Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Những con đường ngắn nhất Sài Gòn

Sài Gòn không chỉ biết đến nhờ những Trung tâm thương mại hoành tráng, những khách sạn hạng sang bậc nhất, những tòa nhà cao ốc trọc trời,… mà đâu đó còn có những con đường nhỏ, thật ngắn nằm ẩn mình trong những khu phố có tuổi đời cả trăm năm mang những nét bình dị, đặc trưng riêng của người Sài Gòn.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đầu tiên phải nói đến là con đường Đường Đỗ Văn Sửu (nằm ngay cầu Chà Và , quận 5) với chiều dài chỉ 45m. Con đường này nằm trong khu vực buôn bán sầm uất của Chợ Lớn - Sài Gòn ngày xưa. Cộng đồng dân cư ở đây cũng chủ yếu là người Hoa, sinh sống ở Sài Gòn từ rất lâu đời. Đường này bán chủ yếu các mặt hàng cơ khí, phụ kiện của ô tô. Theo những người sống lâu năm ở đây, việc buôn bán này chỉ diễn ra sau năm 1975, trước đó, khu vực này vốn là khu dân cư.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Đinh Lễ (quận 4) chỉ dài 56m. Toàn bộ con đường này là không gian của chợ Xóm Chiếu. Ngôi chợ này còn là một trong những điểm ăn uống nổi tiếng của Sài Gòn.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Đinh Lễ còn biết đến là con đường duy nhất chỉ có 1 số nhà là trụ sở Ban quan lý chợ Xóm Chiếu.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Ở vị trí thứ 3 là con đường Phú Định (quận 5), dài khoảng 65m, nằm giữa 02 con đường Nguyễn Án và đường Lương Nhữ Học. Nổi bật là đền Phú Nghĩa Hội quán, thờ Trần Thương Xuyên - người có công đưa người Hoa định cư ở miền Nam từ năm 1679. Con đường này thuộc khu vực sinh sống của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM cũng như là một phần của Chợ Lớn ngày xưa.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất và bán lồng đèn. Những chiếc đèn lồng, mái nhà xưa cũ khiến nhiều người liên tưởng đến giống khu phố cổ Hội An khi đi vào con đường Phú Định nhất là vào dịp lễ Tết Trung Thu.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Nguyễn Thiệp (quận 1) dài 90m. Có thể nói đây là một trong những con đường ngắn và lâu đời nhất Sài Gòn, gắn liền với quá trình phát triển của Thành phố từ khi người Pháp vào. Vào thời Pháp có tên là đường Carabelli. Sau này chính quyền Sài Gòn đổi tên Nguyễn Thiệp. Sau năm 1975 đường vẫn giữ tên cũ, hiện nay đường giới hạn bởi đường Đồng Khởi phố đi bộ Nguyễn Huệ.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Chỉ dài hơn con đường Nguyễn Thiệp một chút là đường Hưng Long (Quận 10), dài 92m. Đường bị giới hạn bởi đường Nguyễn Chí Thanh và Đào Duy Từ, nằm đối diện với nhà máy bia Sài Gòn. Không ai rõ con đường này có từ khi nào. Con đường ngắn nhìn như một con phố nhỏ rất yên bình.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Tương tự là con đường Huyền Quang (quận 1), dài 94m. Con đường ngắn, hẹp nên dễ bị lầm tưởng là hẻm. Dù vậy, tuổi đời của con đường đến cả trăm năm nay. Ngày xưa có tên gọi là đường Génibrel, rồi đổi tên là Huyền Quang từ năm 1955. Được biết, Génibrel là tên một giáo sĩ người Pháp đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Pháp.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Nguyễn Hữu Thân (quận 5), dài 95m, dẫn ra ngay cổng chính chợ Bình Tây, khu chợ sầm uất bậc nhất của cộng đồng người Hoa. Phía sau đường là bến xe Chợ Lớn. Hai bên đường, là những hộ kinh doanh của người dân buôn bán rất nhộn nhịp, tấp nập.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Phan Văn Đạt (quận 1) dài 103m cũng là một trong những con đường lâu đời của Sài Gòn. Đường nằm ngay góc công trường Mê Linh và Mạc Thị Bưởi. Được biết Phan Văn Đạt là người sĩ phu yêu nước có số phận khá bi đát, ông mất khi tuổi đời chỉ vừa tròn 33 tuổi.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đằng sau chợ Tân Định là con đường Mã Lộ, cũng hình thành từ lâu đời. Con đường dài 105m, giới hạn bởi đường Bà Lê Chân - Nguyễn Hữu Cầu. Cái tên Mã Lộ có từ khi đường ra đời năm 1928. Đúng như cái tên,ngày xưa đường cho xe ngựa đi hoặc chỗ để đổ xe ngựa chuyên chở hàng hóa tạm dừng nghỉ ngơi lúc đang bốc dở hàng hóa. Sau đó, khi các loại xe động cơ được nhập về, hình ảnh những cỗ xe ngựa chở người chở khách dần lui vào dĩ vãng, nhưng cái tên Mã Lộ vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Ngoài ra, ở Sài Gòn còn rất nhiều con đường rất ngắn mới mở như ở khu vực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) có đường Hoa Thị (dài 38m), Hoa Lài (dài 43m), Hoa Trà (dài 44m),... Tuy nhiên các con đường trên chỉ vừa mới mở còn biết người biết đến , không mang nhiều về ý nghĩa lịch sử.
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Hoa Lài (43m) 
cong đường ngắn nhất, đường Sài Gòn, ngắn nhất
Đường Hoa Thị (38m)


Đinh Quang Tuấn.

Vị tổng trấn cho xây Khuê Văn Các, chợ Đồng Xuân

Khuê Văn Các, chợ Đồng Xuân, cột cờ…, các công trình biểu tượng của Hà Nội đều được xây dựng dưới thời Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, khởi công từ những năm 1804-1805.
Nguyễn Văn Thành là khai quốc công thần của vua Gia Long, có quân công hạng nhất, từng được giao giữ chức Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công. Về văn nghiệp, ông nổi tiếng ở vai trò Tổng tài soạn thảo Hoàng Việt luật lệ (thường được gọi là bộ luật Gia Long) và Tổng tài biên soạn Quốc triều thực lục. Trong số nhân vật dưới thời vua Gia Long, hiếm có vị quan nào văn võ toàn tài như vậy.
Nguyễn Văn Thành sinh năm 1758, tại Gia Định, quê gốc ở Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Đại Nam thực lục, bộ sách ghi chép sự tích các nhân vật nổi bật thời nhà Nguyễn (Sơ tập, quyển 21), nêu rõ: "Thành trang mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ". Từ năm 1773, ông cùng cha là Nguyễn Văn Hiền theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chống lại quân Tây Sơn, sau đó theo phò Nguyễn Ánh cho đến khi thống nhất đất nước năm 1802.

Tượng Tổng trấn Nguyễn Văn Thành tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế. Ảnh: wikipedia
Nhiều câu chuyện được chép kể về công trạng của Nguyễn Văn Thành, như khi phụ tá cha đi lấy thóc ở Sông Cầu (Phú Yên), bị quân Tây Sơn phục kích, ông lùi lại sau trận, sai người đội thóc giơ đòn gánh lên làm vũ khí, treo áo làm cờ, đánh trống hò reo giả làm quân cứu viện, khiến quân Tây Sơn phải lui binh.
Năm 1787, Nguyễn Ánh bị đánh thua, phải chạy ra đảo Thổ Chu, bị hết lương ăn, Nguyễn Văn Thành đem quân cướp thuyền buôn của Hạ Châu đi qua. Bị lái buôn chống cự rất dữ, ông cũng bị vài vết thương nhưng vẫn cố nhảy lên cướp được thuyền gạo mang về cho quân ăn.
Trong những chiến dịch cuối cùng của Nguyễn Ánh đánh lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành được trao quyền Tiết chế, từ Nguyễn Huỳnh Đức trở xuống đều chịu quyền sai khiến. Vua Gia Long lên ngôi, ông được giao giữ chức Tổng trấn Bắc thành, cai quản toàn bộ các tỉnh miền Bắc từ Ninh Bình trở ra, với lời phủ dụ "Việc Bắc Thành đều giao cho ngươi cả". Ông cai quản Bắc thành cho đến năm 1810.
Khi nhậm chức, ông “phủ trăm họ, chiêu dụ hào kiệt, những Hương cống Tiến sĩ đời Lê đều đến cửa, ông lấy lễ hậu đãi, nên ai cũng vui làm việc”. Trong những công việc cụ thể, ông cho quy hoạch lại thành Thăng Long, trong Hoàng thành, lấy cửa Đoan Môn, điện Kính Thiên làm chuẩn, phía trước dựng cột cờ gọi là kỳ đài cao một trăm thước ta (40 m), lấy đó làm hiệu lệnh trong quân.
Cột cờ bắt đầu dựng năm 1805, mãi đến năm 1812 mới hoàn thành. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, hiện vẫn được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Về việc hoạch định phố phường, ông chia các doanh, vệ ngang dọc như bàn cờ, đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính Đông (chợ Đồng Xuân ngày nay), phân chia quán xá, đường đi thật vuông, thẳng. Chợ lúc đầu chỉ làm bằng tre gỗ, mãi đến thời Pháp thuộc mới được xây bằng gạch với những hồi tường vòm hiện nay.
Ông cũng cho tu bổ Văn Miếu, xây thêm Khuê Văn Các, với kiến trúc đặc sắc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát. Cửa và thanh gỗ tạo hình sao Khuê tỏa sáng, tượng trưng cho văn học. Đây cũng là biểu tượng đặc trưng cho thành phố Hà Nội.

Khuê Văn Các, biểu tượng của Hà Nội.
Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cũng là người đề cập đến quy định “nhiệm kỳ” cho quan lại: “Thành dâng sớ, xin định 3 năm làm 1 khóa, quan phủ huyện 3 năm không có lỗi điệu bổ chức khác. Đến 6 năm mới xét giỏi kém định truất nhắc”.
Sử nhà Nguyễn khen ngợi Nguyễn Văn Thành là người "Biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu, vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích".
Về tài cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị tướng "phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”.
Khi lâm trận, ông “dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua”. Đến khi đảm đương công việc Tổng trấn Bắc Thành thì được khen là “không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước”.
Năm thứ 7 (1808), Bắc Thành tứ trấn trộm giặc nổi dậy như ong, ông sai thuộc tướng chia đường tiến đánh, ở trong thành chỉ lưu lính vài trăm người, 2 thớt voi, và nói với bộ thuộc rằng chỉ bấy nhiêu quân voi xem giặc có dám đến không. Quan quân tiến đánh lớn nhỏ 36 trận mới dẹp yên được. Ông làm sách công trạng dâng lên vua, được thưởng 20.000 quan tiền.
Tuy văn võ toàn tài, có nhiều công trạng như vậy, nhưng Nguyễn Văn Thành cùng cả gia đình lại chịu kết cục bi thảm, nguyên nhân cũng bởi không biết chiều ý nhà vua.
Khi được triệu về kinh, do lỡ lời khi bình luận về việc chọn huyệt mộ cho vua Gia Long, vua bắt đầu không thích ông, sau này khi gặp chuyện của con trai là Nguyễn Văn Thuyên, vua mới đem các lời nói ấy ra để luận tội.
Khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất, vua muốn hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) làm chủ tang (hoàng tử là con ruột của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu họ Trần, chỉ là con nuôi Thừa Thiên Cao hoàng hậu họ Tống), Nguyễn Văn Thành đã ngăn cản. Ông muốn lập Hoàng tôn Đán, con hoàng thái tử Cảnh, lên làm thái tử, trong khi vua muốn lập hoàng tử Đảm, nên càng khiến nhà vua khó chịu.
Năm 1815, con của ông Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên, vì một bài thơ ý nghĩa mập mờ bị vu cho là có ý phản nghịch, bị môn hạ tố giác với quan Bộ Hình là Nguyễn Hữu Nghị, rồi tố cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt vốn có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành, nên tố lên vua. Lúc đó, vua cho sự việc chưa rõ ràng, nên chưa xử.
Đến năm 1816, nhân việc nắm áo vua van nài xin xử lý rõ ràng sự việc bị quần thần hãm hại, Nguyễn Văn Thành mới bị vua ghét, cấm vào chầu. Vua giao Lê Văn Duyệt tra tấn Thuyên, Thuyên sợ phải nhận tội, cha cũng phải nhận tội theo. Vua nghĩ Nguyễn Văn Thành là đại thần, thu ấn cho về ở nhà riêng. Năm sau, ông lại bị hậu duệ vua Lê là Diên tự công Lê Duy Hoán vu cha con Nguyễn Văn Thành rủ mưu phản, nên bị nhốt vào ngục, rồi uống thuốc độc tự tử, thọ 60 tuổi.
Lúc này vua mới xem tớ biểu trần tình của Nguyễn Văn Thành để lại mà khóc, tha cho các con, cho tiền lụa hậu để an táng.
Mãi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), vua mới xuống chiếu rửa tội cho Nguyễn Văn Thành để khuyến khích người có công.
Lăng mộ của Nguyễn Văn Thành ở Thủy Phương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, tuy không đồ sộ nhưng vẫn giữ được những nét hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Theo Lê Tiên Long/Vnexpress.net

Liệu bạn đã biết đến sự tích gắn liền với việc ra đời ngõ Cấm Chỉ này chưa?

Gabe
Liệu bạn đã biết đến sự tích gắn liền với việc ra đời ngõ Cấm Chỉ này chưa?

Mang trên mình cái tên rất độc, Cấm Chỉ là 1 con đường ngắn, thông giữa phố Hàng Bông và Tống Duy Tân. Nhưng liệu các bạn đã biết vì sao người ta lại đặt cho nó cái tên này?

Để hiểu tường tận hơn sự tích này, chúng ta cần lật lại lịch sử 1 chút. Vào đầu thế kỷ 16 là thời điểm có phần rối ren của xã hội, lúc này, vua Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung hãm hại, cướp đi ngôi báu.
Theo người xưa kể lại, trong thời gian bị giam lỏng, biết mình khó qua nổi đại nạn lâm đầu nên vua Lê Chiêu Tông đã để lại "giọt máu hoàng tộc" với 1 người phụ nữ dân gian. Sau này, bà hạ sinh 1 đứa bé và đặt tên là Chổm (tên thật là Lê Duy Ninh).
Do sống trong cảnh nghèo khổ từ nhỏ nên cậu bé thường phải làm lụng thêm cùng mẹ để trang trải cuộc sống. Nhưng lạ là, sau mỗi chiều đi làm về, Chổm thường ăn ở những gánh hàng nhỏ, nhưng cứ hàng nào có cậu ngồi thì khách đến đông, đồ bán chạy như tôm tươi, còn những chỗ khác thì ế chỏng chơ.
Liệu bạn đã biết đến sự tích gắn liền với việc ra đời ngõ Cấm Chỉ này chưa? - Ảnh 1.
Phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ thông với nhau.
Chính vì được coi là người mang may mắn nên Chổm thường được các bà chủ cho ăn chịu, chỉ cần ghi nợ là được bởi chắc chắn kiểu gì hôm đó cũng đông khách. Cứ như vậy, thành thói quen, cậu nợ ngày một nhiều nhưng cũng có lời hứa sau này làm ăn phát đạt nhất định sẽ trả đủ.
Không bao lâu sau, trung thần của triều cũ là Nguyễn Kim tìm và đón được 2 mẹ con Chổm về và tôn làm vua. Trên đường trở về kinh thành, những bà chủ cửa hàng trước đây cho Chổm ăn nợ ghi sổ nhận ra, ùn ùn kéo đến chỉ chỏ đòi nợ, có cả những người không biết gì cũng hùa theo.
Mà Chổm ăn nợ nhiều, làm sao nhớ hết mặt bao nhiêu con người phía trước để mà trả, thế nên quyết định miễn thuế 1 năm cho nhân dân trong vùng, coi như đó là để xóa nợ xưa. Đồng thời cho viết 1 bảng ghi "Cấm Chỉ" đặt ở gần của Nam để cấm dân tình sau này thấy vua không được chỉ chỏ đòi nợ nữa.
Và cũng từ đó, đoạn đường ngắn năm nào được đặt tên thành Cấm Chỉ, nay nó nằm giữa phố hàng Bông và Tống Duy Tân.
Tuy nhiên, còn 1 cách lý giải khác về cái tên này. Theo đó, nó là lối vào Dương Mã Thành, tức là 1 bộ phận của của Đông Nam, thường cấm không cho người dân qua lại sau khi đã có trống, chiêng báo chiều tối.
Ngoài ra, nếu so trên bản đồ cũ, Cấm Chỉ nằm gần cửa Nam, trên con đường từ Hoàng Thành đi ra, vua và các đại thần thường đi lại có quân lính hộ tống nên khi có đoàn kiệu, võng xuất hiện, luôn cấm người dân qua lại nơi này.
Tạm kết:
Dù chỉ là 1 con phố nhỏ ở trung tâm Hà Nội, nhưng Cấm Chỉ lại có rất nhiều những sự tích khác nhau để lý giải về tên gọi của nó cũng như lịch sử hình thành. Ngày nay, nó là 1 trong những tuyến phố sầm uất với nhiều hàng quán ăn uống nhất thủ đô.
theo Trí Thức Trẻ

Khi bài thơ Tây Tiến thành niềm cảm hứng di tích

Khi bài thơ Tây Tiến thành niềm cảm hứng di tích
(PLO)- Lần đầu tiên, tôi thấy một bài thơ thành niềm cảm hứng kiến trúc cho Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm...
Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, Sơn La vừa đưa vào hoạt động ngày 20-8-2016.
Nhỏ gọn, độc đáo và mang nhiều ý nghĩa đối với du khách quan tâm lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng ngày xưa và lữ khách mê những áng thơ bất hủ của Quang Dũng. Một nhà thơ mà theo cảm quan riêng, tài hoa nhất trong thế hệ nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 và để lại cho văn chương Việt Nam những bài thơ thời chiến hay nhất: Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến...
Khi bài thơ Tây Tiến thành niềm cảm hứng di tích  - ảnh 1
Khu nhà đặt văn bia tưởng niệm được mô hình hóa thành bốn lưỡi lê, vút cao lên trời xanh. Đó là hình ảnh của những người lính sau những ngày hành quân leo muôn trùng dốc, vượt muôn trùng đèo, chiến đấu khốc liệt lại có những giây phút ít ỏi chụm mũi súng để cùng ngơi nghỉ.
Khi bài thơ Tây Tiến thành niềm cảm hứng di tích  - ảnh 2
Khu hoài niệm thiết kế một đài vọng tưởng được bao quanh bằng kính trong suốt, tượng trưng cho vẻ đẹp sương khói hư ảo của núi rừng Tây Bắc.
Sự độc đáo và đáng ngưỡng mộ khi bài thơ Tây Tiến thành chủ đề sáng tạo của di tích. Từ bậc thang ý nghĩa Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm..., đến Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, những cây ngọc lan và đồi vọng tưởng để các chàng trai chiến sĩ Hà Nội hào hoa Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm; khu nhà đặt văn bia tưởng niệm được mô hình hóa bốn lưỡi lê vút cao lên trời xanh Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Trong nhà trưng bày, bên cạnh tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có tượng thi sĩ - chiến sĩ Quang Dũng khá đẹp và bài thơ Tây Tiến bi-hùng đi vào lòng người... 
                                                                                 Mộc Châu, 31.10.2016
TIẾN ĐẠT

Theo chân nhóm bạn 9x khám phá suối Năm giữa ngày hè nóng nực

(Emdep.vn) - Nhóm bạn này đã có thời gian gần 1 ngày thong dong leo núi và tắm suối tại một địa điểm còn khá hoang sơ tại Quảng Ninh.
Trong một chuyến đi mới đây, cậu bạn Lê Hoàng Hà (sinh năm 1993, quê ở Quảng Ninh) cùng những người bạn đã khám phá 1 địa danh ở quê hương mang tên suối Năm. Suối Năm còn có tên gọi khác là Vườn cảnh treo tranh (Đồng Đăng, Việt Hưng, Hạ Long).
Theo chân nhóm bạn 9x khám phá suối Năm giữa ngày hè nóng nực
Hoàng Hà cùng nhóm bạn vui chơi tại suối Năm.
Trong chuyến đi này, Hoàng Hà đồng hành cùng nhóm bạn thân. Họ đều có sở thích đi du lịch nhưng do điều kiện công việc khó sắp xếp đi xa nên họ cố gắng tìm những điểm gần, đẹp, lạ. Chuyến đi trong ngày chính là gợi ý thích hợp cho nhiều bạn trẻ không có dư thời gian.
Hoàng Hà kể trước chuyến đi bản thân đã tìm hiểu về địa danh suối Năm qua một đồng nghiệp của người bạn. Khi thực hiện hành trình này, ấn tượng đầu tiên của cậu là đường đến khu vực này khá khó tìm. Đó cũng là kỉ niệm khó quên của nhóm khi 2 lần bị rẽ nhầm đường và đang trong hành trình thì nhóm gặp cơn mưa khá to khiến ai cũng muốn quay về. Nhưng lúc dừng chân tại điểm đến thì cả nhóm đều vỡ òa sung sướng vì cảnh vật vô cùng đẹp, lạ khiến mọi người quên hết mệt mỏi.
Theo chân nhóm bạn 9x khám phá suối Năm giữa ngày hè nóng nực
Một số hình ảnh thiên nhiên bình dị nơi đây.
“Ngoài tắm suối, đến suối Năm bạn có thể leo núi ngắm cảnh, ăn uống. Bạn nên leo núi trước, mất khoảng thời gian 1 tiếng rưỡi sẽ được ngắm những khung cảnh hoang sơ dọc đường đi vô cùng lạ mắt, sau đó trải nghiệm cảm giác tắm suối vô cùng tuyệt vời”, Hoàng Hà hào hứng kể lại chuyến đi của mình.
Về kinh nghiệm ăn uống ở đây, cậu bạn cũng gợi ý có món gà nướng rất ngon, đã niêm yết giá 250.000 đồng/kg. Vé vào cửa người lớn là 30.000 đồng, trẻ em là 20.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Bạn có thể thuê nấu đồ ăn, mang đồ ăn theo thì tính phí 30.000 đồng/kg.
Theo chân nhóm bạn 9x khám phá suối Năm giữa ngày hè nóng nực
Theo chân nhóm bạn 9x khám phá suối Năm giữa ngày hè nóng nực
Tắm suối sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm thú vị.
Là nơi hoang sơ và chưa nhiều người biết đến nhưng theo Hoàng Hà cũng như nhóm bạn này, suối Năm là địa điểm bạn nên trải nghiệm trong mùa hè cùng những người bạn của mình.
Mời độc giả cùng xem thêm 1 số bức ảnh tại địa danh này do Hoàng Hà ghi lại: 
Nguyệt Minh

Cuối tuần bỏ trốn thị thành tới ốc đảo Vạn Buồng cắm trại

(Emdep.vn) - Cách thành phố Đà Nẵng 37km theo đường 610A đi Nam Phước, “ốc đảo” Vạn Buồng là điểm đến lý tưởng dành cho du khách nghỉ dưỡng cuối tuần.
Vạn Buồng nằm gần như tách biệt giữa hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam rất thích hợp cho lịch trình trải nghiệm cuối tuần.
Cách thành phố Đà Nẵng 37km theo đường 610A đi  Nam Phước, từ ngã ba Nam Phước chạy về Mỹ Sơn 7km sẽ gặp Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (hay còn gọi là nhà thờ Núi) bạn chỉ cần rẽ phía tay trái hỏi đường đến thôn Vạn Buồng.
Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam
Ấn tượng ban đầu về Vạn Buồng là cây cầu Vạn Buồng do ông Tráng - người có công đầu trong việc kêu gọi quyên góp xây dựng, thực hiện ước mơ của người dân được đi lại thuận tiện. Cái tên Vạn Buồng nghe rất lạ lẫm, bởi trước đây khu vực này được xem là "xóm biệt lập", "xóm ốc đảo".
Ngày xưa chưa có cầu, dưới sông là hàng vạn chiếc thuyền qua lại, trên bờ là những cô gái đôi mươi ươm tơ dệt lụa. Đất phù sa màu mỡ, nghề chăn tằm phát triển, các cô gái ở lại dọc bờ sông để tiện cho công việc, dần dần xuất hiện những buồng tắm do nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Có lẽ vì thế mà cái tên Vạn Buồng xuất hiện và tồn tại đến bây giờ.
Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam
Cây cầu được bắt ngang một nhánh sông Thu Bồn, nước sông ở khu vực này nông, nhưng có rất nhiều cá. Men bờ sông là bãi cỏ xanh rì đẹp như tranh thủy mặc, thích hợp cho việc cắm trại trong dịp nghỉ cuối tuần.
Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam
Với khung cảnh thanh sơ và yên bình bao quanh cùng thảm cỏ xanh mướt trải dài khắp lối, nhiều người ví von là "ốc đảo Vạn Buồng".
Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam

Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam
Người dân thân thiện và hiền lành, bạn có thể sử dụng thuyền nhỏ của họ đi qua sông chụp ảnh, cùng nhau tát nước bắt cá.
Mảnh đất này trồng rất nhiều ớt, thứ gia vị đặc sản được giã nhỏ với chút muối tinh chấm miếng cá nướng chính tay bạn bắt.
Khám phá thảo nguyên xanh ở Ốc đảo Vạn Buồng – Quảng Nam
Nếu bạn may mắn sẽ được người dân chia sẻ thức ăn như gà, ngô. Bên cánh đồng xanh yên ả, họ sẽ kể bạn nghe câu chuyện về mảnh đất này, nơi ngày xưa một vùng chiêm trũng, muốn đi giao thương với làng bên phải chèo thuyền. Sự khó khăn nghèo nàn là thế, nhưng họ vẫn sống hạnh phúc với những điều giản dị, chân chất mà họ có. 

Cuối tuần bỏ trốn thị thành tới ốc đảo Vạn Buồng cắm trại
Thời gian như trôi chậm lại để những ai tới đây đều có những phút giây an lành. Ốc đảo Vạn Buồng sẽ là điểm đến mà ai cũng muốn một lần ghé thăm, gói trọn khoảnh khắc về một cuộc sống yên bình.


Lưu ý khi đến cắm trại ở Vạn Buồng

- Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm đẹp của năm, thời tiết mát mẻ thích hợp những chuyến dã ngoại để khám phá.

- Mang theo giấy tờ đầy đủ cùng các thiết bị có chức năng định vị dẫn đường.

- Nên tìm hiểu thông tin, tập quán những vùng miền để thể hiện sự gần gũi với người dân địa phương. 

- Luôn giữ vệ sinh môi trường không xả rác sau khi cắm trại.
Ảnh: Trí Trịnh
Dương Thanh