Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Trang phục của đồng bào Cao Lan

Nguồn: LangvietOnline

Trang phục của người Cao Lan được chia ra làm hai loại khác nhau đó là trang phục ngày thường và trang phục ngày hội. Trang phục trong đám cưới của đồng bào Cao Lan cũng không khác ngày thường là mấy.

Trang phục ngày thường
Trang phục nam giới: có màu chàm hoặc nhuộm màu đen, kèm theo một chiếc mũ nồi. Ngoài mũ, áo và quần còn có guốc làm bằng gỗ. Nhưng chỉ đi guốc vào các buổi lễ, tết, ma chay, cưới xin. Còn các ngày thường thì họ đi chân đất.
Trang phục nữ giới: thì phức tạp hơn trang phục của nam giới, trang phục nữ giới gồm có: khăn đội đầu, áo, váy, xà cạp, thắt lưng, vòng cổ, khuyên tai, vòng tay và hộp dao. Áo của phụ nữ Cao Lan chủ yếu là màu chàm hoặc đen, là kiểu áo tứ thân, được may một hàng cúc chéo. Cúc áo được đóng ở sườn áo, cúc bên tay phải là người phụ nữ đã có chồng, còn cúc áo được đóng bên bên tay trái là phụ nữ chưa có chồng hoặc góa chồng, để phân biệt phụ nữ chưa có chồng với phụ nữ góa chồng ta nhìn vào tay đeo vòng của họ. Người góa chồng hoặc chồng mất thì họ đeo hai cái vòng bạc ở cả hai tay, còn phụ nữ chưa có chồng thì chỉ đeo một chiếc vòng bạc ở tay trái mà thôi. Vào ngày hội hè, lễ tết họ thường đi guốc mộc (kịch) còn ngày thường là đi chân đất.
Trang phục trẻ em: Cả con trai và con gái, đều được may theo kiểu của người lớn tuy nhiên màu sắc quần áo của trẻ em có thể nhuộm nhiều màu khác nhau nhưng cũng đều là màu tối cả. Trẻ con thì thường đeo vòng cổ, không đeo vòng tay và khuyên tai, vì vòng cổ có quan niệm là gắn với sinh mạng của đứa trẻ hơn và để trừ tà cho đứa bé, mặt khác là đeo vòng ở cổ thì không dễ mất như đeo ở tay và tai thì trẻ con hay đánh mất hơn.
Trang phục ngày lễ
Vào các ngày lễ, tết hay hội hè thì trang phục của nam giới, nữ giới, trẻ em cũng không khác gì so với ngày thường, tuy nhiên vào ngày lễ tết hay hội hè thì họ sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình để tham dự hội hè, lễ tiết.
Còn trang phục của thầy cúng thì được thay đổi tùy theo ngày lễ như vào ngày tiệc đình, cúng đình thì chủ đình phải mặc bộ quần áo của ông “Từ Đình” đó là một chiếc áo dài được may như áo tứ thân của người kinh, áo được may dài gần đến gót chân, quần cũng dài theo chiều dài của áo và Từ Đình phải đội thêm chiếc mũ nồi. Đeo một đôi giày bằng vải cũng được may bằng vải đen không được trang trí hoa văn. Nếu trong tang ma thì quần áo của thầy cúng lại khác và có hai loại. Đối với thầy cúng là một bộ quần áo được may bằng vải chàm, áo cũng được may theo kiểu tứ thân ngoài ra có một dây thắt lưng được thắt kèm theo một hộp dao dắt theo dải thắt lưng đó để thầy cúng cài một con dao hoặc một cái kiếm để làm phép trong tang ma, và thêm vào đó là một dải khăn cũng được may bằng vải chàm, được thầy cúng buộc ngang đầu và được buộc lại ở một bên trái thái dương của thầy cúng. Nếu đám tang đó là đàn bà thì được thắt ở bên phải.
Ngoài bộ trang phục của thầy cúng, thì còn bộ trang phục của thầy xay, bộ trang phục này chỉ được mặc nếu gia đình sau khi có tang ma có điều kiện làm nhà xe (nhà hoa) cho người đã mất thì bộ trang phục này mới được thầy cúng mặc và được gọi là thầy xay (thầy phù thủy). Bộ trang phục này rất độc đáo và được trang trí rất nhiều hoa văn màu mè khác nhau. Giống như chiếc nhà hoa được trang trí cho người đã khuất. Thân áo được trang trí rất nhiều hoa văn khác nhau nhưng nổi bật lên đó là màu đen xen kẽ với nhau, thầy xay phải đeo một đôi giày vải, mũi giày nhọn và đôi giày cũng được trang trí hoa văn như áo và thầy xay còn đội thêm một chiếc mũ được làm bằng giấy có các dải tua đen, vàng, xanh, đỏ buông xuống mặt và bộ quần áo thầy xay không có dải dây thắt lưng, được mặc xuông như vậy.
Còn trong đám cưới thì trang phục của cô dâu chú dể cũng không khác gì quần áo ngày thường nhưng tất cả mọi thứ đều phải mới trong ngày cưới và cô dâu phải đội một cái nón mới và chú dể cũng phải đội một cái mũ mới khi đi đón cô dâu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét