Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Hai nhà yêu nước nằm chung nấm mộ


Nấm mộ chung với tấm bia bằng chữ Hán ghi tên hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao VânẢNH: B.N.L
Khu lăng nằm trên đồi Từ Hiếu, mặt hướng ra đường Lê Ngô Cát (thuộc P.Thủy Xuân, TP.Huế hiện nay) của hai nhà yêu nước Trần Cao Vân - Thái Phiên. Nơi đây, hai chí sĩ nằm chung nấm mộ.
Họ là đồng chí và nơi yên nghỉ cũng hòa chung không bao giờ tách rời. Khu lăng mộ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1990.
Hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày mất của hai chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân và Thái Phiên (17.5.1916), chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, các nhà nghiên cứu lịch sử, bà con dòng tộc ở Quảng Nam, Đà Nẵng... vẫn thường xuyên đến dâng hương, tưởng niệm. Câu chuyện hai nhà yêu nước được an táng chung nấm mộ là chuyện hy hữu cảm động của lịch sử liên quan đến nhân vật thứ 3, đó là nữ đồng chí của họ trong phong trào Việt Nam Quang Phục Hội, bà Trương Thị Dương.
Thái Phiên, sinh năm 1882, quê ở làng Nghi An, nay thuộc Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Năm 1904, ông tham gia phong trào Đông Du, sau đó là Duy Tân. Trần Cao Vân sinh năm 1866, quê ở làng Tư Phú, xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Theo Dư địa chí Thừa Thiên-Huế, đầu năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân là hai nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân nhưng kế hoạch bị bại lộ. Cả hai cùng một số đồng chí khác bị thực dân Pháp bắt trên đường lên căn cứ vào rạng sáng 4.5.1916. Ngày 17.5.1916, hai ông đã bị thực dân Pháp xử chém tại Cống Chém (An Hòa, TP.Huế) và bị chôn lấp cùng một chỗ.
Đưa hài cốt hai liệt sĩ về một chỗ
Tháng 6.1925, bà Trương Thị Dương là đồng chí của hai ông trong Đảng Việt Nam Quang Phục Hội đã bí mật đưa hài cốt hai ông từ An Hòa về chôn gần tháp Hòa thượng Kiết Mao (xã Thủy Xuân). Sau đó 11 ngày, việc cải táng có nguy cơ bị lộ, bà lại bí mật dời hài cốt hai ông qua chôn chung một mộ tại vị trí trên đồi chùa Từ Hiếu ngày nay. Năm 1956, bà Dương đã dựng bia mộ cho hai ông với dòng chữ “Trần Cao Quý Công - Thái Duy Quý Công chi mộ”.
Chuyện bà Dương bí mật di dời hài cốt của hai nhà chí sĩ yêu nước cũng đã được bà thuật lại với con cháu như sau: “Ngày mùng 5 tháng 5 năm Ất Sửu (25.6.1925), tôi cùng đứa cháu gọi tôi bằng dì, là Đặng Khánh Di, đến chùa Đại Trung gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự chùa. Ông Cảnh giục tôi đi ngay. Ba giờ sáng hôm sau, chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài của hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ, y có người con bị bệnh, nên làm chòi ở ngay bên cạnh mộ, vừa giữ mộ vừa trông con. Tới nơi, tôi cho thằng nhỏ bị bệnh ấy 3 đồng, trả cho Thủ Tỵ 6 đồng, và thuê 5 người nữa cùng với Thủ Tỵ, 24 đồng, nói trớ đó là mộ của ông chú tôi. Hốt hài cốt lên, tôi lấy giấy tinh (loại giấy trắng dùng viết chữ Hán) bỏ vào hai thùng đầy, rồi lánh qua cửa Chánh Tây ngồi đợi. Sau đó, bảo ông Thủ Tỵ phải gánh cốt qua cửa Chánh Tây thì mới trả đủ tiền, vì chỉ mới trả trước 12 đồng. Nhận được hài cốt, tôi trả đủ tiền rồi thuê hai chiếc xe kéo; một chiếc chở tôi và hai hũ hài cốt, một chiếc chở Đặng Khánh Di và Nguyễn Hữu Cảnh. Đến chùa Châu Lâm, tôi đặt hài cốt lên bàn, thắp hương ngồi canh giữ. Đến sáng, tôi nhờ Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tinh; lại thuê gánh nước đến, tôi rửa sạch hài cốt hai cụ. Lúc bị chém, cụ Trần mặc áo vải dù, vải còn dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm mộ, hết 4 đồng. Ai dè, mới cải táng được 11 ngày thì Thừa Phủ hay tin, phái lính đến canh giữ chặt hai ngôi mộ. Nhờ có người báo tin, qua ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự tại chùa, tôi thừa lúc đêm khuya, thuê 5 người đào lên, đem hài cốt hai cụ chôn nơi khác, nhưng để tránh sự dòm ngó, chôn thành một nấm. Ở chỗ mộ cũ, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu trở lại kỹ càng, làm như chưa từng có ai đụng chạm đến”. Bà Trương Thị Dương qua đời ngày 14.7.1957, nhằm ngày 27.6 năm Đinh Dậu tại quê nhà.
Năm 1992 di tích ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân được nhà nước cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo khang trang với đài tưởng niệm cao 4,3 m, ngôi mộ xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn là nấm đất sỏi hình tròn, trước mộ là tấm bia dựng từ năm 1956. Toàn bộ ngôi mộ, đài tưởng niệm nằm trong hình chữ nhật 7,2 x 7,6 m, chung quanh có lan can bao bọc.
Di tích quốc gia bị lấn chiếm
Khu vực lăng mộ đã xảy ra việc chôn cất mồ mả tự phát. Toàn bộ lối đi và phía trước mặt của khu mộ chung hai nhà yêu nước đã bị người dân chôn cất chằng chịt, khoảng đất trống phía bên phải di tích cách đây 5 năm không có mồ mả, nay đã lấp đầy mộ. “Chúng tôi đã đề nghị với các cơ quan chức năng phải tháo dỡ để trả lại cảnh quan cho di tích cấp quốc gia có ý nghĩa lịch sử quan trọng này. UBND TP.Huế cần tiến hành xác lập phần di tích, không để tình trạng xâm phạm cứ mãi tái diễn ở di tích này”, PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, bức xúc. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, cho biết khi bàn giao di tích này cho TP.Huế quản lý, đơn vị đã trao đầy đủ hồ sơ di tích, trong đó có biên bản khoanh vùng bảo vệ có đủ chữ ký của các bên liên quan.
Bùi Ngọc Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét