe hơi rồi theo trào lưu lịch sử, võng và kiệu đi vào viện bảo tàng.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét