Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Tục ném trứng trong tang ma người Hà Nhì

Nguồn: LangvietOnline

Như nhiều nhóm cộng đồng dân tộc khác, đồng bào dân tộc Hà Nhì rất coi trọng nghi thức trong việc tang ma, bởi họ quan niệm người chết là đang sống ở một thế giới khác.

Những công việc quan trọng trong tang lễ
Theo phong tục, sau khi cha mẹ chết, gia đình phải phá bàn thờ tổ tiên và dỡ bỏ tấm liếp cửa phụ ở góc nhà, chỗ cửa buồng ngủ và đưa người chết ra gian ngoài khâm liệm, không được đi qua cửa chính của ngôi nhà và phải che bếp lại để không cho bếp nhìn thấy. Nếu để ma bếp nhìn thấy người chết thì sẽ mang lại những điều không tốt cho gia đình. Sau khi khâm liệm người quá cố, quan tài được đặt ở gian bên cạnh của ngôi nhà, đầu hướng về bàn thờ vừa bị phá, nhiều vùng thi hài được đậy chiếu như tổ tò vò, phải đợi đến giờ tốt, ngày tốt mới đem đi chôn. Giờ tốt thường trùng với giờ lúc người chết tắt thở, bởi đồng bào quan niệm nếu không chôn vào giờ tốt, ngày tốt thì người chết sẽ tái sinh, đầu thai thành giống vật hung dữ quay trở về làm hại gia đình, làng bản.
Một trong những công việc quan trọng trong tang lễ là chuẩn bị đồ cúng, vùng Tây Bắc thường cúng gà nướng, nghĩa là gà không cắt tiết chỉ vặt lông rồi thui, vùng Lào Cai cúng gà để nguyên lông (sau khi đã cắt tiết) cùng một ống gạo. Trong thời gian quàn thi hài tại nhà thì con trai, con gái phải thay nhau túc trực bên cạnh. Việc dâng cúng cơm hàng ngày không được thực hiện ở đây mà được cúng tại gian giữa, nhưng cũng dâng ít đồ cúng và đặt ở phía đầu quan tài để người chết hưởng. Thi hài được đặt trong quan tài bằng thân cây to đã khoét rỗng, thường dùng gỗ cây hà tiên, gỗ giổi, gỗ mỡ để làm áo quan, có nắp đậy kín. Khe hở giữa nắp và thân được miết kín bằng sáp ong hay đất bùn.
Chọn đất bằng quả trứng
Người Hà Nhì không có nghĩa địa chung của bản. Theo phong tục, việc chọn đất mai táng phụ thuộc vào linh hồn của người chết, theo quan niệm thì linh hồn của người chết hiện diện vào trong quả trứng mà con cháu mang theo đi chọn đất chôn. Theo ông Lý A Hờ ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - nghệ nhân người Hà Nhì về sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ thì công đoạn đi tìm đất này tốn rất nhiều thời gian và công sức, người Hà Nhì tin rằng linh hồn người chết nhập vào quả trứng vì vậy trứng vỡ ở đâu nghĩa là người đó đã ưng ý chọn khu đất đó. Có nhiều gia đình vừa đi tìm đã chọn được đất luôn nhưng cũng có gia đình phải đi nhiều ngày, qua nhiều núi mà vẫn chưa tìm được đất lành, thậm chí mệt mỏi người nhà ném trứng vào đá mà trứng vẫn không vỡ. Câu chuyện nhuốm màu huyền bí pha chút hoang đường nhưng dường như nó lại thể hiện một cách chân thực sâu sắc yếu tố tâm linh trong việc chọn đất an táng của đồng bào Hà Nhì.
Chọn được đất rồi đến khi chôn cất cũng phải thực hiện một cách cẩn thận theo đúng phong tục. Người Hà Nhì rất kiêng kị việc lấp đất mà bị cỏ tươi rơi xuống huyệt, đó là quan niệm âm - dương tương khắc, cỏ tươi là biểu trưng cho sự sống, sự sống thì không “ở chung” với cái chết, không rào dậu hay dựng nhà mồ, đồng bào có tục xếp đá quanh mộ khoảng từ giữa mộ trở xuống nhưng họ không làm nhà táng. Tối hôm chôn tùy từng nơi có khi người ta sàng tro bếp ở trước cửa hay ở chỗ ngủ cũ của người chết để căn cứ vào những dấu hiệu in trên đó đoán xem người quá cố sẽ hóa thành con gì.
Một số kiêng kị
Ở Tây Bắc đồng bào không chôn người chết vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, tháng 9 âm lịch vì sợ người chết sẽ biến thành hổ về hại người và gia súc trong bản. Nếu nhà nào có người chết vào những tháng trên, theo phong tục cũ họ treo quan tài trong huyệt. Huyệt không lấp đất, phía trên có lều che mưa nắng. Cũng có khi người ta chỉ đặt quan tài trên một giàn (có mái hoặc không mái) cao khoảng 1m - 1,5m dựng trong rừng, hết mùa mưa mới đem chôn.
Người Hà Nhì kiêng chôn người chết vào ngày mồng một hàng tháng vì theo quan niệm của đồng bào đó là ngày lẻ ngày mặt trăng mọc. Nếu chôn vào những ngày ấy người chết sẽ sống lại không phải toàn thân mà chỉ từng bộ phận trong cơ thể như chân tay... và đó là mối họa cho dân bản.
Không chỉ người Hà Nhì mà còn nhiều cộng đồng tộc người khác rất coi trọng nghi thức những điều kiêng kị trong tang ma, người Việt coi trọng lễ cải táng, người Tây Nguyên có lễ hội Pơ thi... tất cả những nghi lễ đó đều thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của người sống dành cho người thân yêu của mình khi sang thế giới bên kia./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét